Giới tinh hoa qua đời hàng loạt tạo thêm áp lực cho cuộc khủng hoảng quyền lực của ông Tập
Bước sang năm 2023, ông Tập Cận Bình đang phải đương đầu với một trong những cuộc khủng hoảng quyền lực cấp bách nhất do đợt bùng phát dịch COVID-19 vượt ngoài tầm kiểm soát. Thêm vào đó, lượng lớn ca tử vong trong tầng lớp quan chức và giới tinh hoa gần đây đã dẫn đến nhiều lãnh đạo cao cấp hơn trong nội bộ Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) trở nên bất mãn đối với các chính sách của ông Tập.
Hồi đầu tháng Mười Hai năm ngoái, chế độ của ông Tập đã đột ngột dỡ bỏ các hạn chế cực đoan về phòng chống dịch bệnh, chấm dứt chính sách “zero COVID” kéo dài ba năm, mà không có sự chuẩn bị đầy đủ về y tế cũng như không đưa ra cảnh báo trước. Hành động quay ngoắt 180 độ này đã gây ra một đợt bùng phát lớn, với số người tử vong tăng đột biến.
Trong số những ca tử vong đó, có rất nhiều người là chính trị gia, quan chức cao niên, cũng như các học giả và nhà khoa học hàng đầu trong các lĩnh vực khác nhau, những người đã từng là những người bảo vệ trung kiên của chế độ Cộng sản và nền tảng cai trị của đảng này. Lấy ví dụ, trong tháng đầu tiên mở cửa trở lại, hai trong số các trường đại học danh tiếng nhất ở Trung Quốc, Đại học Bắc Kinh và Đại học Thanh Hoa, đã công bố khoảng 200 cáo phó của các giảng viên và giáo sư.
Chuyên gia về Trung Quốc sống tại Hoa Kỳ Thạch Sơn (Shi Shan) nói với The Epoch Times hôm 04/02, “Điều này khiến các đối thủ chính trị của ông Tập có cớ để buộc ông ấy phải chịu trách nhiệm.”
Nhưng việc các quan chức và giới tinh hoa tử vong hàng loạt trong đợt bùng phát COVID chỉ có thể là khúc nhạc dạo đầu cho sự sụp đổ quyền cai trị của ông Tập và Đảng Cộng sản Trung Quốc, theo ông Thạch.
Cấy ghép nội tạng
Đáng chú ý, ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy hầu hết các quan chức và giới tinh hoa qua đời trong những ngày gần đây đều đã được cấy ghép nội tạng trong suốt cuộc đời của họ. Một số người thậm chí từng cấy ghép nhiều nội tạng. Hầu hết họ đều được hưởng các đặc quyền y tế suốt đời.
Một trường hợp tử vong điển hình là ông Cao Chiêm Tường (Gao Zhanxiang), cựu phó chủ tịch Hiệp hội Văn học Nghệ thuật Trung Quốc (CFLAC), người được chẩn đoán nhiễm COVID trước khi qua đời vào ngày 09/12/2022.
Vị quan chức cấp thứ trưởng này đã tuyên bố rằng hầu như không có “bộ phận” nào trong cơ thể ông là của chính ông, nghĩa là nhiều nội tạng của ông đã được cấy ghép.
Một trường hợp khác là nhà văn quân sự Tiêu Vân (Xiao Yun), người nhiễm COVID hồi giữa tháng Mười Hai năm ngoái và qua đời vào cuối tháng 01/2023, hưởng dương 48 tuổi. Theo một bản tin hôm 30/01 từ hãng truyền thông NetEase của Trung Quốc, ông Tiêu vừa trải qua một cuộc cấy ghép thận cách đó không lâu thì được chẩn đoán nhiễm COVID.
Ông Tiêu là tác giả của nhiều cuốn sách tuyên truyền cho ĐCSTQ.
Vào ngày ông Tiêu nhiễm COVID, ông đã đăng trên tài khoản Weibo có 1.5 triệu người theo dõi của mình, bày tỏ lòng biết ơn đối với nhà cầm quyền này vì đã “bảo vệ tôi trong ba năm.”
Một nghiên cứu y khoa được công bố hôm 02/06/2022 trên Thư viện Y khoa Quốc gia Hoa Kỳ (NLM) cho thấy bệnh nhân cấy ghép nội tạng cần dùng thuốc ức chế miễn dịch trong thời gian dài để chống đào thải nội tạng, nhưng việc dùng thuốc này cũng làm giảm đáng kể khả năng miễn dịch của cơ thể đối với các loại virus, vi khuẩn, và các mầm bệnh khác.
Trong chương trình Diễn đàn Tinh Hoa (Elite Forum) của đài truyền hình NTD, hãng truyền thông cùng hệ thống với The Epoch Times, Tiến sĩ Lâm Hiểu Húc (Xiaoxu Lin), một nhà virus học sống tại Hoa Kỳ cho biết: “Một trong những nguyên nhân khiến ĐCSTQ khăng khăng áp dụng chính sách zero COVID bằng bất cứ giá nào là để bảo vệ những người được ghép tạng này.” Ông nói thêm rằng những người này có xu hướng dễ bị nhiễm bệnh hơn, và cả COVID-19 lẫn bản thân vaccine đều chính là virus.
Trung Quốc là ngân hàng nội tạng người lớn nhất trên thế giới, và từ lâu ĐCSTQ đã bị bóc trần là tác nhân thực hiện tội ác thu hoạch nội tạng ở cấp nhà nước từ các tù nhân, học viên Pháp Luân Công, và người Duy Ngô Nhĩ.
Che đậy số ca tử vong
Dựa trên những tiết lộ chính thức về số lượng lò hỏa táng trong nước, số người tử vong trong những năm trước, và khối lượng công việc hiện tại của các lò hỏa táng công khai, ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times ước tính hôm 19/01 rằng dịch bệnh đã lấy đi sinh mạng của ít nhất 25 triệu người trong tháng đầu tiên mà Đảng Cộng sản đột ngột nới lỏng các biện pháp phòng dịch.
Ông Ben Lowsen, chuyên gia về các vấn đề chính trị và an ninh Trung Quốc, đồng thời là tham mưu cho Lực lượng Không quân Hoa Kỳ, cho biết: “Người dân Trung Quốc phải đối mặt với những gì có thể trở thành sự kiện tử vong hàng loạt lớn nhất đất nước của họ kể từ Đại Nhảy Vọt.”
Đại Nhảy Vọt — một phong trào chính trị do ông Mao Trạch Đông trực tiếp khởi xướng, tuyên bố Trung Quốc phải “đuổi Anh vượt Mỹ, và bước trên con đường tiến vào xã hội cộng sản” trong giai đoạn 1958-1961 — đã dẫn đến hơn 20 triệu người tử vong trong nạn đói.
Ông Lowsen cho biết: “Trong một diễn biến tương tự đáng lo ngại, hiện tại chính quyền của ông Tập về căn bản đã từ bỏ việc cung cấp số liệu thống kê về COVID-19.”
Nền kinh tế gần sụp đổ
Trong ba năm qua, các biện pháp zero COVID khắc nghiệt của ĐCSTQ đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho nền kinh tế Trung Quốc và làm lung lay nền tảng cai trị của ĐCSTQ.
Tình trạng suy thoái kinh tế chưa từng xảy ra trong khoảng 30 năm qua, ông Thạch nói, ám chỉ một cách ẩn dụ rằng nền kinh tế dưới hệ thống độc tài của ĐCSTQ giống như một chiếc phi cơ, “một khi bị mất tốc lực, nó sẽ rơi tự do.” Ông cho rằng một khi tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc giảm, thì “vấn đề này chính là sự kết thúc của triều đại Cộng sản Trung Quốc.”
Năm 2022, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc giảm xuống còn 3%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu tăng trưởng 5.5%, như các số liệu chính thức đã công bố. Nhưng với việc làm sai lệch dữ liệu không ngừng của ĐCSTQ, tình hình có thể là tệ hơn, ông Thạch cho hay.
Ngoài ra, gánh nặng tài chính của chính quyền địa phương đang càng trở nên nặng nề hơn do lệnh phong tỏa kéo dài và xét nghiệm acid nucleic đối với toàn bộ nhân viên. Nhưng chính quyền trung ương sẽ không cung cấp bất kỳ gói cứu trợ nào cho các khoản nợ của địa phương, theo như lời ông Lưu Côn (Liu Kun), Bộ trưởng Bộ Tài chính, nói với truyền thông tài chính Trung Quốc hồi đầu tháng Một.
Cuộc khủng hoảng về mạng sống và sinh kế do các hạn chế zero COVID cực đoan cũng đã gây ra một làn sóng phản kháng dân sự, chẳng hạn như Phong trào Giấy Trắng và Cách mạng Pháo Hoa, với các khẩu hiệu phản đối nhắm vào chế độ ĐCSTQ như “ĐCSTQ hãy hạ đài, Tập Cận Bình hãy hạ đài.”
Khủng hoảng nội bộ
Chiến dịch chống tham nhũng của ông Tập nhắm vào những người bất đồng chính kiến trong đảng, cùng với quyền lực thu về một mối sau Đại hội Đảng lần thứ 20, đã đẩy ông vào thế bất hòa với bộ máy quan liêu của ĐCSTQ.
Trong chương trình Diễn đàn Tinh Hoa phát sóng hôm 29/01, nhà bình luận Tần Bằng (Qin Peng) cho biết ông Tập đã mất quyền lực trong đảng sau những thất bại của ông trong việc phòng chống dịch bệnh cũng như các vấn đề về kinh tế và ngoại giao, điều này rất nguy hiểm đối với một nhà độc tài ĐCSTQ.
“Nhưng mặt khác, ông Tập không sẵn sàng để mất nó [quyền lực], vì vậy cuộc tranh đấu nội bộ này sẽ ngày càng gay gắt và sẽ không kết thúc chừng nào không còn hơi thở,” ông Tần nói.
Một số dấu hiệu cho thấy ông Tập đang chủ động tiến hành một cuộc thanh trừng mới trong đảng. Tại cuộc họp của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương (CCDI) hôm 09/01, ông Tập cho biết CCDI nhiệm kỳ mới cần phải “không ngừng thúc đẩy sự lãnh đạo toàn diện và nghiêm trị của Đảng.” Quan điểm tương tự cũng được nhấn mạnh trong một bài báo ngày 31/01 trên tạp chí Cầu Thị (Qiushi) của ĐCSTQ, trong đó nói rằng sự lãnh đạo này có liên quan đến sự ổn định đối với quyền cai trị của ĐCSTQ và số phận của chế độ này.
Ông Lý Hi (Li Xi), bí thư của CCDI, cho biết tại một cuộc họp hôm 03/02 rằng “chúng ta phải lĩnh hội sâu sắc quan điểm chính trị của ông Tập.” Ông Lý là đại diện cho giới quyền lực tỉnh Thiểm Tây trong phe của ông Tập. Kể từ khi ông Tập lên nắm quyền vào năm 2012, CCDI đã trở thành một công cụ quan trọng để lãnh đạo cộng sản này thanh trừng những kẻ thù chính trị trong đảng.
Theo ông Thạch, ông Tập đang trong hoàn cảnh khó khăn về các vấn đề đối nội và ngoại giao, và những đối thủ chính trị của ông sẽ dồn mọi sức lực để tấn công ông vào những thời điểm ông dễ bị tổn thương. “Điều này giống như ‘thừa nước đục thả câu’, và cuộc tranh đấu nội bộ này sẽ leo thang, và các đối thủ chính trị của ông ấy sẽ không để ông ấy yên.”
“Ông Tập không còn đường lui trong cuộc tranh đấu nội bộ của đảng này, chỉ cần lùi một bước thì ông sẽ chết mà không có chỗ chôn thân,” ông Thạch nói.
Hồng Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times