Nhà lập pháp kêu gọi Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đưa nạn thu hoạch nội tạng vào nghị trình đàm phán với Trung Quốc
‘Toàn bộ thế giới chắc hẳn sẽ rất kinh hoàng trước những thông lệ như vậy.’
THỦ ĐÔ HOA THỊNH ĐỐN—Theo Dân biểu Ryan Zinke (Cộng Hòa-Montana), việc Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) thu hoạch nội tạng cưỡng bức những người có đức tin nên được đưa vào nghị trình của Hoa Kỳ bất cứ khi nào họ đàm phán với các quan chức Trung Quốc.
Ông Zinke, thành viên Ủy ban Điều hành Quốc hội về Trung Quốc (CECC), cho biết nạn thu hoạch nội tạng cưỡng bức của ĐCSTQ là “vô cùng đáng lo ngại.”
Ông nói với The Epoch Times: “Toàn bộ thế giới chắc hẳn sẽ thấy rất kinh hoàng trước những thông lệ như vậy,” đồng thời nói thêm rằng Quốc hội nên “thúc đẩy Bộ Ngoại giao đưa vấn đề này ra bàn bạc trực tiếp và yêu cầu câu trả lời.”
“Chúng ta có mối bang giao với Trung Quốc. Tôi nghĩ Trung Quốc nên biết đó là một trong những mối quan tâm chính của chúng ta,” ông nói. Ông cũng nói rằng vấn đề [thu hoạch nội tạng cưỡng bức] này “nhất định” phải nằm trong nghị trình đàm phán giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Vị nghị sĩ Montana này đưa ra lời nhận định trên vào ngày 01/02 sau khi tham gia phiên điều trần của CECC với mục đích xem xét bản đánh giá gần đây của Liên Hiệp Quốc về hồ sơ nhân quyền của Trung Quốc, một đánh giá mà Chủ tịch CECC, Dân biểu Chris Smith (Cộng Hòa-New Jersey) cho biết là đã không đưa ra những lời chỉ trích tương xứng với “tính chất nghiêm trọng vốn có của vấn đề này.”
Pháp Luân Công, còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một môn tu luyện tinh thần với bộ công pháp tĩnh tại và các bài giảng đạo đức tập trung vào nguyên lý chân, thiện, và nhẫn. Từ năm 1999, ĐCSTQ đã tiến hành một chiến dịch đàn áp nhằm xóa sổ môn tu luyện cùng học viên của pháp môn này.
Năm 2019, Tòa án [Luận tội] Trung Quốc có trụ sở tại London đã kết luận rằng nạn thu hoạch nội tạng cưỡng bức đã diễn ra ở Trung Quốc trong nhiều năm “trên một quy mô đáng kể,” trong đó các học viên Pháp Luân Công là “nguồn nội tạng chính.”
Các bệnh viện ở Trung Quốc đưa ra thời gian chờ đợi vô cùng ngắn để tìm được nội tạng phù hợp. Theo báo cáo năm 2023 của Hiệp hội các Bác sĩ chống Thu hoạch Nội tạng Cưỡng bức (DAFOH), vào năm 2016, một công dân Canada đã được cấy ghép nội tạng ở Trung Quốc trong vòng ba ngày. Năm 2020, một bệnh nhân 24 tuổi bay từ Nhật Bản sang Trung Quốc và được ghép bốn quả tim trong vòng 10 ngày.
Báo cáo của DAFOH cho biết: “Cộng đồng quốc tế sẽ cần phải quyết định xem liệu vấn đề này có được tính là đồng lõa với tội diệt chủng hay không, sau đó thông báo và ngăn chặn những khách du lịch cấy ghép tạng có khả năng đến Trung Quốc để thực hiện mục đích cấy ghép.”
Texas đã trở thành tiểu bang đầu tiên của Hoa Kỳ phản đối nạn thu hoạch nội tạng cưỡng bức của chính quyền Trung Quốc, sau khi một dự luật được ký thành luật vào tháng 06/2023. Giờ đây, ở Texas, sẽ là bất hợp pháp nếu các nhà cung cấp bảo hiểm y tế tài trợ cho việc cấy ghép nội tạng từ Trung Quốc hoặc bất kỳ quốc gia nào khác được biết là có liên quan đến nạn thu hoạch nội tạng cưỡng bức.
The Epoch Times đã liên lạc với Bộ Ngoại giao để đề nghị bình luận.
Hoạt động lập pháp
Đạo luật Ngăn chặn Thu hoạch Nội tạng Cưỡng bức được Hạ viện thông qua với số phiếu áp đảo hồi tháng Ba năm ngoái đề ra các hình phạt hình sự để buộc ĐCSTQ phải chịu trách nhiệm. Phiên bản Thượng viện (S.761) của dự luật Hạ viện này vẫn chưa đạt được bước tiến triển nào sau khi được được đệ trình.
Ông Smith, người đưa ra dự luật Hạ viện (H.R. 1154) nói trên, đã bày tỏ sự thất vọng khi thấy dự luật này vẫn dậm chân tại chỗ ở Thượng viện và đã yêu cầu Thượng viện chú tâm đến dự luật này.
“Hãy thu hút sự chú ý của tổng thống vào [vấn đề này]. Chúng tôi đã làm việc với Bộ Ngoại giao; họ đã bắt đầu lưu tâm đến vấn đề này,” ông Smith nói. “Và bây giờ chúng tôi có một dự luật mà tôi tin rằng, dựa trên thông tin đầu vào mà họ nắm được, dự luật này [nguyên văn] sẽ được ký.”
Hôm 31/01, trong một bài diễn văn tại Hội nghị Thượng đỉnh Tự do Tôn giáo Quốc tế ở Hoa Thịnh Đốn, Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson (Cộng Hòa-Louisiana) đã lên án thông lệ thu hoạch nội tạng cưỡng bức của ĐCSTQ đối với các học viên Pháp Luân Công và người Tây Tạng.
Ông Smith cho biết ông rất vui khi thấy mọi người đều lưu tâm đến vấn đề này.
“Chúng tôi hoàn toàn đứng về phía những người đang bị mổ cướp nội tạng,” ông nói với NTD, hãng truyền thông cùng hệ thống với The Epoch Times. “Khi dự luật đó được thông qua, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đưa ra những tuyên bố mạnh mẽ phủ nhận mọi chi tiết trong dự luật — và một lần nữa, họ lại đưa ra một lời nói dối khác.”
Danh sách tù nhân chính trị
Trong hai thập niên qua, bất chấp các hành vi vi phạm nhân quyền của Trung Quốc, các quốc gia và công ty phương Tây vẫn cung cấp tiền và công nghệ cho chính quyền Trung Quốc với lập luận rằng tăng trưởng kinh tế sẽ giúp quốc gia này trở thành một quốc gia dân chủ tự do.
“Tôi nghĩ rằng chúng ta đã trợ giúp và tiếp tay cho một chế độ độc tài để họ tiến hành việc bỏ tù, tra tấn, và sát nhân,” ông Smith nói với The Epoch Times: “Những gì họ làm là biến tất cả các công nghệ đó trở thành một công cụ đàn áp. Và giờ đây, họ đang sử dụng công nghệ cao để săn lùng những người tốt đẹp nhất và kiên cường nhất.”
Trước hội nghị thượng đỉnh Hoa Kỳ-Trung Quốc tại San Francisco vào tháng Mười Một tới, ông Smith và Thượng nghị sĩ Jeff Merkley (Dân Chủ-Oregon), đồng chủ tịch CECC, đã gửi thư cho Tổng thống Joe Biden yêu cầu tổng thống thảo luận với lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình về danh sách các tù nhân chính trị, trong đó có người Duy Ngô Nhĩ, người Tây Tạng, người Hồng Kông, tín đồ Cơ Đốc Giáo, học viên Pháp Luân Công, và những người bảo vệ nhân quyền Trung Quốc.
Trong phiên điều trần hôm thứ Năm (01/02), ông Smith nhắc lại tầm quan trọng của danh sách tù nhân chính trị.
“Bất kỳ người nào có cơ hội đối thoại với các quan chức Trung Quốc về bất kỳ vấn đề gì, từ môi trường đến thương mại, đặc biệt là thương mại, hãy đưa danh sách tù nhân đó ra, nêu tên các tù nhân lên và hỏi,” ông nói. “Tại sao người này lại bị tra tấn?”
“Đừng ngoảnh mặt làm ngơ nữa vì như vậy là đang tiếp thêm sức mạnh cho những hành động tàn bạo,” ông nói. “Im lặng có nghĩa là quý vị đồng ý với điều đó; quý vị phải lên tiếng.”
Vị nghị sĩ đến từ New Jersey này hy vọng Tổng thống Biden có thể giải quyết vấn đề nêu trên.
“Đừng làm điều đó vì nghĩa vụ; hay là vì phải hoàn thành nhiệm vụ. Hãy nói: ‘Điều này quan trọng với chúng tôi. Hãy trả tự do cho những người này. Hãy dừng lại nếu không sẽ có hậu quả,’” ông nói.
Bà Rana Siu Inboden, thành viên cao cấp của Trung tâm Luật và An ninh Quốc tế Robert Strauss tại Đại học Texas-Austin, cho biết nhiều quốc gia và công ty phương Tây đã quỳ phục Trung Quốc trong nhiều thập niên. Tuy nhiên, bà vẫn hy vọng sẽ nhìn thấy một bước ngoặt.
Bà Inboden nói với The Epoch Times: “Tôi không nghĩ rằng thị trường Trung Quốc đáng để chúng ta từ bỏ nguyên tắc của chính mình.”
Bà nói thêm, nếu bản thân các công ty không làm điều đúng đắn, thì danh sách tù nhân này cũng có thể gây ra một số áp lực.
“Cơ sở dữ liệu của CECC hiện đầy ứ rồi,” bà Inboden nói. “Ngay cả khi chúng ta chỉ nói về khoảng chục cái tên, thì trên thực tế có cả hàng ngàn người lẽ ra phải được trả tự do.”
Ông Benedict Rogers, người đồng sáng lập và giám đốc điều hành của nhóm vận động Hong Kong Watch có trụ sở tại Vương quốc Anh, nói với The Epoch Times rằng chính phủ ông Biden “không nên bị lừa phỉnh với quan niệm rằng họ sẽ đạt được bất cứ điều gì bằng cách quỳ phục Trung Quốc.”
Ngược lại, “chính quyền Trung Quốc có nhiều khả năng sẽ tôn trọng họ [chính phủ ông Biden] hơn khi họ đứng lên bảo vệ các giá trị và niềm tin của mình,” ông nói.
Ông Rogers nói: Việc nêu tên các tù nhân chính trị “nhiều nhất có thể” có thể có “tác động tích cực ngay cả đối với những tù nhân khác mà không được nêu tên,” đồng thời nói thêm rằng chính quyền Trung Quốc sẽ biết rằng cộng đồng quốc tế đang dõi theo họ.
“Thực sự chẳng có gì để mất khi làm điều đó cả,” ông ấy nói thêm.
CECC duy trì một cơ sở dữ liệu về tù nhân chính trị, và ông Smith cho biết cơ sở dữ liệu này đã được xem xét “rất tỉ mỉ.”
Vân Sa biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times