Trung Quốc: Danh sách dài thanh thiếu niên mất tích làm dấy lên nghi ngờ về nạn thu hoạch nội tạng
Việc tìm thấy thi thể thiếu nội tạng của những người mất tích ngày càng trở nên phổ biến.
Mỗi năm ở Trung Quốc có hàng ngàn thanh thiếu niên mất tích. Danh sách dài những người mất tích đã làm dấy lên nhiều hồ nghi trong dân chúng rằng trẻ em và thanh thiếu niên đang trở thành nguồn cung cấp nội tạng cho ngành kinh doanh cấy ghép đang phát triển mạnh ở Trung Quốc.
Mặc dù vẫn chưa có con số thống kê chính xác, nhưng ước tính vào năm 2013 có 200,000 trẻ em và thanh thiếu niên mất tích ở Trung Quốc mỗi năm. Theo một danh sách lan truyền trên mạng xã hội gần đây, từ ngày 20/01 đến ngày 28/01/2024, ít nhất 10 người đã mất tích, trong độ tuổi từ 10 đến 35. Một nửa trong số đó là thiếu niên.
Một danh sách từ tháng 11/2022 cho thấy số người mất tích tăng lên đáng kể, trong đó nêu chi tiết tổng cộng 21 vụ mất tích trong vòng bốn tháng. Những người mất tích nằm trong khoảng từ 8 đến 17 tuổi.
Những người cha người mẹ thấp thỏm âu lo mong đợi con mình trở về an toàn nhưng điều tồi tệ nhất mà họ lo sợ chính là tìm thấy thi thể của người thân nhưng thi thể đó bị mất nội tạng — một hiện tượng đang trở nên ngày càng phổ biến.
Tìm thấy thi thể cậu thiếu niên bị mất thận
Hôm 03/01, một bài đăng trên Twitter mô tả trường hợp của cậu thiếu niên Tạ Xương Dương (Xie Changyang), 15 tuổi, mất tích vào ngày 02/06/2022. Thi thể không trọn vẹn của cậu thiếu niên này được tìm thấy trên một con sông vài tháng sau đó. Bài đăng có đính kèm một liên kết đến một video do cha cậu bé thực hiện, đòi công lý trong vụ án bí ẩn của con mình.
Bài đăng này nhanh chóng bị kiểm duyệt, nhưng đó là sau khi bài đăng được lan truyền trên mạng xã hội quốc tế.
Dùng bí danh vì sợ bị trả thù, ông Hoàng Hách (Huang He), một trong những người thân của cháu Tạ Xương Dương, nói với The Epoch Times rằng cậu học sinh 15 tuổi này đã học võ được sáu năm và có thể lực rất tốt.
Theo ông Hoàng, Dương là học sinh của một trường dạy nghề và kỹ thuật gần nhà ở Tây An, tỉnh Thiểm Tây phía tây bắc Trung Quốc. Ngày 01/06/2022, trường chuyển địa điểm sang một vùng ngoại ô hẻo lánh cách đó khoảng 12 dặm (19 km).
Một ngày sau mọi người đã không thấy cháu Dương đâu nữa.
Ông Hoàng kể lại, trường học này thường được quản lý chặt chẽ, và học sinh chỉ được về nhà khi nhà trường cho phép. Tuy nhiên, vào ngày 02/06, học sinh được thông báo rằng các em có thể về nhà sau giờ học vì ngày hôm sau là Lễ hội Thuyền rồng, một ngày nghỉ lễ hàng năm.
Điều kỳ lạ là nhà trường không thông báo trước cho cha mẹ về quyết định này, ông Hoàng nói.
Mẹ của cháu Dương làm việc ở một nhà hàng đến 10 giờ tối mới tan ca. Cha cháu thì làm nghề lái xe tải đến đêm mới về nhà. Vì cả cha lẫn mẹ đều không thể đến trường chở cháu về, nên cháu mới bảo với mẹ rằng sẽ tự bắt xe buýt về nhà. Đó cũng là lần cuối cùng cha mẹ cháu có thể liên lạc được với cháu.
The Epoch Times không thể liên lạc với nhà trường nơi cháu học để đề nghị bình luận.
Ông Hoàng cho biết một ngày sau, cha mẹ của cháu Dương đến báo công an về vụ mất tích của con trai họ. Hai mươi ngày sau, công an cho biết họ không tìm thấy gì cả. Sau đó họ từ chối điều tra sâu hơn. Cuối cùng, hơn sáu tháng sau, họ đồng ý điều tra sau khi nhận được lời thỉnh cầu liên tục từ phía gia đình cháu Dương.
Hồi tháng 05/2023, công an nói với cha của cháu Dương rằng một thi thể bị cắt xén được tìm thấy ở một con sông địa phương vài tháng trước đó có kết quả giám định DNA trùng khớp với DNA của con trai ông.
Điều kinh hoàng là khi cha cháu nhìn thấy thi thể thì thi thể này đã bị mất đầu, cổ, và tứ chi. Hơn nữa, theo báo cáo khám nghiệm tử thi đăng trên mạng xã hội, cả hai quả thận cũng không còn nữa.
Theo báo cáo, phần đầu, cổ, và tứ chi của cháu Dương “rơi ra một cách tự nhiên dưới tác dụng của trọng lực sau khi phân hủy.” Phía công an cho biết họ loại trừ khả năng là cháu bé tử vong do bạo lực.
Tuy nhiên, ông Hoàng vẫn không cảm thấy thuyết phục trước những lập luận đó. Ông nghi ngờ công an đang che đậy nguyên nhân thực sự dẫn đến sự qua đời của cháu Dương. “Thi thể cháu đã ở dưới nước quá lâu; không biết là cháu bị ném xuống nước, bị đẩy xuống nước, hay cháu tự ngã xuống?”
“Cậu bé cũng là một con người, không phải động vật; chí ít thì cũng để đứa trẻ được toàn thây chứ,” ông Hoàng nói.
Bị nhắm mục tiêu vì có nhóm máu hiếm
Vào tối ngày 14/10/2022, cháu Hồ Hâm Vũ (Hu Xinyu), 15 tuổi, biến mất khỏi trường nội trú ở tỉnh Giang Tây, Trung Quốc. Công an địa phương và hàng ngàn tình nguyện viên đã tìm kiếm nhưng không thu được kết quả gì.
Không ngờ, sau ba tháng, công an địa phương lại thông báo cháu Hồ Hâm Vũ đã treo cổ tự tử bằng dây giày, chỉ cách trường học vài trăm mét.
Vụ án của cháu Vũ tiếp tục nhận được sự quan tâm của nhiều người khi những tình tiết mới được đưa ra ánh sáng.
Trong một bài báo đăng ngày 29/01 của Epoch Times, nhà bình luận Chu Hiểu Huy dẫn lời các quan chức trong Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), cho biết các nguồn tin trong hệ thống công an Giang Tây đã xác nhận cháu Vũ quả thực đã bị thu hoạch nội tạng và rằng “đây không phải là bí mật trong nội bộ chính quyền Giang Tây.”
Ông Chu nói rằng trường học của em Hồ Hâm Vũ, công an Giang Tây, và giới truyền thông đều đồng lõa trong vụ án này.
Kết hợp [thông tin] từ nhiều nguồn khác nhau, bao gồm cả gia đình cháu Vũ và nhật ký của cháu, ông Chu đã trình bày chi tiết về dòng thời gian có thể xảy ra của vụ án bi thảm này, bắt đầu bằng việc khám sức khỏe ở trường cho thấy cậu thiếu niên này có nhóm máu hiếm. Sau đó, dường như cậu học sinh này đã trở thành mục tiêu cung cấp nội tạng cho một người có quyền có thế đang cần ghép tạng. Ông Chu cho biết, trường của cháu rất có thể đã sắp xếp mọi chuyện và lưu ý rằng cháu Vũ vẫn được nhận vào trường tư thục này mặc dù cháu không đỗ kỳ thi tuyển sinh.
Giá nội tạng của cháu Vũ được cho là lên tới 100 triệu nhân dân tệ (14 triệu USD).
Truyền thông tán dương những người hiến tặng chết não
Cũng tình cờ vào tháng Một, các phương tiện truyền thông do nhà nước Trung Quốc kiểm soát bắt đầu đưa tin nhiều hơn về các trường hợp hiến tạng chết não, điều này đã khiến dư luận dậy sóng.
Hôm 21/01, Nhật báo Quảng Châu đưa tin một bé gái ba tuổi bị tai nạn xe hơi vào đêm trước sinh nhật thứ ba của bé. Tờ báo đưa tin, bé gái có tên là Hoát Hoát này bị chấn thương nặng ở đầu và được tuyên bố là chết não, đồng thời cho biết mẹ bé đã đồng ý hiến gan, thận, và giác mạc của Hoát Hoát.
Cùng ngày, mạng trực tuyến Hoa Thanh của tờ Nhật báo Hồ Nam đưa tin về ông Trần Hải Đông (Chen Haidong), 48 tuổi, người được gia đình “đồng ý hiến nội tạng sau khi xuất huyết não đột ngột dẫn đến chết não.”
Vào ngày 11/01, tờ Tin tối Tề Lỗ đăng trên Weibo rằng sinh viên đại học 20 tuổi Đinh Thiếu Đồng (Ding Shaotong) đã bị ngã khi đang đi xe đạp, dẫn đến chấn thương nghiêm trọng và được chẩn đoán là chết não. Bản tin ca ngợi cha mẹ của em Đinh, những người đã “giúp con trai họ hiến tặng” tim, phổi, gan, thận, và giác mạc, mang lại cuộc sống mới cho bảy người nhận.
Vào ngày 10/01, cũng hãng thông tấn này đã đưa tin rằng Tiểu Quân (Xiaojun), một cậu bé 16 tuổi đến từ tỉnh Giang Tô, là nạn nhân trong một vụ tai nạn xe hơi và được chẩn đoán là chết não. Bản tin cho hay: “Cha mẹ anh đã hiến phổi, gan, thận, và giác mạc của anh cho sáu bệnh nhân.”
Vào ngày 05/01, truyền thông Trung Quốc đưa tin cha mẹ của một cư dân Hồ Bắc 22 tuổi đã hiến tặng “tất cả các cơ quan nội tạng và mô rắn có thể sử dụng được: tim, phổi, thận, gan, tuyến tụy, và giác mạc,” cũng như lá gan của con trai họ sau khi cậu thanh niên này được tuyên bố là chết não.
Cư dân mạng Trung Quốc đặt câu hỏi về số lượng lớn các trường hợp chết não được đưa tin trên các phương tiện truyền thông Trung Quốc và đặt ra nghi ngờ về việc liệu các vụ tai nạn dẫn đến chết não có phải là xác thực hay không. “Bị ngã cũng chết não à?” một người hỏi trên mạng xã hội.
Bệnh nhân chết não và nạn thu hoạch nội tạng cưỡng bức
Một số lượng lớn bệnh viện ở Hoa lục đã bị cáo buộc cưỡng bức thu hoạch nội tạng từ các tù nhân lương tâm, các nhóm bị bức hại như các học viên Pháp Luân Công, và những người mất tích khác.
Vào ngày 02/01, ông Trần Tĩnh Du (Chen Jingyu), chuyên gia ghép phổi và là phó chủ tịch Bệnh viện Nhân dân Vô Tích, cho biết trong một bài đăng trên Weibo rằng vào năm 2023, ông đã thực hiện 370 ca ghép phổi, trung bình hơn một ca ghép mỗi ngày. Bác sĩ Trần trước đây đã khoe rằng “nguồn nội tạng duy nhất” của bệnh viện đến từ sự hiến tặng của các bệnh nhân chết não.
Chết não thường được định nghĩa là sự chấm dứt hoàn toàn và không thể phục hồi của tất cả các chức năng của toàn bộ não. Bệnh nhân chết não có vai trò vô cùng quan trọng đối với ngành cấy ghép nội tạng.
“Từ quan điểm cấy ghép nội tạng, bệnh nhân chết não là một cơ thể sống,” ông Uông Chí Viễn (Wang Zhiyuan), người đứng đầu Tổ chức Quốc tế Điều tra Cuộc đàn áp Pháp Luân Công, nói với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times, giải thích rằng các bệnh nhân chết não vẫn có thể dựa vào máy thở để duy trì nhịp thở và nhịp tim trong một thời gian nhất định sau khi mất toàn bộ chức năng não và ngừng thở tự nhiên.
Sau khi chết tim, các cơ quan nội tạng nhanh chóng trở nên không thích hợp cho việc cấy ghép do thiếu máu lưu thông. Mặc dù bệnh nhân chết não về mặt pháp lý là đã tử vong nhưng chức năng tim và phổi vẫn tiếp tục hoạt động với sự trợ giúp của máy móc, giữ cho các cơ quan luôn tươi mới cho đến thời điểm những cơ quan này được lấy ra khỏi cơ thể bệnh nhân.
Năm 1968, một báo cáo của Trường Y Harvard đã định nghĩa chết não là “tiêu chí mới để chẩn đoán tử vong.” Báo cáo lập luận rằng các tiêu chí lỗi thời để xác định tử vong đã hạn chế nguồn cung cấp nội tạng sẵn có để cấy ghép. Định nghĩa mới vốn ngày càng gây tranh cãi này đã mở ra một nguồn nội tạng hoàn toàn mới cho việc cấy ghép.
Ông Uông nói với The Epoch Times rằng “ĐCSTQ đã hình thành cả một hệ thống ‘thu hoạch sống’ để sát nhân, hệ thống này đã trở thành một dây chuyền công nghiệp đen, không chỉ giữ mạng sống cho các quan chức cấp cao của ĐCSTQ mà còn bán nội tạng cho các quốc gia khác.
“Vì hệ thống này đem lại nguồn lợi nhuận rất lớn nên bản thân ĐCSTQ không thể tự mình ngăn chặn. Vì thế mà lòng tham của họ chỉ có thể ngày một lớn hơn, và mục tiêu thu hoạch nội tạng sống hiện đang bắt đầu hướng đến những người dân thường.”