Nguồn tin nội bộ: ĐCSTQ vẫn đang điều tra những quan chức hai mặt trong quân đội
Ông nói, vụ tham nhũng của Lực lượng Hỏa tiễn đã khiến ông Tập nhận ra rằng “phe quân sự trung thành tuyệt đối với ông Tập không hề tồn tại.”
Vụ bê bối tham nhũng trong quân đội, đặc biệt là trong Lực lượng Hỏa tiễn Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, vẫn đang không ngừng mở rộng phạm vi. Theo ông Viên Hồng Băng, một học giả sống tại Úc có quen biết với giới lãnh đạo chóp bu của ĐCSTQ, đã tiết lộ trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times rằng, cuộc điều tra đã phát hiện ra ông Giang Miên Hằng, con trai của cố lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Giang Trạch Dân, đã thành lập một băng nhóm chính trị tập hợp các tướng lĩnh tham nhũng trong quân đội, mà nhiều người trong số họ là những nhà lãnh đạo do chính Chủ tịch ĐCSTQ Tập Cận Bình đề bạt.
Ông Viên cho rằng cuộc thanh trừng đang tiếp diễn [xuất phát] từ các vụ việc liên quan đến cựu Bộ trưởng Ngoại giao Tần Cương và cựu Bộ trưởng Quốc phòng Lý Thượng Phúc này đã liên lụy đến hàng loạt các quan chức cấp cao trong quân đội ĐCSTQ. Nhiều quan chức cấp cao bị thanh trừng chủ yếu là những người trung thành với ông Tập trong Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, Lực lượng Hỏa tiễn, Lực lượng Chi viện Chiến lược, và các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp quân sự.
Ông Viên cho biết: “Ông Cự Càn Sinh (Ju Qiansheng), Tư lệnh Lực lượng Chi viện Chiến lược, và ông Từ Trung Ba (Xu Zhongbo), nguyên chính ủy của Lực lượng Hỏa tiễn, đã trực tiếp kéo ông Giang Miên Hằng vào cuộc điều tra này.”
Vào năm ngoái, ông Cự đã biến mất khỏi tầm mắt công chúng gần sáu tháng giữa những tin đồn về việc đang bị điều tra. Theo ông Viên, một người trong nội bộ đã tiết lộ rằng ông Cự đã đưa ra lời thú tội rất kỹ lưỡng mà từ đó dẫn đến một cuộc thanh trừng trên quy mô rộng lớn hơn đối với các quan chức tham nhũng.
Hồi tháng Bảy năm ngoái, ông Lý Ngọc Siêu (Li Yuchao) đã bị cách chức Tư lệnh Lực lượng Hỏa tiễn.
Cả ông Cự và ông Lý Ngọc Siêu đều xuất hiện tại Kỳ họp Lưỡng hội — là hai phiên họp thường niên được tổ chức vào đầu tháng Ba. Hai người này được cho là đã an toàn vượt qua bài kiểm tra lòng trung thành của ông Tập.
Trung thành với cả hai phe
Ông Viên mô tả rằng sự thay đổi vốn bắt nguồn từ một vụ tham nhũng trong phe cánh quân sự của ông Tập giờ đây đã biến thành một cuộc xung đột giữa các phe phái chính trị trong ĐCSTQ.
Một cuộc điều tra gần đây trong quân đội đã chứng kiến nhiều tướng lĩnh bị cách chức: cựu Bộ trưởng Quốc phòng Lý Thượng Phúc, và ông Ngụy Phượng Hòa (Wei Fenghe), cựu Tư lệnh Lực lượng Hỏa tiễn Chu Á Ninh (Zhou Yaning), cựu Tư lệnh Không quân Đinh Lai Hàng (Ding Laihang), và cựu Tư lệnh Lực lượng Hỏa tiễn Lý Ngọc Siêu.
Các tướng lĩnh khác bao gồm ông Lã Hoành (Lu Hong), người đứng đầu Bộ Trang bị Lực lượng Hỏa tiễn; ông Lý Truyện Quảng (Li Chuanguang), Phó Tư lệnh Lực lượng Hỏa tiễn; ông Trương Chấn Trung (Zhang Zhenzhong), Phó Tham mưu trưởng Bộ Tham mưu Liên hợp Quân ủy Trung ương Trung Quốc (CMC); ông Trương Dục Lâm (Zhang Yulin), cựu Phó Giám đốc Bộ Phát triển Trang bị CMC; ông Nhiêu Văn Mẫn (Rao Wenmin), nguyên Phó Giám đốc Bộ Phát triển Trang bị CMC; ông Cúc Tân Xuân (Ju Xinchun), nguyên Phó Tư lệnh Chiến khu Nam bộ; và ông Lý Chí Trung (Li Zhizhong), nguyên Phó Tư lệnh Chiến khu Trung bộ.
Ngoài ra còn có nhiều quan chức cấp cao trong ngành quân sự của ĐCSTQ đã bị cách chức gần đây, bao gồm ông Ngô Yến Sinh (Wu Yansheng), Chủ tịch Tập đoàn Khoa học và Công nghệ Hàng không Vũ trụ Trung Quốc; ông Lưu Thạch Tuyền (Liu Shiquan), Chủ tịch Tập đoàn Công nghiệp Phương Bắc Trung Quốc; ông Vương Trường Thanh (Wang Changqing), Phó tổng giám đốc của Tập đoàn Khoa học & Công nghiệp Hàng không Vũ trụ Trung Quốc; ông Phùng Kiệt Hồng (Feng Jiehong), Chủ tịch Tập đoàn Vũ trụ Tam Giang Trung Quốc; và ông Vương Tiểu Quân (Wang Xiaojun), cựu chủ tịch Học viện Nghiên cứu Công nghệ Phóng hỏa tiễn Trung Quốc.
Ông Viên chỉ ra rằng chính quyền ĐCSTQ cho là những cá nhân này đã thành lập một phe phái chính trị cùng với ông Giang Miên Hằng với nền tảng là tham nhũng kinh tế và trao đổi quyền lực. Ở nơi riêng tư, trong các cuộc họp mặt không chính thức, họ chỉ trích khả năng quản lý kém cỏi của ông Tập cũng như các chính sách mà họ tin rằng đã gây ra thảm họa quốc gia.
Ông Viên cho biết, “Cuộc điều tra này đã chuyển từ một cuộc kiểm tra lòng trung thành đối với ông Tập Cận Bình trong gia tộc quân sự của ông Tập trở thành một phe chính trị đồng minh lớn liên quan đến ông Giang Miên Hằng.”
Ông cho biết vụ việc này vẫn chưa được khép lại do hai yếu tố. Thứ nhất, số người liên quan đến vụ việc vẫn không ngừng tăng lên. Thứ hai, ông Tập vẫn chưa đưa ra được một lập trường nhất quán.
Ông Viên cho biết: “Ông ấy vẫn chưa xác định xem có nên sử dụng vụ việc này để tiến hành một cuộc thanh trừng chính trị toàn diện nhắm vào ông Giang Miên Hằng hay không.”
Nhận thấy rằng cuộc tranh đấu nội bộ phe phái giữa ông Tập và cựu lãnh đạo Giang đã lắng xuống sau khi ông Giang qua đời, nhưng người con trai Giang Miên Hằng của ông lại trở thành một người có ảnh hưởng trong giới lãnh đạo cấp cao của ĐCSTQ.
Trong nhiệm kỳ của mình, chính sách của ông Giang đã mở đường cho tất cả những người làm lãnh đạo trong ĐCSTQ trở nên giàu có nhờ tham nhũng, và điều này mang lại cho ông nhiều người trung thành, bao gồm cả những người vẫn còn phục vụ trong quân đội.
Ông Viên giải thích, do đó, các quyết định liên quan đến những cá nhân như ông Lý Thượng Phúc và ông Tần Cương không thể được công bố công khai, và do đó, Hội nghị Toàn thể Lần thứ ba [của Ban chấp hành Trung ương ĐCSTQ] khó có thể được tổ chức.
ĐCSTQ thường tổ chức Hội nghị Trung ương Lần thứ ba vào tháng Mười hoặc tháng Mười Một, một cuộc họp kín quan trọng về chính sách kinh tế nhà nước. Tuy nhiên, chế độ này vẫn đang im hơi lặng tiếng về cuộc họp này.
Ông Viên cho biết, tình trạng tham nhũng trong Lực lượng Hỏa tiễn đã khiến ông Tập nhận ra rằng “một phe quân sự trung thành tuyệt đối với ông Tập không hề tồn tại.” Đội ngũ quan liêu mà ông đã phát triển “phần lớn toàn là những người hai mặt.”
Ông Viên cho biết, “Ông Tập Cận Bình nhận thấy bản thân mình bị bủa vây toàn là những nhân vật như ông Tần Cương và ông Lý Thượng Phúc, những người được ông ấy đích thân lựa chọn mặc dù họ không có nhiều thành tựu, [và họ lại là những người] thành lập băng đảng chính trị với ông Giang Miên Hằng ở hậu trường. Điều này thể hiện cuộc khủng hoảng và tình thế tiến thoái lưỡng nan lớn nhất mà ông ấy phải đối mặt tại thời điểm hiện nay.”
Bài viết có sự đóng góp của Ninh Hải Chung và Lạc Á
Tuệ Minh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times