Phân tích: Việc Bắc Kinh loại bỏ 5 quan chức trong 10 ngày báo trước cuộc thanh trừng chính trị đẫm máu
Trong vòng 10 ngày sau khi Bắc Kinh kết thúc kỳ họp lưỡng hội, 5 quan chức cấp cao đã bị cách chức vì các cuộc điều tra chống tham nhũng.
Phân tích tin tức
Trong vòng 10 ngày sau khi Bắc Kinh kết thúc kỳ họp lưỡng hội, 5 quan chức cấp cao đã bị cách chức vì các cuộc điều tra chống tham nhũng.
Các nhà phân tích về các vấn đề chính trị cho rằng ông Tập Cận Bình đang sử dụng phương pháp này để đe dọa các quan chức đảng nhằm bảo đảm lòng trung thành của họ và rằng chính trường của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) chắc chắn sẽ chứng kiến một cuộc thanh trừng đẫm máu.
Báo hiệu một cuộc thanh trừng đẫm máu
Ông Vương Quân Đào (Wang Juntao), Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Đảng Dân Chủ Trung Quốc hiện đang cư trú tại Hoa Kỳ, nói với The Epoch Times rằng ông nghĩ là ông Tập thực hiện hành động này nhằm mục đích ngăn không cho các quan chức ĐCSTQ hình thành bất kỳ suy nghĩ chống đối nào khác về ông ta.
Ông nói, “Như tôi đã dự đoán hồi năm 2022 sau Đại hội Toàn quốc lần thứ 20, bước tiếp theo trong chính trường của ĐCSTQ sẽ là một cuộc thanh trừng đẫm máu. Trên thực tế, ông Tập Cận Bình đang cố gắng loại bỏ hoàn toàn những quan chức mà ông cho là không đáng tin cậy đó.”
Cá nhân ông Vương biết một cựu quan chức cấp sở đã chuyển ra ngoại quốc để sinh sống trong hai năm qua.
Ông Vương nói, “Đáng chú ý là ngoài các quan chức đương nhiệm, các quan chức đã về hưu cũng trở thành mục tiêu. Vị quan chức này nói với tôi rằng nhiều đồng nghiệp của ông đã bị bắt, một số người trong đó đã về hưu được vài năm, nhưng họ vẫn bị bắt. Vì vậy, chúng tôi biết rằng cuộc thanh trừng của ông Tập Cận Bình hiện là một chiến dịch chính trị rất khốc liệt.”
Ông nói thêm rằng cái gọi là “chống tham nhũng” chỉ là chiêu trò ngụy trang để lừa gạt và lấy lòng người dân.
Ông Vương phân tích, “Đối với những người trong giới quan chức, thì các cuộc thanh trừng chính trị sẽ chỉ khiến các quan chức ôm lòng oán hận đối với ông Tập Cận Bình. Vì vậy, ông Tập Cận Bình đã phải đe dọa họ cho đến khi họ sợ ông ấy đến tận xương tủy. Vì vậy, ông ấy đã công khai loại bỏ những quan chức bị thanh trừng này để cảnh báo tất cả các quan chức trong ĐCSTQ không được nuôi dưỡng bất kỳ suy nghĩ bất đồng nào.”
Ông kết luận rằng một nhà độc tài thường duy trì “ý chí chiến đấu” của mình thông qua các cuộc thanh trừng liên tục, nhưng hậu quả là đẩy nhanh sự sụp đổ của mình.
“Tôi nghĩ ông Tập Cận Bình hiện đang thúc đẩy sự sụp đổ của ĐCSTQ, mặc dù đó không phải là ý định của ông ấy,” ông Vương nói. “Ông ấy đang thực hiện một cuộc thanh trừng lớn các quan chức của ĐCSTQ, và điều đó cho chúng ta biết rằng ngày sụp đổ của ĐCSTQ đã không còn xa nữa.”
5 quan chức bị hạ bệ trong vòng 10 ngày
Năm quan chức cấp cao này là ông Đậu Vạn Quý (Dou Wangui), phó chủ tịch Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc (CPPCC) của Khu tự trị Duy Ngô Nhĩ, một cơ quan cố vấn chính trị; ông Lưu Dược Tiến (Liu Yuejin), một quan chức công an đã về hưu từng là ủy viên chống khủng bố cấp thứ trưởng đầu tiên; ông Lý Hiển Cương (Li Xiangang), Phó Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội tỉnh Hắc Long Giang; ông Lý Dũng (Li Yong), cựu tổng giám đốc của Tập đoàn Dầu khí Ngoài khơi Quốc gia Trung Quốc (CNOOC); và ông Lý Cát Bình (Li Jiping), cựu phó chủ tịch Ngân hàng Phát triển Trung Quốc, đã về hưu được hơn 8 năm.
Theo tiểu sử công khai của mình, ông Đậu Vạn Quý đã và đang làm việc ở Tân Cương trong một thời gian dài. Tháng 01/2018, ông trở thành phó chủ tịch Hội nghị Hiệp thương Chính trị Tân Cương, một chức vụ mà ông giữ cho đến khi bị điều tra. Lần xuất hiện công khai cuối cùng của ông là hôm 19/02, khi ông tham dự một cuộc họp.
Quyết định cách chức ông Lưu Dược Tiến được đưa ra 4 năm sau khi ông về hưu với tư cách là ủy viên chống khủng bố cấp thứ trưởng đầu tiên. Ông là quan chức công an cấp cao đầu tiên bị thất sủng kể từ khi kết thúc kỳ họp lưỡng hội.
Ông Lý Hiển Cương, 61 tuổi, Phó Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nhân dân tỉnh Hắc Long Giang, bị điều tra khi còn đương chức.
Lần xuất hiện công khai cuối cùng của ông Lý trước khi bị hạ bệ là hồi đầu tháng Ba khi ông dẫn đầu một nhóm đến thành phố Mẫu Đơn Giang để giám sát công tác an toàn sản xuất và chủ trì một cuộc họp về chủ đề này.
Ông Lý Dũng, cựu tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Ngoài khơi Quốc gia Trung Quốc, bị điều tra hôm 15/03, chỉ ba tháng trước lịch về hưu theo kế hoạch của ông.