Người trong cuộc phơi bày chiến dịch chống tội phạm của Bắc Kinh nhắm vào các chủ doanh nghiệp vô tội
Trong bối cảnh Bắc Kinh tăng cường đàn áp các doanh nghiệp tư nhân trong những năm gần đây, các quan chức đã biện minh cho hành động này bằng cách mô tả đây là một nỗ lực rộng lớn hơn để chống tội phạm trong khu vực tư nhân, theo hai cựu doanh nhân tuyên bố đã bị chính quyền nhắm mục tiêu vì sự giàu có của họ.
Họ nói với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times rằng nhiều nhà doanh nghiệp tư nhân đã mất tài sản, từ hàng chục triệu đến hàng tỷ dollar. Các thành viên gia đình, đối tác kinh doanh, và công nhân của họ cũng bị liên lụy và bị giam giữ trong cuộc đàn áp này.
‘Người trốn lệnh truy nã đỏ’
Từng là chủ sở hữu của một nhà máy sản xuất đồ nội thất, một vài khu mỏ, và tiệm cầm đồ, ông Trần Đĩnh (Chen Ting) đã phải đóng cửa toàn bộ hoạt động kinh doanh của mình vào tháng 05/2020. Gần 20 người gồm thân nhân và nhân viên của ông đã bị bắt và bị kết án từ một năm đến 19 năm tù.
Công an đã lục soát nhà và cơ sở kinh doanh của ông ở thành phố Cửu Giang, tỉnh Giang Tây. Chỉ sau một đêm, toàn bộ khối tài sản trị giá hàng tỷ dollar của ông đã bị phong tỏa và tịch thu mà không có cơ sở pháp lý.
Ông Trần nói với The Epoch Times: “Các bất động sản và công ty của tôi đều bị đem ra bán đấu giá, nhiều tài sản của công ty bị lấy đi, và luật sư ngay lập tức bị đuổi khỏi hiện trường, không cho họ cơ hội để giải thích.”
Lúc đó ông Trần đang đến thăm Hồng Kông nên ông đã không có mặt ở công ty để đối chất với chính quyền, vì thế chính quyền đã phát đi một “lệnh truy nã đỏ” trên hệ thống Interpol đối với ông.
Luật pháp Trung Quốc quy định rằng “lệnh truy nã đỏ” cho phép chính quyền tịch thu những tài sản “bất hợp pháp” của “người trốn lệnh truy nã đỏ.”
Theo ông Trần, các quan chức Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã cáo buộc thân nhân và nhân viên của ông tham gia vào hoạt động tội phạm có tổ chức, gán cho họ là thành viên của thế giới ngầm, nhưng không đưa ra bất kỳ bằng chứng nào. Ông nói rằng sau các vụ bắt giữ, chính quyền đã công khai kêu gọi mọi người tố cáo và cung cấp thông tin để tạo thuận tiện cho việc điều tra.
Ông Trần cho biết cái gọi là chiến dịch chống tội phạm của ĐCSTQ đã đặt ra các chỉ tiêu về số vụ bắt giữ cũng như khối lượng tài sản mà mỗi tỉnh cần phải đáp ứng.
Chẳng hạn, ở tỉnh Sơn Đông, các quan chức địa phương đã ca ngợi thành tựu của chiến dịch này trong vòng chưa đầy một tháng: hơn 13,000 người đã bị bắt, và tài sản trị giá hơn 263 triệu USD đã bị thu giữ, theo một báo cáo của China Daily năm 2018.
Mất khối tài sản trị giá 560 triệu USD
Ông Tôn Kim Lượng (Sun Jinliang), một doanh nhân khác đến từ tỉnh Giang Tây hiện cư trú tại Canada, cũng được cho là một nạn nhân của chính quyền Trung Quốc.
Ông nghĩ rằng mình có thể đã xúc phạm một quan chức địa phương, và của cải của ông có thể đã trở thành mục tiêu để chính quyền buộc tội ông và thu giữ tài sản của ông.
Ông Tôn cho biết ĐCSTQ đã tiến hành các thủ tục pháp lý nhắm vào ông một cách bất hợp pháp. Giống như ông Trần, ông Tôn đã thoát được việc bị bắt vì lúc đó ông đang ở Hồng Kông. Thay vào đó, chính quyền đã bắt giữ các thân nhân và nhân viên của ông, sau đó mới lên mạng thông báo để thu thập bằng chứng hình sự.
Ông nói với The Epoch Times rằng khi chính quyền không tìm thấy bất kỳ bằng chứng nào, họ đã dùng đến biện pháp tra tấn để ép buộc người thân và nhân viên của ông phải thú tội.
Các thông báo trực tuyến từ Cục Công an Giang Tây kêu gọi công chúng cung cấp bằng chứng liên quan đến “hành vi phạm tội” bị cáo buộc của ông Tôn và anh trai ông vẫn có thể truy cập được.
Ông tuyên bố rằng khối tài sản trị giá khoảng 560 triệu USD đã bị thu giữ, ảnh hưởng đến ba thế hệ trong gia đình ông.
Theo ông Tôn, mẹ ông bị suy sụp tinh thần sau cuộc đột kích vào nhà của họ, sau đó bà ngã bệnh và qua đời. Hai người bạn của ông không thể chịu đựng được áp lực trong quá trình thẩm vấn, và cả hai người được cho là đã tự sát vào đêm trước khi được thả.
Chính quyền cáo buộc ông Tôn và anh trai ông, ông Tôn Bá Trình (Sun Bocheng), đứng đầu một tổ chức tội phạm. Năm 2021, ĐCSTQ ban hành lệnh truy nã đỏ của Interpol đối với anh trai ông, kết quả là anh trai ông đã bị bắt khi đến Croatia và bị giam 11 tháng ở đó. Tòa án Croatia yêu cầu Bộ Công an Trung Quốc cung cấp bằng chứng chứng minh các cáo buộc trong vòng 30 ngày. Tuy nhiên, sau 60 ngày chờ đợi, không có bằng chứng nào được đưa ra. Sau đó, ông Tôn Bá Trình được trả tự do vô điều kiện vào tháng 12/2021. Tuy nhiên, vụ việc này đã ảnh hưởng đến tinh thần của ông, đến năm 2023 ông đột ngột qua đời, không lâu sau khi bước sang tuổi 50.
Tháng 04/2021, chính quyền Giang Tây đã ca ngợi thành tích của họ trong chiến dịch kéo dài ba năm từ năm 2018 đến năm 2020, khẳng định tỉnh này đứng thứ ba toàn quốc. Họ tuyên bố đã xóa bỏ 1,218 nhóm tội phạm, nhiều tương đương tổng số [vụ việc] của thập niên trước đó, và thu giữ được khối tài sản với tổng trị giá gần 4 tỷ USD.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc Tân Hoa Xã đưa tin về thành tích của chiến dịch toàn quốc được khởi xướng vào tháng 01/2018, tuyên bố rằng 12,485 nhóm tội phạm đã bị xóa sổ tính đến tháng 01/2020.
Đài truyền hình nhà nước CCTV, trong một chương trình truyền hình hồi năm 2021, cũng ca ngợi thành công của chính quyền trong việc “nhổ tận gốc nền tảng kinh tế của các băng đảng tội phạm” bằng cách tịch thu tài sản trị giá 83,75 tỷ USD.
Tuy nhiên, chiến dịch kéo dài ba năm này không chỉ không dừng lại, mà còn trở thành chuẩn mực. Đến cuối năm 2023, Bộ Công an báo cáo đã loại bỏ 4,048 nhóm tội phạm và giải quyết 58,000 vụ án liên quan.
Ông Tôn chỉ ra rằng các cáo buộc như hối lộ và gây quỹ bất hợp pháp được xem là lỗi “nhỏ nhặt” đối với các chủ doanh nghiệp. Lời buộc tội đáng sợ nhất đối với họ là liên quan đến tội phạm có tổ chức, điều này sẽ cho phép ĐCSTQ sung công và thu giữ toàn bộ tài sản của cá nhân và doanh nghiệp.
‘Bản chất của kẻ cướp’
Khi được hỏi về việc ĐCSTQ nhắm mục tiêu vào các doanh nghiệp tư nhân, ông Tôn đã ví những hành động này giống như các chiến thuật được những kẻ độc tài sử dụng để duy trì quyền lực bằng cách loại bỏ “tư bản,” như tuyên ngôn của Đảng Cộng sản đã nêu. “Nó giống với bản chất của kẻ cướp,” ông nhận xét.
Năm ngoái (2023), Bắc Kinh đã thực hiện cam kết chưa từng có liên quan đến việc trợ cấp cho khu vực tư nhân, công bố kế hoạch 31 điểm toàn diện. Sau đó, Tòa án Nhân dân Tối cao đã cân nhắc về luật bảo vệ nền kinh tế tư nhân.
Tuy nhiên, ông Tôn tỏ ra hoài nghi, cảnh báo rằng không nên tin tưởng ĐCSTQ.
“Tôi đã không tỉnh ra cho đến khi va phải nắm đấm sắt đó,” ông Sun cho biết. “Trước năm 2020, tôi đã không tin mình sẽ có kết cục như thế này hay ĐCSTQ sẽ thu giữ tài sản của tôi … Tôi luôn nhắc nhở ba người con của mình luôn phải ghi nhớ sự đàn áp mà cha chúng đã phải trải qua.”
Ông cảnh báo: “Việc theo đuổi hoạt động kinh doanh ở Trung Quốc ngày nay đồng nghĩa với tấm vé một chiều để vào tù.”
Để vạch trần chiến dịch đàn áp của ĐCSTQ đối với khu vực tư nhân, ông Tôn và các doanh nhân Trung Quốc sống lưu vong khác đã đồng sáng lập một hiệp hội liên minh bảo vệ quyền lợi của các doanh nhân Trung Quốc tại Richmond, British Columbia, Canada, hôm 02/03. Và từ đó trang web cerpas.org, chuyên ghi lại bằng chứng về cuộc đàn áp của ĐCSTQ đối với khu vực tư nhân, cũng ra đời.
Bản tin có sự đóng góp của Tống Đường và Dịch Như
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times