Hàng tỷ USD có nguy cơ thất thoát: Mức độ tham nhũng trong nội bộ ĐCSTQ vượt xa mọi giới hạn
Nạn tham nhũng trong quan trường của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) gần như hiện diện khắp nơi. Trong số nhiều vụ tham nhũng được các nhà chức trách báo cáo, có một số vụ cho thấy chi tiết hiện trạng chung ở Trung Quốc.
Nhiều vụ tham ô thể hiện ra tình trạng này, kể cả những vụ của những quan chức có nhiệm vụ trấn áp tham nhũng.
Ông Lưu Lập Hiến (Liu Lixian), gần 70 tuổi, từng giữ chức phó trưởng đoàn thanh tra Ủy ban Trung ương của ĐCSTQ kiêm phó giám đốc cục chống tham nhũng và hối lộ của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, nhưng ông hiện đang bị xét xử vì cáo buộc hối lộ.
Từ tháng 03/2014, ông Lưu là phó trưởng đoàn thanh tra khóa 11 của Ban Chấp hành Trung ương ĐCSTQ. Từ năm 2014 đến năm 2017, ông đã tham gia chín đợt thanh tra và chín lần giữ chức vụ phó trưởng đoàn thanh tra.
Hồi tháng Chín năm ngoái (2023), ông Lưu bất ngờ “tự nguyện đầu thú với chính quyền” và bị khai trừ khỏi Đảng hồi tháng Một năm nay.
Một báo cáo của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương (CCDI) và Ủy ban Giám sát Nhà nước cho biết, ông Lưu đã vi phạm pháp luật, sử dụng quyền lực như một công cụ để trục lợi cá nhân, tham gia vào các giao dịch mua bán quyền lực, cũng như nhận các khoản tiền và tài sản kếch xù một cách bất hợp pháp.
Báo cáo này cũng cho biết ông Lưu đã “đánh mất lý tưởng và niềm tin, từ bỏ sứ mệnh ban đầu,” “bất trung, bất tín với Đảng,” và “có được danh tính [quốc tịch] ở ngoại quốc một cách bất hợp pháp và che giấu danh tính này trong một thời gian dài.”
Trung Quốc không công nhận tình trạng một người có hai quốc tịch. Tuyên bố chính thức này không tiết lộ về quốc tịch kia của ông Lưu.
Những báo cáo chính thức về những quan chức bị bỏ tù khác
Năm 2012, ông Hồ Kiện Dũng (Hu Jianyong), cựu Bí thư huyện Vu Đô, tỉnh Giang Tây, bị kết án tù chung thân vì nhận hối lộ, tham nhũng, và tội liên quan đến nguồn gốc không giải thích được của lượng sản nghiệp cá nhân kếch xù của mình. Ông cũng đã khai báo ra hơn 300 người khác trong khi thụ án tù.
Trong những lá thư khai báo của mình, ông đã viết chi tiết những món quà và thời điểm mà người ta đã tặng cho ông, cũng như những món quà ông tặng đáp lễ.
Thời hạn tù của ông Hồ hiện đã được giảm xuống ba lần vì ông “có công” khai ra các quan chức khác và có “biểu hiện ăn năn.”
Rất nhiều tiền bẩn
Vào tháng 05/2017, ông Lưu Chí Canh (Liu Zhigeng), cựu phó tỉnh trưởng tỉnh Quảng Đông và cũng từng là cựu thị trưởng thành phố Đông Quản (Dongquan), đã bị kết án tù chung thân vì nhận hối lộ. Số lượng tài sản nhiều vô kể mà ông vơ vét được khiến ông trở nên đặc biệt nổi bậc.
CCDI đã đóng băng một số trương mục ngân hàng Trung Quốc và ngoại quốc dưới tên Lưu Chí Canh cùng các bằng hữu và thân quyến của ông, với số tiền gửi lên tới 37 tỷ nhân dân tệ (khoảng 5.67 tỷ USD theo tỷ giá hối đoái vào thời điểm đó).
CCDI cũng khám xét một số nơi ở của ông ở Bắc Kinh, Thượng Hải, và 5 tỉnh khác và phát hiện trái phiếu Trung Quốc và ngoại quốc trị giá 51 tỷ nhân dân tệ (khoảng 7.82 tỷ USD), tịch thu khoảng 300 địa ốc với tổng giá trị 1.7 tỷ nhân dân tệ (khoảng 260 triệu USD), đồ cổ và tranh trị giá 1 tỷ nhân dân tệ (khoảng 150 triệu USD), cũng như 60 chiếc xe hơi, rượu vang đắt tiền của Trung Quốc và ngoại quốc, vàng bạc, tiền mặt nhân dân tệ và ngoại tệ. Theo truyền thông nhà nước Trung Quốc, tổng giá trị của khối tài sản này vào khoảng 90.7 tỷ nhân dân tệ (khoảng 13.9 tỷ USD).
Một số cư dân mạng đã đưa ra sự so sánh với số tiền mà Bát Quốc Liên Quân — Nga, Pháp, Nhật Bản, Đế quốc Anh, Đức, Hoa Kỳ, Ý, và Áo-Hungary — bắt triều đình nhà Thanh bồi thường sau Cuộc nổi dậy Nghĩa Hòa Đoàn chống người ngoại quốc ở Trung Quốc vào năm 1900.
Liên quân này đã xâm lược Trung Quốc và dập tắt cuộc nổi dậy Nghĩa Hòa Đoàn, dẫn đến sự thất bại của quân đội nhà Thanh. Cuối cùng, triều đình nhà Thanh đã ký Hiệp ước Tân Trúc với 11 quốc gia, trong đó có 8 quốc gia thuộc liên minh quân sự này. Hiệp ước quy định rằng Đại Thanh sẽ phải trả tổng cộng 450 triệu lượng bạc (khoảng 16.785 tỷ gram), có giá trị tương đương 333 triệu USD vào thời điểm đó.
Dựa trên giá bạc quốc tế hiện tại là 0.89 USD/gram, số bạc bồi thường tương đương 14.9 tỷ USD. Số tiền tham ô của ông Lưu có thể so sánh với số tiền này.
Ai tham nhũng nhất trong số đó?
Có nhiều người còn tham nhũng hơn cả ông Lưu. Nhiều người tin rằng ở Trung Quốc, gia tộc tham nhũng nhất là gia tộc của cựu độc tài ĐCSTQ Giang Trạch Dân.
Vào năm 2020, nhà công nghiệp Hồng Kông Viên Cung Di (Elmer Yuen Gong-yi) đã tiết lộ với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times rằng theo một số phân tích thận trọng, tài sản của các quan chức cấp cao Trung Quốc bên ngoài Trung Quốc ước tính vào khoảng 10 ngàn tỷ USD. Gia tộc họ Giang, với khoảng 1 ngàn tỷ USD tài sản ở hải ngoại, chiếm phần lớn nhất.
Nhà đầu tư Bernard Arnault, người giàu nhất thế giới và là giám đốc điều hành của công ty LVMH, hiện có tài sản ròng trị giá 231 tỷ USD. Nói cách khác, tài sản tham nhũng ước tính của gia tộc họ Giang cao hơn gấp 4 lần so với người giàu nhất thế giới.
Vị quan tham nhũng nhất trong lịch sử 5,000 năm của Trung Quốc được cho là Hòa Thân (1717-1799), từng là Tổng quản Nội vụ phủ các của Triều đình nhà Thanh. Theo các ghi chép lịch sử về việc tịch thu gia sản của Hòa Thân, ông ta đã biển thủ tổng cộng 1.1 tỷ lạng bạc. Điều này đã mang lại cho Hòa Thân danh hiệu “đại tham quan bậc nhất lịch sử.”
1.1 tỷ lạng bạc của Hòa Thân hiện trị giá khoảng 36.5 tỷ USD, vẫn thấp hơn hai bậc so với khối tài sản ước tính mà gia đình họ Giang đã biển thủ được.
Mảnh đất để nạn tham nhũng sinh sôi nảy nở
Trong hơn 10 năm chống tham nhũng của ông Tập Cận Bình, hơn 600 quan chức tham nhũng cấp cao từ cấp tỉnh trở lên đã bị mất đi ân sủng, và hơn 5 triệu cán bộ Đảng đã bị điều tra.
Ông Viên Hồng Băng (Yuan Hongbing), một cựu giáo sư luật tại Đại học Bắc Kinh và hiện là một nhà bất đồng chính kiến đang sống lưu vong ở Úc, gần đây nói với The Epoch Times rằng ông hay tin từ những người trong cuộc rằng ban đầu ông Tập muốn đổ lỗi cho ông Giang về tình trạng tham nhũng tràn lan của ĐCSTQ, nhưng phải tạm dừng việc đó lại bởi vì những quan chức do ông đích thân lựa chọn cũng không phải là thanh liêm.
Thanh Nhã biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times