Kỳ họp lưỡng hội của ông Tập Cận Bình được đánh dấu bằng sự sụp đổ kinh tế, thanh lọc nhân sự, và các biện pháp an ninh chưa từng có
Tuần này (04-10/03), kỳ họp “lưỡng hội” thường niên của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) sẽ diễn ra tại Bắc Kinh. ĐCSTQ đang phải đối mặt với các cuộc khủng hoảng chưa từng có trong vòng 30 năm qua và cần tiếp tục củng cố sự cai trị độc tài của mình trong khi tìm kiếm con đường phía trước.
Kỳ họp Lưỡng Hội là cuộc họp của cơ quan Quốc hội chỉ trên danh nghĩa của Trung Quốc, Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc (NPC), và cơ quan cố vấn chính trị hàng đầu của Quốc hội, Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc (CPPCC).
Ba điểm chính của kỳ họp ‘lưỡng hội’
Ông Lại Kiến Bình (Lai Jianping), một luật sư nhân quyền Trung Quốc sống lưu vong ở Canada, nói trên chương trình Hoa ngữ “Diễn đàn Tinh anh” (Pinnacle View) của NTD rằng có ba điểm chính trong kỳ họp lưỡng hội năm nay.
Điểm đầu tiên liên quan đến nền kinh tế. Suy thoái kinh tế của Trung Quốc được đánh dấu bằng sự sụt giảm trên các thị trường chứng khoán, địa ốc, và trái phiếu. Dù ĐCSTQ đã tiến hành nhiều biện pháp khác nhau nhưng vẫn đi vào ngõ cụt và không thể xoay chuyển tình thế.
Ông Lại nói, “Kể từ năm ngoái, ĐCSTQ đã rơi vào trạng thái tuyệt vọng, thậm chí còn khai triển Bộ An ninh Quốc gia để đe dọa những người chỉ trích nền kinh tế Trung Quốc” bằng việc bắt giữ.
Ông tin rằng những tai ương kinh tế hiện nay của Trung Quốc bắt nguồn từ nền chính trị của ĐCSTQ. Căn nguyên của cuộc khủng hoảng này nằm ở sự độc tài và những hành động ngang trái không xem ai ra gì của ông Tập Cận Bình. Chừng nào vai trò của ông Tập Cận Bình vẫn không thay đổi, thì nghị trình chính trị của toàn bộ quốc gia này vẫn sẽ là duy trì chế độ độc đảng và độc tài cộng sản. Vì vậy, về mặt kinh tế, Trung Quốc không chắc có thể quay trở lại con đường “cải cách và mở cửa.”
Điểm thứ hai liên quan đến việc ĐCSTQ thanh lọc các quan chức cấp cao. Gần đây có thông tin cho rằng cựu Bộ trưởng Ngoại giao Tần Cương (Qin Gang) đã từ chức đại biểu Quốc hội. Nhiều người suy đoán rằng ông Tần có thể đã bị tra tấn hoặc hành quyết. Do bản chất hay giấu giếm của ĐCSTQ, nên việc ông từ chức không nhất thiết có nghĩa là ông còn sống hay đã từ chức. ĐCSTQ thường xuyên bịa đặt tin giả để lừa dối người dân Trung Quốc.
“Chúng ta biết rằng trong năm qua đã có 24 đại biểu Quốc hội bị cách chức, với chỉ hai trường hợp trong số đó được cho là do tử vong,” ông Lại cho biết. “22 người còn lại là kết quả của các cuộc thanh trừng, trong đó có 10 quan chức quân đội cấp cao. Điều này cho thấy có một thế lực bên trong ĐCSTQ phản đối sự độc tài và các hành động ngang trái không xem ai ra gì của ông Tập Cận Bình, vốn khiến nhiều người trong nội bộ chế độ này khó có thể tiếp tục tồn tại.”
Điểm thứ ba là ĐCSTQ sẽ thắt chặt duy trì sự ổn định ở mức độ chưa từng có. Trong vài năm qua, tâm lý phản kháng trong dân chúng và trong nội bộ ĐCSTQ đã không ngừng gia tăng, đến mức gây nguy hiểm cho sự cai trị độc đảng của ĐCSTQ. Vì vậy, ông Lại tin rằng trước và sau kỳ họp lưỡng hội, ĐCSTQ sẽ tăng cường các biện pháp an ninh ở quy mô chưa từng có.
Năm 2021, ĐCSTQ ban hành cái gọi là Luật Bảo mật Dữ liệu. Hồi tháng Tư và tháng Chín năm ngoái, Luật Chống Gián điệp và Luật Xử phạt Hành chính An ninh Công cộng đã lần lượt được sửa đổi. Trung Quốc cũng đề nghị thay đổi luật về bí mật nhà nước.
“Tất cả những điều này đều phục vụ một mục đích chung là củng cố và duy trì sự cai trị độc tài của ĐCSTQ,” ông Lại nói. “Vì kỳ họp Lưỡng Hội là một sự kiện quan trọng của Đảng Cộng sản, nên chắc chắn đảng sẽ chọn các biện pháp chưa từng có để duy trì sự ổn định và trấn áp [những tiếng nói phản đối].”
Sự chậm trễ hiếm hoi trong Hội nghị Toàn thể lần thứ Ba
“Hội nghị Toàn thể lần thứ Ba” của Ban Chấp hành Trung ương ĐCSTQ được cho là một phiên họp xây dựng nghị trình, tập trung vào kinh tế diễn ra hai lần mỗi mười năm. Tuy nhiên, hội nghị quan trọng này đã bị trì hoãn nhiều tháng mà không có ngày cụ thể.
Theo ông Lại, trọng tâm hiện nay của ĐCSTQ là sẽ tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và khẳng định vị thế lãnh đạo của ông Tập. Có vẻ như ông Tập đã đích thân lên kế hoạch, khai triển, và thúc đẩy các chính sách và đường lối hiện nay. Vì vậy, hội nghị thường lệ này của ĐCSTQ đã bị trì hoãn.
Ông Thạch Sơn (Shi Shan), cây viết lâu năm và là cộng tác viên của ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times, giải thích trên “Diễn đàn Tinh anh” rằng trước đây, Hội nghị Toàn thể lần thứ Ba chủ yếu ra quyết định về các chính sách kinh tế. Nhìn chung, sau Hội nghị Toàn thể lần thứ Ba, nhà cầm quyền sẽ thực hiện một số điều chỉnh chính sách trong kỳ họp Lưỡng Hội. Vì vậy, Hội nghị Toàn thể lần thứ Ba thường được tổ chức trước kỳ họp Lưỡng Hội.
“Gần đây, có người đã gọi cho tôi và nói rằng Hội nghị Toàn thể lần thứ Ba có thể đã được tổ chức trong bí mật,” ông Thạch cho biết. “Tất nhiên, nhìn chung, Hội nghị Toàn thể lần thứ Ba không được phép tổ chức bí mật vì sự kiện này được cho là thể hiện cái gọi là ‘tập trung dân chủ,’ phản ánh sự thỏa hiệp tập thể, trong đó các thành viên khác nhau của Ủy ban Trung ương bày tỏ những quan điểm khác nhau và tiến hành đối thoại với nhau. Tuy nhiên, bây giờ có vẻ như không cần thiết phải thảo luận nhiều ý kiến khác nhau vì mọi chuyện đều do một người quyết định.”
Ông Lại nói trên chương trình này rằng lý do chính quyền Trung Quốc bị xem là độc tài là vì họ có thể làm theo ý mình mà không cần luật lệ. Họ đặt ra những quy tắc riêng và có thể phá vỡ những quy tắc đó bất cứ lúc nào. Ban đầu, cái gọi là “cải cách và mở cửa” của ĐCSTQ được thực hiện bởi ông Đặng Tiểu Bình, người đã thiết lập một hệ thống bãi bỏ các chức vụ lãnh đạo trọn đời, thực hiện giới hạn nhiệm kỳ, và các biện pháp khác.
Trong khi đó, ông Tập bãi bỏ giới hạn nhiệm kỳ, biến Trung Quốc từ thuộc về một đảng sang thuộc về một người, với tất cả các quan chức của Đảng đều là thuộc cấp của ông.
Triều đại khủng bố của ông Tập Cận Bình
Bà Quách Quân (Guo Jun), tổng biên tập ấn bản Hồng Kông của The Epoch Times, đã trích dẫn trên “Diễn đàn Tinh anh” một bài báo mới đây của ông Pierre-Antoine Donnet, cựu tổng biên tập của Agence France-Presse, tóm tắt rất tốt tình hình hiện tại của Trung Quốc.
Bài báo nêu lên rằng những thách thức chính trị và kinh tế của Trung Quốc là rất nghiêm trọng. Tuy nhiên, đây không phải là điều quan trọng nhất vì mọi quốc gia đều trải qua các chu kỳ tăng trưởng và suy thoái. Vấn đề mấu chốt là làm sao tránh được sự sụp đổ xã hội trong thời kỳ suy thoái.
Bà Quách giải thích rằng cốt lõi vấn đề của ĐCSTQ nằm ở chỗ họ nắm chặt quyền lực chính trị, và họ sẽ luôn đặt lợi ích của Đảng lên trên hết và của người dân ở sau cùng. Vì vậy, nhiều chính sách của ĐCSTQ có thể có vẻ phi lý đối với công chúng, nhưng theo quan điểm của ĐCSTQ thì các biện pháp như vậy là cần thiết và không thể tránh khỏi. Vì vậy, có nhiều chính sách và biện pháp vô lý ở Trung Quốc.
“Tôi cho rằng sự cai trị chuyên chế của ông Tập Cận Bình đang quá mạnh, đặc biệt là khi các chính sách của ông ấy thất bại, thì sự chuyên chế của ông ấy lại càng trở nên nghiêm trọng hơn,” nói. “Gần đây, Bắc Kinh đã tiến hành các phiên báo cáo chính thức rộng rãi, trong đó tất cả các quan chức cấp trên Bộ Chính trị và cấp thứ trưởng phải nộp báo cáo bằng văn bản cho ông Tập Cận Bình. Nội dung cốt lõi của những báo cáo này là về việc bảo vệ quyền lực của ông Tập Cận Bình và bảo vệ quyền lực của chính quyền trung ương. Về căn bản, đó là một hành động thể hiện lòng trung thành cá nhân với ông Tập Cận Bình.”
Trong chương trình này, ông Lại cho biết tâm lý phản kháng ở Trung Quốc chủ yếu nằm ở hai nhóm. Một là những người dân thường, vì nhiều người trong số họ đang thực sự phải chật vật để mưu sinh.
“Nhiều chủ doanh nghiệp nhỏ đang phải đối mặt với việc đóng cửa, trong bối cảnh nền kinh tế đang gặp khó khăn kinh khủng như vậy,” ông nói. “Đối với những nhóm người dễ bị tổn thương ở dưới đáy xã hội, thì tình hình của họ đang trở nên tồi tệ hơn, khiến họ không thể duy trì được cuộc sống sinh hoạt cơ bản nhất hàng ngày.”
Theo ông Lại, một nhóm khác bao gồm giới tinh hoa chính trị và kinh doanh ở Trung Quốc. Nhóm này vẫn có một số khát vọng về quyền tự do và tự chủ cá nhân. Dưới sự cai trị độc đoán của ông Tập, họ cảm thấy vô cùng lo lắng cho tương lai của đất nước. Vì vậy, khi nền kinh tế trở nên tệ hơn nữa, và ĐCSTQ củng cố sự cai trị độc đảng của mình, thì nhóm này cũng có thể đứng lên.
Bản tin có sự đóng góp của Michael Zhuang
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times