Nguồn gốc và ý nghĩa của câu tục ngữ: ‘Phòng bệnh hơn chữa bệnh’
Ngài Benjamin Franklin đã rất coi trọng câu tục ngữ cổ xưa vốn được vận dụng trong nhiều lĩnh vực của đời sống này.
“Phòng bệnh hơn chữa bệnh” là một trong những câu tục ngữ mà nhiều người chỉ hiểu được một nửa ý nghĩa của nó. Thật ra, có lẽ hầu hết mọi người chỉ nhớ câu tục ngữ đã được rút gọn, “An ounce of prevention.”
Câu chuyện đằng sau câu tục ngữ này và khả năng vận dụng đa dạng của nó trong nhiều tình huống khá thú vị.
Theo tôi thấy tục ngữ là một loại hình nghệ thuật đang lụi tàn. Trong một vài trường hợp, những thế hệ đi trước chúng ta đã bảo tồn các câu tục ngữ trong một hoặc hai nghìn năm.
Các câu tục ngữ chứa đựng rất nhiều trí tuệ giúp định hướng cuộc sống của chúng ta. Một số người cảm thấy chỉ có lời răn trong kinh thánh mới làm được việc đó. Vâng, đúng vậy. Tuy nhiên, có điều tốt là nhiều câu tục ngữ bắt nguồn từ kinh thánh. Các câu tục ngữ thể hiện chân lý súc tích và được sử dụng trong ngôn ngữ giao tiếp hàng ngày. Đó là cách giữ gìn những chân lý trong tư tưởng và lời nói của chúng ta, và đặc biệt là cách để giáo dục thế hệ kế tiếp.
Vì thế từ góc nhìn ấy, những câu tục ngữ đáng để chúng ta suy ngẫm và sử dụng. Nếu không, tục ngữ có thể bị mai một cùng với rất nhiều báu vật khác của nền văn hóa chúng ta.
Và giờ đây chúng ta hãy cùng tìm hiểu câu chuyện đằng sau câu tục ngữ “Phòng bệnh hơn chữa bệnh”.
Câu tục ngữ có nguồn gốc từ vị Tổ phụ Lập quốc Benjamin Franklin, và lá thư ẩn danh mà Ngài đã gửi cho một tờ báo.
Mặc dù lúc đầu lá thư được ký tên đơn giản “AA.,” nhưng cuối cùng, người ta cũng phát hiện đó là lá thư của Ngài Franklin.
Vào năm 1733, ngài Franklin, lúc đó sinh sống ở thành phố Philadelphia, đã ghé thăm thành phố Boston và bị ấn tượng bởi một trong những đặc điểm nổi bật của thành phố này: phòng chống hỏa hoạn. Vì thế, nguồn gốc ban đầu sử dụng câu tục ngữ này không liên quan đến việc phòng bệnh tật, mà là về phòng chống hỏa hoạn.
Franklin là một người cẩn trọng. Ông luôn mong muốn những điều tốt nhất cho thành phố nơi mình cư trú. Ông quan sát thấy những phương pháp phòng chống hỏa hoạn mà thành phố Boston phát triển, và hy vọng rằng thành phố Philadelphia có thể làm được điều tương tự. Vì thế, ông đã viết thư cho tờ báo The Pennsylvania Gazette do mình sở hữu.
The Pennsylvania Gazette là một trong những tờ báo nổi trội nhất lúc bấy giờ, được ngài Franklin và một cổ đông khác mua lại khi tờ báo gặp đình trệ. Họ đã làm cho tờ báo phát triển thành công.
Lá thư của Ngài Franklin, được xuất bản vào ngày 04/02/1735, có tựa đề ““Protection of Towns from Fire.” (Tạm dịch: Bảo vệ các thị trấn khỏi hỏa hoạn). Trong nội dung bức thư, Ngài khuyên nhủ rằng “phòng bệnh hơn chữa bệnh” và sau đó trình bày các cách thức giúp thành phố phòng chống hỏa hoạn.
Dưới đây là phần trích dẫn thú vị từ lá thư của Ngài, tiết lộ cách trò chuyện duyên dáng khiêm tốn của người thời đó. Các bạn lưu ý rằng “thành phố ở tỉnh lân cận” là nói đến thành phố Boston.
“Về cách thức của chúng ta trong việc cứu hỏa, chúng ta không muốn nhúng tay vào làm và có tinh thần thiện chí, mà chúng ta dường như mong muốn đưa ra những mệnh lệnh và phương thức. Do đó, tôi tin tưởng rằng không còn cách nào tốt hơn là chúng ta nên học theo tấm gương của thành phố lân cận. Theo nguồn thông tin tôi biết được, họ có một câu lạc bộ hoặc hội những người thanh niên năng động vận hành một xe cứu hỏa, ứng phó với tất cả các vụ hỏa hoạn bất cứ khi nào xảy ra; và vận hành xe cứu hỏa mỗi Quý một lần để kiểm tra xem xe còn hoạt động tốt không.”
Một số người đặt biệt danh cho Franklin là Nhà sáng lập phòng cháy chữa cháy, vì đề xuất của ông đã dẫn đến việc thành lập một công ty cứu hỏa có tên là Philadelphia’s Union Fire. Công ty này đã trở thành tiêu chuẩn cho tổ chức cứu hỏa tình nguyện.
Vậy là thêm một lý do nữa để chúng ta cảm ân Vị Tổ phụ Lập quốc này. (Và tất nhiên chúng ta cũng tri ân những người lính cứu hỏa sẵn lòng bảo vệ chúng ta bất kỳ nơi nào ta đang sinh sống!)
Khi nghĩ về việc dự phòng có vai trò như thế nào trong cuộc sống của chúng ta, tất nhiên có liên quan đến phòng chống hỏa hoạn. Cách sử dụng từ “chữa trị” trong câu tục ngữ này một cách tự nhiên gợi nhớ đến bệnh tật, giống như việc kiểm tra sức khỏe định kỳ hàng năm với bác sĩ của bạn, nhưng phòng chống cũng liên quan đến nhiều lĩnh vực khác của đời sống.
Khi bạn đánh răng, chẳng phải đó cũng là một dạng phòng ngừa? Và khi bạn thay dầu cho xe hơi hoặc sơn lại lớp sơn bên ngoài đã bị bong tróc trước khi nước mưa thấm vào gỗ v.v… đều cùng vì mục đích ấy.
Lời cuối cùng của tôi là, một lần nữa, tôi không thể không nghĩ về tầm quan trọng của câu tục ngữ này trong việc hướng dẫn thế hệ mai sau. Đó là hạn chế con trẻ sử dụng công nghệ, giáo dục các em về sự nguy hiểm của ma túy và rượu bia, hoặc thậm chí giới hạn những ai các em nên giao lưu, và còn nhiều điều khác nữa.
Về phương diện nuôi dưỡng con trẻ, chỉ cần một vài giây phút không thoải mái khi áp dụng biện pháp phòng ngừa nhưng hiệu quả cuối cùng luôn đáng kinh ngạc. Nếu áp dụng các biện pháp phòng ngừa quá ít hoặc quá trễ, các bạn sẽ gặp khó khăn để đảo ngược tình huống.
Nam Anh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times