Người xưa khi xử án đã dùng cách gì để phát hiện lời nói dối
Thời cổ đại không có máy phát hiện nói dối. Vậy trong quá trình xử án khi gặp phải những kẻ nói dối, các vị quan lại thời xưa đã sử dụng cách gì để phân biệt, từ đó đưa ra phán quyết công bằng?
Tại thủ đô Rome nước Ý có một tác phẩm điêu khắc nổi tiếng là một chiếc mặt nạ bằng đá cẩm thạch được lưu lại từ thời trung cổ, có tên gọi là “Miệng của sự thật” (tiếng Ý: Bocca della verità). Bởi vì hình dáng đặc biệt của nó, người ta tin rằng nếu đặt tay của một kẻ nói dối nào đó vào trong chiếc miệng kia thì bàn tay của người đó sẽ bị cắn đứt. Do đó chiếc mặt nạ này còn được xem là máy phát hiện nói dối thời cổ đại.
Là một cảnh quan đặc biệt, tác phẩm điêu khắc bằng đá cẩm thạch này đã xuất hiện trong rất nhiều các tác phẩm điện ảnh, đáng nhớ nhất là sự xuất hiện của nó trong bộ phim “Rome Holiday”.
Thời cổ đại không có máy phát hiện nói dối. Vậy trong quá trình xử án, khi gặp phải những kẻ nói dối, các quan lại thời xưa đã dùng cách gì để phân biệt, từ đó đưa ra những phán xét công bằng? Hãy cùng điểm qua những câu chuyện nhỏ thời Trung Quốc cổ đại.
Vào triều đại Bắc Tống, một năm nọ khi Trần Tương (1017-1080) còn đảm nhận chức tri huyện huyện Phố Thành, tỉnh Phúc Kiến, tại địa hạt nơi ông cai quản đã xảy ra một vụ trộm cắp. Tuy quan sai đã bắt được mấy nghi phạm, nhưng không một ai trong số họ chịu nhận tội. Rốt cuộc thì ai là kẻ nói dối, ai mới là kẻ trộm thật sự, quan phủ nhất thời không thể nào phán đoán được.
Sờ chuông đoán trộm
Trần Tương suy nghĩ một lúc rồi nảy ra một diệu kế. Ông tuyên bố với dân chúng rằng, chiếc chuông trong chùa rất linh nghiệm, có khả năng phi phàm là có thể phát hiện ra kẻ trộm; Phàm là kẻ trộm, cứ hễ chạm vào chuông thì nó sẽ phát ra tiếng vang, tựa như báo án vậy.
Trần tri huyện sai người đặt chiếc chuông phía sau quan thự, sau đó cho gọi nghi phạm đến rồi nói với họ rằng: “Nếu không phải là kẻ trộm, cho dù có sờ tay vào chuông thì nó cũng không phát ra âm thanh; còn nếu là kẻ trộm thì chỉ cần chạm vào nó cũng sẽ phát ra tiếng.”
Nói xong, Trần tri huyện đích thân dẫn đầu quan viên sai dịch lớn nhỏ trong huyện trịnh trọng làm lễ tế trước chiếc chuông. Lễ tế kết thúc, ông bèn sai người đem màn đến bọc quanh chiếc chuông, sau đó cho nghi phạm đưa tay vào trong chiếc màn sờ chuông.
Sau khi các nghi phạm đã sờ chuông xong, Trần tri huyện liền lệnh cho họ chìa tay ra. Trên tay mỗi người đều có dấu mực, duy chỉ có một người là không. Hoá ra, Trần tri huyện sớm đã sai nha dịch bôi một lớp mực lên chuông. Kẻ trộm thật sự vì sợ chuông phát ra âm thanh nên nhất định sẽ không dám chạm tay vào, do đó trên tay hắn tất nhiên không có dấu mực.
Trần Tương đã sử dụng chuông như một đạo cụ để phá án, từ đó tìm ra kẻ trộm thật sự.
So sánh cáo trạng, vạch trần lời nói dối
Vào cuối triều đại nhà Tùy, Dạng Đế vô đạo khiến lòng dân căm phẫn, quần hùng nổi dậy khởi nghĩa. Tại tỉnh Thái Nguyên, Đường Cao Tổ Lý Uyên khởi binh phản Tùy. Đương thời, Lý Tịnh và Vệ Văn Thăng là quan viên nhà Tùy, phụ trách trấn thủ Trường An. Lý Uyên khi bình định Quan Trung, việc đầu tiên giết chết Vệ Văn Thăng, sau đó đến lượt Lý Tịnh.
Lý Tịnh nghiêm nghị nói: “Lý Uyên, ngài hao tổn thời gian và sức lực, huy động lực lượng bình định Quan Trung chỉ vì để báo tư thù sao? Nếu ngài muốn có được thiên hạ thì không thể giết Lý Tịnh ta.”
Lý Uyên nghe xong thấy có lý, lại thêm Lý Thế Dân đứng bên cạnh cũng cầu tình giúp cho Lý Tịnh. Do đó Lý Uyên bèn xá miễn cho Lý Tịnh, còn sắp xếp cho ông ta làm quan thứ sử tỉnh Kỳ Châu.
Về sau có người mật cáo rằng Lý Tịnh mưu phản. Lý Uyên bèn sai quan Ngự sử điều tra sự việc này.
Quan Ngự sử phụng chỉ đến Kỳ Châu tiếp kiến người cáo trạng, đồng thời cùng hắn đi qua mấy trạm dịch. Có lẽ thông qua nhiều dấu vết, quan Ngự sử biết rằng có kẻ cố ý vu cáo Lý Tịnh. Trong lòng ông cảm thấy nghi ngờ kẻ mật cáo, nhưng nhất thời không biết làm cách nào vạch trần được hắn.
Quan Ngự sử bèn nghĩ ra một cách, ông ra vẻ lo lắng bất an, giả vờ rằng đã làm mất bản cáo trạng, rồi cố ý mắng nhiếc đánh đập thuộc hạ. Sau đó, ông lại thỉnh cầu kẻ mật cáo kia hãy viết lại một bức cáo trạng khác.
Do đó, kẻ mật cáo đã viết lại một bản cáo trạng khác cho Ngự sử. Ngự sử bèn đem ra so sánh với bản cáo trạng trước đó, thì phát hiện ra không ít chỗ sơ hở giữa hai bức cáo trạng, từ đó điều tra ra sự việc kẻ mật cáo đã nói dối, cố ý vu cáo Lý Tịnh. Sau khi quan Ngự sử trở về Trường An, ông bèn bẩm báo sự thật với Lý Uyên, khiến Lý Uyên vô cùng sửng sốt.
Quan Ngự sử nhà Đường đã dùng cách so sánh cáo trạng để vạch trần lời nói dối của kẻ tố cáo, Lý Tịnh nhờ đó được rửa oan.
Kết án thông qua nói chuyện đời thường
Bị ảnh hưởng bởi những bộ phim truyền hình cổ trang, không ít người cho rằng việc thẩm vấn các nghi phạm thời Trung Quốc cổ đại đều dùng hình thức khổ hình hoặc đe dọa đánh đập. Vào những năm Càn Long – Gia Khánh triều đại nhà Thanh, Trương Thuyền Sơn trong lúc vấn án đã sử dụng phương pháp thông qua trò chuyện với nghi phạm, cuối cùng phá được vụ án nan giải.
Trương Thuyền Sơn với thân phận Hàn Lâm đến nhậm chức Tri phủ Thái Châu, tỉnh Sơn Đông. Vì cậy tài kiêu ngạo nên ông đã vô lễ với Tuần Phủ tỉnh Sơn Đông là Bạch Đại Nhân. Bạch Đại Nhân ôm hận trong lòng, nói rằng Trương Thuyền Sơn là một thư sinh, sao có thể đảm đương trọng trách được. Trưởng quan địa phương đáp: “Trương Thái Thú tuy là thư sinh, nhưng chưa từng phạm sai lầm gì”, nói thêm rằng tiểu tử này tuy cao ngạo nhưng thật sự là người có tài học, sẽ không ảnh hưởng đến bách tính muôn dân. Tuần Phủ không tin, bèn giao cho Trương Thuyền Sơn một vụ án khó, yêu cầu phá được vụ án này thì mới có thể nhậm chức.
Đây là một vụ án trộm cắp, phủ Thái Châu đã bắt được một tên cường đạo ở Giang Dương, nhưng kẻ này vô cùng giảo hoạt, hắn nhiều lần nói dối và phản cung, khiến cho quan thẩm phán không cách nào điều tra được vụ việc, càng không cách nào định được án.
Trương Thuyền Sơn đến thẩm vấn tên trộm, mọi người hỏi ông cần đến hình cụ gì? ông nói rằng hình cụ đợi đến lúc cần hẵng nói, hiện giờ chỉ cần một đĩa thịt sấy và một hũ rượu Thiệu Hưng là được.
Sau khi rượu thịt đã được chuẩn bị đầy đủ, Trương Thuyền Sơn bèn gọi hai thư đồng đến hâm rượu và rót rượu, cùng một thư lại đến ghi chép, sau đó cho gọi nghi phạm đến. Trương Thuyền Sơn tay trái cầm ly rượu, tay phải lật án kiện, vừa uống rượu ăn thịt vừa hỏi han nghi phạm. Những câu hỏi Trương Thuyền Sơn đưa ra rất đơn giản, ví như ngươi tên gọi là gì, bao nhiêu tuổi, gia cảnh như thế nào… Trong lúc Trương Thuyền Sơn hỏi han chuyện gia đình, thì trưởng quan địa phương và Liêm phóng sứ ngồi nghe sau bức bình phong. Cứ như vậy 3 ngày trôi qua, cuộc nói chuyện đều được thư lại ghi chép đầy đủ.
Vào ngày thứ 3, giờ Thân (3h-5h chiều), Trương Thuyền Sơn lúc này thay đổi giọng điệu, nghiêm mặt nói rằng: “Ta đã nói chuyện với ngươi suốt 3 ngày, đều là những chuyện tầm phào, nhưng câu trả lời của ngươi trong suốt 3 ngày hôm nay đều là trước sau bất nhất. Chuyện nhỏ mà còn lật lọng tráo trở, thì huống gì là vụ án?”. Ông nhắc nhở nghi phạm, nếu có thể đưa ra lời khai đúng sự thật, thì không thẹn là bậc hảo hán, nếu vẫn tiếp tục ăn nói hàm hồ, nguỵ tạo bằng chứng, thì có xử chết cũng vậy thôi. Kẻ trộm ngay lập tức dập đầu xin tha tội, đồng ý khai ra sự thật, hứa sẽ không phản cung nữa. Một vụ án khó đã được kết thúc như vậy.
Hồng Hy thực hiện
Lê Oanh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ