Người lao động Bắc Hàn ở Trung Quốc bị bóc lột như nô lệ
Hồi tháng trước đã có tin tức về vụ bạo loạn nổ ra do những người Bắc Hàn làm việc tại Trung Quốc không được trả lương. Họ phát hiện tiền lương của mình bị chính quyền Bắc Hàn sử dụng để sản xuất vũ khí.
Các trường hợp người Bắc Hàn biểu tình chưa từng được tiết lộ. Chính phủ Bắc Hàn gần như kiểm soát hoàn toàn đối với người dân trong nước. Bất kỳ ai dám công khai kiến nghị hoặc có lời dị nghị có thể sẽ bị hành quyết.
Theo BBC, một người Bắc Hàn từng làm việc tại Trung Quốc cho biết, việc người lao động Bắc Hàn bị trừ lương càng ngày càng trở nên phổ biến. Một người lao động Bắc Hàn khác làm việc trong lĩnh vực IT nói rằng bản thân anh “bị bóc lột như nô lệ.”
Ước tính có khoảng 100,000 người Bắc Hàn được cử ra ngoại quốc, chủ yếu làm việc trong các nhà máy và công trường xây dựng ở phía đông bắc Trung Quốc. Những nhà máy và công trường xây dựng này do chính quyền Bắc Hàn điều hành. Đây là nơi họ thu ngoại tệ về cho chính quyền Bắc Hàn đang bị chế tài. Người ta ước tính rằng, trong khoảng thời gian từ năm 2017 đến năm 2023, họ đã kiếm được cho chính phủ Bắc Hàn khoảng 740 triệu USD (tương đương 5.86 triệu bảng Anh).
Hồi tháng trước, một cựu quan chức ngoại giao Bắc Hàn tiết lộ với giới truyền thông rằng, hôm 11/01, bạo loạn đã nổ ra tại một số nhà máy dệt may do chính phủ Bắc Hàn điều hành ở phía đông bắc Trung Quốc.
Không thể nhẫn hơn được nữa
Ông Cho Han-beom, nghiên cứu viên cấp cao tại Viện nghiên cứu Thống nhất Quốc gia Nam Hàn (KINU), trích dẫn nguồn tin từ Trung Quốc cho biết có tới 2,500 công nhân trong 15 nhà máy ở tỉnh Cát Lâm tham gia vào cuộc bạo loạn. Đây là hoạt động biểu tình với quy mô lớn nhất được biết đến trong lịch sử Bắc Hàn.
Ông Ko Young Hwan, người đào thoát khỏi Bắc Hàn đến Nam Hàn vào những năm 1990, nói với BBC rằng ông nghe nói các công nhân đã không thể nhẫn chịu được nữa khi họ biết rằng số tiền lương không được trả trong nhiều năm đã được chuyển vào quỹ chuẩn bị chiến tranh của chính quyền Bắc Hàn.
“Họ bắt đầu đập phá máy may và dụng cụ nhà bếp.” “Một số người thậm chí còn nhốt các quan chức Bắc Hàn vào phòng và đánh đập.” Ông Ko Young Hwan nói.
Theo những gì ông Ko Young Hwan được biết, các công nhân dệt may trong các nhà máy này đã bị giữ lại toàn bộ tiền lương trong thời gian xảy ra dịch bệnh COVID-19. Đồng thời họ nhận được thông báo rằng, họ sẽ không được trả lương cho đến khi trở về nhà.
Ông Cho Han-beom nói: “Rất nhiều công nhân trong số này đã làm việc ở nước ngoài trong thời gian dài mà không được trả lương. Họ kiệt sức về thể chất lẫn tinh thần và đều muốn trở về nhà.”
Phóng viên BBC đã phỏng vấn ông Jeong, người từng làm việc tại Trung Quốc từ năm 2017 đến năm 2021. Ông nói, mặc dù công ty nơi ông làm việc có lợi nhuận cao, bản thân ông là một trong những người có thành tích tốt nhất, nhưng ông chỉ nhận được 15% tổng thu nhập, phần còn lại đều bị nộp lên trên. Ông cho biết, tiền lương của người lao động đang bị giữ lại với tần suất ngày càng tăng.
Một người Bắc Hàn làm việc trong lĩnh vực IT ở đông bắc Trung Quốc xác nhận bằng thư điện tử với BBC rằng, trong bốn năm qua, chính quyền đã thắt chặt mức độ kiểm soát người lao động.
“Chính phủ Bắc Hàn bóc lột nhân viên IT như nô lệ. Chúng tôi bị cưỡng ép phải làm việc từ 12 đến 14 giờ một ngày, sáu ngày một tuần.” Lập trình viên máy điện toán này tiết lộ rằng khi mới vào làm, anh ấy có thể nhận được 15% đến 20% thu nhập hàng tháng. Nhưng đến năm 2020, công ty dứt khoát ngừng trả lương.
Anh nói, chính quyền Bình Nhưỡng sau đó đã ra lệnh cho các quan chức nhốt người lao động trong các doanh trại vào ban đêm để ngăn họ chạy trốn. Người đàn ông này cũng viết trong thư điện tử rằng các nhân viên quản lý bị gây sức ép phải công khai hạ nhục những nhân viên làm việc kém hiệu quả, đánh đập họ cho đến khi chảy máu trước đông đảo mọi người.