Phân tích: Thể chế cha truyền con nối của gia tộc họ Kim ở Bắc Hàn
Các nhà quan sát chính trị cho biết: Khác với một chế độ xã hội chủ nghĩa, Bắc Hàn là một chế độ độc tài quân chủ gắn liền với hệ thống siêu nô lệ
Gần đây, giới lãnh đạo cấp cao của Bắc Hàn đã chứng kiến một số diễn biến mới, với việc cô con gái đương tuổi thiếu niên của ông Kim Jong-un, cô bé Kim Ju-ae, được truyền thông chính thức ca ngợi là “nhà lãnh đạo hàng đầu.” Các nhà quan sát chính trị cho rằng điều đó có thể là được dự định để tuyên bố rằng gia tộc họ Kim đã xác định được người kế vị và nhà lãnh đạo tương lai của chế độ này.
Thách thức chính mà các chế độ chuyên quyền đương thời phải đối mặt, đặc biệt là các chế độ có tính chất cộng sản, là sự chuyển giao liền mạch quyền lực tối cao. Việc không thiết lập được tính hợp pháp trong quá trình này thường dẫn đến sự sụp đổ của hệ thống và kéo theo tình trạng bất ổn xã hội.
Vì vậy, phải chăng đây là lối thoát để Bắc Hàn áp dụng phương pháp kế thừa quyền lực lâu đời thông qua dòng dõi gia tộc? Liệu các chế độ chuyên quyền khác, chẳng hạn như Trung Quốc Cộng sản, có thể làm theo không?
Hình thức quản trị không điển hình về chính trị
Hôm 03/04, trong chương trình “Diễn đàn Tinh anh” (Pinnacle View), nhà bình luận chính trị Hoành Hà (Heng He) đã chia sẻ quan điểm của mình rằng chế độ họ Kim của Bắc Hàn hơi khác so với Đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ) của Trung Quốc về các hình thức vận hành chính phủ.
Theo ông Hoành, ở Trung Quốc, Cách mạng năm 1911, hay Cách mạng Tân Hợi, đã lật đổ chế độ đế quốc, nhưng không có sự chuyển dịch xã hội tương tự như ở Bắc Hàn. Nhật Bản đô hộ Bắc Hàn trong nửa thế kỷ và sau đó, Bắc Hàn trực tiếp chuyển sang chủ nghĩa xã hội, một chế độ độc tài. “Nói chính xác là, Bắc Hàn chưa từng trải qua một quá trình dân chủ nào.”
Mặt khác, ông Hoành khẳng định Bắc Hàn không thể được coi là một quốc gia cộng sản, dẫn chứng rằng quốc gia này đã loại bỏ chủ nghĩa cộng sản khỏi Hiến Pháp từ lâu. “Trong bản sửa đổi Hiến Pháp năm 1992, chủ nghĩa Marx đã bị loại bỏ và thay thế bằng một điều gì đó giống như hệ tư tưởng duy nhất của gia tộc họ Kim, thậm chí còn cao hơn cả luật cơ bản.”
“Gia tộc họ Kim giữ vị thế được tôn kính và thần tượng ở Bắc Hàn mà không nhất thiết phải tuân thủ các nguyên tắc cộng sản.”
Trong phong tục truyền thống với nền văn hóa tín thần, các nước Đông Á, trong đó có đất nước Trung Hoa cổ đại, đều có một điểm chung: chế độ quân chủ cha truyền con nối và sự kế vị triều đại [được công nhận là] ‘quân quyền thần thụ’ (quyền lực của nhà vua do Thần ban cho).
Nhưng ngày nay mọi thứ đều đã thay đổi.
Mặc dù chính thức tuyên bố là Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên (DPRK), nhưng Bắc Hàn đã từ bỏ tập tục truyền thống để thực thi chế độ cha truyền con nối, điều mà ông Hoành tin là bất thường vì chế độ này không dựa vào thiên ý cũng như không được bầu chọn trong một nền dân chủ.
“Hiện tại, trong số các quốc gia xã hội chủ nghĩa ở Đông Á, hệ thống kế vị quyền lực dựa trên gia tộc của Bắc Hàn dường như tương đối ổn định so với Trung Quốc Cộng sản, nơi hệ thống kế vị quyền lực của ĐCSTQ là mong manh nhất.”
Biểu tượng quyền lực ‘Núi Paektu’
Gia tộc họ Kim, còn được gọi là triều đại họ Kim hoặc huyết thống Núi Paektu (hay núi Baekdu) trong lối thuyết giảng tư tưởng của Đảng Lao động Triều Tiên (WPK) cầm quyền, là dòng dõi ba thế hệ lãnh đạo Bắc Hàn.
Người Bắc Hàn hay nhắc đến một bối cảnh lịch sử để nhấn mạnh nguồn gốc quyền lực của Núi Paektu trong khi loại trừ hệ tư tưởng cộng sản Marx.
Theo ông Hoành, vào đầu những năm 1950, để bảo đảm quyền lực của mình, ông Kim Nhật Thành (Kim Il-sung) đã tàn sát các thành viên và lãnh đạo phe phái khác. Cuộc thanh trừng đã sát hại hơn 6,000 người vào khoảng năm 1957. “Sau khi tiêu diệt tất cả các đối thủ, ông [Kim Nhật Thành] đã đặt nền móng cho quyền lực của mình và truyền cho con trai vì không ai có thể thách thức ông ấy nữa.”
Kể chi tiết về quá trình củng cố quyền lực của ông Kim Nhật Thành, ông Hoành cho biết: “Vào thời điểm đó, ở Bắc Hàn có bốn phe lớn, bao gồm phe thân Liên Xô, phe thân ĐCSTQ hay phe Diên An, Đảng Cộng Sản Bắc Hàn, và phe do chính ông Kim Nhật Thành lãnh đạo, tức là lực lượng du kích.”
Núi Paektu, được gọi là Núi Trường Bạch trong tiếng Hoa, nằm ở biên giới giữa Cát Lâm, Trung Quốc và Bắc Hàn. Vào những năm 1920, khi Nhật Bản xâm chiếm hoàn toàn Bán đảo Triều Tiên, một số người dân Bắc Hàn đã đào thoát đến khu vực núi Trường Bạch, Diên Biên của Trung Quốc để tiếp tục các hoạt động chống Nhật khác nhau, bao gồm một số vụ ám sát.
Bà Quách Quân (Guo Jun), tổng biên tập ấn bản Hồng Kông của The Epoch Times, cho biết trong chương trình “Diễn đàn Tinh anh” (Pinnacle View) rằng lực lượng du kích này đã trở thành trụ cột tinh thần quan trọng đối với người dân Bắc Hàn. Khi người Nhật chiếm đóng Mãn Châu ở Trung Quốc vào những năm 1930, những người du kích này đã đào thoát sang Liên Xô và nắm quyền lãnh đạo chung của quốc gia trong suốt Đệ nhị Thế chiến. Sau này, khi Nhật Bản đầu hàng, và Liên Xô cần quản lý khu vực phía bắc Vĩ tuyến 38 ở Bắc Hàn, một sĩ quan đã được bầu từ lực lượng du kích này, và người đó chính là ông Kim Nhật Thành (Kim Il-sung), bà Quách cho biết.
Ông Kim Chính Nhật (Kim Jong-il), con trai của ông Kim Nhật Thành, là người đầu tiên kế thừa huyết thống Núi Paektu. Người ta nói rằng ông Kim Chính Nhật sinh năm 1942 tại căn cứ của quân du kích Bắc Hàn ở Núi Paektu, một con đường rất chính thống trong nền chính trị Bắc Hàn. Tuy nhiên, ông Kim Nhật Thành được sinh ra ở Liên Xô. “Vì vậy, vì nhu cầu chính trị, các tài liệu chính thức đã soạn lại [một cách bịa đặt] để ông ấy được ‘sinh ra’ ở Núi Paektu.”
Do “tầm quan trọng chính trị thiêng liêng” của Núi Paektu vào những năm 1950, Bắc Hàn đã yêu cầu ĐCSTQ nhượng lại ngọn núi này cho họ. Sau đó, ĐCSTQ đã bàn giao hơn 47% diện tích ngọn núi cho Bắc Hàn, bà Quách cho biết.
Chủ nghĩa toàn trị siêu nô lệ mới
Bà Quách cho rằng lý luận của sự cai trị độc tài — gia tộc họ Kim phải kế thừa dòng dõi Núi Paektu — có chung quan niệm với thế hệ thứ hai của ĐCSTQ: “Tôi đã chiến đấu vì vương quốc, và tất nhiên, con cháu của tôi luôn là những người sẽ ngồi trên ngai vàng.”
Trong những ngày đầu, dòng dõi Núi Paektu đề cập đến một nhóm quân sự gồm những cộng sự thân cận của ông Kim Nhật Thành, nhưng sau này, là đề cập trực tiếp đến gia tộc họ Kim.
Toàn bộ sự cai trị chính trị của gia tộc họ Kim đều nhấn mạnh đến tính chính thống, tính hợp pháp của người thừa kế tương lai nhằm bảo đảm quá trình chuyển giao quyền lực diễn ra suôn sẻ trong gia tộc. Chủ nghĩa cộng sản, chủ nghĩa Marx, và chủ nghĩa xã hội đã bị xóa bỏ khỏi bản sắc chính trị của họ, và về phương diện này, “Bắc Hàn đã chuyển từ một chế độ độc tài cộng sản sang một chế độ độc tài quân chủ,” như bà Quách đã nói.
Theo bà Quách, tình trạng lạc hậu và khép kín kéo dài là hai điều kiện tiên quyết không thể thiếu để Bắc Hàn duy trì chế độ độc tài quân chủ đó.
“Hiện nay, Bắc Hàn là một hệ thống công xã; mọi hoạt động kinh tế, doanh nghiệp, đất đai, tài nguyên khoáng sản đều thuộc sở hữu nhà nước. Thậm chí, mỗi cá nhân không thuộc về bản thân mình mà thuộc về nhà nước. Người dân không có tự do và không có quyền sở hữu tài sản cá nhân.”
“Quốc gia đó (Bắc Hàn) là một hệ thống siêu nô lệ. Mọi người đều bị bắt làm nô lệ ngoại trừ người có quyền lực cao nhất.”
Một vấn đề khác của Bắc Hàn là sự cô lập về chính trị và đóng cửa biên giới. “Người dân bị kết án tử hình vì nghe lén các chương trình phát thanh của Nam Hàn hoặc thậm chí xem phim truyền hình Nam Hàn. Ngoài ra còn có một bộ máy quan liêu ở Bắc Hàn được đối xử ưu ái hơn nhiều về kinh tế và chính trị so với người dân thường, và điều duy nhất họ cần làm là trung thành về mặt chính trị. Tất nhiên, có thể thấy đây là một cơ cấu chính trị không ổn định, và các cuộc tranh đấu chính trị cấp cao trong nội bộ diễn ra rất gay gắt và đẫm máu. Một khi chính trị cấp cao đi vào bế tắc, cả quốc gia có thể sụp đổ,” bà Quách cho biết, trích dẫn một cuộc họp đảng vào tháng 12/2013. Lúc đó, ông Kim Jong-un đã ra lệnh lôi người chú của mình, ông Jang Song-thaek, ra xử tử tại nơi công cộng.
Quyền lực cha truyền con nối
Theo ông Hoành, lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình không thể bắt chước hệ thống quyền lực cha truyền con nối của gia tộc họ Kim dù đã thành công trong việc bảo đảm nhiệm kỳ thứ ba và đảo ngược thông lệ của ĐCSTQ. “Ông Tập không có uy tín như vậy và mọi người chỉ là sợ ông ấy, chứ không giống như gia tộc họ Kim, vốn đã tạo dựng được uy tín cho riêng mình trong chính quyền.”
Ông Hoành tin rằng nhà lãnh đạo độc tài nhất của ĐCSTQ, ông Mao Trạch Đông, đã cân nhắc đến việc truyền lại ngai vàng cho con trai mình, ông Mao Ngạn Anh (Mao Anying). Tuy nhiên, hy vọng của ông cuối cùng đã tan thành mây khói khi ông Mao Ngạn Anh qua đời trong một cuộc ném bom vào chiến trường Bắc Hàn hồi tháng 11/1950.
Bản chất quyền lực cha truyền con nối trong các chế độ độc tài có nghĩa là mỗi thế hệ phải có một nấm đấm sắt mới có thể nắm chắc quyền lực, nhưng theo ông Hoành, xác suất này là “ngẫu nhiên.”
“Từ thời ông Kim Nhật Thành đến ông Kim Chính Nhật rồi đến ông Kim Jong-un, ba thế hệ đã sản sinh ra những nhà lãnh đạo đáng gờm và có ảnh hưởng để cai trị xã hội. Tuy nhiên, vẫn còn phải xem liệu thế hệ thứ tư có tạo ra được một nhà lãnh đạo có tầm cỡ tương tự hay không. Nếu không, và nếu xuất hiện một nhà lãnh đạo yếu hơn, thì kiểu kế nhiệm này có thể sớm thất bại.”
Ông Hoành giải thích thêm, “bởi vì tính hợp pháp của hệ thống Bắc Hàn không mạnh bằng tính hợp pháp của một triều đại truyền thống, trong bối cảnh nước này là một quốc gia cộng hòa trên hình thức. Do đó, có thể có một số điều không chắc chắn về quyền kế vị của gia tộc họ Kim.”
Hân Nhi biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times