Bắc Kinh trừng phạt 6 hãng xếp hạng lớn khi chứng khoán Trung Quốc lao dốc
Các chuyên gia cho rằng chính quyền Bắc Kinh đang đổ lỗi cho các báo cáo xếp hạng trung thực của các hãng này về sự suy thoái của nền kinh tế và thị trường chứng khoán Trung Quốc.
Chứng khoán Trung Quốc đã tiếp tục lao dốc trong năm mới 2024, và còn tiếp tục lao dốc hơn nữa hôm 02/02. Trước những diễn biến tiêu cực trên thị trường, các quan chức tại ngân hàng trung ương Trung Quốc — Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc — đã công bố mức phạt tổng cộng 34.46 triệu nhân dân tệ (4.8 triệu USD) cho sáu hãng xếp hạng lớn của Trung Quốc, trong đó có S&P Credit Ratings chi nhánh Trung Quốc.
Các nhà kinh tế tin rằng hình phạt được nhắm đến sáu hãng xếp hạng lớn kể trên vì những điều không được lòng nhà cầm quyền Bắc Kinh mà các công ty này đã nêu ra, chẳng hạn như tiết lộ tình hình thực tế của nền kinh tế Trung Quốc.
Hôm 02/02, ngân hàng trung ương đã công bố quyết định áp dụng các biện pháp xử phạt hành chính đối với các hãng xếp hạng, bao gồm Công ty Xếp hạng Tín dụng Quốc tế Thành Tín Trung Quốc (China Chengxin International), Công ty Dịch vụ Đầu tư Xếp hạng Tín dụng Tân Thế Kỷ Thượng Hải (Shanghai New Century Credit Rating), S&P chi nhánh Trung Quốc, Công ty Xếp hạng Tín dụng Chứng khoán Bằng Nguyên Trung Quốc (China Securities Pengyuan Credit Rating), Công ty Xếp hạng Tín dụng Liên Hiệp (Lianhe Credit Rating), và Công ty Xếp hạng Tín dụng Viễn Đông (Far East Credit Rating).
Ngân hàng trung ương Trung Quốc cho rằng 5 trong số các tổ chức này đã vi phạm nguyên tắc nhất quán, 4 trong số đó đã không tiến hành hoạt động xếp hạng tín nhiệm nợ theo quy trình xếp hạng trong luật định cũng như các quy tắc kinh doanh, và 4 trong số đó đã vi phạm các yêu cầu về tính độc lập.
Trong đó, S&P chi nhánh Trung Quốc đã bị cảnh cáo và phạt 2.12 triệu nhân dân tệ (300,000 USD), giám đốc phân tích xếp hạng của công ty cũng đã bị phạt 30,000 nhân dân tệ (4,200 USD).
Công ty TNHH Xếp hạng Tín dụng Chứng khoán Bằng Nguyên Trung Quốc đã bị cảnh cáo và bị phạt 6 triệu nhân dân tệ (844,000 USD), phó chủ tịch điều hành của công ty đã bị phạt 30,000 nhân dân tệ (4,200 USD), và phó chủ tịch công ty bị phạt 90,000 nhân dân tệ (12,600 USD). Công ty TNHH Dịch vụ Đầu tư Xếp hạng Tín dụng Tân Thế Kỷ Thượng Hải đã bị phạt 7.2675 triệu nhân dân tệ (1.02 triệu USD), giám đốc kiêm phó chủ tịch điều hành đã bị phạt 100,000 nhân dân tệ (14,000 USD).
Công ty TNHH Xếp hạng Tín dụng Quốc tế Thành Tín Trung Quốc đã bị phạt 7.685 triệu nhân dân tệ (1.08 triệu USD) vì vi phạm các yêu cầu về tính độc lập và nguyên tắc nhất quán. Một phó chủ tịch công ty bị phạt 30,000 nhân dân tệ (4,200 USD); phó chủ tịch còn lại bị phạt 130,000 nhân dân tệ (18,250 USD).
Cùng ngày sáu hãng xếp hạng bị trừng phạt, thị trường chứng khoán Trung Quốc đã rơi vào tình trạng bán tháo. Chỉ số Sở Giao dịch chứng khoán Thượng Hải đã giảm hơn 2%, lần đầu tiên giảm xuống dưới mốc 2,700 điểm kể từ tháng 03/2020; chỉ số ChiNext giảm hơn 3% xuống dưới 1512 điểm, thiết lập mức thấp mới kể từ tháng 04/2020. Tựu chung, trên 2 thị trường có hơn 5,100 cổ phiếu bị giảm điểm, trong đó có 600 cổ phiếu giảm hơn 9% và hơn 130 cổ phiếu chạm mức giá giới hạn thấp nhất.
Trừng phạt các hãng xếp hạng vì báo cáo minh bạch
Ông Lương Thiếu Hoa (Liang Shaohua), cựu giám đốc tuân thủ của một công ty quản lý tài sản ở Trung Quốc, nói với The Epoch Times: “Thị trường chứng khoán đã giảm mạnh. Đầu năm nay ai cũng nói 2800 điểm, 2700 điểm, 2900 điểm sẽ là điểm đáy. Bây giờ có vẻ như trong tình hình kinh tế tồi tệ như vậy thì không có điểm nào là đáy.”
“Các chính sách của ông Tập Cận Bình và Đảng Cộng sản Trung Quốc đã dẫn đến sự sụp đổ của nền kinh tế Trung Quốc” ông nói. “Thị trường chứng khoán là một chỉ báo kinh tế và đang đi xuống. Các chỉ số khác như tăng trưởng GDP, sản xuất điện, và thu nhập của người dân rất dễ bị ĐCSTQ làm giả.”
Ông nói, “Nhưng thị trường chứng khoán luôn xoay quanh tiền thật. Thị trường chứng khoán là một chỉ báo kinh tế không thể bị làm giả, trừ phi họ đóng cửa thị trường chứng khoán.”
Vào ngày thị trường chứng khoán lao dốc, các cơ quan truyền thông của Bắc Kinh — như Nhân dân Nhật báo, Tân Hoa Xã, và CCTV — vẫn khẳng định rằng người dân có quan điểm lạc quan về nền kinh tế Trung Quốc.
Ông Lương nói: “Thị trường chứng khoán liên tục suy thoái, thực tế này liên tục phơi bày những lời dối trá của ĐCSTQ về sự cải thiện của nền kinh tế.”
Ông nói, “Bởi vì các công ty xếp hạng đã nói lên những điều mà ĐCSTQ không muốn nghe, họ tuyên bố triển vọng xấu cho nền kinh tế nên nhà cầm quyền này đã phạt họ. Báo cáo xếp hạng của các hãng xếp hạng tín dụng là sự phản ánh chân thực của tình hình kinh tế Trung Quốc. Thị trường chứng khoán vẫn sẽ giảm dù cho có báo cáo xếp hạng hay không. Báo cáo xếp hạng không phải là nguyên nhân gây ra sự sụt giảm của nền kinh tế và thị trường chứng khoán Trung Quốc.”
Trước đó, một số hãng xếp hạng tín dụng dự đoán rủi ro tài chính của Trung Quốc sẽ tiếp tục gia tăng. Trong số đó, S&P chi nhánh Trung Quốc cho biết trong báo cáo của họ rằng do lĩnh vực địa ốc yếu kém nên nguy cơ suy thoái kinh tế của Trung Quốc rất cao, điều này sẽ tác động tiêu cực hơn nữa đến doanh số bán địa ốc.
Nhà kinh tế Đài Loan Hoàng Thế Thông (Huang Shicong) nói với The Epoch Times hôm 03/02 về các khoản tiền phạt nặng: “Đó là do các công ty xếp hạng tín dụng này đã hạ triển vọng đối với thị trường chứng khoán Trung Quốc hoặc hạ xếp hạng tín nhiệm đối với thị trường chứng khoán Trung Quốc cũng như xếp hạng quốc gia. Tất nhiên, điều này sẽ khiến nguồn vốn rút ra, thậm chí khiến các nhà đầu tư nghi ngờ về tương lai, mất niềm tin vào nền kinh tế. Ngân hàng trung ương trừng phạt các công ty xếp hạng tín dụng nhằm ngăn họ công bố các báo cáo phân tích bất lợi cho nền kinh tế Trung Quốc.”
Ông nói, “Lúc này, ngân hàng trung ương nên nghĩ cách đề ra các kế hoạch kích thích nền kinh tế hơn là trừng phạt các hãng xếp hạng tín dụng. Nếu nhìn từ góc độ chủ nghĩa tư bản thông thường, thì người ta sẽ thấy hành vi này khá là xuẩn ngốc.”