Bắc Kinh thay thế người đứng đầu cơ quan quản lý chứng khoán, hạn chế bán khống khi thị trường chứng khoán lao dốc
Lệnh ‘chỉ mua, không bán’ của chính quyền khiến dư luận Trung Quốc phẫn nộ.
Đảng Cộng sản cầm quyền của Trung Quốc (ĐCSTQ) đã thay thế người đứng đầu cơ quan quản lý chứng khoán trong bối cảnh sự phẫn nộ của công chúng ngày càng gia tăng do sự sụp đổ của thị trường chứng khoán.
Trong bối cảnh đó, nhà cầm quyền cộng sản đã viện đến biện pháp can thiệp hành chính để ngăn chặn tình trạng cổ phiếu lao dốc.
Thị trường chứng khoán Trung Quốc đã tiếp tục xu hướng lao dốc kể từ năm mới, chạm mức thấp nhất trong nhiều năm chỉ mới tuần trước (05-11/02), với hàng ngàn cổ phiếu chạm sàn. Thị trường chứng khoán lao dốc đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới niềm tin của nhà đầu tư trong và ngoài nước trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc suy thoái.
Ước tính khoảng 200 triệu người Trung Quốc đã đầu tư vào thị trường chứng khoán Trung Quốc, và nhiều người trong số họ đã bình luận trên tài khoản mạng xã hội của các đại sứ quán Hoa Kỳ và Ấn Độ để bày tỏ sự tức giận đối với ĐCSTQ và cầu xin sự giúp đỡ để vãn hồi giá trị khoản đầu tư của họ vào thị trường chứng khoán.
Hôm 07/02, cơ quan ngôn luận chính thức của ĐCSTQ, Tân Hoa Xã, bất ngờ thông báo rằng ông Dịch Hội Mãn (Yi Huiman), Chủ tịch Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc, đã bị cách chức và thay thế bằng ông Ngô Thanh (Wu Qing). Đó là quyết định của Ủy ban Trung ương ĐCSTQ và Quốc vụ viện của đảng này.
Các nhà quan sát lưu ý rằng trước khi Tân Hoa Xã đưa tin, Ban Tổ chức ĐCSTQ đã không đưa ra bất kỳ thông báo nội bộ nào. Thông thường, Ban Tổ chức sẽ đưa ra các thông báo nội bộ trước khi công bố những thay đổi nhân sự quan trọng. Theo báo cáo, ngay cả các quan chức cấp cao trong Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc cũng ngạc nhiên trước thay đổi đột ngột này.
Ông Lý Lâm Nhất (Li Linyi), một nhà bình luận thời sự hiện đang sinh sống tại Hoa Kỳ, chỉ ra rằng sau khi các lãnh đạo cao cấp của ĐCSTQ có quyết định thay thế nhân sự như vậy, họ thường thông báo trước cho Ban Tổ chức và liên lạc trước với các bộ phận liên quan.
“Việc bổ nhiệm và thay thế nhân sự này cho thấy tình hình đang rất cấp bách,” ông nói. “Các lãnh đạo cao nhất của ĐCSTQ rất lo lắng về tình hình hiện tại của thị trường chứng khoán nên đã vội vàng ra quyết định để ngay lập tức bãi miễn ông Dịch Hội Mãn khỏi chức vụ và đã tiến hành việc này một cách nhanh chóng. Nói cách khác, quyết định của lãnh đạo cấp cao nhất đã được chuyển đến Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc trong cùng ngày, vì vậy việc cách chức này đã khiến các quan chức nội bộ của Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc ngạc nhiên. Hành động này cũng cho thấy thị trường tài chính Trung Quốc thực sự đang trong tình trạng khủng hoảng.”
Điều đầu tiên mà ông Ngô làm trên cương vị người đứng đầu mới của cơ quan quản lý chứng khoán Trung Quốc là trừng phạt các công ty công nghệ và khoảng 100 chuyên gia chứng khoán bằng các khoản tiền phạt nặng và xử phạt hành chính, như Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc đã công bố hôm 09/02.
‘Đội tuyển quốc gia’ đến giải cứu
Trong khi đó, ĐCSTQ đã bơm một lượng lớn ngân quỹ quốc gia vào thị trường chứng khoán để giúp ngăn chặn sự sụt giảm của các chỉ số chứng khoán Thượng Hải và Hồng Kông thông qua các công ty nhà nước, được mệnh danh là “đội tuyển giải cứu quốc gia” dành cho thị trường tài chính Trung Quốc.
Công ty Đầu tư Trung ương Hội Kim (Central Huijin Investment), do Bộ Tài chính của ĐCSTQ kiểm soát, một đại công ty trong “đội tuyển quốc gia,” đã tuyên bố hôm 07/02 trên trang web chính thức của họ rằng họ “đã mở rộng phạm vi mua ETF trong những ngày gần đây.” Họ cũng đã tuyên bố sẽ “liên tục tăng cường hoạt động mua và mở rộng quy mô nắm giữ,” mặc dù không cho biết thêm thông tin chi tiết.
Chỉ số chứng khoán Trung Quốc đã quay trở lại mức trên 2,700 trước khi thị trường chứng khoán đóng cửa một tuần hôm 09/02 để nghỉ Tết Nguyên Đán.
Ông Tạ Điền (Frank Xie), giáo sư phụ tá marketing tại Đại học South Carolina Aiken đồng thời là một ký giả chuyên mục của Epoch Times, đã viết hôm 09/02 rằng mặc dù “đội tuyển giải cứu quốc gia” của ĐCSTQ đã trực tiếp vi phạm các nguyên tắc thị trường để giải cứu thị trường chứng khoán, nhưng hành động của họ không có nhiều tác dụng và thị trường chứng khoán sẽ tiếp tục sụt giảm.
Ông nói: “Mặc dù các quan chức cao cấp của ĐCSTQ đã trực tiếp can thiệp để đưa vốn ngoại quốc của Trung Quốc quay trở lại Trung Quốc để giải cứu thị trường chứng khoán, nhưng các nhà đầu tư vẫn không lạc quan về thị trường và các nhà đầu tư toàn cầu vẫn tiếp tục bán cổ phiếu Trung Quốc.”
Chỉ được phép mua, cấm bán
Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc cũng ban hành một số lệnh hạn chế bán khống hôm 06/02 nhằm ngăn chặn sự sụt giảm của chỉ số chứng khoán, theo đó chỉ cho phép mua cổ phiếu, chứ không cho phép bán. Các lệnh này cũng cấm cầm cố trái phiếu và cổ phiếu, cấm cho vay chứng khoán đối với các nhà đầu tư bán cổ phiếu trong cùng ngày, và tuyên bố sẽ trấn áp các phương thức bán khống để thoái vốn bất hợp pháp và thu lợi bất hợp pháp.
Nhà bình luận thời sự Thạch Đào (Shi Tao) sinh sống tại Hoa Kỳ cho biết trong chương trình trò chuyện “Today’s Click” trên NTD: “Mục đích của giao dịch cổ phiếu là kiếm tiền. Thu lợi bất hợp pháp hoặc thoái vốn bất hợp pháp có nghĩa là gì? Cổ phiếu phải được bán đi bán lại. Chỉ được phép mua chứ không được phép bán; đó không phải là một thị trường. Vì vậy [giới lãnh đạo ĐCSTQ] đã sử dụng các phương pháp phi thị trường để đưa chỉ số chứng khoán trở lại mức 2,700 điểm. Đây không phải là một chu kỳ bình thường, giống như người chỉ hít vào mà không thở ra thì sẽ chết ngạt.”
Ông Chương Thiên Lượng (Zhang Tianliang) nói về những hạn chế mới trong chương trình trò chuyện “Thời gian với Thiên Lượng” (Tianliang Hour) trên NTD hôm 09/02 rằng, ĐCSTQ đang phớt lờ các quy tắc thị trường, đồng thời nói thêm rằng “chỉ cho phép mua nhưng không cho phép bán thì chẳng khác nào đánh cướp.”
Các cổ đông Trung Quốc đã bày tỏ sự tức giận trên mạng xã hội về quy định “chỉ mua, không bán” này.
Ông Tạ viết rằng một lượng lớn các nhà đầu tư Trung Quốc tham gia vào thị trường cổ phiếu hạng A của Trung Quốc có xuất thân từ giai tầng lao động.
“Một khi thị trường chứng khoán sụp đổ, những nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ này sẽ chịu tác động lớn nhất và trực tiếp nhất, dẫn đến mất mát tài sản trên diện rộng, phá sản, và tuyệt vọng.”
Ông Tạ cho biết thêm rằng, trong cấu trúc nhà đầu tư của thị trường Âu Châu và Hoa Kỳ, tỷ lệ nhà đầu tư cá nhân tương đối thấp, chiếm chưa đến 20% giá trị thị trường.
Bản tin có sự đóng góp của Hạ Tùng và Lý Tĩnh
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times