IMF bàn về nền kinh tế Trung Quốc: Chẩn đoán chính xác nhưng cách điều trị không thực tế, vậy bước tiếp theo sẽ là gì?
Cách đây rất lâu, từ năm 2007, cựu Thủ tướng Ôn Gia Bảo (Wen Jiabao) đã tuyên bố rằng kinh tế Trung Quốc có quỹ đạo tăng trưởng “không ổn định, bất cân bằng, thiếu hiệp điệu, và không bền vững.”
Lời cảnh báo khủng khiếp của ông Ôn vào thời điểm đó đã khiến nhiều chuyên gia ngoại quốc về Trung Quốc phải kinh ngạc, nhưng báo cáo thường niên về Trung Quốc do Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) công bố mới đây đã nhắc nhở chúng ta về việc ông Ôn đã nói đúng như thế nào.
Chẩn đoán của IMF về các vấn đề kinh tế của Trung Quốc là rất ưu tú, các giải pháp được đề xướng để tránh khủng hoảng là kinh điển, và cảnh báo về những rủi ro suy thoái nếu những giải pháp đó không được thực hiện quả thực là rất rõ ràng.
Nhưng các biện pháp khắc phục của IMF thực tế đến mức nào?
Trước khi trả lời câu hỏi đó, thì chúng ta phải xem xét vấn đề kinh tế có nguy cơ gây ra hậu quả chính trị nghiêm trọng nhất cho nhà cầm quyền cộng sản Trung Quốc: cuộc khủng hoảng ngân sách chính quyền địa phương.
IMF mô tả nguy cơ xảy ra tình trạng này bằng những thuật ngữ rất ảm đạm. Trước khi cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực địa ốc nổ ra vào năm 2021–2022, 40% doanh thu của các chính quyền địa phương được tạo ra từ việc bán đất cho các nhà phát triển. Tuy nhiên, doanh số bán đất đó hiện đã sụt giảm và IMF cảnh báo rằng “nhu cầu căn bản đối với nhà ở mới dự kiến sẽ giảm gần 50% trong 10 năm tới… ở một số khu vực, mức điều chỉnh có thể mạnh hơn nhiều.”
Hơn nữa, “việc khởi công xây dựng nhà ở dự kiến sẽ vẫn ở mức thấp hơn nhu cầu căn bản trong 10 năm tới do một phần nhu cầu đã được đáp ứng bằng việc hoàn thiện những căn nhà hiện chưa hoàn thiện, bán lượng tồn kho những căn nhà đã hoàn thiện hiện có, và doanh số bán nhà ở trống được mua cho mục đích đầu tư trên thị trường thứ cấp.” Điều này có nghĩa là không có triển vọng phục hồi thông qua doanh số bán đất như một nguồn thu của chính quyền địa phương trong tương lai gần.
Sự sụp đổ của nguồn thu này diễn ra cùng lúc với một vấn đề khác: sự phụ thuộc nặng nề của chính quyền địa phương vào tài trợ từ nguồn vốn vay. Theo IMF, “Ở tất cả các tỉnh trừ những tỉnh giàu có nhất, khoản nợ đang gia tăng của chính quyền địa phương đều cao hơn nhiều so với mức chuẩn 60% GDP mà các nhà chức trách sử dụng để xác định rủi ro… mô hình kinh doanh của chính quyền địa phương trong hầu hết các trường hợp đều không bền vững, với dòng tiền từ hoạt động là âm.”
Nhiều chính quyền địa phương đã thực sự không còn khả năng thanh toán. Ông Julien Garran thuộc MacroStrategy Partnership đã chứng minh rằng chính quyền trung ương không thể giải cứu các chính quyền địa phương vì vấn đề đã trở nên quá lớn: ông ước tính tổng nợ chính quyền địa phương đã lên tới hơn 100% GDP. Bắc Kinh cũng không thể dùng lạm phát để giải quyết vấn đề này vì lạm phát sẽ làm suy yếu đồng tiền.
Các chính quyền địa phương đang sử dụng các kế hoạch Ponzi để duy trì hoạt động. Khi những kế hoạch đó đáo hạn (thời gian đáo hạn trung bình của khoản nợ tài trợ theo phương thức của chính quyền địa phương là khoảng ba năm), thì họ sẽ sa thải nhân viên, đóng cửa các dịch vụ, hủy bỏ các dự án cơ sở hạ tầng, và vi phạm nghĩa vụ đối với các trái chủ. Ngoài ra, những người gửi tiền ở các ngân hàng nhỏ hơn sẽ mất tiền gửi, các nhà đầu tư vào các sản phẩm quản lý tài sản liên quan đến nguồn tài trợ của chính quyền địa phương sẽ mất vốn, các doanh nghiệp phụ thuộc vào nguồn tài trợ của chính quyền địa phương sẽ sụp đổ, và tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng vọt.
Vậy thì liệu Trung Quốc có thể không ngăn chặn được điều này xảy ra không?
Một số biện pháp khắc phục do IMF đề nghị cho vấn đề này và các vấn đề khác trong nền kinh tế Trung Quốc là có tính chất kỹ trị và có thể được áp dụng trong khuôn khổ chính trị hiện tại. Nhưng những biện pháp khác còn đi xa hơn nhiều. IMF đã che giấu chúng bằng ngôn từ hoa mỹ, nhưng khi gạt bỏ yếu tố ngôn ngữ đó ra, thì các biện pháp này là có tính chính trị cao.
Biện pháp quan trọng nhất là việc tư nhân hóa các doanh nghiệp nhà nước, để các lực lượng thị trường thay vì kế hoạch của nhà nước đóng vai trò quyết định, tiến hành thương mại tự do, và chấm dứt việc bảo hộ các công ty Trung Quốc trước sự cạnh tranh của ngoại quốc. Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) chưa bao giờ hoàn toàn chấp nhận những chính sách như vậy vì làm như thế sẽ làm suy yếu sự độc quyền trong quyền lực chính trị của đảng này.
Sẽ là hoàn toàn viển vông để cho rằng các biện pháp này có thể được áp dụng mà không cần có sự thay đổi chính trị mang tính hệ thống. Thật đáng tiếc cho các tác giả của báo cáo — quyền hạn của IMF thậm chí còn không thể cho phép họ đề cập đến sự cần thiết của việc thay đổi chính trị.
Không chỉ riêng IMF phải kiềm chế đi đến kết luận rằng hy vọng vãn hồi duy nhất của Trung Quốc là một cuộc cách mạng chính trị. Đại đa số các nhà bình luận ngoại quốc cũng vậy.
Nhưng hãy cân nhắc điều này. Cuộc khủng hoảng ngân sách của chính quyền địa phương sẽ ngày càng trở nên sâu sắc trong lúc các kế hoạch Ponzi hoạt động. Sau đó, trong vòng ba đến năm năm, những người mất tiền gửi ngân hàng, các nhà đầu tư mất vốn, những doanh nhân mất công việc kinh doanh, và người lao động mất việc làm và không có phúc lợi xã hội đủ sống sẽ không còn gì để mất. Họ sẽ phẫn nộ. Tình trạng hỗn loạn sẽ bùng phát, và lực lượng an ninh sẽ không còn ý chí chống cự vì quân đội, công an, và các nhân viên an ninh đều sẽ nằm trong số những người bị mất tiền tiết kiệm cả đời của mình.
Những người đã từng chấp nhận sống trong tình trạng áp bức để nâng cao mức sống sẽ không chấp nhận một trạng thái như vậy trong khi phải chịu đựng nghèo khó. Giới cầm quyền — vốn trong nhiều thập niên đã đồng ý với ông Ôn rằng nền kinh tế Trung Quốc “không ổn định, bất cân bằng, thiếu hiệp điệu, và không bền vững” nhưng lại vui vẻ thu lợi từ nền kinh tế này — sau đó sẽ phán định rằng hy vọng tốt nhất của họ để bảo vệ những gì còn sót lại trong số những của cải và quyền lực của chính họ, và cứu lấy quốc gia này, sẽ là dẫn đầu phong trào thay đổi.
Họ sẽ huy động những đám đông giận dữ để đòi một nền báo chí tự do mà sẽ buộc ĐCSTQ phải chịu trách nhiệm, một cơ quan tư pháp độc lập mà sẽ bảo vệ quyền của báo chí để làm như vậy, và một lực lượng quân đội, cảnh sát, và các cơ quan an ninh trung thành với chính phủ và nhân dân, chứ không theo một đảng phái chính trị nào. Tóm lại, họ sẽ lãnh đạo một cuộc cách mạng chính trị.
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times