Trung Quốc sáp nhập các ngân hàng nhỏ vào ngân hàng lớn như một biện pháp tạm thời cho cuộc khủng hoảng tài chính tiềm ẩn
Chính quyền Trung Quốc hiện đang đẩy mạnh việc hợp nhất, sáp nhập các tổ chức tài chính vừa và nhỏ nhằm giảm thiểu tác động của một cuộc khủng hoảng tài chính tiềm ẩn.
Một nhà phân tích nói rằng nếu các ngân hàng tiếp tục rơi vào tình trạng phá sản, thì lợi ích của một bộ phận lớn người dân sẽ bị đe dọa và họ sẽ yêu cầu bồi thường thiệt hại, điều chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng đến sự ổn định của nhà cầm quyền cộng sản Trung Quốc.
Trong số tám nhiệm vụ chính được Cơ quan Giám sát Tài chính Trung Quốc (FSA) đặt ra trong hội nghị công tác năm 2024, cái gọi là cải tổ các tổ chức tài chính vừa và nhỏ để giải quyết rủi ro đã nổi lên như một mục tiêu chính.
Ông Lưu Hiểu Xuân (Liu Xiaochun), phó giám đốc Viện Nghiên cứu Tài chính Thượng Hải, một tổ chức tư vấn, cho biết tại cuộc họp chiến lược nội bộ hồi tháng 11/2023: “Một giải pháp quan trọng để giải quyết rủi ro là thông qua sáp nhập, hợp nhất, và tái tổ chức.”
Cho đến nay, theo dữ liệu chính thức, có 3,912 ngân hàng vừa và nhỏ ở Trung Quốc — chủ yếu là các ngân hàng thương mại thành phố, hiệp hội tín dụng nông thôn, và ngân hàng làng xã với tổng tài sản là 110 ngàn tỷ nhân dân tệ (khoảng 15.45 ngàn tỷ USD), chiếm 28% tổng tài sản ngân hàng trong nước.
Tính đến cuối tháng 06/2023, số lượng ngân hàng làng xã ở Trung Quốc là 1,642 ngân hàng, chiếm 40.38% tổng số tổ chức ngân hàng ở Trung Quốc.
Kể từ năm 2022, việc sáp nhập hoặc hợp nhất cấu trúc cổ phần của hơn 500 ngân hàng nhỏ đã diễn ra ở ít nhất 7 tỉnh thành, ảnh hưởng đến 2,100 tổ chức tài chính nông thôn, với quy mô tài sản là 6.7 ngàn tỷ USD.
Những vụ phá sản ngân hàng
Vào tháng 04/2022, một số ngân hàng làng xã ở tỉnh Hà Nam đã ngăn khách hàng rút tiền. Kể từ đó, nhiều vụ phá sản ngân hàng liên quan đến các ngân hàng làng xã đã xảy ra trên khắp Trung Quốc.
Phương pháp giải quyết chính của nhà chức trách là để cho các ngân hàng nhỏ được các ngân hàng lớn hấp thụ và hợp nhất thông qua sự tham gia vốn trực tiếp hoặc gián tiếp. Ước tính chỉ riêng trong năm 2023 đã có gần 100 ngân hàng vừa và nhỏ được tiến hành hợp nhất, sáp nhập.
Ông Lục Viễn Hành (Lu Yuanxing), một nhà phân tích kinh tế chính trị từng là giám đốc điều hành của một công ty ở Trung Quốc và hiện đang sinh sống tại Hoa Kỳ, tin rằng với sự sụp đổ trong lĩnh vực địa ốc của Trung Quốc và việc xu hướng suy giảm tiếp tục trong năm nay, ngày càng nhiều ngân hàng sẽ gặp khủng hoảng hoặc rơi vào tình trạng phá sản.
Trong một cuộc phỏng vấn với The Epoch Times hôm 11/02, ông Lục cho biết: “Khi giá địa ốc tiếp tục giảm vào năm 2024, thì ngày càng nhiều khoản vay ngân hàng sẽ trở thành nợ xấu không thể thu hồi được, và các ngân hàng sẽ gặp phải vấn đề phá sản ngân hàng.”
Ông nhận định, “Sau khi các ngân hàng nhỏ được sáp nhập với một số ngân hàng lớn, tổng nợ sẽ không giảm mà chỉ là thời điểm ngân hàng phá sản sẽ được trì hoãn ra sau. Mặc dù các ngân hàng lớn có tương đối nhiều tài sản hơn nhưng trước sự sụp đổ của ngành địa ốc, họ cũng khó có thể tự bảo vệ bản thân mình.”
Lĩnh vực địa ốc của Trung Quốc đã suy giảm kể từ năm 2021, với các đại tập đoàn như Hằng Đại (Evergrande) và Bích Quế Viên (Country Garden) lần lượt vỡ nợ.
Theo China Housing News, khoảng 233 công ty địa ốc ở Trung Quốc đã tuyên bố phá sản vào năm 2023. Thống kê cho thấy hơn 1,200 công ty địa ốc đã phá sản trong khoảng thời gian bốn năm từ năm 2020 đến năm 2023.
Nhà kinh tế học Hứa Thành Cương (Xu Chenggang) cho biết trong một cuộc phỏng vấn gần đây rằng phần lớn các khoản vay trong lĩnh vực tài chính của Trung Quốc được bảo đảm bằng tài sản địa ốc. Khi thị trường địa ốc có xu hướng đi xuống, giá trị tài sản trên bảng cân đối kế toán của các ngân hàng có nợ được bảo đảm bằng địa ốc cũng giảm đi. Vì vậy, khi tài sản giảm giá trị, thì sẽ gây nguy hiểm cho bảng cân đối kế toán của ngân hàng, dẫn đến rủi ro phá sản ngân hàng. Sự phá sản của một ngân hàng có thể kích hoạt phản ứng dây chuyền, cuối cùng kết thúc bằng một cuộc khủng hoảng tài chính.
Ông Hứa giải thích: “Một cuộc khủng hoảng như vậy không phải là do bất kỳ cá nhân nào tạo ra mà là do hệ thống cộng sản gây nên.”
Nạn nhân của một vụ phá sản ngân hàng
Ngày 18/04/2022, một số ngân hàng nông thôn ở tỉnh Hà Nam của Trung Quốc đã gặp khủng hoảng nguồn vốn và ngừng hoàn toàn việc cho phép khách hàng rút tiền. Khoảng 400,000 khách hàng đã bị ảnh hưởng, và tổng số tiền tiết kiệm của họ tại các ngân hàng này đã lên tới ít nhất là hàng chục tỷ nhân dân tệ (tỷ giá 1 USD tương đương với 7.12 nhân dân tệ).
Vụ việc đã gây ra sự hoảng loạn trong các khách hàng gửi tiền, những người đã liên tục tổ chức các cuộc biểu tình và tuần hành đòi quyền lợi quy mô lớn nhưng đã bị chính quyền đàn áp mạnh tay.
Tài khoản của ông Vương Kỳ (Wang Qi, bí danh), một khách hàng ở Hà Nam, người là nạn nhân của một vụ phá sản ngân hàng nhỏ, vẫn hiển thị số dư gần 3 triệu nhân dân tệ (khoảng 421,585 USD) mà ông đã gửi vào ngân hàng này nhưng lại không thể rút ra được.
Ông nói với Epoch Times phiên bản Hoa ngữ rằng một số khách hàng có số tiền gửi lên tới hơn 100 triệu nhân dân tệ.
Ông nói: “Xưa nay chưa có quốc gia nào trong lịch sử từng cướp tiền gửi của người dân như vậy, đóng băng trái phép tiền gửi trên thẻ ngân hàng của họ trong gần 700 ngày.”
Ông Vương giải thích rằng các tài khoản gặp rắc rối của người gửi tiền là tài khoản tiền gửi tiết kiệm của riêng họ, chứ không phải là tài khoản quản lý tài chính.
“Chính quyền Hà Nam gán nhãn tiền gửi ngân hàng của chúng tôi là sản phẩm quản lý tài sản và bức bách người gửi tiền ký vào một lá đơn thừa nhận rằng họ đã tham gia vào việc gây quỹ bất hợp pháp,” ông Vương nói. “Chúng tôi gửi tiền vào ngân hàng vì chúng tôi tin tưởng vào ngân hàng và chính quyền, nhưng lại bị chính quyền tỉnh Hà Nam vu khống là gây quỹ bất hợp pháp. Làm sao người dân thường có thể biết được rằng tiền gửi tiết kiệm ngân hàng cũng có rủi ro? Chính quyền Hà Nam đã cướp đi số tiền gửi này vì nền kinh tế của tỉnh đang trên bờ vực sụp đổ và hàng chục tỷ tiền gửi có thể lấp đầy rất nhiều lỗ hổng trong tài chính của họ.”
Ông Vương, người am hiểu lĩnh vực ngân hàng, nhận xét rằng các hành động hợp nhất và sáp nhập ngân hàng của chính quyền nhắm vào các ngân hàng vừa và nhỏ là nhằm giảm thiểu rủi ro. Ngược lại, khi người dân Trung Quốc không còn tin tưởng vào các ngân hàng, thì trụ cột nền tảng cho nền tài chính và niềm tin cũng sẽ sụp đổ.
“Các biến cố ngân hàng ở Hà Nam đã làm hoen ố danh tiếng của các ngân hàng nhỏ. Nhiều người đang chuyển tiền tiết kiệm từ ngân hàng nhỏ sang các ngân hàng lớn hơn,” ông nói. “Nếu xảy ra một vụ phá sản ngân hàng khác liên quan đến các ngân hàng nhỏ như Ngân hàng Làng Hà Nam, thì các ngân hàng nhỏ sẽ lần lượt phá sản. Khi đó Trung Quốc chắc chắn sẽ gặp rủi ro tài chính mang tính hệ thống, vì danh tiếng của cả hệ thống ngân hàng đã bị hủy hoại.”
Theo ông Vương, kể từ tháng 04/2022, những người gửi tiền bị trở thành nạn nhân đã kiên quyết bảo vệ quyền lợi của mình trong gần 700 ngày. Chính quyền đã sử dụng nhiều phương pháp đàn áp như bắt giữ, tra tấn, ép nhận tội, hành hung, giám sát, và giam giữ để áp bức và đe dọa các nạn nhân, cố gắng buộc họ phải từ bỏ nỗ lực của mình.
Sự việc này đã gây tác hại rất lớn cho những cá nhân này cùng doanh nghiệp và gia đình của họ.
Giải thích về tình hình này, ông Vương cho biết một số người đã qua đời vì bệnh hiểm nghèo do căng thẳng quá mức, và một số người già, những người đã gửi số tiền tiết kiệm dành dụm cả đời của mình trong ngân hàng này, đã phải đi nhặt rác để kiếm sống và không có tiền chữa bệnh.
Ông nói: “Chúng tôi quyết tâm không thỏa hiệp và yêu cầu chính quyền Hà Nam hoàn trả tiền vô điều kiện.”
Khủng hoảng tài chính sẽ làm rung chuyển chế độ cộng sản Trung Quốc
Ông Lục cho rằng trước tình trạng nợ xấu của Trung Quốc, các ngân hàng lớn vẫn có thể tồn tại được trong một khoảng thời gian, trong khi các ngân hàng nhỏ và ngân hàng làng xã không có tiền trả cho khách hàng của họ.
Ông cảnh báo rằng các cuộc khủng hoảng ngân hàng ở Trung Quốc chỉ có thể dẫn đến hai kết quả: một là bất ổn xã hội khi các nạn nhân đòi công lý và hai là quân đội của ĐCSTQ sẽ cự tuyệt đóng vai sát thủ cho ĐCSTQ.
Ông nói, “Những người gửi tiền đã gửi tiền tiết kiệm cả đời của họ vào các ngân hàng làng vì niềm tin mù quáng vào chính quyền và ngân hàng, để rồi cuối cùng mất trắng số tiền khó kiếm được của họ. Nếu những vụ phá sản ngân hàng như ở các ngân hàng làng Hà Nam xảy ra trên diện rộng, và các cuộc biểu tình đòi quyền lợi lan rộng, thì chắc chắn sự ổn định của chế độ sẽ chịu tác động.”
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times