Ngân hàng trung ương Trung Quốc cắt giảm lãi suất cho vay chính để thúc đẩy thị trường địa ốc, công chúng hoài nghi
Ngân hàng trung ương của ĐCSTQ đã cắt giảm lãi suất cho vay căn bản của Trung Quốc xuống mức thấp lịch sử trong những ngày gần đây.
Trong những ngày gần đây, ngân hàng trung ương của ĐCSTQ đã cắt giảm lãi suất cho vay dài hạn (LPR) xuống một mức thấp lịch sử trong một nỗ lực nhằm thúc đẩy thị trường địa ốc trong bối cảnh nền kinh tế suy thoái. Tuy nhiên, công chúng Trung Quốc, những người vừa trải qua một sự sụp đổ của thị trường chứng khoán, tỏ ra hoài nghi về việc cắt giảm này và vẫn chưa sẵn sàng đầu tư vào lĩnh vực địa ốc.
Hôm 20/02, ngân hàng trung ương Trung Quốc công bố một mức cắt giảm LPR đối với các khoản vay có kỳ hạn trên 5 năm là 25 điểm cơ bản xuống còn 3.95%.
Lần điều chỉnh này là đợt cắt giảm lãi suất lớn nhất kể từ khi mô hình định giá LPR được áp dụng vào tháng 10/2019. Ông Tạ Dật Phong (Xie Yifeng), Chủ tịch Viện Nghiên cứu Địa ốc Đô thị Trung Quốc, cho rằng đây là một “hành động giải cứu chưa từng có” và ngụ ý rằng thị trường địa ốc có thể sắp mở ra một bước ngoặt mới.
Ông Trương Đại Vĩ (Zhang Dawei), nhà phân tích trưởng của công ty Địa ốc Trung Nguyên (Zhongyuan Property) tại Trung Quốc, cho biết việc cắt giảm lãi suất này sẽ có một tác động đáng kể đến thị trường địa ốc, đặc biệt là ở các thành phố hạng nhất và hạng hai. Ông dự đoán rằng lãi suất vay mua nhà sẽ vẫn ở mức thấp lịch sử trong ba năm tới.
Tuy nhiên, dư luận Trung Quốc tin rằng những người được gọi là chuyên gia này là “các chuyên gia hoàng gia. Họ là những người cộng tác và lên tiếng cho các nhóm lợi ích đặc biệt trong đảng cộng sản cầm quyền.
Một bài đăng có nội dung: “Không ai tin tưởng các chuyên gia nữa.”
Một bài đăng khác có nội dung, “Nếu người dân tiếp tục không mua nhà, thì chính quyền sẽ tiếp tục cắt giảm lãi suất cho vay.”
Các chuyên gia không lạc quan
Một số chuyên gia đã không mấy lạc quan về thị trường địa ốc của Hoa lục.
Ông Tào Đức Vượng (Cao Dewang), một doanh nhân tư nhân nổi tiếng, tin rằng giới trẻ ở Hoa lục nên tránh vay nợ mua nhà quá mức. Ông từng dự đoán rằng thị trường địa ốc Trung Quốc trong tương lai có thể phát triển thành một trò chơi chiếc ghế âm nhạc: một khi không có ai tiếp quản, thì trò chơi sẽ dừng lại.
Cư dân mạng có nickname “Caichangzhu” đã đăng một video lên mạng xã hội hôm 21/02 nói rằng việc cắt giảm lãi suất vay mua nhà hiện giờ là một điều tiêu cực đối với hầu hết mọi người.
Ông nói rằng khi lãi suất cho vay giảm, thì lãi suất tiền gửi ngân hàng tương ứng cũng sẽ giảm.
Ông cho biết, chính phủ “tiếp tục in tiền trong khi hạ lãi suất tiền gửi, và tài sản của những người dân bình thường càng giảm nhanh hơn. Hơn nữa, chúng ta không đang ở trong thời kỳ tăng trưởng kinh tế, và hầu hết mọi người không thể bù đắp cho sự suy giảm gia sản của họ bằng cách làm việc. Tôi thấy khá hoảng loạn.”
Hôm 23/02, Cục Thống kê Quốc gia của ĐCSTQ công bố báo cáo mới nhất cho thấy giá bán nhà ở thương mại trong tháng Một tại 70 thành phố lớn và vừa ở Trung Quốc đã tiếp tục giảm. Giá so với tháng trước đã giảm trong bảy tháng liên tiếp, với mức giảm 0.3%; mức giảm so với cùng thời kỳ là 0.7%, đây là mức giảm lớn nhất trong 10 tháng qua.
Ông Vương Quốc Thần (Wang Guo-Chen), trợ lý nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Kinh tế Trung Hoa (CIER) ở Đài Loan, nói với The Epoch Times hôm 22/02 rằng việc cắt giảm lãi suất cho vay này có liên quan đến sự sụp đổ của thị trường chứng khoán Trung Quốc.
“ĐCSTQ hy vọng rằng thông qua việc cắt giảm lãi suất vay nợ mua nhà, mức tiêu thụ địa ốc hoặc số lượng mua nhà sẽ tăng lên. Tuy nhiên, dữ liệu cho thấy nhiều doanh số bán địa ốc trong tháng Một về căn bản đã giảm — đó là sự tiếp nối của một cuộc suy thoái. Sự bi quan của địa ốc cũng cản trở khả năng toàn bộ thị trường chứng khoán Trung Quốc phục hồi một cách đáng kể, nên họ dùng biện pháp này để kích thích địa ốc và cũng hy vọng kích thích toàn bộ thị trường chứng khoán.”
Ít có tác động đến niềm tin của nhà đầu tư
Về mặt hiệu quả, ông Vương nói rằng, “Tôi nghĩ sẽ không có nhiều tác động. Mọi người đều sợ mua một tài sản. Cho dù đó là Hằng Đại (Evergrande) hay Bích Quế Viên (Country Garden), năm ngoái có khá nhiều nhà phát triển địa ốc trong top 50 nhà phát triển địa ốc mới đã rơi vào tình trạng vỡ nợ, kể cả các doanh nghiệp địa ốc của nhà nước.
“Việc giảm LPR sẽ không thể đảo ngược toàn bộ khoản nợ địa ốc. Đương nhiên nợ không thể giải quyết được nên tôi nghĩ thị trường địa ốc sau này sẽ đáng lo ngại.”
Trong khi đó, ĐCSTQ đã đưa chỉ số thị trường chứng khoán trở lại từ mức thấp nhất thông qua sự can thiệp của nhà nước, chẳng hạn như cấm bán khống trong khi chỉ cho phép mua. Lệnh cấm này tiếp tục làm tổn thương niềm tin của nhà đầu tư và người tiêu dùng Trung Quốc đối với nền kinh tế Trung Quốc.
Bản tin có sự đóng góp của Lạc Á và Phương Hiểu
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times