Lãnh đạo doanh nghiệp Trung Quốc kêu gọi Bắc Kinh tôn trọng các nguyên tắc thị trường
Một lãnh đạo doanh nghiệp Trung Quốc được cho là đã kêu gọi Bắc Kinh “tôn trọng các quy tắc của nền kinh tế thị trường” và cải thiện mối quan hệ với các ngành công nghiệp khác nhau trong diễn đàn tài chính lớn hôm 21/02.
Trình bày tại Diễn đàn Doanh nhân Trung Quốc, một trong những diễn đàn cao cấp nhất của khu vực tư nhân Trung Quốc ở Yabuli, tỉnh Hắc Long Giang, phía đông bắc Trung Quốc, ông Du Mẫn Hồng (Yu Minhong) cho biết: “Để tôn trọng nền kinh tế thị trường, sự hợp tác đích thực giữa chính quyền và doanh nghiệp nên theo đuổi sự phát triển chung, thay vì thúc đẩy mối quan hệ ràng buộc lẫn nhau.”
Còn gọi là Diễn đàn Yabuli, diễn đàn này được thành lập vào năm 2001, và có hội đồng quản trị gồm 85 doanh nhân nổi tiếng đại diện cho nhiều lĩnh vực khác nhau trên khắp Trung Quốc.
Ông Du, chủ tịch Tập đoàn Công nghệ và Giáo dục Phương Đông Mới và cũng là chủ tịch luân phiên của Diễn đàn Yabuli, được cho là đã chịu thiệt hại đáng kể sau cuộc đàn áp của Bắc Kinh đối với các công ty kinh doanh gia sư phụ đạo sau giờ học vào năm 2021.
Tháng 07/2021, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) cầm quyền đã yêu cầu tất cả các công ty giáo dục và gia sư thuộc sở hữu tư nhân và vì lợi nhuận phải ghi danh với tư cách là tổ chức bất vụ lợi.
Do đó, công ty của ông Du đã phải chịu tổn thất lớn vì chỉ thị này.
Theo truyền thông Trung Quốc, hôm 08/01/2022, cổ phiếu của công ty ông là EDU.N đã kết thúc phiên giao dịch ở mức 1.86 USD, giảm 1 cent, dẫn đến tổng giá trị thị trường giảm xuống còn 3.156 tỷ USD. Tuy nhiên, một năm trước, hôm 07/01, giá cổ phiếu của EDU.N là 169.68 USD và tổng vốn hóa thị trường của công ty đạt 28.798 tỷ USD.
Hãng truyền thông Trung Quốc Tài Kinh (Caijing) đưa tin: “Công ty này đã chứng kiến sự sụt giảm vốn hóa thị trường 25.6 tỷ USD vào năm 2021.”
Có thông tin cho rằng công ty của ông Du thua lỗ do phải hoàn trả học phí, các gói trợ cấp thôi việc cho nhân viên, và đóng cửa văn phòng, tổng khoản lỗ khoảng 2.8 tỷ USD vào cuối năm 2021.
Ông Du cho biết tại diễn đàn: “Chính quyền phải tôn trọng các quy luật của nền kinh tế thị trường, vì việc tuân thủ các chuẩn mực phát triển chỉ đơn giản là lẽ thường.”
Ông tiếp tục nhấn mạnh rằng sự trợ giúp của chính quyền đối với doanh nghiệp Trung Quốc phải tránh sự can thiệp quá mức; ĐCSTQ nên tuân thủ các nguyên tắc thị trường thay vì các hạn chế, từ đó thúc đẩy một môi trường kinh doanh địa phương lành mạnh và duy trì tính liêm chính trong thương mại.
Tuy nhiên, ông Du cũng ca ngợi lãnh đạo hiện tại của tỉnh Hắc Long Giang vì đã “thay đổi cách nghĩ”, nói thêm rằng trong khi các doanh nghiệp tư nhân đang vất vả để tồn tại thì chính quyền địa phương vẫn có thể duy trì sự tự tin của họ.
Theo Forbes, tài sản của ông Du đã giảm từ mức cao 4.4 tỷ USD vào năm 2021 xuống còn khoảng 1.5 tỷ USD vào năm 2023 sau cuộc đàn áp các công ty giáo dục vì lợi nhuận. Ông cũng bị loại khỏi Danh sách Người giàu Trung Quốc của Forbes, danh sách xếp ông ở vị trí thứ 118 vào năm 2020.
Ông Du không phải là doanh nhân đầu tiên bình luận về sự can thiệp của ĐCSTQ vào các doanh nghiệp.
Người sáng lập Alibaba, ông Mã Vân (Jack Ma), đã chỉ trích hệ thống quản lý tài chính của Trung Quốc, ví von cách làm của họ với “tâm lý tiệm cầm đồ” tại Hội nghị Thượng đỉnh Tài chính Bến Thượng Hải lần thứ hai ở Thượng Hải hôm 24/10/2020.
Bình luận của ông Mã được xem là lời thách thức trực tiếp đến chính quyền Bắc Kinh. Chỉ vài ngày sau, ông Mã bị bốn cơ quan công quyền triệu tập để thẩm vấn, trong đó có Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc. Ant Group, một công ty con của Alibaba, đã bị tạm dừng đợt chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng theo kế hoạch và ông Mã đã rút lui khỏi vai trò quản lý của Alibaba. Ông Mã, người đứng đầu Danh sách Người giàu Toàn cầu Hồ Nhuận Trung Quốc năm 2020 và năm 2019, đã mất danh hiệu người giàu nhất Trung Quốc vào năm 2021.
ĐCSTQ ‘không mang lại sự đảm bảo cho tương lai’
Ông Cao Vị Bang (Gao Weibang), giám đốc tổ chức Đài Loan Hiệp hội Nạn nhân của Hoạt động đầu tư vào Trung Quốc, nhận xét rằng có quá nhiều “sự không chắc chắn” đang đè nặng lên Trung Quốc.
Ông Cao nói với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times, “Các doanh nhân không chắc chắn về các bước tiếp theo sẽ là gì. Họ đã quản lý thành công công việc kinh doanh của mình, nhưng họ không thể dự đoán khi nào chế độ cộng sản sẽ can thiệp.”
Ông Gao nói, “Cuộc sống trong một xã hội dưới sự cai trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc không mang lại sự bảo đảm cho tương lai. Người giàu chỉ còn hy vọng bỏ trốn và chuyển toàn bộ tài sản ra ngoại quốc.”
Bản tin có sự đóng góp của Ninh Hải Chung.
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times