Diễn giải nghịch lý của nền kinh tế Trung Quốc: Động lực phức tạp đằng sau tình trạng giảm phát và việc phát hành tiền tệ của chính quyền Bắc Kinh
Chỉ số Giá Tiêu dùng (CPI) mới nhất của Trung Quốc cho tháng 01/2024 đã giảm 0.8% so với cùng thời kỳ năm ngoái, báo hiệu nguy cơ giảm phát tiếp tục diễn ra trong nền kinh tế. Tuy nhiên, từ năm 2021 đến năm 2023, cơ quan tiền tệ Trung Quốc đã phát hành khoảng 54 ngàn tỷ nhân dân tệ (7.6 ngàn tỷ USD) tiền giấy. Mặc dù nguồn cung tiền đã tăng lên nhưng dường như việc này không có tác động tích cực đến nền kinh tế.
Số liệu chính thức do Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) công bố cho thấy chỉ số CPI của Trung Quốc đã giảm mạnh nhất trong vòng hơn 14 năm, tệ hơn kỳ vọng của thị trường. Với lịch sử thao túng dữ liệu để khiến tình hình trông có vẻ tươi sáng hơn của ĐCSTQ, bức tranh thực tế có thể còn nghiệt ngã hơn. Nền kinh tế Trung Quốc vẫn chưa phục hồi sau các đợt đóng cửa hà khắc tốn kém tiền bạc của ĐCSTQ trong thời kỳ đại dịch COVID. Thay vì phục hồi thì nền kinh tế Trung Quốc vẫn đang trên đà suy giảm sau đại dịch, nhưng Bắc Kinh vẫn công khai phủ nhận các tác động kinh tế để duy trì tính hợp pháp của họ.
Theo số liệu thống kê, trong tháng Một giá thực phẩm ở Trung Quốc đã giảm 5.9% so với cùng thời kỳ năm ngoái. Trong số các mặt hàng thực phẩm, giá thịt heo, rau tươi, và trái cây tươi đã giảm lần lượt 17.3%, 12.7%, và 9.1% so với cùng thời kỳ năm ngoái. Đây là những nguyên nhân chính khiến CPI giảm so với năm trước.
Số liệu CPI hàng năm của Trung Quốc nhìn chung có xu hướng giảm kể từ đầu năm 2023 đến tháng Một năm nay và hiện đã giảm trong bốn tháng liên tiếp. Mức giảm so với cùng thời kỳ năm trước của tháng Một là mức giảm lớn nhất kể từ tháng 09/2009, nêu bật áp lực giảm phát ngày càng gia tăng.
Trong khi đó, chỉ số giá sản xuất công nghiệp (PPI) của quốc gia này cũng đã giảm trong tháng Một, cả so với cùng thời kỳ năm ngoái lẫn so với tháng trước, giảm lần lượt là 2.5% và 0.2%.
Tuy nhiên, số liệu thống kê chính thức cũng cho thấy ĐCSTQ đã phát hành khoảng 54 ngàn tỷ nhân dân tệ (7.6 ngàn tỷ USD) tiền giấy trong khoảng thời gian từ năm 2021 đến năm 2023.
Cuối tháng 12/2023, số dư cung tiền rộng (M2) của Trung Quốc là 292.27 ngàn tỷ nhân dân tệ (41.14 ngàn tỷ USD); đến cuối tháng 12/2022, số dư M2 này là 266.43 ngàn tỷ nhân dân tệ (38.15 ngàn tỷ USD); và đến cuối tháng 12/2021, số dư M2 là 238.29 ngàn tỷ nhân dân tệ (37.4 ngàn tỷ USD).
Dựa theo những số liệu trên, Bắc Kinh có thể đã phát hành thêm 25.84 ngàn tỷ nhân dân tệ (3.63 ngàn tỷ USD) vào năm 2023 và 28.14 ngàn tỷ nhân dân tệ (4.03 ngàn tỷ USD) vào năm 2022. Tổng cộng, Bắc Kinh đã in tới 53.98 ngàn tỷ nhân dân tệ (7.66 ngàn tỷ USD) trong hai năm.
Cung tiền rộng (M2) được tính bằng tổng lượng tiền đang lưu hành cộng với tiền gửi không kỳ hạn, cũng như tiền gửi có kỳ hạn và tiền gửi tiết kiệm.
Ông Mã Tĩnh Hạo (Ma Jinghao), một chuyên gia thuế Trung Quốc, đã đăng trên nền tảng truyền thông xã hội Weibo hồi tháng 02/2023 rằng Trung Quốc đã phát hành tổng cộng 28 ngàn tỷ nhân dân tệ vào năm 2022, một con số sánh ngang với mức tổng của cả Hoa Kỳ, Nhật Bản, và Liên minh Âu Châu cộng lại, trong khi GDP của Trung Quốc chỉ bằng khoảng 70% GDP của Hoa Kỳ.
“Đây là rất nhiều tiền được in ra,” ông nói. “Tại sao thị trường chứng khoán không tăng, giá nhà ở và giá cả nhìn chung không tăng, bất chấp nguồn cung tiền này?”
Nghịch lý của nền kinh tế Trung Quốc
Ông Lục Viễn Hành (Lu Yuanxing), một nhà phân tích kinh tế và chính trị sống tại Hoa Kỳ, người từng là giám đốc điều hành một công ty ở Trung Quốc, nói rằng ĐCSTQ đã phủ nhận mạnh mẽ thực tế là giảm phát đã xảy ra trong nền kinh tế Trung Quốc trong năm vừa qua và cả trong thời kỳ hậu đại dịch, trong bối cảnh quốc gia này đang gặp khó khăn trong quá trình phục hồi kinh tế của mình.
Tại cuộc phỏng vấn với The Epoch Times hôm 16/02, ông Lục cho biết: “Lẽ dĩ nhiên, giảm phát xảy ra là do suy thoái kinh tế. Nhưng thực tế là khuôn khổ kinh tế truyền thống của phương Tây chỉ đơn giản là không còn có thể áp dụng cho nền kinh tế Trung Quốc nữa. Nói cách khác, nền kinh tế Trung Quốc không còn phù hợp với quan niệm truyền thống về lạm phát hay giảm phát mà đã trở thành một mô hình kinh tế khác biệt dưới sự kiểm soát độc tài của chế độ cộng sản Trung Quốc.”
Theo ông Lục, ở các nền kinh tế tự do phương Tây, việc tăng cung tiền thường được xem là đối ứng với việc gây ra lạm phát và ngược lại (nghĩa là thắt chặt nguồn cung tiền cũng thường giúp giảm lạm phát). Ngoài ra, CPI tăng cũng được xem là dấu hiệu của lạm phát, còn CPI giảm được xem là dấu hiệu của giảm phát. Tuy nhiên, có một hiện tượng kỳ lạ và mâu thuẫn ở Trung Quốc: Nguồn cung tiền đã tăng đáng kể nhưng CPI lại giảm. Vậy nên bất chấp các chuẩn mực kinh tế, giảm phát đã xảy ra khi nhà cầm quyền phát hành nhiều tiền hơn.
“Điều này là do nền kinh tế Trung Quốc không phải là một nền kinh tế thị trường,” ông nói thêm. “Ngoài ra, có một lượng lớn quan chức tham nhũng trong ĐCSTQ, và những quan chức đó sẽ luôn đặt lợi ích của mình lên trên đất nước và người dân. Vì vậy, một phần tiền được phát hành thêm đã được các quan chức các cấp trong đảng chuyển vào túi riêng của họ.”
Khoản vay chuyển thành tiền gửi
Theo dữ liệu chính thức của ĐCSTQ, lượng tiền mới mà ĐCSTQ phát hành vào năm 2023 gần như đã khớp chính xác với tổng mức tăng trưởng tiền gửi của họ. Trong nền kinh tế tập trung của nhà cầm quyền này, số tiền mới phát hành không được đưa vào lưu thông để trở thành khoản đầu tư mới có tiềm năng thúc đẩy nền kinh tế, mà thay vào đó, tăng trưởng tiền gửi của Trung Quốc chỉ đơn giản là đã tăng với tốc độ phù hợp với mức độ tăng phát hành tiền tệ của nhà cầm quyền.
“Tiền mới phát hành của ĐCSTQ đã được phát hành dưới dạng các khoản vay và số tiền này sau đó đã được chuyển thành tiền gửi,” ông Lục giải thích. Ở Trung Quốc, “các công ty và tổ chức chính quyền chiếm gần 80% số khoản vay, điều đó có nghĩa là tiền chủ yếu chảy vào các doanh nghiệp nhà nước lớn của Trung Quốc.”
“Những khoản tiền đó không được đầu tư vào các lĩnh vực có thể tạo ra tăng trưởng, chẳng hạn như lĩnh vực địa ốc đang sụp đổ, vì họ hiểu rất rõ rằng lĩnh vực này khó có thể sinh lời. Vì vậy, phần lớn các khoản vay đã được đem đi gửi tiết kiệm, và một phần tiền đã được chia cho những người giàu có và quyền lực trong nội bộ đảng. Vì vậy, số tiền này chưa thực sự được đưa vào lưu thông.”
Theo dữ liệu, tính đến cuối năm 2023, các khoản vay của Trung Quốc đã tăng thêm 22.75 ngàn tỷ nhân dân tệ (3.23 ngàn tỷ USD). Trong số các khoản vay mới, các khoản cho vay gia đình tăng 4.33 ngàn tỷ nhân dân tệ (0.61 ngàn tỷ USD), chiếm khoảng 19% tổng các khoản vay mới hàng năm, và các khoản cho vay đối với các công ty và tổ chức chính quyền tăng 17.91 ngàn tỷ nhân dân tệ (2.54 ngàn tỷ USD), chiếm khoảng 78% các khoản vay mới hàng năm.
Trong số các khoản cho vay đối với các công ty quốc doanh, các khoản cho vay trung và dài hạn tăng đáng kể ở mức 13.57 ngàn tỷ nhân dân tệ (1.93 ngàn tỷ USD), chiếm khoảng 76% mức tăng các khoản cho vay đối với các công ty, trong khi tỷ trọng các khoản cho vay ngắn hạn là thấp hơn rất nhiều.
Thông thường, xét về mục đích sử dụng vốn vay, các khoản vay trung và dài hạn có xu hướng được sử dụng vào các lĩnh vực như đầu tư tài sản cố định, trong khi các khoản vay ngắn hạn thường phục vụ nhu cầu thanh khoản của bên đi vay cho công việc sản xuất, kinh doanh.
Theo ông Lục, ĐCSTQ đang in tiền một cách liều lĩnh vì nền kinh tế Trung Quốc đã trải qua tình trạng giảm phát nghiêm trọng trong hai năm qua. Ông cảnh báo rằng nhà cầm quyền này vẫn cho rằng việc phát hành thêm tiền tệ sẽ kích thích tăng trưởng kinh tế, nhưng vấn đề lớn nhất của Trung Quốc hiện nay là thiếu sức mua.
“Một trong những lý do dẫn đến việc thiếu tiêu dùng là dân số đã giảm quá nhiều đến mức dân số thấp hơn đang ngày càng chi tiêu ít hơn,” ông nói. “Rất nhiều người đã qua đời trong đại dịch và ĐCSTQ vẫn luôn che đậy sự thật.”
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times