Đồng nhân dân tệ Trung Quốc đang có giá trị thấp hơn quý vị nghĩ
Sự mất giá của đồng nhân dân tệ sẽ không chỉ ảnh hưởng đến nền kinh tế mà còn ảnh hưởng đến cấu trúc chính trị và xã hội của Trung Quốc.
Nền kinh tế Trung Quốc đang hướng tới sụt giảm hơn nữa. Mặc dù Đảng Cộng sản Trung Quốc đã công bố mức tăng trưởng GDP 5.2% nhờ phương pháp tính toán cắt giảm sản lượng của năm trước một cách giả tạo, nhưng nếu tính theo đồng USD, thì nền kinh tế nước này đã tụt xuống mức tăng trưởng âm lần đầu tiên sau hơn hai thập niên. Một số nhà kinh tế thậm chí còn suy luận rằng đồng nhân dân tệ của Trung Quốc đã rớt xuống mức tỷ giá hối đoái hơn 22 đổi 1 so với đồng USD.
Trong chương trình “Diễn đàn Tinh anh” (Pinnacle View), nhà kinh tế vĩ mô Đài Loan Ngô Gia Long (Wu Jialong) đã gợi ý rằng có một quan điểm trong kinh tế học cho thấy tỷ giá hối đoái của đồng nhân dân tệ so với đồng USD đã vượt quá mức 22 đổi 1. Ông giải thích kết quả đó xuất hiện như thế nào thông qua một phép tính.
Theo ông Ngô, khái niệm này không bắt nguồn từ lý thuyết tỷ giá hối đoái liên quan đến dòng lưu thông vốn quốc tế; thay vào đó, khái niệm này sử dụng lý thuyết về tỷ giá hối đoái bắt nguồn từ ngang giá sức mua (purchasing power parity). Đây là một hệ số đo lường tỷ giá hối đoái giữa các loại tiền tệ dựa theo các mức giá khác nhau ở mỗi quốc gia.
Mức giá này liên quan đến giá giao dịch trên một đơn vị GDP, hay nói cách khác, tỷ lệ của M2 (cung tiền rộng) trên GDP.
Nếu tính theo tỷ giá 7.2 nhân dân tệ đổi 1 USD như hiện tại, thì trong năm 2023, lượng tiền mới mà Trung Quốc đã phát hành được cho là ở mức 40 ngàn tỷ USD, cao gấp đôi lượng tiền mới mà Hoa Kỳ đã phát hành (20 ngàn tỷ USD).
GDP của Trung Quốc được báo cáo ở mức 17.8 ngàn tỷ USD, bằng 64% lượng GDP trị giá 28 ngàn tỷ USD của Hoa Kỳ.
“Lượng tiền tệ đã phát hành [của Trung Quốc] cao gấp đôi lượng tiền tệ đã phát hành của Hoa Kỳ và GDP thì bằng 0.64 GDP Hoa Kỳ. Vì vậy, 2 chia cho 0.64 là 3.125, và nếu lấy kết quả này nhân với tỷ giá hối đoái 7.2 thì cho ra con số 22.5. Phép tính này có nghĩa là về mặt lý thuyết, 1 dollar Mỹ có thể đổi được 22.5 nhân dân tệ. Kết quả này phản ánh những biến hóa trong cuộc cạnh tranh Mỹ-Trung trong năm 2023.”
“Như mọi người đã biết, GDP của Trung Quốc từ lâu vẫn luôn bị cường điệu lên rất nhiều, vì vậy đồng nhân dân tệ sẽ còn mất giá nhiều hơn nữa.”
Ông Ngô cũng nêu lên thực tế rằng vì Trung Quốc tiến hành các biện pháp kiểm soát vốn nghiêm ngặt và không có quyền tự do trao đổi ngoại tệ, nên cả hai lý thuyết — lý thuyết về ngang giá sức mua và lý thuyết về dòng lưu chuyển vốn quốc tế — đều bị giảm giá trị đáng kể và chỉ có tác dụng tham khảo, ngay cả khi các lý thuyết này có thể ước tính được mức độ mất giá của đồng nhân dân tệ.
Tỷ giá hối đoái của đồng nhân dân tệ không phản ánh quan hệ kinh tế thực trên thị trường
Bà Quách Quân (Guo Jun), tổng biên tập chi nhánh Hồng Kông của The Epoch Times, đã lập luận trên “Diễn đàn Tinh anh” rằng Trung Quốc là một quốc gia có mức độ kiểm soát của chính quyền cao, và “về căn bản, chính quyền kiểm soát càng chặt thì công thức tính tỷ giá hối đoái của một lý thuyết kinh tế càng ít có khả năng áp dụng.”
Tỷ giá hối đoái giữa đồng nhân dân tệ và đồng USD có thể được ước tính ở vào mức khoảng 22 đổi 1 khi các nhà kinh tế áp dụng các lý thuyết có công thức chủ yếu sử dụng các yếu tố như lượng tiền tệ đã phát hành, nợ quốc gia, và tổng khối lượng xuất nhập cảng để tính toán, bà Quách cho biết. Bà cũng nhấn mạnh rằng các lý thuyết này chỉ có thể áp dụng trong những điều kiện tiên quyết nhất định, chẳng hạn như tự do hóa hoàn toàn tiền tệ, không có sự can thiệp từ phía chính phủ, và dòng tiền tự do lưu thông.
Rõ ràng, Trung Quốc không phải là quốc gia có thể đáp ứng được những điều kiện tiên quyết này.
Sử dụng một ví dụ để chứng minh cho quan điểm của mình, bà Quách tiếp tục nhận xét: “Vào những năm 1980, đồng USD có tỷ giá khoảng 1:2.5 so với đồng nhân dân tệ. Điều này không có nghĩa là nền kinh tế Trung Quốc lúc đó hoạt động tốt, mà là ngược lại, Trung Quốc lúc đó còn rất nghèo. Trung Quốc tiến hành kiểm soát một cách rốt ráo và chặt chẽ đối với ngoại tệ nên tỷ giá hối đoái chính thức lúc bấy giờ không có ý nghĩa gì đối với đối với những người bình thường, và cũng không có ý nghĩa gì đối với các doanh nghiệp thông thường.”
“Việc kiểm soát ngoại hối của Trung Quốc hiện tại quả thực là nới lỏng hơn nhiều so với thời điểm đó, Trung Quốc hiện là quốc gia có dự trữ ngoại hối lớn nhất với 3 ngàn tỷ USD nhưng vẫn là một trong những quốc gia có quy định kiểm soát ngoại hối nghiêm ngặt nhất trên thế giới. Mức độ kiểm soát có thể được thay đổi, tùy chỉnh theo chính sách của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Điều đó có nghĩa là, nếu các quan chức thấy tình hình cấp bách, thì họ có thể áp dụng các biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn, hoặc thậm chí quay trở lại thời kỳ kiểm soát ngoại hối hoàn toàn vào những năm 1980.”
“Như vậy ngoại hối sẽ bị kiểm soát hoàn toàn, có nghĩa là mọi đồng tiền vào và ra khỏi tài khoản đều bị đóng băng, và sẽ không ai có thể giao dịch với quý vị.”
Theo quan điểm của bà Quách, về mặt bản chất, tỷ giá hối đoái của một loại tiền tệ là mức giá mà tại đó loại tiền tệ này được sử dụng để mua một loại tiền tệ khác. Mức giá này phản ánh mối quan hệ giữa cung và cầu, và là một trong những nguyên lý của thị trường. “Tuy nhiên, nếu có sự kiểm soát giá và sự độc quyền trong mua bán thì giá có thể không phản ánh mối quan hệ giữa cung và cầu. Vì vậy, chúng ta có thể thấy rằng tỷ giá hối đoái của đồng nhân dân tệ, dù là ở bên trong hay ngoài nước, thì đều không thực sự phản ánh mối quan hệ giữa cung và cầu.”
Ví dụ, vào những năm 1980, tỷ giá chính thức giữa đồng USD và đồng nhân dân tệ là 1:2.5, nhưng tỷ giá chợ đen lúc đó là 1:6, thậm chí là 1:12. Tỷ giá chợ đen thực chất là một trong những tiêu chí tham khảo quan trọng nhất để tham khảo tỷ giá của đồng nhân dân tệ.
Nhận xét chung về các biện pháp kiểm soát ngoại hối của ĐCSTQ trong nhiều thập niên qua, bà Quách lưu ý rằng khi Trung Quốc được đồng ý gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào cuối năm 2001, một trong những cam kết của họ là giảm quy định đối với các dự án vốn trong năm 2015 và bãi bỏ hoàn toàn các quy định này vào năm 2016. Tuy nhiên, ĐCSTQ đã thất hứa. Nhìn chung, việc kiểm soát ngoại hối của chính quyền này tương đối nới lỏng hơn vào năm 2016, nhưng kể từ đó trở đi sự kiểm soát đã ngày càng trở nên nghiêm ngặt hơn. Đầu tiên, ĐCSTQ xem xét kỹ lưỡng hoạt động đầu tư ra ngoại quốc của các doanh nghiệp trong nước, sau đó áp đặt nhiều hạn chế kỹ thuật khác nhau đối với các doanh nghiệp ngoại quốc rút vốn ra khỏi Trung Quốc, rồi tiến đến hạn chế việc sử dụng ngoại hối của mỗi công dân, giới hạn số tiền ngoại tệ được hoán đổi hàng năm chỉ ở mức 50,000 USD.
“Người Hồng Kông thường ví tiền với nước: nước chảy chỗ trũng, còn tiền thì đổ về những nơi có chi phí và rủi ro thấp. Vì vậy, việc dòng vốn chảy ra khỏi Trung Quốc là một diễn biến nghiêm trọng, cho thấy rủi ro trong nước ngày càng cao hơn, chi phí sử dụng vốn (tỷ suất sinh lời cần thiết mà nhà đầu tư đòi hỏi để cân bằng chi phí cơ hội cho việc sử dụng vốn vào một mục đích nhất định) ngày càng cao hơn. Nhiều trong số các vấn đề này xuất phát từ các yếu tố chính trị, chứ không phải là chỉ từ khía cạnh kinh tế.”
Bà Quách nói, “Nói một cách đơn giản, nếu mọi người đều dự đoán Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ kiểm soát ngoại hối ngày càng nghiêm ngặt hơn, thì tốc độ tháo chạy vốn sẽ tăng lên và áp lực giảm tỷ giá hối đoái đối với nhân dân tệ cũng sẽ tăng cao hơn. Lẽ dĩ nhiên, chính quyền kiểm soát càng mạnh thì thị trường chợ đen sẽ càng sôi động.”
Hệ quả của việc đồng nhân dân tệ phá giá
Trên “Diễn đàn Tinh anh”, ông Ngô bình luận rằng sự sụt giảm mạnh của đồng nhân dân tệ trong quá khứ đã có hai tác động đến nền kinh tế toàn cầu. Đầu tiên là hàng xuất cảng của Trung Quốc giảm giá; có nghĩa là việc nhập cảng từ Trung Quốc trở nên tương đối rẻ hơn đối với các quốc gia khác. Thứ hai là sự di chuyển của dòng vốn quốc tế do kỳ vọng đồng nhân dân tệ mất giá, thể hiện ở việc vốn toàn cầu rút lui khỏi đồng nhân dân tệ và dự trữ ngoại hối của ngân hàng trung ương Trung Quốc chịu ảnh hưởng nặng nề.
Ông Ngô cho biết, trong trường hợp này, ngân hàng trung ương Trung Quốc có thể có hai lựa chọn: “Một cách là bảo vệ tỷ giá hối đoái, có nghĩa là tiêu hao dự trữ ngoại hối để bảo vệ tỷ giá hối đoái và tránh mất giá. Cách còn lại là bảo vệ dự trữ ngoại hối, giữ dự trữ ngoại hối và để tỷ giá hối đoái rớt xuống. Dù lựa chọn như thế nào giữa hai biện pháp đối phó này, thì ngân hàng trung ương [Trung Quốc] cũng vẫn sẽ rơi vào tình trạng lấp lửng trong việc cân bằng giữa hai biện pháp.”
Ông Ngô đề cập đến một đợt tăng lãi suất nổi tiếng do Hệ thống Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (Fed) khởi xướng vào năm 1994. “Từ tháng 02/1994 đến tháng 02/1995, chỉ trong vòng 12 tháng, lãi suất chuẩn chính thức của Hoa Kỳ đã tăng từ 3 lên 6%. Đó là một đợt tăng lãi suất rất nổi tiếng gọi là cuộc Đại Thảm sát Trái phiếu (Great Bond Massacre), khiến giá trị trái phiếu lao dốc.”
“Một tháng trước khi Fed tăng lãi suất, vào tháng 01/1994, Trung Quốc vốn dĩ đã nhận thấy một lượng lớn vốn bị rút khỏi các thị trường mới nổi, và kết quả là đồng nhân dân tệ mất giá mạnh, mất giá khoảng 50% trong tháng 01/1994 từ tỷ giá 1:5.8 xuống 1:8.7. Tác động của việc mất giá này là gì? Khả năng cạnh tranh xuất cảng của Trung Quốc tăng lên đáng kể, tước đi mọi cơ hội xuất cảng của các thị trường xuất cảng Đông Nam Á.”
“Vào thời điểm đó, các quốc gia Đông Nam Á do ‘Bốn Con Hổ’ dẫn đầu — Singapore, Hồng Kông, Nam Hàn, và Đài Loan — đang chuẩn bị thâm nhập thị trường quốc tế. Rốt cuộc, các quốc gia này đã bị Trung Quốc chặn đứng [do đồng nhân dân tệ mất giá đột ngột]. Vì vậy, thặng dư thương mại của Đông Nam Á đã bị đảo ngược, và cuối cùng vốn đã bắt đầu rút lui. Sau đó các quốc gia Đông Nam Á như Thái Lan, Malaysia, Indonesia đã bị mắc kẹt trong tình trạng hỗn loạn tài chính.”
“Sau khi đồng nhân dân tệ bị mất giá mạnh thì sẽ xuất hiện một hiện tượng hoặc hiệu ứng gọi là ‘xén lông cừu,’ tức là tài sản có chất lượng của Trung Quốc sẽ trở thành một món hời trong mắt các nhà đầu tư ngoại quốc do đồng nhân dân tệ mất giá mạnh. Vì vậy, các nhà đầu tư ngoại quốc sẽ tràn vào để ‘thu hoạch’ những tài sản chất lượng cao đó. Khi những tài sản chất lượng này trở lại mức giá bình thường trong tương lai, nhà đầu tư ngoại sẽ kiếm được bộn tiền.”
Vì vậy theo ông Ngô, có thể dự đoán rằng “Một số đại gia tài chính quốc tế đang chờ đợi đồng nhân dân tệ lao dốc để có thể kiếm được món hời ở Trung Quốc.”
Xét từ một góc độ khác, ông Thạch Sơn (Shi Shan), biên tập viên cao cấp và chủ bút ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times, đã bày tỏ trên “Diễn đàn Tinh anh” rằng, “Tôi e là việc này còn phụ thuộc vào môi trường chính trị của Trung Quốc; nếu xã hội Trung Quốc bất ổn thì sẽ chẳng ai dám đến đó để mua tài sản giá rẻ.”
Bản tin có sự đóng góp của Từ Diệc Dương
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Anh Ngữ và Epoch Times Hoa Ngữ