Các trường đại học của ĐCSTQ kêu gọi sinh viên về nông thôn làm việc giữa cuộc khủng hoảng thất nghiệp
Các nhà quan sát cho rằng kế hoạch chuyển thanh niên về các vùng nông thôn của ĐCSTQ là tấm gương phản chiếu chiến lược của cố lãnh đạo Mao Trạch Đông
Các trường đại học nằm dưới sự kiểm soát của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) cầm quyền đã khuyến nghị sinh viên tốt nghiệp về nông thôn để làm việc trong bối cảnh tỷ lệ thanh niên thất nghiệp ở Trung Quốc vẫn ở mức cao.
Các nhà quan sát cho biết, hành động này gợi cho mọi người nhớ đến phong trào “Thanh niên Trí thức” (hay còn gọi là phong trào Tiến về Nông thôn) quy mô lớn dưới thời Mao Trạch Đông, một phong trào đã buộc hàng chục triệu sinh viên phải rời khỏi thành phố và chuyển đến định cư (sinh sống và làm việc vĩnh viễn) ở vùng nông thôn.
Theo dữ liệu công khai, số lượng sinh viên tốt nghiệp đại học ở Hoa lục dự kiến sẽ đạt 11.79 triệu người trong năm nay, tăng 210,000 người so với năm ngoái. Sự gia tăng này có thể làm trầm trọng thêm tính cạnh tranh vốn đã khốc liệt trong quá trình tìm kiếm việc làm. Để đối phó với tình trạng này, gần đây ban lãnh đạo của các trường cao đẳng và đại học trên khắp Trung Quốc đã gửi thư ngỏ kêu gọi sinh viên tốt nghiệp không nên tập trung tìm kiếm các vị trí việc làm ngạch công chức hoặc tiếp tục học lên cao học.
Một số trường cao đẳng và đại học cũng ‘gợi ý’ sinh viên về nông thôn để “giúp xóa đói giảm nghèo.”
Hôm 02/03, Văn phòng Tuyển sinh và Giới thiệu Việc làm của Đại học Hắc Long Giang đã đăng một thông báo có tiêu đề “Sáng kiến Việc làm cho Niên khóa 2024” trên trương mục WeChat chính thức của mình. Họ tuyên bố rằng những sinh viên chưa tìm được việc làm nên có cái nhìn khách quan và thực tế về tình hình hiện tại của họ từ đó điều chỉnh những kỳ vọng của họ về công việc.
Bức thư cũng nêu rõ, sinh viên không nên chỉ tập trung vào các kỳ thi tuyển công chức của chính quyền mà còn nên nộp đơn vào các dự án phục vụ cấp cơ sở, chẳng hạn như về vùng nông thôn tham gia xóa đói giảm nghèo, trợ giúp sản xuất nông nghiệp, dịch vụ y tế, và giáo dục, hoặc tham gia “Kế hoạch miền Tây,” liên quan đến việc làm việc ở các khu vực phía Tây kém phát triển hơn của Trung Quốc.
Khoa Kinh tế của Đại học Sư phạm Phúc Kiến gần đây đã ban hành một sáng kiến tương tự.
“Nguồn cung cấp việc làm trong hệ thống chính thức và các vị trí dựa trên chính sách còn hạn chế, nhu cầu việc làm trong doanh nghiệp ngày càng giảm sút, và mâu thuẫn về cơ cấu giữa cung và cầu là rõ ràng,” báo cáo cho biết. “Trong bối cảnh đó, sự cạnh tranh việc làm của sinh viên tốt nghiệp là rất khốc liệt và tình hình việc làm đang rất căng thẳng. Sinh viên và các bậc cha mẹ nên đưa ra nhận định hợp lý về tình hình việc làm hiện tại và kịp thời chú ý đến những thay đổi trong chính sách việc làm.”
Trường cũng khuyến nghị sinh viên tốt nghiệp nên tham gia các dự án phục vụ quốc gia ở cấp cơ sở, như “nhập ngũ” hoặc đi đến những vùng xa xôi để làm việc sau khi tốt nghiệp.
Đại học Khoa học Công nghệ Chiết Giang, Đại học Sư phạm Hải Nam, và nhiều trường học khác đã đưa ra thư ngỏ hoặc lời khuyến nghị có nội dung tương tự.
Tỷ lệ thất nghiệp cao
Nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục suy giảm kể từ khi [chính quyền áp dụng] các biện pháp phòng dịch “zero COVID” hà khắc kéo dài ba năm khiến toàn bộ nền kinh tế bị phong bế.
Mùa hè năm ngoái, hơn 11.5 triệu sinh viên đại học đã tốt nghiệp vào thời điểm tỷ lệ thanh niên thất nghiệp ở mức cao nhất chưa từng có. Theo thống kê chính thức của ĐCSTQ, tháng Sáu năm ngoái, 21.3% thanh niên Trung Quốc trong độ tuổi từ 16 đến 24 ở khu vực thành thị thất nghiệp. Các học giả Trung Quốc ước tính con số thực tế có thể lên tới 46.5%, và dự đoán tỷ lệ thất nghiệp cao ở thanh niên và cuộc khủng hoảng thất nghiệp sẽ tiếp diễn trong mười năm nữa.
Chính quyền ĐCSTQ đã nhiều lần kêu gọi sinh viên tốt nghiệp đại học “về miền núi và nông thôn” để giúp xóa đói giảm nghèo ở các khu vực kém phát triển. Vào năm 2023, một số chính quyền cấp tỉnh của ĐCSTQ đã lập kế hoạch cho việc này.
Một tài liệu được Sở Nông nghiệp và Nông thôn tỉnh Quảng Đông đăng trên mạng hồi năm 2023 tiết lộ rằng Ủy ban Đoàn Thanh niên Cộng sản tỉnh Quảng Đông trù định sắp xếp 300,000 thanh niên về nông thôn trong ba năm tới. Thông báo này gợi lại những ký ức không mấy tốt đẹp đối với nhiều người dân Trung Quốc.
Từ năm 1968 đến năm 1978, khoảng 17 triệu sinh viên đại học và trung học Trung Quốc, được gọi là “Thanh niên Trí thức,” bị buộc phải về nông thôn vĩnh viễn để được “nông dân nghèo và tầng lớp hạ trung lưu cải tạo lại.”
Nhiều sinh viên trong số này là Hồng Vệ Binh, những người hoạt động tích cực vào thời kỳ đầu của “Đại Cách mạng Văn hóa” mà ĐCSTQ khởi xướng nhằm xóa bỏ văn hóa truyền thống của Trung Quốc cũng như các lý tưởng dân chủ và tự do của phương Tây.
Hồng Vệ Binh, bao gồm các học sinh đại học và trung học, đã thành lập các nhóm vệ binh trên toàn quốc. Họ được nhà lãnh đạo ĐCSTQ lúc bấy giờ là Mao Trạch Đông điều động để công kích các quan chức mà ông cho là không đủ tinh thần cách mạng. Nhiệm vụ của họ cũng bao gồm việc loại bỏ toàn bộ tàn dư của văn hóa truyền thống Trung Hoa, dùng bạo lực để thanh trừng tất cả các thành phần được cho là tư sản khỏi xã hội từ năm 1966 đến năm 1968.
Trong quá trình này, họ đã phá hủy các đền chùa, hiện vật, và các công trình lịch sử, đồng thời đánh đập các quan chức, trí thức, và người dân vô tội.
Sau khi ông Mao giành lại toàn quyền kiểm soát chế độ từ các đối thủ chính trị của mình trong ĐCSTQ thông qua phong trào này, một số lượng lớn Hồng Vệ Binh, đã trở nên không còn giá trị lợi dụng nữa, mà trở thành mối đe dọa tiềm tàng đối với chế độ. Tình trạng đó nảy sinh vì các trường học đã bị đóng cửa trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa, dẫn đến việc họ không có công ăn việc làm trong bối cảnh suy thoái kinh tế và nghèo đói lan rộng. Do đó, ông Mao đã cưỡng bức chuyển họ về các vùng nông thôn và vùng sâu vùng xa.