Chuyên gia: Ông Tập Cận Bình muốn đổ lỗi những khó khăn của ĐCSTQ để cứu vãn di sản của mình
Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang gặp khó khăn cả ở bên trong lẫn bên ngoài, khi Phiên họp Toàn thể lần thứ Ba rất được mong đợi của Ban Chấp hành Trung ương khóa 20 của đảng này vẫn trong tình trạng bị hoãn vô thời hạn. Ông Viên Hồng Băng (Yuan Hongbing), một học giả về luật sống ở Úc, đã cung cấp những hiểu biết sâu sắc về sự chậm trễ này. Ông đề ra một giả thuyết về nguyên nhân khiến phiên họp này cho đến nay vẫn chưa thể diễn ra được, đó là kế hoạch ban đầu của ông Tập Cận Bình nhằm đổ lỗi cho ông Giang Trạch Dân về nhiều cuộc khủng hoảng khác nhau bị chịu cản trở vì sự thất bại giữa các đồng minh của chính ông ta. Do đó, ông Tập phải tạm thời hoãn hội nghị.
Theo truyền thống, Phiên họp Toàn thể lần thứ Ba đóng vai trò là nền tảng cho các quyết định quan trọng, định hình khuôn khổ chính sách của ĐCSTQ trong 5 đến 10 năm tới, đặc biệt là các chính sách về kinh tế. Sự chậm trễ của hội nghị này đã thúc đẩy nhiều suy đoán về nguyên nhân phía sau. Một số người cho rằng nguyên nhân là do nền kinh tế Trung Quốc hiện đang suy thoái sâu sắc, khiến việc xác định nghị trình cho cuộc họp trở nên khó khăn. Những người khác trích dẫn những khó khăn trong việc sắp xếp nhân sự sau sự hạ đài của một số quan chức cấp cao do đích thân ông Tập lựa chọn và đề bạt như là lý do.
Nhưng ông Viên lại đưa ra một quan điểm độc đáo dựa trên thông tin ông nhận được từ người ở bên trong nội bộ, cho thấy rằng ban đầu ông Tập muốn tách khỏi cách tiếp cận của ông Giang và giới thiệu một phiên bản kết hợp giữa “cải cách và mở cửa” của riêng mình, có tích hợp với hệ tư tưởng của Mao Trạch Đông. Tuy nhiên, sự mất uy tín từ việc các quan chức chủ chốt như ông Lý Thượng Phúc (Li Shangfu) và ông Tần Cương (Qin Gang) ngã ngựa đã buộc ông Tập phải hoãn phiên họp toàn thể này.
Ông Viên cho rằng lý do khiến ông Thái Kỳ (Cai Qi) hiện được ông Tập ưu ái không đơn thuần chỉ vì sự tranh giành quyền lực giữa ông ấy và ông Lý Cường (Li Qiang), hay việc ông Thái giỏi lấy lòng ông Tập, mà quan trọng hơn là ông nắm quyền kiểm soát quan trọng đối với Ban Bí thư Trung ương. Ông Viên cho là, một năm trước, ông Thái cùng các bí thư khác của Ban Bí thư Trung ương đã đề nghị với ông Tập một chiến lược nhằm giải quyết sự bất mãn của công chúng, đó là khởi xướng một cuộc đấu tranh nội bộ về đường lối của đảng thông qua Phiên họp Toàn thể lần thứ Ba.
Tâm điểm của cuộc đấu tranh về ý thức hệ này sẽ tập trung vào ông Giang, nhằm mục đích quy các cuộc khủng hoảng chính trị, kinh tế, và xã hội hiện nay, bao gồm cả nạn tham nhũng tràn lan và tình trạng suy thoái kinh tế, cho các chính sách của ông Giang. Theo người trong cuộc của ông Viên, ông Tập đánh giá cao đề nghị này vì nó phù hợp với mong muốn của ông là trở thành một nhà lãnh đạo giống như ông Mao Trạch Đông, bằng cách buộc ông Giang phải chịu trách nhiệm về sự cai trị độc tài của ĐCSTQ và các cuộc khủng hoảng do ĐCSTQ gây ra.
Tuy nhiên, sau Đại hội Toàn quốc lần thứ 20 của ĐCSTQ, một loạt thất bại đã xảy ra sau đó, đặc biệt là sự sụp đổ của các quan chức nổi bật như ông Lý Ngọc Siêu (Li Yuchao), Chỉ huy Lực lượng Hỏa tiễn, ông Lý Thượng Phúc, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, và ông Tần Cương, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao. Những quan chức này không chỉ vướng vào nạn tham nhũng nghiêm trọng mà còn thể hiện sự không trung thành về mặt chính trị với ông Tập Cận Bình, bày tỏ sự bất bình với các chính sách của ông Tập một cách kín đáo. Trớ trêu thay, những cá nhân này lại là thành viên của phe ông Tập, là những người thuộc “Quân nhà Tập”, khiến những nỗ lực liên kết họ với ông Giang càng trở nên khó khăn.
Hiện tại, một vụ bê bối tham nhũng lớn đã xảy ra trong “Quân nhà Tập”, liên quan đến 200 tướng lĩnh và quan chức cấp cao trong hệ thống công nghiệp quân sự, và xu hướng này đang tiếp tục leo thang. Trong hoàn cảnh như vậy, sẽ là không thuyết phục nếu ông Tập đẩy hoàn toàn trách nhiệm tham nhũng sang cho ông Giang, khiến ông phải tạm thời gác lại sáng kiến này.
Tuy nhiên, ông Viên khẳng định rằng ông Tập khó có thể từ bỏ hoàn toàn ý tưởng này, bởi ông ta xem đây là sự cứu rỗi chính trị của mình. Ông Viên cũng cho rằng ban đầu ông Tập cũng có ý định nhắm vào ông Đặng Tiểu Bình, vì các chính sách của ông Đặng đi ngược lại các chính sách của ông Mao. Tuy nhiên, về sau ông Tập nhận ra rằng uy tín cá nhân và ảnh hưởng chính trị hiện tại của mình chưa đủ để công khai thách thức quyền lực của ông Đặng. Do đó, ông tạm thời loại trừ ông Đặng và chỉ hướng những lời chỉ trích của mình về phía ông Giang.
Về thời điểm diễn ra hành động này, ông Viên tin rằng ông Tập chỉ có thể xem xét lại kế hoạch này sau khi giải quyết được làn sóng bất trung và tham nhũng trong “Quân nhà Tập”. Ngoài ra, nếu ông Tập khởi xướng thành công một cuộc xung đột ở Eo biển Đài Loan, ông ta có thể sẽ công khai chỉ trích ông Giang, mở rộng sự phê phán đối với ông Đặng. Điều này phù hợp với tham vọng được xem như một “vĩ nhân” cộng sản sánh ngang với Mao Trạch Đông của ông Tập.
‘Hồng nhị đại’ được cảnh báo trước
Ngoài ra, theo thông tin nội bộ của ĐCSTQ mà ông Viên có được, trước kỳ họp lưỡng hội năm nay, ông Tập đã giao nhiệm vụ cho một phó bí thư thuộc Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương đến nói chuyện với các đại diện của Hồng nhị đại (giới thái tử, hay Thế hệ Đỏ thứ Hai, những hậu duệ của thế hệ hệ quan chức đầu tiên của ĐCSTQ), trong đó có ông Lưu Nguyên (Liu Yuan), con trai cả của cựu Chủ tịch Trung Quốc Lưu Thiếu Kỳ (Liu Shaoqi) và ông Đặng Phác Phương (Deng Pufang), con trai cả của ông Đặng Tiểu Bình. Họ đã được thông báo ngắn gọn về cách giải quyết vụ việc liên quan đến ông Lưu Á Châu (Liu Yazhou) và được thông báo về sự chuẩn bị của ĐCSTQ cho cuộc xung đột tiềm ẩn ở eo biển Đài Loan. Ông Viên khẳng định thông tin của mình là đáng tin cậy.
Ông Lưu Á Châu, cựu Tướng Không quân và là con rể của ông Lý Tiên Niệm (Li Xiannian), một trong tám nguyên lão của ĐCSTQ và là cựu Chủ tịch Trung Quốc, là người lên tiếng ủng hộ các giá trị phổ quát của phương Tây và đã phản đối hành động quân sự chống lại Đài Loan. Sự biến mất của ông Lưu Á Châu vào năm 2021 đã leo thang đến đỉnh điểm để kết thúc bằng bản án tù chung thân được thông báo vào cuối năm 2023.
Trong cuộc gặp giữa phó bí thư và các thái tử thuộc thế hệ Hồng nhị đại, vị phó bí thư này nhấn mạnh rằng ĐCSTQ đang đứng trước một thời kỳ then chốt, khi “nguy hiểm lớn và cơ hội lớn đồng thời tồn tại” trong bối cảnh căng thẳng toàn cầu, đặc biệt liên quan đến vấn đề Đài Loan. Chính quyền trung ương đã kêu gọi thế hệ Hồng nhị đại “nghĩ đến đại cục” và kiềm chế tham gia các hoạt động được cho là gây bất lợi cho sự lãnh đạo của ông Tập Cận Bình.
Ngoài ra, vị phó bí thư này đã thông báo ngắn gọn cho ông Lưu Nguyên, ông Đặng Phác Phương, và những người khác về cách xử trí vụ việc của ông Lưu Á Châu. Vụ việc này được xem là một “cuộc nổi loạn chống đảng”. Ông Lưu Á Châu bị buộc tội gieo rắc bất đồng chính kiến khi chỉ trích các quyết định chiến lược của ông Tập Cận Bình liên quan đến Đài Loan và truyền bá quan điểm rằng cuộc chiến ở eo biển Đài Loan sẽ thất bại.
Ông Viên nhấn mạnh tính nghiêm trọng của việc ông Tập Cận Bình ra lệnh thông báo cho các thái tử đảng, cảnh báo họ không chống lại hoặc phản đối sự lãnh đạo của ông Tập trong bối cảnh áp lực bủa vây từ bên trong lẫn bên ngoài. Đồng thời, hành động này cũng truyền tải rằng ông Tập Cận Bình hiện đang ưu tiên vấn đề Đài Loan hơn là phục hồi và phát triển kinh tế.
Ông Lưu Nguyên và ông Đặng Phác Phương, những nhân vật Hồng nhị đại nổi bật bên trong ĐCSTQ, là một thách thức tiềm tàng đối với quyền lực của ông Tập. Ông Viên gợi ý rằng họ đang cùng với các thành viên khác của thế hệ Hồng nhị đại tìm cách phản đối chế độ độc tài của ông Tập và ủng hộ việc quay trở lại đường lối “cải cách và mở cửa để đạt được sự lãnh đạo tập thể” của ông Đặng Tiểu Bình.
Ông Viên khẳng định ông Lưu Nguyên, ông Đặng Phác Phương, ông Hồ Đức Bình (Hu Deping), con trai cả của cựu Tổng bí thư Hồ Diệu Bang (Hu Yaobang), bà Mã Hiểu Lực (Ma Xiaoli), con gái của cựu Bộ trưởng Bộ Lao động Mã Văn Thụy (Ma Wenrui), và các đại diện khác của thế hệ Hồng nhị đại có chung niềm tin rằng việc tiếp tục đi theo quỹ đạo hiện tại của ông Tập sẽ không chỉ gây nguy hiểm cho quyền lực kinh tế và chính trị của các gia tộc tương ứng của họ mà còn làm leo thang các cuộc khủng hoảng chính trị và kinh tế bên trong nội bộ ĐCSTQ. Vì vậy, họ đã đạt được sự đồng thuận về vấn đề này.
Trước tình hình này, ông Tập đã kết án nghiêm khắc ông Lưu Á Châu và thông báo ngắn gọn cho ông Lưu Nguyên, ông Đặng Phác Phương, và những người khác trước kỳ họp lưỡng hội. Đây vừa là lời đe dọa vừa là lời cảnh báo: bất kỳ sự bất đồng quan điểm nào cũng có thể phải đối mặt với những hậu quả tương tự, như đã xảy ra với ông Lưu Á Châu.
Trong khi một số nhà phân tích nhìn nhận tình trạng suy thoái kinh tế của Trung Quốc là một cuộc khủng hoảng đối với ĐCSTQ, thì ông Viên cho rằng chính ý định khởi xướng xung đột ở eo biển Đài Loan của ông Tập Cận Bình mới là một cuộc khủng hoảng thực sự. Quan điểm của ông Tập, như được thảo luận trong cuộc họp Ban Thường vụ Bộ Chính trị, là đặt mục tiêu chống lại tâm lý bi quan xung quanh nền kinh tế Trung Quốc ở trong nước và quốc tế bằng cách thúc đẩy một lối tường thuật tích cực.
Ông Viên cho rằng thời điểm mà ông Tập phát động chiến tranh ở eo biển Đài Loan rơi vào khoảng từ năm 2025 đến năm 2027. Thời điểm này phù hợp với niềm tin của ĐCSTQ rằng sau cuộc bầu cử ở Hoa Kỳ năm 2024, Hoa Kỳ sẽ trải qua tình trạng chia rẽ xã hội và phân mảnh chính trị ngày càng gia tăng, làm suy yếu năng lực của Hoa Kỳ trong việc can thiệp vào cuộc xung đột ở Đài Loan.
Có nhiều dấu hiệu khác nhau cho thấy sự rạn nứt đáng kể trong mối quan hệ giữa ông Tập Cận Bình và thế hệ Hồng nhị đại. Nhà bình luận độc lập Thái Thận Khôn (Cai Shenkun) gần đây tiết lộ rằng vào năm 2012, trong lúc bất mãn với ông Giang và ông Hồ Cẩm Đào, ông Tập đã tìm kiếm sự hỗ trợ từ ông Hồ Đức Bình, con trai của cựu lãnh đạo ĐCSTQ Hồ Diệu Bang, và các thành viên khác trong thế hệ Hồng nhị đại. Ông Hồ Đức Bình đã đề nghị những cải tổ chính trị với ông Tập nhưng bị từ chối một cách lịch sự, khiến mối quan hệ giữa hai người trở nên căng thẳng.
Sau Đại hội Đảng lần thứ 18, ông Tập bắt đầu dựa vào những nhân vật như ông Lưu Nguyên thuộc thế hệ Hồng nhị đại trong quân đội, nhưng ông Lưu Nguyên sau đó đã bị gạt ra ngoài lề. Việc ông Tập đưa ra những cảnh báo đối với ông Lưu Nguyên, ông Đặng Phác Phương, và các thái tử đảng khác, cùng với những lời đe dọa sau đó, được ngoại giới xem là một hành động mạo hiểm, có thể gây ra sự phản đối từ các thái tử đảng và đe dọa đến khả năng nắm giữ quyền lực của ông.
Ông Viên cảnh báo rằng hành động của ông Tập có thể khiến ông rơi vào con đường tự hủy diệt. Các thái tử đảng, bao gồm ông Lưu Nguyên, ông Đặng Phác Phương, ông Hồ Đức Bình, và bà Mã Hiểu Lực, chủ trương quay trở lại đường lối “cải cách mở cửa và lãnh đạo tập thể” của ông Đặng Tiểu Bình, đồng thời thực hiện chiến lược “ẩn nấp chờ thời”, tránh đối đầu với Hoa Kỳ trong các vấn đề quốc tế.
Mặc dù các thái tử đảng đã có ý định hành động, nhưng ông Tập đang củng cố sự cai trị của mình với một hệ thống giám sát tinh vi, hạn chế các hoạt động và tầm ảnh hưởng của họ.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Anh Ngữ và Epoch Times Hoa Ngữ