Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken nêu lên lo ngại về các hoạt động thương mại không công bằng của Trung Quốc
Ông Blinken đang có chuyến công du thứ hai tới Trung Quốc để giải quyết một loạt vấn đề gây tranh cãi, bao gồm thương mại, nhân quyền, và cuộc chiến Nga-Ukraine.
Trong điểm dừng chân đầu tiên của chuyến thăm Trung Quốc, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken đã nêu lên vấn đề về các hoạt động thương mại phi thị trường của Trung Quốc và kêu gọi ĐCSTQ cung cấp cho các doanh nghiệp Hoa Kỳ một sân chơi bình đẳng.
Ông nói trước cuộc gặp với ông Trần Cát Ninh (Chen Jining), Bí thư Đảng Cộng sản Thượng Hải, vào hôm 25/04 rằng Trung Quốc và Hoa Kỳ có “nghĩa vụ đối với người dân hai nước chúng ta và trên thực tế là nghĩa vụ với thế giới để quản lý mối quan hệ giữa hai nước chúng ta một cách có trách nhiệm.”
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Matthew Miller cho biết trong một tuyên bố rằng Ngoại trưởng Blinken đã nêu lên mối lo ngại về “các chính sách thương mại và các hoạt động kinh tế phi thị trường” của Bắc Kinh.
Theo tuyên bố, Ngoại trưởng Hoa Kỳ cũng nhân cuộc gặp này để nhấn mạnh rằng Hoa Kỳ đang tìm kiếm “cạnh tranh kinh tế lành mạnh” với Trung Quốc cộng sản và “một sân chơi bình đẳng cho các nhân viên và doanh nghiệp Hoa Kỳ hoạt động tại Trung Quốc.”
Các quan chức Hoa Kỳ lại lo ngại về các chính sách và hoạt động thương mại của Trung Quốc — chẳng hạn như trợ cấp lớn từ nhà nước, xuất cảng năng lượng sạch dư thừa, và đánh cắp tài sản trí tuệ — khiến các công ty và nhân viên của Hoa Kỳ gặp bất lợi trong một cuộc cạnh tranh không công bằng.
Văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ đang điều tra các hoạt động thương mại không công bằng của Bắc Kinh trong các ngành hàng hải, tiếp vận, và đóng tàu. Tổng thống Joe Biden đã kêu gọi tăng gấp ba mức thuế đối với thép và nhôm từ Trung Quốc.
Trong bối cảnh khủng hoảng địa ốc và tiêu dùng yếu, Trung Quốc đang tìm cách thúc đẩy nền kinh tế kém hiệu quả của họ bằng cách đổ tiền vào lĩnh vực sản xuất. Khi chuyển trọng tâm chính sách sang cái mà họ gọi là “ba lĩnh vực tăng trưởng mới” là xe điện, pin lithium-ion, và quang điện, họ đã làm ngập thị trường toàn cầu với các sản phẩm giá rẻ của Trung Quốc trong các lĩnh vực này.
Đầu tháng này, Bộ trưởng Ngân khố Janet Yellen đã chất vấn các quan chức cấp cao của Trung Quốc về tình trạng sản xuất quá mức của nước này, nói rằng nền kinh tế Trung Quốc “quá lớn để phần còn lại của thế giới có thể hấp thụ được công suất to lớn như vậy.”
Bà Yellen nói khi kết thúc chuyến công du tới Trung Quốc: “Khi thị trường toàn cầu tràn ngập các sản phẩm giá rẻ giả tạo của Trung Quốc, khả năng tồn tại của các công ty Hoa Kỳ và các quốc gia khác bị đặt dấu hỏi.”
Bất chấp phản ứng dữ dội ngày càng tăng đối với các hoạt động thương mại của mình, chính quyền Trung Quốc tỏ ra không hề nao núng. Tại cuộc họp báo thường kỳ sau đó hôm 25/04, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân cho rằng Bắc Kinh đã tiến hành hợp tác kinh tế và thương mại “phù hợp với các nguyên tắc thị trường.”
Ông kêu gọi Hoa Thịnh Đốn hợp tác với nhà cầm quyền này để “tạo thuận lợi cho sự phát triển lành mạnh và ổn định của quan hệ kinh tế và thương mại Trung Quốc-Hoa Kỳ.”
Sau cuộc gặp với ông Trần, Ngoại trưởng Blinken đã hội đàm với các lãnh đạo doanh nghiệp tại chi nhánh Thượng Hải của Phòng Thương mại Hoa Kỳ.
Trước khi đến Bắc Kinh hôm 25/04, Ngoại trưởng Blinken cũng đã nói chuyện với các sinh viên tại khuôn viên Đại học New York ở Thượng Hải, nơi ông nhấn mạnh tầm quan trọng của trao đổi liên văn hóa giữa hai nước.
Cuộc nói chuyện khó khăn
Chuyến đi thứ hai của ông Blinken tới Trung Quốc trên cương vị ngoại trưởng diễn ra trong bối cảnh Hoa Kỳ và Trung Quốc cộng sản vẫn còn bất đồng về một loạt vấn đề, từ cuộc khủng hoảng ở Ukraine và Trung Đông cho đến tình hình của Đài Loan.
Chỉ vài giờ trước khi ông Blinken đến, Quốc hội Hoa Kỳ đã phê chuẩn lần cuối gói gói quốc phòng bao gồm khoảng 8 tỷ USD dành cho Đài Loan và các đối tác khác ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương để giải quyết sự xâm phạm của Trung Quốc. Luật cũng có thể cấm TikTok hoạt động tại Hoa Kỳ trừ phi công ty mẹ ByteDance có trụ sở tại Trung Quốc bán ứng dụng này trong vòng một năm. Sau đó vào hôm 24/04, Tổng thống Biden đã ký ban hành luật này.
Trung Quốc đã lên tiếng phản đối viện trợ của Hoa Kỳ cho Đài Loan, hòn đảo tự trị mà Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) xem là một tỉnh ly khai, đồng thời cảnh báo rằng viện trợ này “sẽ không mang lại an ninh” cho Đài Bắc.
Theo lịch trình, Ngoại trưởng Blinken đã gặp ông Vương Nghị, nhà ngoại giao hàng đầu của ĐCSTQ, vào hôm 26/04. Ông Blinken cũng đã gặp lãnh đạo ĐSCTQ Tập Cận Bình.
Nhà ngoại giao hàng đầu của Hoa Kỳ có thể sẽ có những cuộc đàm phán cứng rắn ở Bắc Kinh, nơi ông sẽ thúc ép các nhà lãnh đạo ĐCSTQ cắt giảm sự hỗ trợ của nước này đối với cơ sở công nghiệp quốc phòng của Nga trong bối cảnh chiến tranh Ukraine.
Sau cuộc gặp với các ngoại trưởng G7 ở Ý hồi đầu tháng này, Ngoại trưởng Blinken gọi Trung Quốc là một “bên đóng góp chính” cho nền quốc phòng của Nga, nói rằng họ đã gửi “máy móc công cụ, vi mạch bán dẫn, và các mặt hàng lưỡng dụng khác” để duy trì hoạt động cho nhánh quốc phòng của Moscow.
Theo Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, ngoại trưởng cũng sẽ nêu lên mối lo ngại của Hoa Kỳ về nhân quyền ở Trung Quốc. Một ngày trước chuyến đi, Bộ Ngoại giao công bố một báo cáo mà ông Blinken cho biết đã ghi lại “những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng đang diễn ra” ở Trung Quốc. Các nhóm bị chính quyền cộng sản Trung Quốc nhắm đến bao gồm các nhóm thiểu số bị đàn áp, những người bất đồng chính kiến, các ký giả ngoại quốc, và những người có đức tin.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times