Châu Âu quyết định Trung Quốc là nền kinh tế quốc doanh
Trong nhiều thập niên, câu hỏi trong đầu các nhà hoạch định chính sách cũng như các nhà phân tích là Trung Quốc thuộc loại hình kinh tế nào. Trả lời câu hỏi này có ý nghĩa quan trọng về mặt chính sách và pháp lý, cũng như về cách chúng ta hiểu về nền kinh tế Trung Quốc. Châu Âu dường như cuối cùng đã trả lời được câu hỏi này một cách dứt khoát cho chính mình và cho thế giới.
Câu hỏi về loại hình nền kinh tế của Trung Quốc đã có từ nhiều thập niên trước. Từ khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới cho đến khi nhận được quy chế thương mại “tối huệ quốc,” Trung Quốc đã phải đối diện với câu hỏi khó chịu về mặt chính trị rằng họ là nền kinh tế “thị trường” hay “phi thị trường.”
Trong nhiều năm, các học giả và các nhà hoạch định chính sách đã đặt ra những nhóm từ nhằm cố gắng tạo ra không gian mới cho nền kinh tế Trung Quốc, khiến nền kinh tế này trở thành vừa không phải thị trường, vừa không phi thị trường. Một giáo sư từ MIT gọi đó là “chủ nghĩa tư bản đặc sắc Trung Quốc.” Bản thân Trung Quốc thường xuyên tự gọi họ là “nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa.” Trong khi những nhãn hiệu khoa trương đó bề ngoài có thể chứa đựng ít nhất một chút sự thật vào cách đây 20 hoặc 30 năm, thì vào năm 2024 những cách gọi đó không còn đúng với Trung Quốc nữa và đã không còn đúng trong một thời gian.
Vấn đề về việc liệu Trung Quốc là nền kinh tế thị trường hay phi thị trường đã trở nên ngày càng quan trọng đối với châu Âu, do xe điện Trung Quốc đang tràn vào cạnh tranh với các công ty xe hơi Âu Châu. Lo ngại về việc các công ty Trung Quốc bán phá giá vào thị trường Âu Châu, Ủy ban Âu Châu (EC) đã bắt đầu một nghiên cứu về thực tiễn kinh tế và tài chính của Trung Quốc để xác định xem liệu Trung Quốc có tiếp tục đáp ứng được định nghĩa về một nền kinh tế thị trường hay không.
Trong báo cáo dài 700 trang được ghi chép đầy đủ của ủy ban này, điều đáng ngạc nhiên là EC rất thẳng thắn trong việc thể hiện quan điểm về nền kinh tế Trung Quốc. Báo cáo nêu rõ rằng “các đặc điểm cơ bản của nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa này (nền kinh tế Trung Quốc) là sở hữu nhà nước chiếm ưu thế … một hệ thống lập kế hoạch kinh tế sâu rộng và tinh vi … cũng như các chính sách công nghiệp mang tính can thiệp.” Đối với một tổ chức có tiếng là thuận theo chính sách kinh tế của Trung Quốc, thì EC đã đưa ra lý do tại sao nền kinh tế Trung Quốc không thể được xem là một nền kinh tế thị trường.
Báo cáo kỹ lưỡng và được ghi chép đầy đủ này bao gồm khuôn khổ chính trị và kinh tế ở Trung Quốc ngày nay, những sự méo mó lớn trong các yếu tố sản xuất như lao động và vốn, cũng như những biến dạng cụ thể của ngành, bao gồm các lĩnh vực nổi bật như xe điện mới, năng lượng tái tạo, thép, và viễn thông.
Mặc dù đầy đủ, báo cáo này nêu bật vấn đề nổi bật về sự kiểm soát của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), lưu ý rằng “ĐCSTQ thực hiện quyền kiểm soát quốc gia và nền kinh tế Trung Quốc thông qua một số kênh (chẳng hạn như) kiểm soát hoàn toàn các lĩnh vực chiến lược của nền kinh tế, bao gồm cả kiểm soát hệ thống tài chính và nguồn vốn … kiểm soát các vấn đề nhân sự bao gồm tất cả các bổ nhiệm quan trọng … phối hợp chính sách thông qua mạng lưới chính thức các cơ quan/ủy ban Đảng trong các cơ quan Nhà nước và nền kinh tế, cũng như mạng lưới không chính thức giữa các đơn vị công nghiệp và các liên kết giữa Đảng và doanh nghiệp tư nhân.” Tất cả những biến dạng khác đều xuất phát từ căn nguyên là sự thống trị của ĐCSTQ.
Nền kinh tế này phục vụ cho quyền lực toàn trị của ĐCSTQ, và vì vậy theo như định nghĩa không thể được xem là một thị trường tự do. Đi sâu hơn, EC nhận thấy nhà nước, thông qua ĐCSTQ, đã đóng vai trò chính trong việc chỉ thị và trợ cấp sản lượng cũng như kiểm soát các lĩnh vực và doanh nghiệp cụ thể. Ví dụ, nhà nước sở hữu bốn nhà sản xuất xe hơi truyền thống lớn của Trung Quốc và các công ty xe điện mới hơn xuất hiện kèm theo nhiều đặc quyền tài chính khác nhau, từ trợ cấp đến xóa nợ với các ngân hàng quốc doanh, v.v.
Với những phát hiện của EC, câu hỏi duy nhất hiện nay là châu Âu sẽ làm gì trước vấn đề nền kinh tế do nhà nước kiểm soát và quản lý bán phá giá hàng hóa vào thị trường của châu Âu?
Báo cáo này cho phép EC có không gian rộng rãi để áp đặt các hình phạt khác nhau đối với hoạt động thương mại của các công ty Trung Quốc với châu Âu. Câu hỏi giờ đây trở thành, liệu EC có áp đặt hình phạt không? Với ảnh hưởng chính trị của Bắc Kinh và các nhà xuất cảng Âu Châu tại Trung Quốc, chẳng hạn như các nhà sản xuất xe hơi Đức, điều gì sẽ xảy ra tiếp theo vẫn còn là dấu hỏi.
Hoa Kỳ phải đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan tương tự, mặc dù Hoa Thịnh Đốn đã thực hiện một cách tiếp cận bảo vệ luật thương mại hơn, viện dẫn các trường hợp ngoại lệ về an ninh quốc gia. Trong trường hợp nhiều mặt hàng xuất cảng của Trung Quốc, như xe điện hoặc thép, đó không phải là vấn đề về một trong hai thứ, mà là cả hai. Xe điện — hoàn chỉnh với mọi thứ từ radar tân tiến, giám sát định vị, và ghi âm giọng nói, đây mới chỉ là một số tính năng — mang đến số lượng cơ hội giám sát phong phú. Tuy nhiên, mức trợ cấp cao của Bắc Kinh dành cho các công ty Trung Quốc đã làm nghiêng sân chơi, cho phép họ đánh bại các đối thủ cạnh tranh toàn cầu.
Với mức độ lo ngại ở châu Âu và Hoa Kỳ, các chính phủ có thể sẽ tăng thêm thuế quan đối với các sản phẩm của Trung Quốc. Báo cáo có giá trị này chỉ đơn thuần xác minh và ghi lại những gì đã biết. Câu hỏi đặt ra là Hoa Thịnh Đốn và Brussels sẽ làm gì về vấn đề này?
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times