Tình trạng dư thừa công suất của Trung Quốc gây căng thẳng thương mại với Hoa Kỳ, châu Âu
Gần đây khi lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tham dự các cuộc họp ngoại giao trong chuyến thăm châu Âu, những người đồng cấp của ông đã bày tỏ lo ngại sâu sắc rằng Trung Quốc đang làm ngập thị trường toàn cầu với việc sản xuất quá mức—những tuyên bố mà ông Tập Cận Bình đã phủ nhận. Tuy nhiên các nhà phân tích đã tỏ ra không đồng ý, khẳng định rằng chiêu thuật này, kết hợp với thực tế rằng ĐCSTQ đang cung cấp các khoản trợ cấp đáng kể cho nhiều ngành công nghiệp khác nhau như xe điện, cho thấy một chiến lược có chủ đích để đạt được tính kinh tế nhờ quy mô của nhà cầm quyền xã hội chủ nghĩa này—nhằm mục đích có được vị thế thống lĩnh trên thị trường quốc tế và gây ảnh hưởng toàn cầu.
Hôm 08/05 trong một bài diễn thuyết tại Berlin, Chủ tịch Ủy ban Âu Châu Ursula von der Leyen đã đề cập đến vấn đề này. Bà nhấn mạnh về làn sóng xe điện Trung Quốc đang tràn vào thị trường EU, được trợ giúp rất nhiều nhờ các khoản trợ cấp của chính phủ. “Chúng ta cần giải quyết vấn đề này. Chúng ta cần bảo vệ các ngành công nghiệp của mình,” bà nhấn mạnh.
Trong cuộc thảo luận với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và bà von der Leyen hôm 06/05, ông Tập đã bác bỏ các cáo buộc về “dư thừa công suất” ở Trung Quốc, khẳng định những lo ngại như vậy là vô căn cứ khi xét đến lợi thế so sánh và nhu cầu toàn cầu.
Nói chuyện với The Epoch Times, Giáo sư Tạ Điền (Frank Xie) đến từ Trường Kinh doanh Darla Moore thuộc Đại học South Carolina đã có ý kiến trái chiều với những khẳng định của ông Tập. Ông tin rằng: “Việc Trung Quốc đang phải đối mặt với tình trạng dư thừa công suất nghiêm trọng là một thực tế không thể phủ nhận. Mới đây, ĐCSTQ đang thúc đẩy cái gọi là ‘các lực lượng sản xuất mới,’ và xe điện là một trong ba lực lượng đó. Trung Quốc có khoảng 280 công ty sản xuất xe điện khác nhau với công suất hàng năm từ 25 đến 27 triệu xe, trong khi thị trường Trung Quốc chỉ có thể hấp thụ tối đa 15 đến 17 triệu xe, điều này cho thấy tình trạng dư thừa công suất đáng kể.”
Sau các cuộc thảo luận ba bên, bà von der Leyen nhắc lại những lo ngại trong một cuộc họp báo, cảnh báo rằng các khoản trợ cấp của ĐCSTQ cho các ngành công nghiệp thép và xe điện đang đe dọa nghiêm trọng đến ngành sản xuất của châu Âu, có khả năng dẫn đến “sự phi công nghiệp hóa” ở lục địa này. Bà cảnh báo: “Thế giới không thể hấp thụ được sản lượng dư thừa của Trung Quốc.”
Dữ liệu mới đây từ cơ quan truyền thông nhà nước Trung Quốc Tân Hoa Xã cho thấy vào năm 2023, Trung Quốc đã sản xuất 9.59 triệu xe sử dụng năng lượng mới, với doanh số tương đương 9.49 triệu xe, giành được vị thế là nhà sản xuất hàng đầu thế giới trong 9 năm liên tiếp. Xuất cảng tăng lên 1.20 triệu xe, đánh dấu mức tăng đáng kinh ngạc 77.6% so với cùng thời kỳ năm ngoái, trong đó thị trường Âu Châu chiếm 38%.
Xe điện xuất cảng của Trung Quốc đang nhanh chóng tìm được chỗ đứng ở châu Âu, lợi dụng sự chênh lệch về giá do việc bán phá giá như cáo buộc. EU đã bắt đầu điều tra vấn đề này để đánh giá khả năng áp thuế, báo hiệu sự leo thang trong căng thẳng thương mại.
Trợ cấp của Bắc Kinh
Kể từ khi Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), từ năm 2001 đến năm 2011, một lượng lớn hàng hóa do Trung Quốc sản xuất đã tràn vào Hoa Kỳ, gây ra “cú sốc Trung Quốc” và khiến Hoa Kỳ bị mất ít nhất 2 triệu việc làm trong lĩnh vực sản xuất.
Theo thống kê của chính quyền Trung Quốc, hai thập niên sau khi gia nhập WTO, kim ngạch xuất cảng hàng hóa toàn cầu của Trung Quốc đã tăng hơn 14%, càng làm tăng thêm mối đe dọa về một “Cú sốc Trung Quốc 2.0” tiềm ẩn.
Hồi tháng Tư, trong chuyến công du Bắc Kinh, Bộ trưởng Ngân khố Janet Yellen đã tuyên bố rằng chính phủ Tổng thống Biden sẽ không cho phép lịch sử tái diễn, “Tôi đã nói rõ rằng Tổng thống Biden và tôi sẽ không chấp nhận thực tế đó một lần nữa.”
ĐCSTQ từ lâu đã ban hành chính sách trợ cấp cho các ngành công nghiệp trọng điểm. Sau đại dịch, để kích thích phục hồi kinh tế, nhà cầm quyền này đã đẩy mạnh các biện pháp hỗ trợ, bao gồm giảm thuế, giảm phí, và cho vay lãi suất thấp trong lĩnh vực sản xuất, từ đó nâng cao năng lực sản xuất và dẫn đến “Cú sốc Trung Quốc 2.0.”
Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), công suất thép dư thừa toàn cầu đã vượt quá 550 triệu tấn, với một phần lớn đến từ các doanh nghiệp Trung Quốc.
Năm 2023, xuất cảng thép của Trung Quốc đạt mức cao nhất trong 7 năm, tăng 36.2% mỗi năm nhưng giá lại giảm mạnh từ 20 đến 30% so với năm trước. Các tấm pin quang năng hiện đủ rẻ để được tái sử dụng làm hàng rào, trong khi xe điện đang được bán với giá thấp hơn nhiều so với giá thị trường quốc tế hiện hành.
Một cuộc khảo sát của Nikkei đã tiết lộ rằng trong số hơn 5,000 công ty niêm yết của Trung Quốc, có 5 trên 10 công ty nhận trợ cấp hàng đầu của ĐCSTQ trong nửa đầu năm 2023 là các nhà sản xuất xe điện hoặc pin, với số tiền trợ cấp tăng gấp đôi so với cùng thời kỳ năm trước. Trong số này, BYD đã nhận được khoảng 247 triệu USD tiền trợ cấp, tăng gần gấp ba so với số tiền nhận được vào năm trước.
Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Hoa Kỳ (CSIS) ước tính rằng chính quyền Trung Quốc đã bơm 173 tỷ USD để trợ cấp cho các doanh nghiệp sản xuất xe sử dụng năng lượng mới, nhằm mục đích thống lĩnh ngành.
Tháng Hai năm nay, BYD đã cho ra mắt một mẫu xe lai điện (hybrid vehicle) có giá chỉ nhỉnh hơn 11,000 USD một chút. Lợi thế đáng kể về hiệu quả chi phí của các sản phẩm BYD này là nhờ các khoản trợ cấp đặc biệt của ĐCSTQ.
Theo ông Tạ, chiến thuật của ĐCSTQ là mở rộng các ngành công nghiệp thông qua các chính sách khuyến khích và tiến hành “bán phá giá với giá thấp” trên thị trường toàn cầu, nhằm đánh bại các đối thủ cạnh tranh ngoại quốc. Ngay cả khi không có lợi nhuận, thì các công ty Trung Quốc vẫn cố thủ duy trì doanh số bán hàng, tất cả là nhằm để bóp nghẹt đối thủ. Sau khi giành chiến thắng, ĐCSTQ muốn độc quyền thị trường và khẳng định quyền lực tối cao trên toàn cầu.
Ông Tạ nhấn mạnh: “Những gì ĐCSTQ đang dàn dựng vượt ra ngoài phạm vi kinh tế học thị trường; đó là một bài toán về tính kinh tế nhờ quy mô, theo đuổi quy mô tuyệt đối để đạt được hiệu quả. Mục tiêu là thúc đẩy các doanh nghiệp đạt được sức mạnh độc quyền tuyệt đối.”
Ông cảnh báo, “Một khi ĐCSTQ giành được quyền thống lĩnh thị trường quốc tế, thì chắc chắn họ sẽ tăng giá một lần nữa. Đến lúc đó, ngành công nghiệp xe hơi ở các quốc gia khác có thể đã bị tàn phá rồi, không còn năng lực để đáp trả nữa—đây là sách lược của ĐCSTQ.” Tuy nhiên, “kịch bản như vậy là không thể chấp nhận được đối với châu Âu và Hoa Kỳ.”
Châu Âu và Hoa Kỳ cùng nhau chống lại sách lược thương mại của Trung Quốc
Kể từ khi Trung Quốc gia nhập WTO, ĐCSTQ đã tận dụng nguồn lao động giá rẻ dồi dào và các lợi thế chi phí khác của Trung Quốc, khai thác các lỗ hổng thương mại để xuất cảng hàng hóa Trung Quốc giá rẻ ra toàn cầu, chiếm thị phần đáng kể trên thị trường toàn cầu về dệt may, thiết bị gia dụng, và đồ nội thất.
Theo truyền thông nhà nước Trung Quốc, hàng dệt may xuất cảng của Trung Quốc đã chiếm ⅓ thị phần toàn cầu trong nhiều năm. Từ năm 2006, Trung Quốc đã nổi lên là nước xuất cảng đồ nội thất hàng đầu thế giới, chiếm hơn 35% giá trị sản xuất toàn cầu. Trong lĩnh vực thiết bị gia dụng, sự thống lĩnh của Trung Quốc thể hiện rõ ràng, với máy giặt và tủ lạnh chiếm hơn 50% thị phần toàn cầu và máy điều hòa không khí vượt 80%, củng cố vị thế của Trung Quốc trong vài trò là nhà xuất cảng hàng đầu thế giới.
Chỉ riêng năm 2023, thặng dư thương mại của Trung Quốc tăng vọt lên xấp xỉ 800 tỷ USD.
Để thu hẹp thâm hụt thương mại với Trung Quốc, năm 2018 chính phủ cựu Tổng thống Trump đã khởi xướng các biện pháp trừng phạt, một xu hướng được chính phủ Tổng thống Biden kế tục và mở rộng. Ngoài các lĩnh vực kinh tế và thương mại, chính phủ Tổng thống Biden đã mở rộng phạm vi của họ sang ngoại giao, quốc phòng, cũng như tất cả các lĩnh vực khác, tập hợp các đồng minh quốc tế như Nhật Bản, Vương quốc Anh, và EU, để đối đầu và hạn chế ảnh hưởng gây nhiễu loạn của ĐCSTQ đối với trật tự quốc tế.
Tháng Tư năm nay, Bộ trưởng Ngân khố Yellen đã đến thăm Trung Quốc để cảnh báo về tình trạng dư thừa công suất và việc bán phá giá trên thị trường toàn cầu của nước này. Bà Yellen đã nhấn mạnh tác động bất lợi của các công ty xe điện Trung Quốc đang duy trì hoạt động nhờ trợ cấp của chính phủ đối với thị trường toàn cầu, đồng thời cảnh báo về sự biến dạng mà các công ty này gây ra đối với giá cả thị trường.
Cuối tháng Hai, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã mở một cuộc điều tra về rủi ro an ninh thông tin do xe điện Trung Quốc gây ra. Hôm 03/04, EU đã công bố một cuộc điều tra về các khoản trợ cấp tiềm năng đối với các công ty sản xuất pin quang năng Trung Quốc. Hôm 17/04, Tổng thống Joe Biden đã kêu gọi tăng đáng kể mức thuế quan đối với các sản phẩm thép và nhôm Trung Quốc nhằm ngăn chặn tình trạng bán phá giá do dư thừa công suất của Bắc Kinh.
Theo nhóm bất vụ lợi Global Trade Alert, các chính phủ trên toàn thế giới đã công bố hơn 70 biện pháp can thiệp chống lại hàng xuất cảng của Trung Quốc kể từ đầu năm 2023.
Trước phản ứng dữ dội đối với sách lược thương mại của họ trên toàn cầu, trong cuộc họp báo ngày 08/04, các quan chức Bộ Tài chính Trung Quốc đã bác bỏ tuyên bố về “tình trạng dư thừa công suất” ở Trung Quốc, khẳng định rằng các biện pháp bảo hộ thương mại là không hiệu quả trong việc giải quyết các vấn đề công suất. Truyền thông nhà nước Trung Quốc cho rằng việc Hoa Kỳ và châu Âu đề cập đến “dư thừa công suất” là những nỗ lực nhằm ngăn chặn sự phát triển trong lĩnh vực năng lượng mới của Trung Quốc và nhằm để duy trì bá quyền.
“Hiện tại, ĐCSTQ đang bị EU điều tra về hành vi bán phá giá; nhưng bất chấp các cuộc thảo luận riêng với Đức và Pháp, tiến triển vẫn còn mơ hồ,” ông Tạ cho hay. “Ngoài ra, ĐCSTQ dự định chuyển sang bán xe hơi vào Hoa Kỳ thông qua Mexico, khiến cơ quan lập pháp Hoa Kỳ tích cực chuẩn bị để hạn chế những hoạt động như vậy. Các quốc gia phát triển khác cũng đang thực hiện các biện pháp để chống lại nỗ lực bán phá giá và thống lĩnh thị trường của ĐCSTQ.” Do đó, “con đường tương lai của ĐCSTQ đang ngày càng thu hẹp, giống như ảnh hưởng trên thị trường của họ.”
Thúc đẩy nghị trình chính trị thông qua hoạt động kinh tế
Năm 2023, Thủ tướng Trung Quốc đương thời Lý Cường đã tích cực thúc đẩy tăng trưởng xuất cảng “ba mặt hàng mới”—xe điện, pin lithium, và các sản phẩm quang điện —với mức tăng 30%, đạt khoảng 147 tỷ USD.
Theo một báo cáo của công ty tư vấn và nghiên cứu thị trường quốc tế Mordor Intelligence, quy mô thị trường xe điện của Trung Quốc dự kiến sẽ đạt 305.57 tỷ USD vào năm 2024 và có thể tăng vọt lên 674.27 tỷ USD vào năm 2029.
Như đã nêu rõ trong “Bóng Ma Cộng Sản Đang Thống Trị Thế Giới Của Chúng Ta Như Thế Nào” (How the Specter of Communism Is Ruling Our World), tiến bộ công nghệ của Trung Quốc không chỉ nhằm mục đích hội nhập vào bối cảnh công nghệ cao toàn cầu trên cơ sở bình đẳng với các quốc gia khác. Thay vào đó, họ tìm cách sử dụng các chiến thuật bất chính để bóp nghẹt đối thủ, làm suy yếu các nền kinh tế phương Tây—đặc biệt là Hoa Kỳ—và khẳng định sự thống trị toàn cầu. Việc theo đuổi công nghệ của Trung Quốc là nhằm phục vụ hệ tư tưởng cộng sản của họ, với mục tiêu cuối cùng là áp đặt sự cai trị của cộng sản lên toàn thế giới.
Ông Tạ tuyên bố thêm: “ĐCSTQ đã liên tục biến nền kinh tế thành công cụ để đạt được mục đích chính trị. Những nỗ lực trước đây của họ như viện trợ ngoại quốc và các sáng kiến như Sáng kiến Vành đai và Con đường không chỉ là những dự án kinh tế mà còn là những hành động chiến lược với các mục tiêu chính trị.”
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times