Cuộc chiến thương mại: Liên minh Âu Châu tiến hành điều tra chống phá giá acid amin nhập cảng từ Trung Quốc
Lysine đóng vai trò then chốt trong chế độ ăn của con người và động vật. Nhà sản xuất lysine duy nhất của châu Âu phàn nàn rằng họ có thể sẽ phải đóng cửa do chính quyền Trung Quốc hậu thuẫn bán phá giá.
Hôm 23/05, Ủy ban Âu Châu công bố tiến hành điều tra chống phá giá lysine nhập cảng từ Trung Quốc khi cuộc chiến thương mại giữa chính quyền cộng sản Trung Quốc và phương Tây tiếp tục nóng lên. Liên minh Âu Châu (EU) ra quyết định này trong vòng chưa đầy một tuần kể từ khi Trung Quốc tiến hành điều tra chống phá giá nhựa nhập cảng từ phương Tây.
Lysine là một loại acid amin quan trọng trong chế độ dinh dưỡng của con người và động vật. Đây là một trong những loại acid amin thiết yếu đối với cơ thể con người, mặc dù cơ thể con người không thể tự tổng hợp loại acid amin này mà phải hấp thụ thông qua chế độ ăn uống. Lysine là một chất cần thiết cho sự tồn tại của rất nhiều cơ chế bên trong cơ thể con người, trong đó có việc hấp thụ canxi, sắt, và kẽm, và thúc đẩy sự phát triển collagen.
Theo Tạp chí Barron’s, một phát ngôn viên của Ủy ban Liên minh Âu Châu cho biết, Liên minh Âu Châu ra quyết định này là bởi vì “một ngành công nghiệp của Liên minh Âu Châu đã khiếu nại cùng với bằng chứng về các hoạt động thương mại không công bằng” của các nhà sản xuất Trung Quốc.
Theo thông báo của Liên minh châu Âu (EU) về cuộc điều tra chống phá giá, hôm 08/04, công ty Metex của Pháp, nhà sản xuất lysine duy nhất tại châu Âu, đã nộp đơn khiếu nại, biện luận rằng việc bán phá giá của các nhà sản xuất lysine Trung Quốc do chính quyền Trung Quốc hậu thuẫn đã đẩy công ty này vào tình thế khốn khó về tài chính.
Đơn khiếu nại cho biết giá của sản phẩm nhập cảng đã khiến cho số lượng sản phẩm mà Metex bán được giảm sút, “gây ra ảnh hưởng tiêu cực đáng kể đối với hiệu suất tổng thể” của cả công ty.
Việc phá giá là chỉ hành vi áp đảo của một quốc gia khi tung sản phẩm của mình tràn ngập vào thị trường của một quốc gia khác với mức giá thấp hơn giá thị trường. Đây được xem là một chiến thuật thương mại không công bằng trong cộng đồng quốc tế.
Phát ngôn viên cho biết cuộc điều tra chống phá giá sẽ quyết định việc liệu EU có sử dụng các biện pháp để đối phó với những ảnh hưởng từ các hành vi bị cáo buộc là không công bằng hay không.
Theo thông báo của EU, họ sẽ tiến hành điều tra giai đoạn từ ngày 01/01/2023 đến ngày 31/12/2023, đồng thời kiểm định và đánh giá thiệt hại do hành vi phá giá bị cáo buộc gây ra từ ngày 01/01/2020 cho đến cuối năm 2023.
Cuộc chiến thương mại leo thang
Gần đây, Liên minh Âu Châu (EU) đã tiến hành cuộc điều tra chống phá giá đối với các loại xe điện (EVs) giá rẻ của Trung Quốc đang tràn ngập thị trường EU, và cho biết họ đang xem xét việc áp các loại thuế quan lên những mặt hàng này.
Ngoài ra, EU cũng đã mở cuộc điều tra một số loại hàng hóa khác nhập cảng từ Trung Quốc, trong đó có thép tấm mạ thiếc, thiết bị y tế, ống đúc làm bằng sắt hoặc thép, sàn gỗ nhiều lớp, v.v…
Đồng thời, Hoa Kỳ cũng có tranh chấp với chính quyền Trung Quốc về tình trạng công suất công nghiệp dư thừa và phá giá hàng hoá của Trung Quốc tại các quốc gia khác, và đã nâng mức thuế quan áp lên một loạt hàng hoá đến từ nước này. Hôm 14/05, Tổng thống Joe Biden tuyên bố từ ngày 01/08, mức thuế quan áp lên xe điện Trung Quốc sẽ tăng lên 100%, thuế suất đối với vi mạch máy điện toán và các tấm pin năng lượng mặt trời sẽ tăng lên 50%, và thuế suất đối với pin lithium-ion sẽ tăng lên 25%.
Để đáp trả, hôm 19/05, Trung Quốc đã mở một cuộc điều tra chống phá giá đối với nhựa kỹ thuật có độ cứng cao POM nhập cảng từ châu Âu, Hoa Kỳ, Đài Loan, và Nhật Bản. Hành động này của chính quyền Trung Quốc được xem là sự trả đũa trước các cáo buộc của phương Tây về hành vi thương mại không công bằng của chính quyền này cùng các biện pháp đối phó của họ.
Về lý do vì sao mà cuộc điều tra chống phá giá lần này của EU lại tập trung vào lysine, hôm 24/05, nhà kinh tế học người Mỹ gốc Hoa Davy J. Wong có giải thích với The Epoch Times: “Sự cạnh tranh giữa châu Âu, Hoa Kỳ, và Trung Quốc được phản ánh rõ ràng trong ngành công nghiệp acid amin. Trung Quốc nắm giữ 30% thị trường acid amin trên toàn cầu, tiếp theo là đến châu Âu với gần 20%, và Bắc Mỹ với khoảng 16%.”
Ông Wong cho biết việc nhắm vào sản phẩm acid amin của Trung Quốc phục vụ hai mục đích: “chứng tỏ công suất dư thừa của Trung Quốc và khiến nguy cơ cạnh tranh không lành mạnh của nước này giảm xuống trong ngành acid amin tại thị trường Hoa Kỳ và châu Âu. Ngoài ra, châu Âu và Mỹ có năng lực thay thế nguồn cung này mà không gây ra ảnh hưởng nào đáng kể đến những người tiêu dùng của Liên minh Âu Châu.”
Ông Wong cho biết lượng hàng hoá mà Trung Quốc sản xuất chiếm khoảng 31% số hàng hóa trên toàn thế giới, và thị trường xuất cảng của Trung Quốc trong thương mại quốc tế chiếm 14.2%. Thị trường xuất cảng lớn nhất của Trung Quốc trong cán cân thương mại quốc tế là Hoa Kỳ và Liên minh Âu Châu.
“Việc Trung Quốc tự cho mình là ở vị thế vượt trội trong chuỗi cung ứng toàn cầu cũng như đóng vai trò là công xưởng thế giới thực chất là phụ thuộc vào thị trường Hoa Kỳ và Châu Âu,” ông cho biết.
Về việc giải quyết các hành vi thương mại không công bằng của Trung Quốc, ông Wong nhấn mạnh: “Cuộc chiến thương mại leo thang gần đây giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc (vẫn liên tục diễn ra kể từ năm 2018) đòi hỏi nỗ lực phối hợp giữa Hoa Kỳ và EU trong việc gây áp lực một cách hiệu quả khiến Trung Quốc tuân thủ các quy định của WTO và chuẩn tắc quốc tế.”
Ông cho biết cuộc điều tra chống phá giá hàng hóa Trung Quốc gần đây của EU cho thấy đây là “một quá trình từ từ giảm sự phụ thuộc vào các ngành công nghiệp Trung Quốc.”
Hôm 25/05, Chuyên gia kinh tế học vĩ mô Đài Loan Ngô Gia Long nói với The Epoch Times: “Việc nhập cảng từ các nơi khác [thay vì từ Trung Quốc] hoặc chuyển dây chuyền sản xuất sang các nơi khác đòi hỏi phương Tây cần có một số điều chỉnh, thời gian và chi phí. Tuy nhiên các quốc gia phương Tây đã nhận ra rằng họ phải chấp nhận việc này. Họ thà chấp nhận việc này còn hơn làm kinh doanh với Trung Quốc. Tình hình hiện tại là như vậy.”
Theo ông Ngô, khi cuộc chiến thương mại vẫn còn tiếp diễn, “Trung Quốc sẽ là bên đầu tiên chịu tổn hại. Thị trường Trung Quốc đã thu hẹp lại đáng kể. Thu nhập của những người làm công trong nước, thuế, và tỷ giá hối đoái đều theo đó mà bị ảnh hưởng. Các nước ngoại quốc cũng sẽ phải chịu mất mát cho việc này và phải giải quyết những phiền thức kéo theo đó. Chẳng hạn, họ phải mất một khoảng thời gian và một quá trình nhất định để chuyển đơn hàng sang các quốc gia khác và tiếp tục sản xuất, khiến cung giảm sút, và giá cả có thể tăng lên.”
Bản tin có sự đóng góp của Lạc Á và Trần Đình.
Tuệ Chân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times