Bà von der Leyen của EU cảnh báo: Cần ngăn chặn Trung Quốc làm ngập thị trường xe điện
Các chuyên gia tin rằng vấn đề cấu trúc là nguyên nhân dẫn đến tranh chấp thương mại giữa Trung Quốc và EU.
Chủ tịch Ủy ban Âu Châu Ursula von der Leyen nói tại Berlin hôm 08/05 rằng châu Âu cần ngăn chặn Trung Quốc làm ngập thị trường EU bằng xe điện được trợ giá mạnh.
Bà nói tại hội nghị của Đảng Liên minh Dân chủ Cơ Đốc Giáo (CDU), “Cạnh tranh công bằng là tốt. Điều mà chúng ta không muốn là khi Trung Quốc làm ngập thị trường của chúng ta bằng xe điện được trợ giá ồ ạt. Và chúng ta phải giải quyết vấn đề này, chúng ta phải bảo vệ ngành công nghiệp của mình.”
Bà von der Leyen cũng kêu gọi các quốc gia thành viên Liên minh Âu Châu (EU) liên hợp lại để đối phó với các mối đe dọa kinh tế từ bên ngoài, kêu gọi tất cả các bộ trưởng tài chính EU hãy rốt cuộc cùng nhau hoàn thành một liên minh thị trường vốn đã được thảo luận từ lâu.
Bà nói, “Một liên minh thị trường vốn tích hợp tốt hơn có thể giúp đầu tư thêm tới 470 tỷ euro (505.25 tỷ USD) mỗi năm vào các công ty khởi nghiệp và doanh nghiệp vừa và nhỏ của chúng ta.”
Ủy ban Âu Châu, cơ quan giám sát chính sách thương mại của khối gồm 27 quốc gia này, đã mở một cuộc điều tra hồi tháng 10/2023 để xem xét liệu xe điện do Trung Quốc sản xuất có được nhận trợ cấp lớn từ chính quyền cộng sản Trung Quốc hay không, để xác định xem có nên áp dụng thuế quan trừng phạt đối với mặt hàng này hay không.
Cuộc điều tra dự kiến sẽ kết thúc vào tháng Mười Một, nhưng EU có thể áp dụng thuế chống trợ cấp tạm thời vào tháng Bảy. Brussels có thể công bố bản tóm tắt về mức thuế tạm thời được đề xướng trước ngày 05/06 và bắt đầu áp dụng trước ngày 04/07.
Hôm 06/05, sau cuộc hội đàm với lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Tập Cận Bình tại Paris, bà von der Leyen và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói rằng nếu chính quyền Trung Quốc không cung cấp khả năng tiếp cận thị trường công bằng cho các công ty Âu Châu, thì EU sẵn sàng sử dụng tất cả các công cụ thương mại sẵn có để bảo vệ nền kinh tế của mình.
Trong một tuyên bố, bà von der Leyen kêu gọi Trung Quốc giải quyết “tình trạng dư thừa mang tính cấu trúc” vì ĐCSTQ “tiếp tục trợ cấp ồ ạt cho lĩnh vực sản xuất của họ” vào thời điểm nhu cầu trong nước yếu, và “thế giới không thể hấp thụ được sản lượng dư thừa của Trung Quốc.”
Ông Tôn Quốc Tường (Sun Guo-Xiang), giáo sư phụ tá tại Đại học Nam Hoa ở Đài Loan, nói với The Epoch Times rằng tuyên bố của bà von der Leyen ngụ ý rằng châu Âu đã không tạo ra vấn đề dư thừa công suất này; hay nói đúng hơn, châu Âu phải gánh chịu hậu quả từ công suất dư thừa của Trung Quốc.
Ông Tôn nói, “Có vẻ như EU đang chuẩn bị tất cả các công cụ sẵn có [để chống lại việc bán phá giá của Trung Quốc]. Với tư cách là nước dẫn đầu trong EU, Đức phải thể hiện quyết tâm. Bà von der Leyen đại diện cho lập trường của toàn bộ EU.”
“Quan điểm của bà von der Leyen là EU phải liên hợp lại và nói chuyện với Trung Quốc bằng một lập trường nhất quán. Trên thực tế, chúng ta có thể thấy rằng bà von der Leyen cũng đang nỗ lực để EU và Hoa Kỳ có được tiếng nói chung trong việc đối phó với Trung Quốc, điều mà trên thực tế còn quan trọng hơn.”
Nói chuyện với The Epoch Times, ông Chung Chí Đông (Chung Chih-tung), trợ lý nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Đài Loan, tin rằng “EU hiện có quan điểm rất nghiêm túc về mối đe dọa mà xe điện Trung Quốc gây ra cho nền kinh tế và ngành công nghiệp Âu Châu, chủ yếu là do chính sách trợ cấp của Trung Quốc. Ở châu Âu, các ngành công nghiệp xe hơi này lại bao gồm các doanh nghiệp tư nhân không có các loại trợ cấp của nhà nước như vậy.”
Vấn đề cấu trúc
Ông Chung cho biết: “Hiện tại, châu Âu coi Trung Quốc là đối tác hợp tác, nhưng cũng là một đối thủ cạnh tranh kinh tế và đối thủ mang tính hệ thống. Nếu sự định vị như vậy tiếp tục phát triển theo hướng tiêu cực, thì như vậy cũng sẽ ảnh hưởng đến mối quan hệ kinh tế giữa EU và Trung Quốc. Rồi thì EU sẽ có những biện pháp đối phó gay gắt hơn trước sự cạnh tranh không lành mạnh của Trung Quốc trong ngành công nghiệp xe hơi và xe điện.”
“Điều quan trọng cần theo dõi trong tương lai là kết quả cuộc điều tra hiện tại của EU về trợ cấp nhà nước của Trung Quốc. Kết quả này có thể dẫn đến việc EU áp đặt thuế quan trừng phạt đối với xe điện nhập cảng của Trung Quốc, và thậm chí liên quan đến các mức thuế quan bổ sung áp lên các sản phẩm được sản xuất tại Trung Quốc hoặc được nhập cảng từ Trung Quốc bởi các nhà sản xuất xe hơi không phải là của Trung Quốc.”
Theo ông Chung, việc các nhà lãnh đạo EU thường xuyên nhấn mạnh đến tình trạng dư thừa công suất của Trung Quốc và việc bán phá giá xe điện của nước này ở châu Âu cho thấy mối lo ngại sâu sắc hơn của họ về vấn đề cấu trúc của Trung Quốc.
“Về mặt kinh tế và thương mại, châu Âu hiện đang áp dụng chính sách giảm rủi ro và giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc dựa trên sự mất lòng tin của họ đối với chế độ cộng sản Trung Quốc,” ông nói. “EU xác định Trung Quốc là một đối thủ mang tính hệ thống, nghĩa là có mối quan hệ đối lập và cạnh tranh về chính trị và kinh tế, cũng như xung đột giữa các hệ tư tưởng và giá trị. Chừng nào vấn đề cấu trúc này không được giải quyết, thì những bất đồng về kinh tế và thương mại giữa Trung Quốc và EU sẽ tiếp tục leo thang.”
Bản tin có sự đóng góp của Lạc Á và Reuters
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times