Các chuyên gia: Chuyến thăm châu Âu sắp tới của ông Tập là nỗ lực mới của Bắc Kinh nhằm chia rẽ Hoa Kỳ và châu Âu
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đang khuyên các nước khác đối phó với sự cưỡng ép kinh tế của ĐCSTQ.
Bộ Ngoại giao của chính quyền cộng sản Trung Quốc gần đây đã thông báo rằng lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Tập Cận Bình sẽ đến thăm ba quốc gia Âu Châu từ ngày 05 đến ngày 10/05. Đây sẽ là chuyến công du đầu tiên của ông Tập tới châu Âu sau năm năm.
Các nhà nghiên cứu Đài Loan Lại Vinh Vĩ (Lai Rongwei) và Vương Quốc Thần (Wang Guo-chen) nhận xét rằng đây là nỗ lực mới của ĐCSTQ nhằm chia rẽ châu Âu và Hoa Kỳ thông qua lôi kéo và cưỡng ép kinh tế.
Chuyến công du dự kiến của ông Tập diễn ra trong bối cảnh căng thẳng thương mại gia tăng giữa Trung Quốc và Liên minh Âu Châu (EU), khi EU đang tiến hành một loạt các cuộc điều tra vào hoạt động trợ cấp nhà nước của ĐCSTQ dành cho các công ty Trung Quốc nhằm hủy hoại các đối thủ Âu Châu.
Ba quốc gia mà ông Tập dự định tới thăm là Pháp, Hungary, và Serbia.
Pháp được xem là một mắt xích yếu trong EU khi rất coi trọng thương mại với Trung Quốc.
Hungary là quốc gia ở EU thân thiện nhất với ĐCSTQ, và Serbia được biết đến là một nước ủng hộ tận tình chính quyền Trung Quốc.
Thủ tướng Hungary Orban và Tổng thống Serbia Vucic nằm trong số ít những quan chức Âu Châu tham dự Diễn đàn Cấp cao “Vành đai và Con đường” tại Bắc Kinh hồi tháng Mười năm ngoái.
Về lý do ông Tập đến thăm ba quốc gia này, thì ông Lại Vinh Vĩ, Giám đốc điều hành của Hiệp hội Truyền cảm hứng Đài Loan (TIA), nói với The Epoch Times: “[ĐCSTQ] muốn tạo ra cái gọi là bất hợp tác và mất đoàn kết giữa các nước châu Âu, và thậm chí còn muốn gây bất hòa giữa châu Âu và Hoa Kỳ. Sau đó, sử dụng điều này để phá vỡ chính sách ngăn chặn Trung Quốc của Hoa Kỳ.”
Ông cho biết ông Tập “có ý định sử dụng lần nữa thủ thuật cũ của mình, cưỡng ép kinh tế” để đạt được mục tiêu.
Ông Lại cho rằng lời khuyên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ dành cho các quốc gia khác cho thế giới thấy rằng Hoa Kỳ có thể giúp đỡ nếu bất kỳ quốc gia nào bị ĐCSTQ cưỡng ép về mặt kinh tế. Ông nói: “Đây là cấp độ chiến lược rất cao nhằm giúp đỡ các đồng minh ngăn chặn Trung Quốc làm những việc phá hoại hiện trạng hòa bình khu vực.”
Ông Lại cho biết: “Có thể thấy được từ hàng loạt các hành động này rằng Hoa Kỳ và các quốc gia Âu Châu đã thực sự nhận thấy [ĐCSTQ] sử dụng các biện pháp kinh tế để tạo ra sự áp bức. Ở châu Âu chỉ có một số quốc gia có nền kinh tế yếu kém cần trao đổi kinh tế với Trung Quốc.”
Bản tin có sự đóng góp của Chương Hồng và Lạc Á
Cẩm An lược dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times