Trung Quốc: Số người giàu có di cư đến Nhật Bản tăng gấp bội
Gần đây, các hãng truyền thông quốc tế liên tục đưa tin rằng, do nền kinh tế Trung Quốc đang suy thoái, giới thượng lưu giàu có không hài lòng về nền chính trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), nên phần lớn trong số họ di cư đến Nhật Bản, mua những căn biệt thự sang trọng. Điều này thu hút sự chú ý của xã hội Nhật Bản và cộng đồng quốc tế. Các chuyên gia cho biết, trong hoàn cảnh rối ren bất ổn của Trung Quốc, những người giàu có lựa chọn đào thoát khỏi quốc gia này để có môi trường sống tốt hơn, bảo vệ tài sản cá nhân, và tránh xa khỏi tai họa.
Hồi tháng Sáu năm ngoái, Henley & Partners, một công ty tư vấn theo dõi xu hướng di cư toàn cầu, đã công bố một báo cáo. Báo cáo này ước tính rằng trong năm 2023, Trung Quốc có khoảng 13,500 người giàu có di cư ra hải ngoại, và đây cũng là quốc gia mất đi số người giàu có lớn nhất trên thế giới. Công ty này định nghĩa những người giàu có này là những người sở hữu tài sản có thể đầu tư trị giá trên một triệu USD.
Ngoài những nơi nhập cư lâu đời như châu Âu, Hoa Kỳ, Úc, Nhật Bản cũng trở thành quốc gia được giới nhà giàu Trung Quốc yêu thích trong làn sóng di cư. Trong năm ngoái, số người Trung Quốc đang cư trú ở Nhật Bản đã tăng lên đến 820,000 người, tăng thêm 60,000 người so với hai năm trước, và là mức tăng lớn nhất trong những năm gần đây.
Trong những năm gần đây, do đồng yên của Nhật Bản liên tục giảm giá, nên đối với người Trung Quốc, giá địa ốc ở Nhật Bản đã trở nên tương đối rẻ. Điều này thúc đẩy nhiều người giàu Trung Quốc thu mua địa ốc tại Nhật Bản. Theo bản tin ngày 02/05 của Wall Street Journal, năm ngoái, chủ một công ty thương mại kim loại đã chi khoảng 650,000 USD để mua một căn biệt thự tại Tokyo cho gia đình bốn người của mình.
Giống như nhiều khách hàng người Trung Quốc khác, ông chủ công ty này cũng tránh bàn luận về chính trị quốc nội. Ông nói rằng việc cả gia đình chuyển đến Tokyo là một thách thức, nhưng họ thích Nhật Bản, thích ẩm thực, văn hóa, giáo dục, và môi trường an toàn ở Nhật Bản.
Việc giới nhà giàu Trung Quốc định cư tại Tokyo đã thúc đẩy một làn sóng mới của địa ốc cao cấp tại Tokyo. Đồng thời, do một số lượng lớn người Trung Quốc, đặc biệt là những người giàu có, đã định cư ở Nhật Bản nên người ta tin rằng họ có thể có tác động nhất định đến xã hội Nhật Bản.
Theo một nhà môi giới địa ốc tại Tokyo, thu nhập của anh đã tăng gấp hai, ba lần so với trước đại dịch COVID-19, chủ yếu nhờ vào các khách hàng người Trung Quốc. Rất nhiều người Trung Quốc không chỉ mua nhà ở các thành phố lớn mà còn quan tâm đến việc mua địa ốc nghỉ dưỡng ở các địa điểm như Hokkaido. Do đó, giá đất ở gần các trung tâm trượt tuyết tại khu vực cư trú Furano đã tăng 28%. Đây là mức tăng cao nhất tại Nhật Bản.
Vì để con cái không bị tẩy não nên lựa chọn di cư đến Nhật Bản
Tháng 05/2022, ông Vương Thanh (Wang Qing), chủ Công ty Kế hoạch phúc lợi Nhật Trung, đã đăng bài trên trang web thông tin tài chính Nhật Bản Diamond, kể câu chuyện về hai người bạn của ông.
Ông nói rằng, làn sóng di cư đến Nhật Bản bắt đầu từ giai đoạn giữa và cuối của đại dịch COVID-19. Khi đó, hầu hết những người di cư khỏi Trung Quốc đều trải qua một loạt các rủi ro. Ông Trương (hóa danh), người đã bước qua độ tuổi trung niên, cũng là một trong số đó.
Tháng 05/2022, sau một quãng thời gian đầy gian nan, ông Trương cuối cùng đã “đào thoát” bằng phi cơ từ Thượng Hải đến Nhật Bản. Ông Trương nói: “Trong khoảnh khắc đáp xuống phi trường quốc tế Narita, tôi cảm thấy như bản thân đã được quay trở lại với thế giới của con người!”
Theo lời kể của ông Trương, do tình hình dịch bệnh, nên thành phố Thượng Hải rộng lớn bị phong tỏa, không có lấy một bóng người. Các đại lộ bình thường tấp nập cũng vắng bóng xe cộ qua lại, không gian yên ắng. Tất cả cửa hàng tại phi trường Phố Đông đều đóng cửa, gần như không có người đến, chẳng khác nào cõi âm gian. Tất cả nhân viên phi trường đều mặc áo quần phòng hộ, thậm chí cả tiếp viên hàng không cũng mặc trang phục màu trắng…
Tuy nhiên, khi hạ cánh tại phi trường Narita, ông Trương mới nhận ra rằng, không có nhân viên mặc áo trắng ở đây, mọi thứ đều bình thường, chỉ là mọi người đều đeo khẩu trang. Nhìn ngắm sự “bình thường” đã lâu không được thấy này, ông cảm thấy thân thể và tâm trí đều nhẹ nhõm, như “từ địa ngục trở về với thế giới loài người” vậy.
Ông Lý (hóa danh), cũng là người di cư từ Thượng Hải đến Nhật Bản trong tình hình dịch bệnh phong tỏa nghiêm ngặt. Ông cho biết, lý do lớn nhất khiến họ di cư là vì nền giáo dục cho con cái, không muốn các con bị những tuyên truyền chính trị của ĐCSTQ tẩy não.
Vợ chồng ông Lý có hai người con. Ông Lý điều hành một công ty thương mại, vợ ông là nhà sản xuất của một kênh truyền hình quốc gia. Đối với họ mà nói, địa vị xã hội tốt, kinh tế khá giả, lẽ ra cuộc sống như vậy khá thoải mái và tự do. Tuy nhiên, với sự phong tỏa nghiêm ngặt, đặc biệt là môi trường xã hội và chính trị ngày càng trở nên tồi tệ, cũng vì tương lai của con cái, nên họ quyết định đào thoát khỏi nơi đó.
“Gần đây, khi nhìn vào cách giáo dục của nhà trường và sách giáo khoa của các con, tôi cảm thấy giáo dục yêu nước ấy quá vô lý, tuyên truyền chính trị ngày càng thái quá và nặng nề. Tôi lo lắng các con sẽ bị tẩy não. Tôi có một loại cảm giác nguy cơ bức bách bản thân cần phải hành động. Vì vậy, tôi đã di cư …” ông Lý nói.
Ông Hạ Nhất Phàm (Xia Yifan), Hoa kiều tại Nhật Bản, chuyên gia về vấn đề xã hội Trung Quốc, đã nói với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times rằng, một trong những lý do quan trọng khiến người giàu có trốn chạy khỏi Trung Quốc là lo ngại tài sản của họ sẽ bị “sung vào công quỹ.”
Ông nói: “Hiện giờ quý vị là người giàu có, nhưng đời sau của quý vị còn được như vậy không? Nói cách khác, tài sản của quý vị tại Trung Quốc, nhưng không nhất định là của quý vị. Đặc điểm kinh tế chính trị của ĐCSTQ là: Tài sản tư hữu không được bảo vệ, không biết khi nào sẽ bị ‘cộng sản.’ Ngoài ra, địa ốc ở Trung Quốc có thời hạn sử dụng trong 70 năm. Trên lý thuyết sau 70 năm thì sẽ không như thế, không còn thuộc về anh nữa. Còn mua nhà cửa hay đất đai tại Nhật Bản và các quốc gia khác, thì mãi mãi là tài sản cá nhân.”
Ông Hạ cho biết: “Trung Quốc bây giờ rất loạn, có thể xảy ra nội chiến và chiến tranh trong tương lai. Vì vậy, những người giàu có này muốn đào thoát trước. Nhật Bản cách Trung Quốc khá gần, có chung cội nguồn văn hóa, kinh tế khá phát triển, hệ thống chính trị cũng khá lành mạnh, xã hội tương đối an toàn, cộng thêm điều kiện nhập cư cũng khá lỏng lẻo, nên một số người giàu có của Trung Quốc đã chọn di cư đến Nhật Bản.”
Từ thu mua hàng hóa hàng Nhật Bản cho đến thu mua địa ốc
Trước dịch COVID-19, người Trung Quốc thu mua rất nhiều hàng hóa Nhật Bản. Sau đợt dịch, giới nhà giàu Trung Quốc lại thu mua số lượng lớn địa ốc ở Nhật Bản. Ông Triệu (Zhao), một người kinh doanh địa ốc tại Nhật Bản, đã nói trên tạp chí thương mại Nhật Bản Wedge rằng, kể từ khi Hoa lục chấm dứt chính sách phong tỏa phòng dịch bệnh cho đến nay, số lượng người Trung Quốc mua nhà ở Nhật Bản ngày càng tăng. Các tỷ phú thích chung cư tầng cao ở khu vực cảng Tokyo, mỗi căn ít nhất lên đến 300 triệu yên (khoảng 1.96 triệu USD). Đa số người giàu [Trung Quốc] thích những khu vực ven biển như Kōtō và Chūō, với giá bán từ 100 triệu đến 500 triệu yên (tương đương từ 650 ngàn đến 3.27 triệu USD) mỗi căn.
Theo ông Triệu, giới nhà giàu Trung Quốc mua nhiều loại địa ốc ở Nhật Bản. Có người mua từng căn riêng lẻ, có người mua cả tòa nhà, có người thích chung cư tầng cao, cũng có người thích nhà riêng có sân trước, sân sau. Một số người trực tiếp đặt hàng sau khi xem qua mạng, trong khi một số khác muốn phải quan sát thực tế trước khi quyết định mua. Hơn nữa, số lượng người mua nhà ở cho bản thân đã tăng đáng kể sau dịch bệnh.
Ông Dương (Yang), giám đốc điều hành của một công ty ở Nhật Bản cho biết, nhiều người Trung Quốc chọn định cư tại Nhật Bản hiện nay đều là những người rất hiểu biết và yêu thích đất nước này. Họ biết rằng Nhật Bản có đủ các loại món ăn ngon từ khắp nơi trên thế giới, giá cả phải chăng và đáng để mua. Hơn nữa, Nhật Bản gần Trung Quốc, muốn kinh doanh hay thăm người thân đều rất thuận tiện.
Rốt cuộc số lượng người giàu Trung Quốc và số lượng địa ốc thu mua ở khu vực Tokyo là bao nhiêu? Nhân viên của một công ty địa ốc lớn tại Nhật Bản nói với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times rằng, đây là cơ mật trong kinh doanh và liên quan đến quyền riêng tư của cá nhân, thông thường các doanh nghiệp không công bố thông tin này ra ngoài.
Số lượng người Trung Quốc định cư tại Nhật Bản nhiều như thế, còn đặc biệt tập trung ở các khu đô thị lớn như Tokyo, đã thu hút sự chú ý của xã hội Nhật Bản. Khi có nhiều người Trung Quốc, nhất định sẽ hình thành một loại hoàn cảnh, kế tiếp sẽ sinh ra một nền văn hóa, từ đó sẽ đem đến những ảnh hưởng nhất định cho xã hội Nhật Bản.
Ông Hạ Nhất Phàm cho biết, do bị ô nhiễm bởi văn hóa của ĐCSTQ, trong tư tưởng của nhiều người Trung Quốc đều sẽ mang những yếu tố “độc hại.” Ông lo lắng rằng điều này “sẽ dần xâm lấn vào văn hóa xã hội của Nhật Bản.” Ông lấy ví dụ rằng, ấn tượng về các khu phố người Hoa tại hải ngoại đều rất tệ, bởi vì nơi đấy “thiếu khả năng tự làm sạch.” Ông hy vọng chính phủ Nhật Bản có thể thực thiện chính sách giáo dục về giá trị quan và các phương diện khác đối với dân nhập cư.
Số lượng người Trung Quốc cư trú tại Nhật tăng mạnh sau dịch COVID-19
Theo số liệu mới nhất được Cục Xuất nhập cảnh thuộc Bộ Ngoại giao Nhật Bản công bố vào ngày 22/03/2024, tính đến cuối năm 2023, tổng số người ngoại quốc cư trú tại Nhật Bản là 3,410,992 người, tăng 10.9% so với năm 2022. Trong đó, người Trung Quốc đông nhất với 821,838 người, tăng 60,275 người so với năm 2022; tiếp theo là người Việt Nam, với tổng số 565,026 người; Nam Hàn đứng thứ ba với 410,156 người; đứng thứ chín là Đài Loan. (Xem bảng dưới đây)
Người Trung Quốc chiếm 24.1% tổng số người ngoại quốc cư trú tại Nhật Bản, tăng 7.9% so với năm 2022.
Số lượng người Trung Quốc đến Nhật Bản sinh sống đã tăng liên tục trong hai năm qua. Năm 2021, tổng số người Trung Quốc tại Nhật Bản là 716,606 người, năm 2022 tăng lên 761,563 người, và tăng vọt lên 821,838 người vào năm 2023 sau khi ĐCSTQ gỡ bỏ chính sách Zero COVID.
Nhìn vào tỷ lệ tăng trưởng số lượng người Trung Quốc cư trú tại Nhật Bản trong gần 10 năm qua, có thể thấy so với xu hướng tăng trưởng ổn định trước đây, thì tốc độ tăng trưởng trong hai năm gần đây trở nên tăng vọt.
Ngoài ra, Tokyo là nơi có số người ngoại quốc cư trú đông nhất tại Nhật Bản với 663,362 người, chiếm gần 20% tổng số người ngoại quốc.
Theo số liệu thống kê do chính quyền thủ đô Tokyo công bố vào đầu năm 2024, tổng số người ngoại quốc cư trú tại Tokyo là 647,416 người (có sự chênh lệch so với số liệu của Cục Xuất nhập cảnh thuộc Bộ Ngoại giao Nhật Bản, có thể do các yếu tố như thời điểm thống kê khác nhau). Trong đó, người Trung Quốc sinh sống tại Tokyo là 257,198 người, tăng 26,904 người so với 230,294 người vào năm ngoái, chiếm gần 32% tổng số người Trung Quốc tại Nhật Bản, có nghĩa là cứ ba người Trung Quốc tại Nhật Bản thì có một người sống ở Tokyo.
Tổng số lượng và tốc độ tăng trưởng của người Trung Quốc tại Tokyo đều vượt xa so với các quốc gia khác. Ví dụ, người Nam Hàn đứng thứ hai với chỉ hơn 80,000 người, và chỉ tăng nhẹ so với năm ngoái.
Từ góc độ thống kê, số lượng và tốc độ tăng trưởng của người Trung Quốc tại Nhật Bản, cũng như xu hướng tập trung đông đảo tại Tokyo, là những hiện tượng khá bất thường.
Bản tin có sự đóng góp của Ninh Tâm
Ký giả ban chuyên đề của The Epoch Times ấn bản Hoa ngữ thực hiện
Hoa Hưng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ