‘Hồng nhị đại’ tiết lộ tin tức cho ông Viên Hồng Băng là ai?
Mới đây, nhà văn lưu vong Trung Quốc Viên Hồng Băng (Yuan Hongbing) tiết lộ rằng lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Tập Cận Bình đang nỗ lực lợi dụng thế lực của đảng đối lập trong Viện Lập pháp của Trung Hoa Dân Quốc để “gây rối toàn diện và xâm nhập Đài Loan,” nhằm nội ứng ngoại hợp chiếm lĩnh Đài Loan. Trong bối cảnh gần đây Viện Lập pháp Đài Loan muốn thông qua một dự luật mở rộng quyền lực của Quốc hội, dẫn đến một cuộc biểu tình quy mô lớn của công chúng, thì thông tin do ông Viên Hồng Băng tiết lộ đã thu hút sự chú ý.
Hôm 24/05, ông Viên Hồng Băng xác nhận với hãng Thông tấn Trung ương Đài Loan (CNA) rằng tin tức này do một vị “Hồng nhị đại mà ông Tập Cận Bình không dám đụng vào” cung cấp. Điều khiến người viết bài này cảm thấy hứng thú không phải là sự phân chia chính trị tại đảo Đài Loan, mà là người tiết lộ tin tức chống ông Tập Cận Bình bên trong ĐCSTQ là ai?
Sau khi rời khỏi Hoa lục, ông Viên Hồng Băng vẫn duy trì liên hệ với nội bộ của ĐCSTQ. Mặc dù ông không công khai nêu rõ là “Hồng nhị đại” (hậu duệ của thế hệ hệ cách mạng đầu tiên của ĐCSTQ) nào đã trực tiếp hoặc gián tiếp cung cấp thông tin cho ông. Tuy nhiên hồi đầu năm nay, ông đã công bố một danh sách Hồng nhị đại của ĐCSTQ.
Ngày 03/01/2024, ông Viên Hồng Băng công bố một tin tức nội bộ của ĐCSTQ cho biết thế hệ Hồng nhị đại do ông Lưu Nguyên (Liu Yuan), con trai của ông Lưu Thiếu Kỳ (Liu Shao Qi), dẫn đầu đã ký kiến nghị yêu cầu ông Tập Cận Bình từ chức.
Những “Hồng nhị đại” được cho là đã tham gia ký tên phản đối ông Tập Cận Bình bao gồm: ông Lưu Nguyên – con trai của cựu Chủ tịch Quốc gia ĐCSTQ Lưu Thiếu Kỳ, ông Đặng Phác Phương (Deng Pu Fang) – con trai của lãnh đạo đời thứ hai của ĐCSTQ Đặng Tiểu Bình, ông Hồ Đức Bình (Hu De Ping) – con trai của cựu Tổng Bí thư Trung ương ĐCSTQ Hồ Diệu Bang, ông Trần Nguyên (Chen Yuan) – con trai của cựu Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương kiêm Trưởng Ban kiểm tra ĐCSTQ Trần Vân, bà La Điểm Điểm (Luo Dian Dian) – con gái của cựu Tổng Bí thư Quân ủy Trung ương ĐCSTQ Đại tướng La Thụy Khanh, và con cái của các Nguyên soái của ĐCSTQ như ông Diệp Kiếm Anh, ông Hạ Long, ông Nhiếp Vinh Trăn, ông Từ Hướng Tiền, và các con của cựu lãnh đạo cấp cao của ĐCSTQ Bạc Nhất Ba (ngoại trừ Bạc Hy Lai đang ở trong tù).
Tin tức này cũng cho biết, những Hồng nhị đại này đã đạt được ba điều đồng thuận. Thứ nhất là chỉ trích ông Tập Cận Bình “đang thúc đẩy thể chế thời chiến, chuẩn bị cho cuộc chiến tranh tại Eo biển Đài Loan.” Ngoài ra, tin tức còn đề cập đến việc Bắc Kinh nên từ bỏ chính sách đe dọa bằng vũ lực với Đài Loan, cải thiện quan hệ với các nước phát triển.
Tiết lộ này gây ra một số tranh cãi ở hải ngoại. Sau đó, ông Viên Hồng Băng đã giải thích với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times rằng, sau khi kiểm chứng và nhận được hồi âm, ông xác nhận “việc này là có thật.” Ông Lưu Nguyên và các Hồng nhị đại đã hình thành một nhận thức chung chống lại ông Tập.
Mặc dù “ba đồng thuận chống ông Tập Cận Bình của Hồng nhị đại” chưa được xác nhận là có thật hay không, nhưng chỉ thị của ông Tập về việc “gây rối toàn diện và xâm nhập Đài Loan” lần này đã được thông báo từ trước và sau đó hầu như là “thực hiện theo,” nên được trích dẫn rộng rãi.
Trong danh sách các Hồng nhị đại mà ông Viên Hồng Băng liệt kê, thì ông Lưu Nguyên hẳn là một trong những người quan trọng nhất.
Ông Tập Cận Bình đã nhiều lần nói những câu nói như “Giang sơn đỏ có được không dễ.” Điều này một mặt tiết lộ sự lo sợ của ông trước nguy cơ khó giữ được chính quyền đỏ (chính quyền Cộng sản). Mặt khác ông dùng câu nói này để tự định vị bản thân là người kế thừa của “Giang sơn đỏ,” nhân tiện cũng để đả kích các ý kiến chỉ trích trong nội bộ Đảng về việc ông đặt ra chế độ lãnh đạo trọn đời. Rất dễ nhận thấy những người có ý kiến chỉ trích mạnh mẽ nhất đối với ông Tập là những Hồng nhị đại có xuất thân giống như ông. Ông Lưu Nguyên, con trai của cựu Chủ tịch nước Lưu Thiếu Kỳ, có thể là một trong những người mà ông Tập kiêng kỵ nhất.
Thượng tướng Lưu Nguyên, năm nay 73 tuổi, từng là Chính ủy của Viện Khoa học Quân sự và Tổng Cục Hậu cần của ĐCSTQ. Từng trợ giúp cựu lãnh đạo ĐCSTQ Hồ Cẩm Đào trong chiến dịch hạ bệ “Đại lão hổ” Cốc Tuấn Sơn (Gu Jun Shan) trong quân đội. Sau khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền, ông Lưu Nguyên đã góp sức lật đổ cựu Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Quách Bá Hùng (Guo Boxiong) và ông Từ Tài Hậu (Xu Caihou). Vốn dĩ ông Lưu Nguyên từng được xem là có triển vọng thăng tiến trong Quân ủy tại Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ 19 của ĐCSTQ, hoặc được bổ nhiệm làm làm Bí thư Ủy ban Kiểm tra Quân ủy Trung ương, nhưng năm 2015 ông chuyển sang làm Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Tài chính của Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc của ĐCSTQ, lúc đó ông 65 tuổi. Sau Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc của ĐCSTQ vào tháng 03/2023, ông Lưu Nguyên đã bị mờ nhạt trong giới chính trị của ĐCSTQ.
Tuy nhiên, trong vài năm qua, ông Lưu Nguyên vẫn có số phiếu bầu hiếm hoi trong Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc. Khi “tuyển cử” chức Chủ tịch Ủy ban giám sát Quốc gia trong các đợt Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc lần thứ 13 hồi tháng 03/2018 vẫn có 2 đại biểu, và Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc lần thứ 14 vào tháng 03/2023 có 1 đại biểu bỏ phiếu cho ông.
Điều này có thể cho thấy ông Lưu Nguyên vẫn còn sức ảnh hưởng trong giới chính trị. Nếu ông muốn đứng ra tỏ thái độ, hoặc có người mượn danh nghĩa của ông để hành động, thì ông Tập Cận Bình vẫn phải kiêng dè. Cũng không loại trừ khả năng trong nội bộ nhóm của ông Lưu Nguyên, có người đã tiết lộ thông tin cho ông Viên Hồng Băng.
Trong số những Hồng nhị đại có thực lực, còn có ông Phác Phương – con trai của ông Đặng Tiểu Bình, đã từ chức từ vị trí Chủ tịch danh dự của Liên đoàn Người khuyết tật từ tháng 09/2023, và hiện gia đình họ Đặng không còn ai giữ chức vụ trong chính trường. Tháng 04/2024, có tin cho biết ông Đặng Trác Đệ (Deng Zhuodi), cháu trai của ông Đặng Tiểu Bình, hiện đang giữ chức giám sát tại Công ty TNHH Tài chính CITIC (CITIC Finance Company Limited). Mặc dù vậy, nhờ vào biểu tượng “Cải cách mở cửa” của gia đình ông Đặng Tiểu Bình, nên có thể xem đây là một trong những gia tộc mà ông Tập “khó có thể động tới.”
Ngoài ra, ông Hồ Đức Bình, con trai của Hồ Diệu Bang, và ông Tập Cận Bình không phải là người chung chiến tuyến. Ông Tập đã chiếm đoạt tạp chí phái tự do Viêm Hoàng Xuân Thu do các anh em họ Hồ điều hành. Ông Hồ Đức Hoa (Hu Dehua), em trai của ông Hồ Đức Bình, đã bị ép phải rời khỏi khu nhà tứ hợp viện số 25 phố Hội Kế Ti quận Tây Thành, Bắc Kinh, nơi ông Hồ Diệu Bang từng sinh sống. Tất cả những điều này đều là một phần trong chiến dịch đàn áp gia đình ông Hồ Diệu Bang của ông Tập, nhưng cũng chỉ có thể thực hiện đến mức độ này thôi.
Tuy nhiên, vài năm trước, ông Tử Túc (Zi Su), cựu giảng viên Trường Đảng Tỉnh ủy tỉnh Vân Nam, đã gửi thư công khai đề cử ông Hồ Đức Bình làm Tổng Bí thư mới, nên điều này có thể đã khiến ông Tập cảm thấy lo ngại đối với ông Hồ Đức Bình.
Còn về những Hồng nhị đại chống ông Tập khác, thì có một số người đã bị ông Tập “hạ bệ”, như là trường hợp của ông Lưu Á Châu (Liu Yazhou). Ông Lưu cũng là một người trong giới Hồng nhị đại, và là con rể của cựu Chủ tịch nước Lý Tiên Niệm (Li Xian Nian). Ông bị kết án tù chung thân sau khi bị bắt giữ.
Hoa Hưng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ