Ngoại trưởng Hoa Kỳ Blinken gặp lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình, chất vấn việc Trung Quốc ủng hộ cuộc chiến của Nga
Tại một cuộc họp báo kết thúc chuyến công du hôm 26/04, ông Blinken cho biết các cuộc đàm phán với phía Trung Quốc là 'thẳng thắn' và 'mang tính xây dựng.’
Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang “tiếp sức” cho cuộc chiến của Nga với Ukraine, và Moscow sẽ “khó khăn” để duy trì cuộc tấn công của mình nếu không có sự giúp đỡ của Trung Quốc, Ngoại trưởng Antony Blinken nói hôm 26/04 trước khi rời Trung Quốc, kết thúc chuyến công du 3 ngày.
Chuyến đi này đánh dấu lần công du thứ hai tới Trung Quốc của ông Blinken trong vòng chưa đầy một năm, và trong cả hai lần, ông đều có các cuộc hội đàm trực tiếp với nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình. Trước khi kết thúc chuyến công du mới nhất này, ông Blinken cũng đã gặp nhà ngoại giao hàng đầu của ĐCSTQ, ông Vương Nghị (Wang Yi), Bộ trưởng Công an Vương Tiểu Hồng (Wang Xiaohong), và Bí thư ĐCSTQ ở Thượng Hải Trần Cát Ninh (Chen Jining).
Chuyến công du của ông Blinken nằm trong nỗ lực không ngừng của chính phủ Tổng thống Biden nhằm hợp tác với Bắc Kinh, với mục tiêu tận dụng việc gặp gỡ trực tiếp để ngăn chặn xung đột ngoài ý muốn. Chuyến đi này diễn ra trùng hợp với việc gần đây Quốc hội Hoa Kỳ lại chú ý đến việc ĐCSTQ đang có các chiến dịch nhằm thâm nhập vào các khía cạnh khác nhau của xã hội Mỹ qua chiến tranh chính trị.
Trong một cuộc họp báo khi hoàn tất chuyến công du hôm 26/04, ông Blinken cho biết các cuộc đàm phán với phía Trung Quốc là “thẳng thắn” và “mang tính xây dựng.”
Là một trong những thành tựu sau ba ngày đàm phán tại Bắc Kinh, ông Blinken nói rằng “trong những tuần tới,” Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ tổ chức các cuộc đối thoại đầu tiên về trí tuệ nhân tạo (AI).
Trung Quốc viện trợ cho Nga
Vấn đề Trung Quốc viện trợ cho ngành công nghiệp quốc phòng Nga được đặt lên hàng đầu trong nghị trình của ông Blinken. Trong các cuộc họp với các quan chức Trung Quốc, ông Blinken nhắc lại ông “lo ngại sâu sắc về việc PRC cung cấp các thành phần có vai trò tiếp sức cho cuộc chiến tranh xâm lược tàn khốc của Nga với Ukraine,” sử dụng nhóm từ PRC là viết tắt tên chính thức của Trung Quốc, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.
Ông nói: “Nếu không có sự giúp đỡ của Trung Quốc thì Nga sẽ khó khăn để duy trì cuộc tấn công vào Ukraine.”
Các quan chức Hoa Kỳ nhắc lại những lo ngại về việc Trung Quốc giúp đỡ cho các nỗ lực chiến tranh của Nga, nói rằng Bắc Kinh đang gửi các dụng cụ cơ khí, vi mạch bán dẫn, và các vật liệu khác mà có tính năng dân sự lẫn quân sự để giúp xây dựng lại ngành quốc phòng của Moscow.
Bắc Kinh phủ nhận đã làm như vậy, nhưng vẫn duy trì mối bang giao thân thiết với Moscow. Ngày 24/02/2022, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ra lệnh xâm lược Ukraine, chưa đầy ba tuần sau khi ông và ông Tập tuyên bố hợp tác “không giới hạn.”
Ông Blinken cũng chỉ trích các hoạt động thương mại không công bằng và tình trạng dư thừa công suất công nghiệp của chính quyền Trung Quốc — những điều đe dọa các doanh nghiệp và nhân viên ở Hoa Kỳ cũng như những nước khác.
Ông Blinken nhấn mạnh rằng các hành động của Hoa Kỳ không nhằm mục đích “kiềm hãm sự phát triển của Trung Quốc.”
Trước khi rời Bắc Kinh, ông Blinken thừa nhận nỗ lực can thiệp vào cuộc bầu cử Hoa Kỳ của ĐCSTQ.
Trong khi gặp các quan chức ĐCSTQ, ông Blinken đã nêu lên vấn đề can thiệp bầu cử.
Khi nói chuyện với ông Blinken, ông Vương đã cảnh báo Hoa Kỳ không nên “can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc” và không được dẫm lên “lằn ranh đỏ của Trung Quốc về chủ quyền, an ninh, và lợi ích phát triển của Trung Quốc,” theo Bộ Ngoại giao.
Trong nhiều năm, ĐCSTQ đã làm chệch hướng những lời chỉ trích của quốc tế về các chính sách của họ đối với Đài Loan, Hồng Kông, Tân Cương, và Tây Tạng bằng cách lập luận rằng đó là “những vấn đề nội bộ.” Chính quyền Trung Quốc cũng đã hợp pháp hóa mục tiêu chiếm Đài Loan — một nền dân chủ tự trị với một chính phủ được bầu cử dân chủ — là một phần “lợi ích cốt lõi” của họ.
Tù nhân chính trị
Trong cuộc họp báo hôm 26/04, ông Blinken cho biết các vấn đề nhân quyền của Trung Quốc đã được đưa ra trong những cuộc hội đàm.
“Tôi đã nêu ra những trường hợp công dân Mỹ bị giam giữ trái pháp luật và những người bị cấm xuất cảnh,” ông nói. “Tổng thống Biden và tôi sẽ không nghỉ ngơi cho đến khi họ đoàn tụ với gia đình của họ, [đó mới là] nơi mà họ thuộc về.”
Ông Blinken nói thêm: “Tôi cũng nêu lên những lo ngại về sự xói mòn các thể chế tự trị và dân chủ của Hồng Kông, cũng như sự đàn áp xuyên quốc gia, các vụ vi phạm nhân quyền đang diễn ra ở Tân Cương và Tây Tạng, và một số trường hợp nhân quyền cá nhân.”
Vài ngày trước chuyến công du của ông Blinken, hơn 40 tổ chức xã hội dân sự—trong đó có Chiến dịch vì người Duy Ngô Nhĩ, tổ chức Theo dõi Hồng Kông, Safeguard Defenders, và Những người bạn của Pháp Luân Công—đã đưa ra một tuyên bố chung nói với ông Blinken rằng “chỉ những lời nói mạnh mẽ” sẽ không đủ để buộc chính quyền Trung Quốc chấm dứt các hành vi vi phạm nhân quyền.
Các tổ chức này nói rằng ông Blinken nên tận dụng chuyến đi Trung Quốc của mình để “kêu gọi thả tất cả tù nhân chính trị” ở Trung Quốc, Hồng Kông, Tân Cương, và Tây Tạng.
Theo tuyên bố, ông Blinken cũng nên “ban hành các biện pháp trừng phạt có mục tiêu nhắm đến các quan chức Hồng Kông và Trung Quốc vì vi phạm nhân quyền.”
Cẩm An lược dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times