Nga có thể cắt giảm sản lượng dầu lên tới 700,000 thùng mỗi ngày
Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak đã tiết lộ khả năng cắt giảm sản lượng dầu của Nga khoảng 500,000–700,000 thùng mỗi ngày vào đầu năm tới như một phản ứng trả đũa đối với các mức giá trần do các quốc gia G7 áp đặt đối với dầu thô xuất cảng của Nga.
Trong khi nói chuyện với kênh truyền hình địa phương Rossiya-24, phó thủ tướng cho biết mức giảm 500,000–700,000 thùng sẽ tương đương với khoảng 5–6% sản lượng hiện tại của Nga. “Chúng tôi sẽ cố gắng tìm ra điểm chung với các đối tác của mình để ngăn chặn những rủi ro như vậy,” ông Novak nói. “Nhưng ngay bây giờ, chúng tôi thà chấp nhận rủi ro cắt giảm sản lượng hơn là tuân theo chính sách bán hàng theo ngưỡng.”
Ông Novak cũng khẳng định rằng Moscow không có kế hoạch bán dầu thô của mình cho các quốc gia và người mua khăng khăng đòi giá trần. Ông chỉ ra rằng Nga đang chuyển hướng xuất cảng dầu thô sang các thị trường khác như Á Châu do nhu cầu dầu tiếp tục cao.
Mặc dù ông Novak gọi việc cắt giảm sản lượng là “không đáng kể”, nhưng việc mất nhiều thùng dầu đó dự kiến sẽ ảnh hưởng đến thị trường toàn cầu đang khan hiếm, đặc biệt là với việc nhu cầu của Trung Quốc dự kiến sẽ tăng.
Phó thủ tướng nhấn mạnh rằng sự phát triển kinh tế toàn cầu sẽ bị tổn hại nếu không có nguồn cung cấp năng lượng của Nga. Ông dự đoán khả năng thiếu hụt khí đốt và dầu trên khắp Âu Châu.
Giá trần
Các quốc gia G7, liên minh Âu Châu, và Úc đã áp đặt mức trần giá 60 USD/thùng đối với nguồn cung dầu thô vận chuyển bằng đường biển của Nga, có hiệu lực từ ngày 05/12. Các lô hàng dầu mỏ của Nga giao dịch trên mức này bị cấm tiếp cận các dịch vụ quan trọng liên quan đến ngành như bảo hiểm từ các công ty phương Tây. Hiện tại, dầu thô Urals của Nga đang được định giá dưới mức trần.
Theo Reuters, ông Novak nói, “Chúng tôi tin rằng trong tình hình hiện tại, thậm chí có thể chấp nhận rủi ro sản xuất thấp hơn thay vì được dẫn hướng theo chính sách bán hàng liên quan đến giá trần. Hôm nay nó là 60 USD, ngày mai nó có thể là bất cứ thứ gì và việc phụ thuộc vào một số quyết định của các quốc gia không thân thiện là không thể chấp nhận được đối với chúng tôi.”
Theo phó thủ tướng, sản lượng dầu của Nga sẽ tăng vọt, từ 524 triệu tấn năm 2021 lên 535 triệu tấn năm 2022. Trong khi đó, sản lượng khí đốt tự nhiên dự kiến sẽ giảm tới 20% trong giai đoạn này.
Hôm thứ Năm (22/2022), Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố rằng ông sẽ ban hành một sắc lệnh vào tuần tới nêu chi tiết phản ứng chính thức của Moscow đối với mức giá trần.
Lợi cho Trung Quốc
Trong một bài bình luận gửi cho The Epoch Times hôm 05/12, ông Daniel Lacalle, nhà kinh tế trưởng của quỹ phòng hộ Tressis, đã cảnh báo rằng mức giá trần 60 USD sẽ không gây hại gì cho Nga vì mức giá đó cao hơn mức giá hiện tại của Urals.
Mức trần giá sẽ cho phép các quốc gia ngoài EU tiếp tục nhập cảng dầu thô vận chuyển bằng đường biển của Nga thậm chí trên mức 60 USD, với cảnh báo trước là các giao dịch như vậy sẽ không được tiếp cận với các công ty vận chuyển, bảo hiểm, và tái bảo hiểm phương Tây. Ông lưu ý rằng điều này chỉ mang lại lợi thế cho Trung Quốc.
Ông Lacalle viết, Trung Quốc “sẽ có được một nguồn cung dài hạn với mức giá hấp dẫn từ Nga và bán các sản phẩm tinh chế trên toàn cầu với tỷ suất lợi nhuận cao hơn. Sinopec và PetroChina sẽ tìm thấy đủ cơ hội trên thị trường toàn cầu để thu lại lợi nhuận tốt hơn cho các sản phẩm tinh chế của họ đồng thời bảo đảm nguồn cung hợp lý trong tình hình kinh tế đầy thách thức.”
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times