Ukraine muốn có thỏa thuận hòa bình với Nga do Liên Hiệp Quốc hậu thuẫn, nhưng với một điều kiện
Moscow phải đối mặt với ‘tòa án tội ác chiến tranh,’ Ukraine cho biết
Hôm thứ Hai (26/12), một quan chức hàng đầu của Ukraine cho biết nước này muốn có một hội nghị thượng đỉnh hòa bình do Liên Hiệp Quốc hậu thuẫn để chấm dứt chiến tranh với Nga vào tháng 02/2023 nhưng chỉ khi Moscow phải đối mặt với một phiên tòa xét xử tội ác chiến tranh tại một tòa án quốc tế trước.
Trong một cuộc phỏng vấn với The Associated Press, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba nói rằng Ukraine sẽ làm bất cứ điều gì có thể để giành chiến thắng cuộc chiến này vào năm tới khi cuộc xung đột tiếp tục diễn ra ác liệt nhưng ông hy vọng rằng cả hai bên có thể đạt được một thỏa thuận ngoại giao.
“Mọi cuộc chiến đều kết thúc theo cách ngoại giao. Mọi cuộc chiến đều kết thúc do các hành động được thực hiện trên chiến trường và tại bàn đàm phán,” ông Kuleba nói. “Liên Hiệp Quốc có thể là địa điểm tốt nhất để tổ chức hội nghị thượng đỉnh này bởi vì đây không phải là việc ủng hộ một quốc gia nào đó.”
Quan chức hàng đầu này còn nói thêm rằng chính phủ của ông muốn Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc António Guterres đóng một vai trò trung gian hòa giải tại hội nghị thượng đỉnh hòa bình tiềm năng này, bởi vì ông ấy đã từng “chứng tỏ mình là một nhà hòa giải và đàm phán hiệu quả, và quan trọng nhất, là một người có nguyên tắc và chính trực.”
Đáp lại những bình luận của ông Kuleba, đồng phát ngôn viên Liên Hiệp Quốc Florencia Soto Nino-Martinez nói với The Associated Press hôm thứ Hai: “Như tổng thư ký đã nói nhiều lần trước đây, ông ấy chỉ có thể hòa giải nếu tất cả các bên muốn ông ấy làm trung gian.”
Nga ‘không phải là những người từ chối đàm phán’
Tổng thống (TT) Nga Vladimir Putin đã nhiều lần tuyên bố trong những tháng gần đây rằng Moscow sẵn sàng đàm phán để chấm dứt cuộc xung đột gây thương vong này với nước láng giềng. Trong một cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình nhà nước Rossiya 1 vào Ngày Giáng Sinh, TT Putin dường như đã ngụ ý rằng Ukraine đang từ chối tổ chức các cuộc đàm phán hòa bình.
Ông Putin nói, “Chúng tôi sẵn sàng đàm phán với mọi bên liên quan về các giải pháp có thể chấp nhận được, nhưng điều đó còn tùy thuộc vào họ — chúng tôi không phải là những người từ chối đàm phán, mà là chính họ.”
Tổng thống Nga cũng nói thêm rằng ông tin đất nước của mình đang “hành động đúng hướng” và “bảo vệ lợi ích quốc gia của chúng tôi, lợi ích của công dân chúng tôi, người dân chúng tôi. Và chúng tôi không có lựa chọn nào khác ngoài việc bảo vệ công dân của mình.”
Tuy nhiên, trong một tuyên bố hôm thứ Hai bình luận về đề nghị của ông Kuleba, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với hãng thông tấn nhà nước RIA Novosti rằng Nga “không bao giờ tuân theo các điều kiện do nước khác đặt ra. Chỉ có điều kiện của riêng chúng tôi và lợi ích chung mà thôi.”
Hoa Thịnh Đốn đã nói rằng giải pháp duy nhất để chấm dứt chiến tranh ở Ukraine là quân đội Nga phải rút khỏi nước này.
Trong khi đó, Giám đốc CIA William Burns cho biết trong một cuộc phỏng vấn với PBS phát hành hôm 16/12 rằng CIA không tin là ông Putin nghiêm túc trong việc tổ chức các cuộc đàm phán chấm dứt chiến tranh.
Cái gọi là “chiến dịch quân sự đặc biệt” quy mô lớn của ông Putin đã bắt đầu ở Ukraine hôm 24/02. Mặc dù Ukraine đã giành lại được những vùng đất rộng lớn ban đầu bị lực lượng Nga chiếm giữ, nhưng hiện tại Nga đang kiểm soát khoảng 1/5 Ukraine.
Hồi tháng Chín, Nga đã sáp nhập các khu vực tranh chấp Donetsk, Luhansk, Kherson, và Zaporizhzhia sau những gì các nhà lãnh đạo phương Tây gọi là bầu cử giả.
Ủy ban LHQ: Nga ‘chịu trách nhiệm cho phần lớn’ các tội ác chiến tranh
Các quan chức Nga đã nói rằng một thỏa thuận hòa bình sẽ cần bảo đảm rằng Ukraine công nhận chủ quyền của Nga đối với Bán đảo Crimea, nơi đã được sáp nhập về Nga hồi năm 2014, cũng như các lãnh thổ khác đã chiếm được.
Khi các cuộc đàm phán hòa bình dường như ngày càng khó xảy ra, chiến tranh vẫn tiếp tục diễn ra ác liệt. Theo Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc (OHCHR), hơn 17,000 dân thường Ukraine đã thiệt mạng hoặc bị thương trong cuộc xâm lược này cho đến nay, trong khi có tới 13,000 binh sĩ Ukraine thiệt mạng, theo các bản tin.
Các tin tức khác cho thấy hơn 100,000 binh sĩ Nga đã thiệt mạng hoặc bị thương, mặc dù chính phủ Nga cho rằng con số này thấp hơn nhiều.
Hồi tháng Mười, Ủy ban Điều tra Quốc tế Độc lập về Ukraine, do Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc thành lập, đã kết luận rằng họ đã tìm thấy những cơ sở hợp lý để kết luận rằng “một loạt tội ác chiến tranh, vi phạm nhân quyền và luật nhân đạo quốc tế đã được thực hiện ở Ukraine.”
Kết luận trên được đưa ra sau một cuộc điều tra về các sự kiện ở các vùng Kyiv, Chernihiv, Kharkiv, và Sumy hồi cuối tháng Hai và tháng Ba năm 2022.
“Tác động của những vi phạm này đối với dân thường ở Ukraine là vô cùng lớn. Thiệt hại nhân mạng lên đến hàng ngàn người. Chủ tịch Ủy ban Erik Møse cho biết trong một tuyên bố.
Thanh Tâm biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times