Moscow cấm xuất cảng dầu cho các quốc gia áp giá trần
Moscow sẽ thực hiện lời đe dọa cấm xuất cảng dầu sang các quốc gia đồng ý áp giá trần đối với dầu của Nga. Hôm 27/12, Tổng thống Vladimir Putin đã công bố phản ứng được chờ đợi từ lâu của chính phủ ông đối với mức giá trần được phương Tây hậu thuẫn vốn sẽ được áp lên các mặt hàng xuất cảng dầu thô của Nga.
Nhà lãnh đạo Nga đã ký một lệnh cấm cung cấp dầu mỏ và các sản phẩm liên quan đến dầu mỏ cho các quốc gia áp giá trần đối với dầu Nga. Lệnh cấm này sẽ có hiệu lực từ ngày 01/02/2023, kéo dài trong năm tháng, cho đến ngày 01/07/2023.
Theo sắc lệnh của tổng thống trên TASS, hãng thông tấn nhà nước Nga: “Việc cung cấp dầu và các sản phẩm từ dầu của Nga cho các cá nhân và pháp nhân ngoại quốc đều bị cấm, với điều kiện là các hợp đồng cung cấp những nguồn cung này trực tiếp hoặc gián tiếp quy định việc sử dụng cơ chế ấn định giá. Lệnh cấm được thiết lập này áp dụng ở tất cả các giai đoạn cung cấp cho người mua cuối cùng.”
“Việc giao dầu và các sản phẩm dầu của Nga cho các tổ chức và cá nhân ngoại quốc đều bị cấm, với điều kiện là trong các hợp đồng cung cấp các nguồn cung này, việc sử dụng cơ chế ấn định giá tối đa được dự kiến trực tiếp hoặc gián tiếp.”
Điện Kremlin nói rằng hành động của họ là một phản ứng trực tiếp đối với “các hành động không thân thiện và trái ngược với luật pháp quốc tế của Hoa Kỳ và các quốc gia ngoại quốc cũng như các tổ chức quốc tế tham gia cùng họ” và nhằm mục đích bảo vệ lợi ích quốc gia của Nga.
Xuất cảng dầu thô từ Nga sẽ bị cấm bắt đầu từ hôm 01/02, nhưng ngày ban hành lệnh cấm sẽ do chính phủ Nga quyết định và có thể được thực thi sau thời hạn tháng Hai.
“Văn bản này có hiệu lực vào ngày 01/02/2023 và có giá trị đến ngày 01/07/2023,” sắc lệnh viết, nhưng trong đó bao gồm một điều khoản cho phép ông Putin dỡ bỏ lệnh cấm này trong những trường hợp đặc biệt.
Giá trần do phương Tây hậu thuẫn đối với dầu mỏ của Nga có hiệu lực
Sau nhiều tháng đàm phán, G-7, Liên minh Âu Châu, và Úc trong tháng này đã đồng ý áp mức trần giá 60 USD/thùng đối với các chuyến hàng vận chuyển dầu thô của Nga bằng đường biển nhằm đáp trả cuộc chiến chống lại Ukraine của nước này.
Mức giá trần đã thỏa thuận có hiệu lực từ hôm 05/12 trở đi và áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với bất kỳ công ty bảo hiểm hàng hải hoặc vận tải biển nào vi phạm giới hạn giá đối với xuất cảng dầu của Nga.
Các công ty ở Hoa Kỳ, Liên minh Âu Châu, và Vương quốc Anh đã bị cấm cung cấp dịch vụ vận tải, tài chính, và bảo hiểm cho các tàu chở dầu từ Nga với mức giá trên mức trần 60 USD.
Giới hạn giá 60 USD được các nhà lãnh đạo phương Tây hình thành như một cách để làm suy yếu tài chính của Moscow trong cuộc chiến chống lại Ukraine, đồng thời bảo đảm rằng dầu của Nga sẽ tiếp tục cung cấp cho thị trường toàn cầu.
Giới hạn xuất cảng được đưa ra cùng với lệnh cấm vận trên toàn EU đối với việc vận chuyển dầu thô của Nga bằng đường biển và được hình thành như một cách để đảm bảo rằng Điện Kremlin không thể lách lệnh cấm của Âu Châu bằng cách bán dầu của mình cho các nước thứ ba với giá cao hơn.
Tuy nhiên, một số nhà phê bình về mức giá trần và lệnh cấm dầu thô của EU đã nói rằng hành động này trước mắt sẽ có ít tác động đến doanh thu dầu mỏ nhà nước hiện tại của Moscow, theo Barron’s.
Các nước Âu Châu đã phải chịu giá năng lượng cao do mất phần lớn khí đốt tự nhiên nhập cảng từ Nga.
Giới chức Nga tin rằng họ có thể chịu được các hạn chế xuất cảng
Một số quan chức Nga tự tin rằng mức giá trần này sẽ không ảnh hưởng đến các chiến dịch quân sự của họ ở Ukraine và bày tỏ sự tự tin rằng họ sẽ tìm được người mua mới.
Tuy nhiên, Barron’s đưa tin, Bộ trưởng Tài chính Anton Siluanov cho biết thâm hụt ngân sách của Nga có thể lớn hơn 2% GDP dự kiến trong năm tới do mức giá trần đối với doanh thu xuất cảng dầu và tăng chi tiêu quân sự cho chiến dịch ở Ukraine.
Bloomberg đưa tin, hồi tuần trước, Phó Thủ tướng Alexander Novak nói với kênh truyền hình Rossiya-24 rằng, Nga dự kiến sẽ sản xuất 535 triệu tấn dầu vào cuối năm 2022.
Trong khi đó, trong một cuộc phỏng vấn với TASS hôm 25/12, ông Novak lặp lại ước tính vào tuần trước rằng đất nước của ông sẽ sản xuất ít nhất khoảng 490–500 triệu tấn dầu vào năm tới.
Ông Novak cho biết Nga có thể tăng xuất cảng dầu thô nếu lệnh cấm của EU dẫn đến một sản lượng thấp hơn. “Nếu có vấn đề với việc bán các sản phẩm dầu mỏ, việc lọc dầu ở một mức độ nào đó có thể được thay thế bằng khối lượng xuất cảng dầu bổ sung.”
Bộ trưởng nội các Nga nói thêm rằng có khả năng lệnh cấm của EU thậm chí hầu như không ảnh hưởng đến sản lượng lọc dầu của Nga.
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times