Nga bán dầu ở mức cao hơn khoảng 30% so với mức giá trần mới được áp đặt
Hỗn hợp dầu ESPO của Nga từ cảng Kozmino được bán với giá khoảng 79 USD/thùng hôm thứ Hai (05/12), cao hơn gần 32% so với mức giá trần 60 USD do liên minh các quốc gia phương Tây áp đặt — một biện pháp trả đũa nhằm hạn chế khả năng tài trợ của Moscow cho cuộc chiến tranh xâm lược ở Ukraine.
Theo dữ liệu của Refinitiv từ Reuters, hỗn hợp ESPO đang được giao dịch tại các thị trường Á Châu ở mức giá đó, vượt qua mức giá trần của phương Tây. Nga xuất cảng tới 65 triệu tấn hỗn hợp dầu thô này thông qua đường ống Đông Siberia-Thái Bình Dương (ESPO), bao gồm tới 35 triệu tấn qua cảng Kozmino, theo hãng thông tấn này. Nga, nước xuất cảng dầu mỏ lớn thứ hai trên thế giới, đã từ chối tuân thủ quy định này và đe dọa cắt giảm sản lượng.
Dựa trên các điều khoản của quy định này — được thực thi bởi các quốc gia G-7, Liên minh Âu Châu (EU), và Úc — dầu Nga được vận chuyển đến các nước bên thứ ba thông qua các tàu chở dầu của G-7 và EU chỉ có thể được bán ở mức giá 60 USD.
Âu Châu xem mức giá trần này là một biện pháp kiên quyết để hạn chế tài chính của Moscow khi các tổ chức tín dụng và công ty bảo hiểm lớn, quan trọng đối với ngành dầu mỏ, có trụ sở trong khu vực. Tuy nhiên, Moscow vẫn bất chấp các lệnh trừng phạt này, thay vào đó tuyên bố rằng các biện pháp hạn chế tiếp tục có hại cho khối.
Theo Reuters, hôm Chủ Nhật (04/12), Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cho biết, “Chúng tôi đang nghiên cứu các cơ chế để cấm sử dụng công cụ trần giá, bất kể mức nào được đặt ra, bởi vì sự can thiệp như vậy có thể gây bất ổn hơn nữa cho thị trường.”
“Chúng tôi sẽ chỉ bán dầu và các sản phẩm dầu mỏ cho những quốc gia hợp tác với chúng tôi theo các điều kiện thị trường, ngay cả khi chúng tôi phải giảm sản lượng một chút,” đồng thời cho biết thêm rằng tác động của việc áp giá trần có thể ảnh hưởng đến các quốc gia khác ngoài Nga.
Ảnh hưởng đối với Âu Châu và những hậu quả của việc vi phạm
Nga đang giữ vững lập luận rằng Âu Châu sẽ bị ảnh hưởng theo sau việc tiếp tục kéo dài các biện pháp trừng phạt năng lượng. Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với các phóng viên: “Có lẽ sẽ là không chuyên nghiệp nếu che giấu mức thiệt hại mà các lệnh trừng phạt đang gây ra cho các quốc gia Âu Châu, ý tôi là, liên quan đến các lệnh trừng phạt mà người Âu Châu đã áp đặt lên chúng tôi.”
“Thiệt hại này là hiển nhiên — giống như thiệt hại của các biện pháp trừng phạt đó đối với nền kinh tế Đức, tất cả các chuyên gia của chúng tôi, các chuyên gia ở Brussels và các chuyên gia ở Berlin đều nhận thức rõ điều đó.”
Biện pháp áp giá trần đối với dầu thô sẽ có hiệu lực bắt đầu từ ngày 05/12/2022 và từ ngày 05/12/2023 đối với các sản phẩm xăng dầu.
Theo Ủy ban Âu Châu, nếu một tàu mang cờ quốc gia thứ ba vi phạm quy định, “các công ty vận hành của EU sẽ bị cấm bảo hiểm, cấm tài trợ, và cấm bảo dưỡng tàu này” trong thời gian 90 ngày sau khi hàng hóa đã được dỡ xuống. Nếu đó là con tàu mang cờ EU, thì quốc gia thành viên đó sẽ phải chịu hậu quả.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times