Tương lai xanh của Âu Châu là lạnh giá và tăm tối
Phụ thuộc vào các nguồn năng lượng sạch như phong năng và quang năng trong khi bỏ qua an ninh năng lượng đã được chứng minh là một thảm họa đối với Âu Châu
Trong bối cảnh Nga xâm lược Ukraine, các quốc gia thuộc Liên minh Âu Châu (EU) đang chật vật thu gom các nguồn nhiên liệu hóa thạch để vận hành các nhà máy và sưởi ấm những ngôi nhà của họ trong mùa đông này. Quý vị sẽ nhớ lại, họ đã tẩy chay mạnh mẽ khí đốt tự nhiên của Nga và áp đặt các biện pháp trừng phạt, như một cách trừng phạt Nga vì những cách thức gây chiến xấu xa của nước này.
Sự hào hứng mang dáng vẻ cao thượng
Sự hào hứng có vẻ cao thượng từ sự bộc phát đạo đức đó kéo dài được nhiều nhất là vài tuần. Và rồi, EU, và đặc biệt là Đức, đột nhiên nhớ ra rằng nền kinh tế của họ — thực sự, cuộc sống của chính họ — phụ thuộc vào việc thay thế khí đốt tự nhiên mà họ đã ngừng mua từ Moscow. Vào thời điểm xảy ra cuộc xâm lược hồi cuối tháng Hai năm nay, 50% nguồn cung năng lượng của Đức phụ thuộc vào Nga.
Tất nhiên, các lệnh trừng phạt và tình trạng thiếu hụt do tẩy chay, cũng như chiến tranh, đã đẩy giá năng lượng lên cao hơn. Điều đó dẫn đến việc người dân Âu Châu phải trả nhiều tiền hơn cho ít năng lượng hơn nhiều, trong khi Nga tăng khoảng gấp đôi doanh thu so với năm trước mà chỉ phải bán một nửa khối lượng.
Nga được lợi nhiều nhất
Còn nữa, EU vẫn đang mua khí đốt tự nhiên từ Nga thông qua Trung Quốc, quốc gia đã bán khí đốt mà họ mua rẻ từ Nga cho Âu Châu với giá cao. Đó là một tình huống song thắng cho Nga và Trung Quốc, và thua thiệt gấp đôi cho EU. May mắn thay, Na Uy, Algeria, và Hoa Kỳ cũng đang cung cấp khí đốt tự nhiên cho Âu Châu, giúp gia tăng trữ lượng. Và trong tương lai không xa, Âu Châu cũng sẽ mua khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ Israel.
Điều đó không có nghĩa là các vấn đề năng lượng của Âu Châu đã được giải quyết. Các chuyên gia và nhà cung cấp năng lượng đang dự đoán một mùa đông thậm chí còn tệ hơn đối với Âu Châu vào năm sau. Cũng có thể là như vậy; còn rất nhiều điều có thể xảy ra từ bây giờ cho đến lúc đó. Thậm chí một số người còn cho rằng cuộc khủng hoảng năng lượng của Âu Châu có thể kéo dài vài năm. Chúng ta hãy chờ xem.
Suy nghĩ ngạo mạn
Nhưng bức tranh lớn hơn là việc Brussels và Berlin hoàn toàn thiếu suy nghĩ thực tế. Người Âu Châu, và đặc biệt là người Đức, đã mắc sai lầm nghiêm trọng khi cho rằng Nga cần tiếp cận các thị trường của Âu Châu và nguồn tài chính nhiều hơn Âu Châu cần khí đốt của Nga, và do đó Nga sẽ không dám làm gián đoạn dòng chảy năng lượng quan trọng đến Âu Châu.
Các nhà chiến lược năng lượng Âu Châu (hoặc nhiều khả năng hơn, là các nhà lãnh đạo chính trị của họ) đã sai lầm hết mức.
Kết luận đầu tiên từ tính toán sai lầm rất lớn này là điều đó không phải là việc xảy ra một lần duy nhất. Thay vào đó, sai lầm này là dấu hiệu cho thấy tình trạng thiếu tầm nhìn xa mang tính đặc hữu cùng với những ảo tưởng đầy khát vọng đã gây tai họa cho những người cánh tả xanh, thức tỉnh đang điều hành Âu Châu trong vài năm qua, và bất cứ nơi nào khác mà họ có thể đang ẩn náu.
“Chính sách, được gọi là Energiewende (Chuyển đổi năng lượng), bắt nguồn từ truyền thống theo chủ nghĩa tự nhiên và lãng mạn của Đức, thể hiện qua sự trỗi dậy của Đảng Xanh, và gần đây là, sự phản đối của công chúng đối với việc phát điện hạt nhân.”
Ngay cả Pháp, quốc gia phụ thuộc vào 56 nhà máy điện hạt nhân, đã tạm dừng hơn hai chục nhà máy cho việc bảo trì bị trì hoãn, có nghĩa là người dân Pháp cũng sẽ phải chịu đựng một mùa đông lạnh giá. Không có một lời giải đáp hợp lý về việc tại sao Paris lại cho phép nhiều nhà máy điện hạt nhân của mình rơi vào tình trạng hư hỏng như vậy, trừ khi là để gây bất ổn cho nền kinh tế, xã hội Pháp, và các quốc gia lân bang vốn phụ thuộc vào việc người Pháp bán lượng điện dư thừa của mình như họ vẫn làm trong nhiều năm.
Sự ngu ngốc quá đỗi và/hoặc tính ngạo mạn (hai thứ này thường đi kèm với nhau) của các nhà hoạch định chính sách hàng đầu Âu Châu khi từ chối đa dạng hóa hoặc duy trì các nguồn cung cấp năng lượng quan trọng nhiều năm trước, thật quá mức lạ thường. Việc không hiểu được rằng năng lượng là yếu tố an ninh quốc gia hàng đầu, và rằng chẳng ai để cho kẻ thù truyền kiếp của bản thân cơ hội đe dọa sự tồn tại của chính mình bằng cách giữ lại năng lượng, là điều không thể tha thứ.
Một chính sách điên rồ
Tuy nhiên, điều tương tự cũng có thể được nói và nên được đề cập về mức độ mà người Âu Châu đã tự khiến bản thân dễ bị tổn thương khi dựa vào các nguồn năng lượng “xanh” không đáng tin cậy như phong năng và quang năng, khi mà cả hai loại năng lượng này đều không thể tiến gần tới việc thay thế được khí đốt tự nhiên và các nhiên liệu hóa thạch khác như than để sản xuất năng lượng. Đức là hiện thân cho sự điên rồ như vậy, khi từ bỏ cả than đá và năng lượng hạt nhân mà không có nguồn năng lượng nào khác ngoài khí đốt của Nga để lấp đầy khoảng trống.
Với sự xuất hiện của cuộc chiến tại Ukraine, người Âu Châu đang có được một sự giáo dục về chính trị quyền lực, hay theo đúng nghĩa đen là chính trị điện năng (power politics) — toàn bộ sự chơi chữ này là cố ý — về cái giá phải trả cho việc bỏ qua thực tế để ủng hộ một thứ đạo đức mang tính mưu toan vốn leo thang thành thứ khoa học sai lầm về biến đổi khí hậu vượt trên cả cuộc sống của gần một nửa tỷ người.
Do bản chất rất mong manh của nền an ninh năng lượng của họ, liệu Đức có đang cân nhắc quay trở lại sản xuất điện hạt nhân không?
Không. Ngay cả khi họ phát hiện ra rằng việc ngừng vận hành các nhà máy điện hạt nhân để thay thế bằng khí đốt tự nhiên của Nga sẽ có chi phí cao, thì giới lãnh đạo Đức vẫn bài xích năng lượng hạt nhân.
Đối thủ của phương Tây dốc toàn lực cho nhiên liệu hạt nhân và hóa thạch
Trong khi đó, Nga và Trung Quốc, những đối thủ toàn cầu hàng đầu của phương Tây, đang tập trung vào nhiên liệu hóa thạch, nhiều hơn bất kỳ lợi ích khí hậu nào có thể có được từ giấc mơ xanh của EU.
Ví dụ, Trung Quốc chắc chắn nói về việc tăng cường năng lượng xanh, nhưng trong khi đó, họ đang xây dựng hơn 50% các nhà máy điện chạy bằng than mới trên thế giới. Việc xây dựng các nhà máy điện hạt nhân ở Á Châu đang bùng nổ.
Có một bài học rút ra ở đây mà không phù hợp với chủ đề xanh vì bài học này dựa trên thực tế. Các quốc gia tiếp cận được nguồn điện giá rẻ, dồi dào, và đáng tin cậy có một lợi thế địa chính trị lớn hơn so với những quốc gia đã từ bỏ các nguồn năng lượng như vậy để sử dụng các công nghệ năng lượng xanh không đáng tin cậy.
Các nhà lãnh đạo Âu Châu có hiểu được điều này không nhỉ?
Có lẽ vậy, ngay cả khi bài học này đang dần bao trùm lên họ. Chẳng hạn, họ đang phát hiện ra rằng đạo đức được cho là đi kèm với việc từ bỏ các nhiên liệu hóa thạch hoặc năng lượng hạt nhân, trong trường hợp tốt nhất, thì cũng chỉ là phù du. Hơn nữa, họ sẽ hiểu rằng thói đạo đức giả của họ không mấy ý nghĩa đối với những người sẽ sớm bị lạnh cóng trong căn hộ của mình trên khắp EU.
Cùng lúc, Đức đã quyết định tháo dỡ một cánh đồng điện gió để khởi động lại một mỏ than. Liệu hành động này có nghĩa là họ đang bắt đầu nhìn thấy thế giới thực?
Hay hành động ấy chỉ là chủ nghĩa tượng trưng chính trị để xoa dịu những người theo phái bảo tồn truyền thống hơn là một sự thay đổi trong một chính sách chắc chắn mang lại sự phụ thuộc và yếu kém về năng lượng?
Nhiều khả năng hơn rằng đây là chủ nghĩa tượng trưng chính trị thay vì thay đổi thực sự.
Rét cóng là một thứ đạo đức giả dối
Khi mùa đông đến với một Âu Châu mà bằng cách nào đó không thể tìm ra cách giữ ấm cho công dân của mình trong vài mùa đông tới vì Âu Châu đang tìm kiếm các dạng năng lượng mang tính đạo đức ngày càng cao hơn, từ trang trại gió đến xe điện, thì việc giới lãnh đạo EU tự hỏi chính mình một số câu hỏi có thể rất hữu ích.
Ví dụ, đạo đức ở đâu trong việc người dân của quý vị phải lựa chọn giữa sưởi ấm và thức ăn trong mùa đông này?
Đạo đức ở đâu khi để toàn Âu Châu phụ thuộc vào thiện ý của các đối thủ địa chính trị?
Đạo đức ở đâu trong việc thúc đẩy việc áp dụng rộng rãi xe điện khi không có đủ lithium trên thế giới để làm như vậy và việc khai thác lithium gây tổn hại nghiêm trọng đến môi trường?
Đạo đức ở đâu trong việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch để cung cấp năng lượng cho xe điện hoặc gây ra tình trạng mất điện khi làm như vậy?
Đối với vấn đề xe điện, đạo đức ở đâu trong việc sử dụng lithium để cung cấp năng lượng cho xe điện, kim loại do hàng triệu nô lệ khai thác, trong đó có nhiều trẻ em?
Vấn đề trọng tâm đằng sau niềm tin sắt đá của Âu Châu về một tương lai xanh là sự thắng thế của ý thức hệ so với thực tế.
Nếu xu hướng rời khỏi năng lượng hạt nhân, khí đốt tự nhiên sạch, và dầu mỏ tiếp tục diễn ra, thì tương lai của Âu Châu có vẻ khá lạnh giá rồi.
Và tăm tối nữa.
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times