Danh sách các lệnh trừng phạt toàn cầu đối với Nga và những tác động kéo theo
Sau khi Nga xâm lược Ukraine hồi cuối tháng Hai, thế giới phương Tây đã hiệp lực lại để cùng nhau áp đặt các lệnh trừng phạt nhằm vào Moscow trong một nỗ lực trừng phạt nước này và buộc chính phủ Nga phải rút quân. Những lệnh trừng phạt này đã ảnh hưởng đến nền kinh tế Nga, khi nước này chứng kiến hoạt động xuất nhập cảng sụt giảm, cũng như các công ty quốc tế ngừng hoạt động.
Nga đang hứng chịu những lệnh trừng phạt nào?
Các lệnh trừng phạt là những quy định cứng rắn được áp dụng đối với một quốc gia hoặc khu vực nhằm lên án một hành động khiêu khích hoặc hiếu chiến đi ngược lại các quy tắc đã được thiết lập trong bối cảnh trong nước hoặc quốc tế. Sự phụ thuộc lẫn nhau hiện nay của các nền kinh tế và các hệ thống quản trị dân chủ đã khiến cho việc áp đặt các lệnh trừng phạt trở thành một biện pháp hạn chế hiệu quả.
Các lệnh trừng phạt hiệu quả nhất đối với Nga đã được hai đối tác thương mại lớn nhất của nước này — Hoa Kỳ và Liên minh Âu Châu — áp đặt. Trung Quốc là nhà nhập cảng hàng đầu các sản phẩm của Nga trong năm 2021.
Tuy nhiên, một loạt các lệnh trừng phạt do các cường quốc phương Tây áp đặt bao gồm việc ngăn ngân hàng trung ương Nga giải ngân 600 tỷ USD trong các quỹ dự trữ toàn cầu; cấm mọi giao dịch với cơ quan tiền tệ này; hạn chế các tổ chức của Nga truy cập vào [mạng lưới tài chính] SWIFT, do đó vô hiệu hóa các giao dịch tài chính toàn cầu; rút quyền tiếp cận của Nga vào đồng dollar Mỹ; và đóng băng 400 tỷ USD dự trữ của Nga. Hơn nữa, việc ngừng hoạt động kinh doanh trên diện rộng khắp đất nước này đã gây ra một áp lực rất lớn đối với công chúng cũng như các công ty tư nhân của Nga, về căn bản, biến đất nước này thành một quốc gia bị quốc tế xa lánh.
Theo các nhà phân tích, sự hoảng loạn ngày càng tăng có thể dẫn đến việc rút tiền hàng loạt khỏi hệ thống ngân hàng, dẫn đến việc hạn chế rút tiền có thể sẽ xảy ra.
Một số đòn giáng mạnh nhất đã xảy ra khi các công ty dầu mỏ như BP, Shell, Equinor, ExxonMobil, và TotalEnergies rút khỏi đất nước này và tạm dừng toàn bộ các dự án mới.
Ngoài ra, đa phần hạm đội phi cơ của Nga gồm có các phi cơ chở khách từ các nước phương Tây. Các hãng hàng không ở nước này đã phải viện đến cách tháo dỡ các phản lực cơ để lấy phụ tùng thay thế mà họ không còn có thể mua được từ các thị trường quốc tế do các lệnh trừng phạt Nga ngày càng bao phủ lên mọi lĩnh vực.
Sự khan hiếm các bộ phận thiết yếu và thiếu bảo trì thường xuyên có thể đồng nghĩa với sự sụp đổ của ngành hàng không nước này một khi các hãng hàng không ngừng sử dụng các bộ phận tháo dỡ. Việc mua sắm nguồn cung cấp từ các quốc gia khác là vô cùng khó khăn vì lo ngại các lệnh trừng phạt thứ cấp. Các công ty như Boeing và Airbus giám sát tất cả việc bán sản phẩm cho người dùng cuối.
Trong hai năm 2019-2020, Đức là nước dẫn đầu trong đầu tư trực tiếp ngoại quốc vào Nga với 82 dự án lĩnh vực xanh — khi các công ty xây dựng các cơ sở hoàn toàn mới ở hải ngoại — tiếp theo là Hoa Kỳ với 62 dự án, Trung Quốc với 55, Pháp với 49, và Nhật Bản với 26. Tất cả các khoản đầu tư ngoại quốc sẽ thật sự dừng lại trong tương lai có thể dự đoán được.
Danh sách các lệnh trừng phạt đối với Nga năm 2022
Hoa Kỳ
Hoa Kỳ đã trừng phạt các ngân hàng như Sberbank, VTB Bank, Sovcombank, Novikombank, cũng như các chi nhánh của những công ty này. Tài sản tại Hoa Kỳ của các ngân hàng này cũng đã bị đóng băng, và người Mỹ bị cấm giao dịch với những ngân hàng đó. Các hạn chế về nợ và vốn chủ sở hữu đã được áp đặt lên nhiều ngân hàng Nga. Tất cả các giao dịch với Ngân hàng Trung ương Liên bang Nga đều đã bị chặn.
Các cá nhân như Tổng thống Nga Vladimir Putin, Ngoại trưởng Sergei Lavrov, cũng như các nhà tài phiệt Nga khác, các nhà lãnh đạo an ninh quốc gia, và giới tinh hoa như ông Alisher Usmanov, người có cổ phần đáng kể tại các công ty trong các lĩnh vực công nghệ thông tin và viễn thông, đã bị trừng phạt.
Hoa Kỳ đã cấm nhập cảng dầu mỏ, khí đốt, và các dạng năng lượng khác của Nga, đồng thời trừng phạt ngành công nghiệp quốc phòng của Nga, bao gồm các công ty như tập đoàn do nhà nước hậu thuẫn Rostec. Các hạn chế về thị thực đã được áp đặt lên hơn 500 cá nhân có liên quan đến quân đội.
Lĩnh vực công nghệ của Nga đã bị đưa vào các lệnh trừng phạt, làm ảnh hưởng đến công ty máy điện toán siêu cấp T-platforms và Mikron, nhà sản xuất vi mạch bán dẫn lớn nhất của nước này. Các tài sản và lợi ích ở Hoa Kỳ của PJSC Alrosa-Nyurba, công ty kim cương do nhà nước Nga sở hữu, đã bị phong tỏa. Các mạng lưới truyền hình do nhà nước Nga sở hữu hoặc kiểm soát như Russia-1, JSC NTV Broadcasting Co, và JSC Channel One Russia đã bị trừng phạt.
Anh Quốc
Anh Quốc đã trừng phạt các ngân hàng có liên kết với Nga như Ngân hàng Tái thiết và Phát triển Hắc Hải, Ngân hàng Rossiya, Ngân hàng Tiết kiệm Công nghiệp, Genbank, Promsvyazbank, Ngân hàng VTB, và Sberbank.
Anh Quốc đã cấm xuất cảng công nghệ then chốt trong ngành sang Nga, đồng thời cấm các công ty hàng không và vũ trụ của Nga bảo hiểm hoặc tái bảo hiểm rủi ro của họ. Giấy phép phát sóng ở Anh Quốc của hãng thông tấn RT do nhà nước kiểm soát đã bị thu hồi theo các lệnh trừng phạt tăng cường đối với ngành truyền thông.
Các tổ chức then chốt của Nga như nhà thầu quốc phòng Tập đoàn JSC Kronshtadt, Đường sắt Nga, và Cơ quan Nghiên cứu Internet đã bị trừng phạt. Anh Quốc đã cấm nhập cảng các sản phẩm sắt thép của Nga cũng như áp thuế quan nhập cảng mới đối với palladium và platinum.
Việc xuất cảng các dịch vụ như quan hệ công chúng, tư vấn quản lý, và kế toán, cùng với các sản phẩm như hóa chất, nhựa, và máy móc đều bị cấm. Anh Quốc cũng đã trừng phạt các nhà tài phiệt Nga và hàng trăm cá nhân khác, trong đó có ông Putin và các thành viên gia đình ông, cũng như các quan chức Nga liên quan đến cuộc trưng cầu dân ý về việc sáp nhập được tổ chức ở Ukraine.
Nhật Bản
Nhật Bản, một trong những đối tác thương mại lớn của Nga, đã áp đặt nhiều lệnh trừng phạt đối với nước này, bắt đầu bằng việc hạn chế xuất cảng các mặt hàng bị kiểm soát có trong danh sách được quốc tế đồng thuận.
Nhật Bản đã cấm phát hành trái phiếu của các ngân hàng Nga được chỉ định và cấm phát hành cũng như giao dịch các khoản nợ công mới của Nga trên các thị trường Nhật Bản. Hoạt động xuất nhập cảng từ các vùng lãnh thổ Donetsk và Luhansk đang tranh chấp của Ukraine đã bị tạm dừng.
Nước này cũng đã đóng băng tài sản của các nhân vật nổi tiếng, bao gồm cả ông Putin và các nhân sự chủ chốt trong chính phủ. Nhật Bản đã áp đặt các hạn chế thương mại đối với đồng minh Belarus của Nga và ngừng cung cấp thiết bị lọc dầu cho Liên bang Nga.
Nhật Bản đã ngừng xuất cảng hàng xa xỉ sang Nga từ tháng Ba, sau đó là các mặt hàng công nghệ cao, thiết bị công nghiệp quan trọng, và cuối tháng Chín đã cấm hoàn toàn xuất cảng hàng hóa liên quan đến vũ khí hóa học.
Úc
Từ khi Nga xâm lược Ukraine, Úc đã khởi xướng các lệnh trừng phạt cùng với các quốc gia phương Tây khác, và bắt đầu bằng việc đóng băng tài sản và cấm đi lại đối với nhiều nhân vật nổi tiếng của Nga. Chính phủ Úc đã phong tỏa tài sản của Tập đoàn Hỏa tiễn Chiến thuật, Kronshtadt, Rostec, và Rosoboronexport.
Úc đã cấm xuất cảng quặng và tinh quặng nhôm, corundum nhân tạo, oxide nhôm khác, và hydroxit nhôm từ tháng Ba, sau đó cấm một số mặt hàng xa xỉ từ tháng Tư, bao gồm rượu vang, các loại mỹ phẩm cao cấp, phụ tùng cho xe cao cấp, thuốc lá, và các mặt hàng khác.
Úc đã trừng phạt các quan chức Belarus, bao gồm cả tổng thống nước này cùng gia đình. Các công ty quốc phòng, vận tải, vận chuyển, và linh kiện điện tử như Kamaz, United Shipbuilding, Công ty Đường sắt Nga, Gazprom, RusHydro, và SOGAZ đã bị trừng phạt, theo đó, dầu mỏ, xăng dầu, than đá, và khí đốt đã được chỉ định là “những mặt hàng cấm nhập cảng.”
Có bao nhiêu quốc gia đã áp đặt các lệnh trừng phạt lên Nga?
Hơn 30 quốc gia trên thế giới đã áp đặt các lệnh trừng phạt nghiêm khắc cũng như các biện pháp hạn chế khác đối với Nga sau khi nước này tiến quân xâm lược Ukraine. Những nước này bao gồm Hoa Kỳ, Úc, Canada, Pháp, Đức, Ý, Hy Lạp, Nhật Bản, Nam Hàn, Hà Lan, Singapore, Thụy Sĩ, và Anh Quốc.
Trong số những nước này, những lệnh trừng phạt của Liên minh Âu Châu (EU) được cho là có tác động sâu sắc nhất đối với nền kinh tế Nga.
EU đã áp đặt các lệnh trừng phạt đối với các cá nhân và phong tỏa tài sản đối với tổng thống Nga cũng như các nhà tài phiệt, chẳng hạn như ông Roman Abramovich, các thành viên Hạ viện của Quốc hội Liên bang (Duma Quốc gia), binh lính, và các nhân vật chủ chốt khác.
Về các hạn chế trong lĩnh vực tài chính, EU đã áp dụng lệnh cấm tham gia vào SWIFT đối với 10 ngân hàng Nga, tạm dừng mọi giao dịch với ngân hàng trung ương nước này, và hạn chế Nga tiếp cận các thị trường Âu Châu.
EU đã đóng cửa không phận và cảng biển của họ đối với toàn bộ phi cơ và tàu thuyền của Nga, cấm vận tải đường bộ, và hoạt động xuất cảng trong các lĩnh vực liên quan. Khối này đã áp đặt lệnh cấm đối với than đá và dầu mỏ, đồng thời áp giá trần đối với năng lượng của Nga. Trong lĩnh vực quốc phòng, hoạt động xuất cảng súng, xe cộ, và đạn dược sang Nga đã bị đình chỉ.
Một lệnh cấm nhập cảng đã được áp dụng đối với các sản phẩm thép, sắt, gỗ, xi măng, giấy, và nhựa, cùng với hải sản, thuốc lá, mỹ phẩm, và đồ trang sức. Các công ty Âu Châu cũng bị cấm thuê các dịch vụ về kiến trúc, kỹ thuật, tư vấn công nghệ thông tin và tư vấn pháp lý của Nga.
Trong cuộc chiến này, EU cũng đã áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Belarus vì đã hỗ trợ cho quân đội Nga, và Iran vì trang bị thiết bị bay không người lái cho quân đội Nga.
Hồi tháng Mười, EU đã chính thức áp dụng gói trừng phạt thứ tám của khối này đối với Nga. Bên cạnh việc mở rộng các hạn chế trước đó, vòng trừng phạt mới nhất này bao gồm lệnh cấm công dân EU tham gia vào hội đồng quản trị của các công ty nhà nước Nga. Việc áp giá trần lên vận tải hàng hải đối với các quốc gia mua dầu thô của Nga cũng được bổ sung trong vòng trừng phạt thứ tám này.
Canada đã áp đặt lệnh trừng phạt lên Nga chưa?
Phối hợp cùng với các đồng minh quốc tế, Canada đã ban hành các hạn chế đối với hơn 1,400 cá nhân và tổ chức của Nga kể từ tháng Hai.
Hơn nữa, Canada đã cung cấp khoản viện trợ quân sự trị giá hơn 450 triệu USD viện cho Ukraine. Gói viện trợ này bao gồm pháo và đạn dược, thiết vận xa, quân phục, và thiết bị bay không người lái có gắn camera, cũng như huấn luyện quân sự cho hơn 34,000 binh sĩ và nhân viên an ninh Ukraine.
Tinh đến thời điểm hiện tại trong năm nay, Canada đã viện trợ 2.56 tỷ USD cho Ukraine. Canada đã cấm xuất cảng 28 dịch vụ trọng yếu đối với hoạt động của những ngành dầu khí và hóa chất, bao gồm các dịch vụ kỹ thuật, quản lý, kế toán, và quảng cáo.
Hơn nữa, nước này đã cấm xuất cảng các dịch vụ dầu mỏ, khí đốt, và hóa chất nhằm vào một ngành công nghiệp chiếm khoảng một nửa tổng thu ngân sách liên bang của Nga.
Ảnh hưởng của các lệnh trừng phạt lên nền kinh tế Nga
Theo phân tích của Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế, sau phản ứng của quốc tế và cuộc chiến tranh kinh tế mà phương Tây áp đặt lên Nga, nền kinh tế của nước này dự kiến sẽ sụt giảm khoảng từ 5.5% đến 9.0% trong năm 2022.
Không có sự đóng góp của các công ty toàn cầu, giao thương hàng hóa và dịch vụ của Nga sẽ giảm đáng kể trong năm nay, cũng như sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu các thành tố quan trọng. Trong khi đó, lạm phát trong nước ước tính lên tới mức 22%.
Việc tẩy chay Nga trên toàn cầu đã dẫn đến việc chỉ số chính của Sàn giao dịch Moscow, Chỉ số MOEX Russia, giảm một phần ba trong khoảng thời gian từ tháng 02/2022 đến tháng 10/2022.
Khả năng thay thế vũ khí và phục hồi nỗ lực chiến tranh của Nga thông qua sản xuất và dự trữ vũ khí đã và đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng sau khi nước này bị cấm tiếp cận với công nghệ tân tiến.
Một số lực lượng của Nga được cho là đã tìm đến Iran và thậm chí Bắc Hàn để bù đắp cho sự thiếu hụt nguồn cung ứng và thiết bị. Hơn nữa, Nga đang gặp khó khăn trong việc nhập cảng chất bán dẫn và các linh kiện quan trọng khác
Không thể tính toán chính xác tác động lên nền kinh tế Nga vì Moscow không cho phép công chúng truy cập vào các số liệu thống kê kinh tế của mình. Cho đến nay, Nga đã xoay xở được việc cung cấp tài chính cho cuộc chiến của họ ở Ukraine, nhưng có thể điều đó sẽ thay đổi trong tương lai gần.
Những công ty nào hiện không làm ăn với Nga?
Theo Đại học Yale, hơn 1,200 công ty đã tuyên bố công khai về việc giảm thiểu hoạt động của họ ở Nga kể từ khi cuộc chiến này nổ ra. Quy mô cắt giảm hoạt động là khác nhau giữa các công ty, một số thì hoàn toàn rút khỏi nước này trong khi các công ty khác đang vận hành ở mức tối thiểu theo yêu cầu của các lệnh trừng phạt quốc tế đối với Nga.
Một số công ty có danh tiếng đã dừng các hoạt động tại Nga hoặc hoàn toàn rời khỏi đất nước này bao gồm: Cisco, Cummins, Deloitte, Delta Air Lines, edX, Electronic Arts, Etsy, Expedia, Exxon, Global Foundries, GoDaddy, Halliburton, Hearst Communications, HP, IBM, Koch Industries, KPMG, Krispy Kreme, McDonald’s, MSCI, Nasdaq, Netflix, Nike, Omnicom Media, PwC, Red Hat, S&P 500, Slack, Starbucks, Uber, WeWork, Hiệp hội Quần vợt Nữ, Hội đồng Điền kinh Thế giới, và Tổ chức Quyền anh Thế giới.
Một số công ty tạm dừng hoạt động bao gồm: 3M, Airbnb, Amazon, AMD, American Airlines, American Express, Apple, Boeing, Booking, Citi, Costco, Dell, Disney, eBay, FedEx, GM, Goodyear, Harley Davidson, Intuit, Intel, Marriott, Mastercard, Meta, Nvidia, Oracle, Paypal, TikTok, Under Armour, United Airlines, WarnerMedia, WWE, và Xerox.
Nhóm biên dịch tin tức Anh ngữ Epoch Times Tiếng Việt
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times