Mạn đàm về múa Trung Quốc: Múa trống trong vũ đạo dân gian
Từ xưa đến nay, ngoài cung điện thì trong dân gian Trung Quốc cũng lưu truyền rất nhiều vũ đạo mỹ diệu mà chúng ta gọi là “múa dân gian.” Trong đó, vũ đạo có khí thế nhất chính là múa “trống”.
Đúng như tên gọi, động tác vũ đạo của múa trống cần phải được khai triển xung quanh “trống.” “Trống” được xem là nhạc cụ gõ và có nguồn gốc từ rất sớm.
Truyền thuyết kể rằng, thời xa xưa có một cái trống do Y Kỳ Thị dùng đất chế thành, dùi trống được làm bằng cỏ tết lại. Lại có truyền thuyết, Hạ Hậu Thị có một loại trống có chân. Trong giáp cốt văn được khai quật ở Ân Khư đã có chữ “cổ” 鼓 (trống), chữ “đào” 鼗 (cái trống nhỏ). Ngoài ra còn có một cái trống gỗ có mặt trống căng bằng da trăn. Điều này cho thấy, từ xa xưa hơn 3,000 năm trước, nhà Thương đã có những nhạc cụ này.
Từ thời Nam Bắc triều đến thời nhà Tùy, nhà Đường, Trung Quốc lại tiếp nhận và sử dụng một số loại trống từ quốc gia khác truyền đến. Đến thời Đường, trống đã có các loại như: Trống Eo lưng, trống Mao viên (một loại trống eo lưng), trống Đô đàm (trống eo lưng dài, đường kính nhỏ thời cổ đại), trống Đáp lạp, trống Yết, trống Tiết, trống Diêm, trống Tề, trống Đào (trống lục lạc ngày nay), trống Kê Lâu, trống Đại, trống Quân, trống Tay, trống Biển v.v. Xung quanh những loại trống khác nhau này, các triều đại Trung Quốc cũng có những điệu “múa trống” khác nhau. Có một số điệu múa trống lưu truyền đến ngày nay, không hề bị mai một.
Vậy, điệu múa trống ban đầu được biểu diễn vào những trường hợp nào? Thời Trung Quốc cổ đại, mọi người cho rằng nhịp điệu của tiếng trống có thể thông tới các vị Thần và đem mưa tới. Vì vậy, điệu múa trống có lẽ được biểu diễn để cầu mưa khi có hạn hán. Trong “Chu Dịch” có ghi chép “múa trống là để kính Thần.” Trong đó còn nói rõ rằng khi cúng tế Thần linh, những người kính Thần cũng nhảy múa theo nhịp điệu của trống. Ngoài ra, các điệu múa “trống” cũng được biểu diễn để cổ vũ sĩ khí và ăn mừng chiến thắng trong các cuộc chiến.
Văn tự ghi chép việc múa trống tại Trung Quốc có lẽ bắt đầu từ thời nhà Thương. Trong giáp cốt văn khai quật được ở Ân Khư cũng cho thấy, thời đó đã có ghi chép về “nhịp điệu múa” gõ trống khua chiêng. Triều Hán có “kiến cổ vũ” và “bàn cổ vũ.” Trong hang động thời Nam Bắc triều có bích họa “hoa cổ kỹ nhạc.” Thời Đường có “múa trống eo” vô cùng thịnh hành. Thời Tống có “múa trống hoa”. Thời Nguyên có “bách diện la cổ” (trống chiêng 100 mặt). Thời Thanh có “thái bình cổ vũ” (múa trống thái bình). Những điệu múa trống này đã được lưu truyền tại dân gian trong suốt lịch sử Trung Quốc. Đến nay, ở nhiều vùng khác nhau của Trung Quốc vẫn còn lưu truyền những điệu múa trống với phong cách khác nhau. Một loại múa trống với khí thế hào hùng, chẳng hạn như “An tắc yêu cổ” của Thiểm Tây, “Hoa cổ” của Sơn Tây, “Thái bình cổ vũ” của Cam Túc; một loại là múa trống quy mô nhỏ, tiểu xảo xinh đẹp, vừa hát vừa múa, ví dụ như “Phụng dương hoa cổ” của An Huy.
“Kiến” trong “kiến cổ vũ” thời Hán có nghĩa là “thụ” (cây). Trong điệu múa này, người ta dùng những cột gỗ xuyên qua phần giữa trống để trống dựng đứng, người múa ở hai bên trống, vừa đánh trống vừa múa. Các động tác múa thông thường ngồi xổm và giơ tay đánh trống, hoặc quỳ một chân để đánh trống, v.v. Có lúc còn đánh các nhạc cụ khác như chuông nhỏ, chuông lớn. Đa số là do nam giới biểu diễn, chủ yếu thể hiện vẻ đẹp nam tính của phái mạnh.
“Bàn cổ vũ” cũng là điệu múa rất thịnh hành vào thời nhà Hán, còn gọi là “Bàn vũ,” “Thất bàn vũ,” đa phần biểu diễn góp vui trong các yến tiệc. Đây là một loại vũ đạo biểu diễn bằng cách đạp vào bàn (giống như cái mâm) và trống. Người múa đa phần là nam giới, thông thường đầu đội mũ quan, thân mặc áo múa tay dài, chân đi giày múa đặc chế. Lúc múa, bàn và trống được sắp xếp trên mặt đất, người múa dẫm nhảy lên bàn và trống, cong người uốn lượn, bổ nhào trồng cây chuối, biểu diễn các tư thế múa, đồng thời tạo ra những tiết tấu âm thanh. Đôi khi, người biểu diễn cũng có thể là nữ. Biểu diễn có múa đơn, múa đôi và múa theo nhóm.
Trong hang đá ở Vân Cương, Sơn Tây, còn có tranh vẽ người chơi nhạc trên Thiên cung thời Nam Bắc triều. Họ đeo trống trước ngực để vỗ, có chút giống với vũ đạo dân gian “múa trống hoa” ở Sơn Tây ngày nay. Hình thức “múa trống hoa” ở Sơn Tây rất đa dạng. Vị trí của trống phân thành trống cao (trống đeo trước ngực), trống thấp (trống đeo bên hông), nhiều trống (đeo ở các chỗ eo, ngực, vai). Trong lúc múa, vũ công đánh trống theo nhịp điệu, vừa có trống đôi, vừa có trống đơn.
Ngày nay, “múa trống eo” thời Đường, “múa trống hoa” thời Tống, “múa trống thái bình” thời nhà Thanh vẫn đang được lưu truyền trong dân gian ở rất nhiều nơi. Ví dụ như “An tắc yêu cổ” của Thiểm Tây, khi múa lên, khí thế dường như có thể nuốt cả sơn hà. Còn “múa trống thái bình,” đội hình trống như cánh quạt, khi gõ trống thì âm thanh vang dội, khí thế hồng đại. Đặc biệt, “Thái bình cổ” của Lan Châu, Cam Túc lại là một trường phái khác. Trống như một cái thùng có chiều cao một mét, dùng roi được chế từ da trâu để quật. Tiếng trống ầm ầm, âm thanh chấn động vài dặm. Trong khi múa, yêu cầu động tác đánh trống có biên độ lớn, cường độ mạnh, và các kỹ xảo múa như nhảy, vọt, chạy, lắc, cưỡi, v.v. Còn có “Phụng dương hoa cổ” của An Huy được lưu truyền rất rộng rãi. Thông thường, vũ đạo này do một đôi nam nữ biểu diễn, nữ vũ công đeo trống hoa như hình trái bí đao, nam vũ công cầm thanh la nhỏ, vừa múa vừa hát. Ca từ phần nhiều kể về nỗi khổ của cuộc sống lang thang phiêu bạt.
Ngày nay ở Sơn Tây, ngoại trừ “múa trống hoa” ra, còn có gần 20 loại múa trống như “Trống xoay người,” “Trống hoa khánh,” “Trống quạt,” “Ngũ hổ leo núi,” “Chiêng trống xuyên rương,” “Trống eo,” “Trống ngậm hoa,” “Trống nghênh” v.v.
Ngoại trừ dân tộc Hán có các chủng loại múa trống khác nhau, trong 55 dân tộc thiểu số của Trung Quốc cũng có rất nhiều điệu múa trống. Ví dụ như “Chấp ba cổ vũ” của dân tộc Tạng, “Múa trống tay” của tộc người Duy Ngô Nhĩ, “Múa chũm chọe” của các dân tộc Miêu, Di, Choang, Dao .v.v. “Múa trống hoa” của dân tộc Miêu và Di, “Múa trống gỗ” của dân tộc Ngõa, “Hoàng nê cổ vũ” của dân tộc Dao .v.v. đều có những đặc sắc riêng.
Tiết mục “Điệu múa trống eo lưng vùng Đông Bắc” của Shen Yun năm 2011
Như Chi thực hiện
Vương Du Duyệt biên tập
Sương Sương biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ