La Fontaine: Đức hạnh của một nhà thơ đãng trí
Người ta thường quên rằng học thuộc lòng là cách tốt nhất để nhớ. Trong nhiều thế kỷ, học sinh Anh quốc phải học và đọc thuộc lòng 20 dòng đầu tiên trong lời mở đầu khái quát về nhà thơ Geoffrey Chaucer trong cuốn “Truyện kể Canterbury.” Sau đó, điều này đã được loại bỏ. Bây giờ, đối với hầu hết mọi người, ông Chaucer đã gia nhập vào danh sách dài những cái tên mơ hồ sống trong một thời quá khứ nhạt phai.
Jean de La Fontaine, nhà viết truyện ngụ ngôn vĩ đại nhất kể từ sau thời của đại thi hào Aesop (người Hy Lạp, khoảng thế kỷ thứ 6 trước Công nguyên), vẫn chưa phải chịu chung số phận bị lãng quên này. Đây là một điều thật đáng mừng, tuy tôi vẫn có ý kiến khác. Cũng giống như không ai nói rằng một sinh viên môn lịch sử không thể nhớ các sự kiện là điều tốt, để trân trọng văn học cần có sự trợ giúp của trí nhớ. May mắn thay cho các học sinh Pháp, những câu thơ nhẹ nhàng của thi hào La Fontaine khiến nhiệm vụ ghi nhớ chỉ là “cực hình” nho nhỏ.
Vị thiên tài chất phác
Sinh năm 1621, nhà thơ La Fontaine sống trong thời đại của vua Louis XIV, một thời kỳ tương tự như thời đại nữ hoàng Elizabeth với sự phong phú của các tác phẩm thơ và kịch. Ông được những người quen biết mô tả bằng những từ như lịch thiệp và hay đãng trí. Theo lời vợ ông, Fontaine thường quên rằng mình đã kết hôn. Một lần, ông cố gắng nhận ra một khuôn mặt quen thuộc tại một bữa tiệc — hóa ra đó lại là con trai của ông. Một lần khác, ông đến thăm nhà một người bạn cũ. Nhà thơ La Fontaine bất chợt bàng hoàng khi biết người bạn mình đã qua đời sáu tháng trước, — để rồi mới sực nhớ ra rằng mình cũng đã dự đám tang bạn.
Sự ngây thơ của La Fontaine cũng tệ như sự đãng trí của ông vậy. Ông đã từng thách đấu tay đôi với một người đàn ông, không phải vì một mối hận thù cá nhân mà vì ông nghĩ đó là một tục lệ đương nhiên.
“Tôi muốn thách đấu với anh bởi vì tôi được bảo là phải làm vậy,” ông nói.
Khi ông rút kiếm ra, đối thủ đã đánh bật kiếm ra khỏi tay ông chỉ với một đường kiếm. La Fontaine lãng tử sau đó đã thuyết phục người đàn ông ăn sáng với mình thay vì hạ gục anh ta, và rồi họ cùng nhau rời đi.
Cách cư xử đáng yêu của ông dường như luôn giúp ông thoát khỏi những tình huống khó khăn. Điều này đặc biệt trở nên hữu ích khi sau khi ông xuất bản sáu cuốn sách đầu tiên có tựa đề “Fable” (Truyện ngụ ngôn) vào năm 1668, vị luật sư thuộc tầng lớp trung lưu này đã được nhận vào nhóm cận thần của Vua Mặt Trời (Louis XIV).
Tập thơ “Truyện Ngụ Ngôn”
Nhà thơ La Fontaine đã phỏng theo những câu chuyện của những nhà viết ngụ ngôn vĩ đại trong lịch sử, đặc biệt là thi hào Aesop và nhà văn người Phạn là ông Bidpai, ông cũng sáng tác ra những câu chuyện của riêng mình. Sự đổi mới của ông là viết bằng thơ thay vì văn xuôi, đưa kỹ thuật này thành một loại hình nghệ thuật đỉnh cao.
Cuốn hút, duyên dáng, và hóm hỉnh, những câu chuyện ngụ ngôn chuyển tải sự giản dị tự nhiên phản ánh tính cách của chính La Fontaine. Nhiều câu chuyện nói về một con thú ngây thơ bị một con thú xảo quyệt hoặc mạnh mẽ hơn lợi dụng. Tuy nhiên, trong thế giới hư cấu này, những phán đoán sai lầm khó nhận được sự dung thứ hơn là ngoài đời, xét theo hiểu biết của La Fontaine, và các động vật [trong chuyện] thường phải gánh chịu những hậu quả sống còn. Chính xác thì đặc điểm tính cách nào nên bị phê phán — sự ngây thơ vụng dại hay sự tàn nhẫn độc ác — điều này tùy thuộc vào sự diễn giải của mỗi người.
Sau khi xuất bản tập thơ “Truyện ngụ ngôn,” ông La Fontaine được mời dùng bữa với nhà vua trẻ Louis XIV. Đức vua ban thưởng cho ông một ví tiền, thế mà ông lại để quên ví tiền trên chiếc xe ngựa đưa ông về nhà. Cho dù là hào phóng, nhà vua vẫn không thích thơ của La Fontaine. Bản chất tự nhiên của thơ ông tương phản với phong cách giả tạo của các nhà thơ hoàng gia đang thịnh hành vào thời điểm đó. Và không giống như những kẻ xu nịnh chỉ biết tung hô danh giá và sự huy hoàng của vương thất, La Fontaine đã châm biếm sự hào nhoáng của hoàng gia.
Trong câu chuyện “Bò tơ, Bảo mẫu-Dê, và Cừu lập hội với Sư tử”, bốn sinh vật hợp tác với nhau và đồng ý chia sẻ mọi thứ với nhau. Một ngày nọ, “cô dê” bắt được một con hươu trong lưới của mình và báo tin cho cả nhóm. Chúng tề tựu lại và sư tử là kẻ quyết định:
“Và rồi, tụ tập đủ đông
Sư rằng, phân nó thành ra bốn phần”
Đối với phần đầu tiên trên mặt đất, sư tử chiếm lấy vì nó là chúa tể:
“Ta trịnh trọng tự thưởng ta
Thịt một phần tư, bởi danh Mãnh Sư
Một lời dèm pha, ta cũng không tha.”
Sau đó, con sư tử tự chia cho mình phần thịt thứ hai và thứ ba, biểu dương cho sự dũng cảm và sức mạnh vượt trội của mình.
“Đứa nào dám chạm phần chót
Bây cũng đừng hòng sống sót!”
Không có câu châm ngôn tổng kết, không có bài học đạo đức nào. Truyện ngụ ngôn, với những chi tiết tế nhị (chẳng hạn như những con vật nghe lời dụ dỗ đều là giống cái), tự nó đã nói lên thông điệp đằng sau. Người ta cho rằng vua Louis đã làm nước Pháp suy kiệt với các dự án xây dựng xa hoa và các cuộc chiến tranh tốn kém với ngoại quốc, đồng thời là một người trăng hoa có tiếng, điều đó thật khiến người ta muốn vẽ ra để so sánh. Nhà thơ La Fontaine biết rằng công khai chỉ trích nhà vua sẽ bị quở trách trực tiếp. Vài năm trước đó, vua Louis đã bỏ tù bộ trưởng ngân khố của mình, ông Nicolas Fouquet, người bảo trợ đầu tiên của La Fontaine, chủ yếu là vì cung điện mà ông Fouquet xây dựng cho mình sánh ngang ngửa với sự xa hoa quyền thế của cung điện Versailles. Nhà vua cũng đã tống giam một trong những người bạn thân nhất của ông La Fontaine vào nhà ngục Bastille.
Một câu chuyện ngụ ngôn khác, “Sói và Cừu,” nhẹ nhàng chế giễu sự độc đoán của quyền lực tuyệt đối. Câu chuyện mở đầu bằng:
“Chân lý xưa nay luôn thuộc về kẻ mạnh
Tôi sẽ chứng minh lập tức châm ngôn.”
Một chú cừu bị một con sói xám bám theo vì dám uống nước từ dòng suối của nó. Chú cừu trong cơn khát cầu xin sự tha thứ. Sau đó, sói xám buộc tội cừu ta về những lỗi lầm khác trước khi đổ lỗi cho tất cả các loài cừu vì đã khiến việc sinh tồn của sói trở nên khó khăn:
“Thế là sói cắp chú cừu
Vào rừng sâu để ăn thịt
Chẳng cần nghe lý lẽ thiệt hơn.”
Lòng cảm thông dành cho kẻ khiêm tốn
Trái ngược với những động vật ăn thịt quyền uy, nhà thơ La Fontaine luôn miêu tả những sinh vật nhỏ bé với lòng trắc ẩn. Trong truyện ngụ ngôn này, đức hạnh luôn được đền đáp. Trong truyện “Cây sồi và cây sậy,” một cái cây rủ lòng xót thương cho một ngọn cỏ vì sự bé nhỏ của nó:
“… Chút xíu gió tình cờ phảng phất
Khiến mặt nước lăn tăn xao động
Đã khiến anh phải cúi đầu;
Còn tôi đây, hùng vĩ tựa đỉnh Kavkaz
Không chỉ thách thức ánh dương, mà còn hiên ngang trước muôn trùng bão tố
Cái anh gọi là cuồng phong, đối với tôi chỉ là cơn gió nhẹ”
Cây sậy trả lời rằng tuy nó có dáng người uốn cong, nhưng không bao giờ gãy, và cây sồi nên cẩn trọng hơn. Cùng lúc cây sậy nói, một cơn bão nổi lên cùng với gió mạnh.
“Đến nỗi nhổ bật cả rễ cây, đầu chạm đến trời mây
Chân bước vào mảnh đất Diêm Vương.”
Câu chuyện này và ngạn ngữ liên quan đã quá nổi tiếng, nhưng những cách diễn đạt nguyên gốc của nhà thơ La Fontaine mang đậm chất cổ điển, vẫn gợi cảm giác tươi mới dẫu cho câu chuyện đã quá quen thuộc.
Sau khi vua Louis bỏ tù ông Fouquet, nhà thơ La Fontaine thậm chí còn có được nhiều hơn nhà bảo trợ hào phóng và thân thiết với hoàng gia. Vào 30 năm cuối đời, ông có thể thảnh thơi lơ đãng mà không cần lo lắng đến những mối bận tâm thực tế nào. Sự lịch thiệp trong xã hội và sự chất phác đầy cuốn hút đã cứu ông khỏi sự bất mãn của nhà vua, và vua Louis đã cho phép La Fontaine đưa ra những lời chỉ trích ẩn ý đối với quyền lực hoàng gia mà không bị trừng phạt.
Hữu Minh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times