Ông James Madison, người đặt nền móng cho việc tách biệt nhà thờ và nhà nước
Trong số các tu chính án của Hiến Pháp, Tu chính án thứ Nhất là thiêng liêng nhất. Tu chính án này bảo đảm các quyền tự do tín ngưỡng, ngôn luận, báo chí, hội họp, và quyền kháng nghị, những thứ đã khiến Mỹ quốc trở thành một ngọn hải đăng của thế giới. Người đầu tiên đệ trình tu chính án này là một người đàn ông trầm tĩnh và ham đọc sách. Ông đã dành nhiều năm để nghiền ngẫm các vấn đề liên quan đến tu chính án đó trong sự cô tịch — một sở thích lạ lùng đối với chính trị gia. Tu chính án thứ Nhất đã trở thành nền tảng căn bản về cách người Mỹ trong việc nhìn nhận bản thân họ là những cá nhân có mối quan hệ xã hội đến mức mà họ dễ dàng lãng quên sự hoài nghi, và thậm chí là sự phẫn nộ vào thời điểm bấy giờ.
Một học giả tham gia chính trị
Ông James Madison là một sinh viên sắc sảo về môn lịch sử chính trị. Mặc dù vậy, trong số những suy nghĩ của ông về chính phủ, có một mối quan tâm được xem là tối quan trọng. Trong cuốn sách “The Three Lives of James Madison: Genius, Partisan, President” (Ba Cuộc Đời của James Madison: Thiên Tài, Người Ủng Hộ Đảng Phái, Tổng Thống), tác giả Noah Feldman đưa ra sự quan sát của mình: “Chủ đề khiến ông James Madison cảm thấy hào hứng nhất chính là tự do tín ngưỡng và việc xác lập chính thức quyền này.” Ông đã phát triển mối quan tâm trên khía cạnh học thuật về chủ đề này khi còn theo học tại trường Đại học Princeton dưới thời Linh mục John Witherspoon, người đã truyền cho ông các ý tưởng về quyền tự do tín ngưỡng lấy cảm hứng từ Thời kỳ Khai Sáng của Scotland.
Sau khi tốt nghiệp, ông Madison đã chứng kiến cuộc bức hại những người bất đồng tín ngưỡng ở quê hương Virginia của mình, nơi mà Anh giáo là một tôn giáo được thừa nhận. Trong một bức thư gửi cho một người bạn đề ngày 24/01/1774, ông Madison đã mô tả về hành trình đến một quận lân cận và gặp gỡ các mục sư Baptist bị giam giữ trong ngục, “5 hoặc 6 người đàn ông có thiện ý” đã không làm bất kỳ điều gì khác ngoại trừ truyền giảng các quan điểm chính thống của họ. Vào tháng Tư năm đó, ông đã viết: “Trói buộc tín ngưỡng sẽ hạn chế và làm suy yếu tâm trí và không thích hợp với mọi hoài bão cao quý, cũng như mở mang mọi triển vọng.”
Ông Madison gia nhập chính trường địa phương và đã tham dự hội nghị về Hiến Pháp của tiểu bang Virginia vào năm 1776. Tại đó, ông George Mason đã đệ trình dự thảo cho một bản Tuyên ngôn Nhân quyền, trong đó có một điều khoản nêu rõ rằng “tất cả Mọi Người Dân đều nên được hưởng Sự Khoan Dung ở mức cao nhất trong việc Thực hành Tín ngưỡng, dựa theo Tiếng gọi của Lương tri.” Ông Madison đã không hài lòng với điều khoản này. Ông hiểu rằng khi một nhóm đa số cho phép cho một nhóm thiểu số thực hành tín ngưỡng, thì nhóm đa số này cũng có thể tước đoạt quyền đó. Vượt khỏi tư tưởng về sự khoan dung của ông John Locke, ông Madison đã thành công trong việc kiến nghị thay đổi từ ngữ để phản ánh quyền “tự do thực hành tín ngưỡng.”
Sự bảo đảm này đã chấm dứt việc độc quyền tín ngưỡng của Anh giáo tại tiểu bang Virginia. Mặc dù vậy, tám năm sau đó, ông Patrick Henry lại chĩa mũi nhọn pháp lý để thu các loại thuế tín ngưỡng. Ông Madison phản đối ông Henry, nhưng ông biết ông đã quá mềm mỏng để chống lại nhà hùng biện có tài ăn nói này. Ông đã đáp lại bằng cách viết một bản kháng nghị có nhan đề là “Bản ghi nhớ và Kháng nghị về Đánh thuế Tín ngưỡng.” Ông lập luận rằng, tín ngưỡng “phải thuộc về niềm tin và lương tri của mỗi người; và đó là quyền của mỗi người được thực hành tín ngưỡng theo tiếng gọi của lương tri.” Đức tin không thể bị cưỡng ép và cần phải ở trong một phạm vi tách biệt khỏi chính phủ dân sự. Thậm chí một khoản thuế nhỏ cũng có thể trở thành [hành vi] áp bức.
Bài tiểu luận của ông Madison đã đặt nền móng cho ý tưởng tách biệt nhà thờ và nhà nước. Bản kháng nghị đã thu thập đủ chữ ký để bác bỏ dự luật được đệ trình. Vào năm 1786, Đạo luật Virginia về Tự do Tín ngưỡng được thông qua.
Đạo luật Nhân quyền
Vào năm 1789, ông Madison đã viết dự thảo Hiến Pháp và thuyết phục hầu hết các tiểu bang phê chuẩn bằng cách chấp bút cho 29 bài tham luận nằm trong “The Federalist Papers” (Luận cương Liên bang). Tuy nhiên tài liệu quan trọng mang tính đột phá này đã không được thông qua. Tiểu bang North Carolina và Rhode Island không đồng ý phê chuẩn dự thảo này. Những người phản đối — những người ủng hộ quyền của tiểu bang hơn quyền lực liên bang — mong muốn tổ chức hội nghị lập hiến lần thứ hai để bãi bỏ chính phủ mới.
Để ngăn chặn điều này, ông Madison đã soạn thảo những tu chính án để giải quyết các thiếu sót của Hiến Pháp. Vào ngày 08/06/1789, ông đã đệ trình dự thảo này lên Quốc hội, kiến nghị bảo vệ các quyền tự do cá nhân mà không thay đổi cấu trúc của chính phủ. Trong các tu chính án này, ông đã tìm cách tóm lược những điều ông suy ngẫm trong nhiều năm qua về tín ngưỡng. Điều khoản của Tu chính án được đệ trình — ban đầu là Tu chính án thứ Tư, chứ không phải là Tu chính án thứ Nhất — mô tả chi tiết hơn so với phiên bản cuối cùng:
“Không ai bị tước bỏ các quyền dân sự vì lý do niềm tin tôn giáo hay thờ phượng, cũng như không có bất kỳ tôn giáo quốc gia nào được thiết lập, cũng như các quyền bình đẳng về tự do lương tri sẽ không bị xâm phạm dưới bất kỳ hình thức nào, hay với bất kỳ lý do nào.”
Bản đệ trình này bao gồm ba khía cạnh: bảo đảm đối xử bình đẳng từ quan điểm thiểu số, ngăn cấm Quốc hội thành lập một giáo hội quốc gia, và xác lập lương tri như một quyền tự do không bị cưỡng ép.
Ông Madison đã nỗ lực để các tu chính án của ông được thông qua. Nhóm Federalist (ủng hộ chính phủ liên bang) chế giễu các tu chính án này là những thứ “tẻ nhạt” vô dụng. Nhóm Anti-Federalists (chống lại việc tập trung quyền lực vào chính phủ liên bang) đã nhất loạt phản đối ông. Đối thủ trước đây của ông là ông Patrick Henry đã kêu gọi sửa đổi toàn bộ Hiến Pháp, quả quyết rằng một đạo luật nhân quyền quốc gia không đủ sức bảo vệ các quyền này cho từng cá nhân hay tiểu bang. Một tác giả ẩn danh, lấy bút hiệu là “Pacificus,” đã quả quyết trên một tờ báo của New York rằng “các bản tuyên ngôn” của ông Madison là “những điều tầm thường và không phải là sự bảo đảm thiết thực cho tự do.”
Ông Madison đã lên tiếng bảo vệ bản dự luật của mình, lập luận rằng văn bản này sẽ hạn chế sự chuyên chế của số đông và “kiến lập ý kiến đại chúng” ủng hộ cho các quyền [tự do]. Sự ủng hộ dành cho chính phủ liên bang bắt đầu tăng dần lên. Mặc dù ông Madison mong muốn gộp các tu chính án này vào trong nội dung của Hiến Pháp, nhưng cuối cùng ông đã chấp nhận đính kèm phần tu chính án đó [vào Hiến Pháp]. Các dân biểu đã bỏ đi một số nội dung trong các bản đệ trình của ông và thay thế bằng một số nội dung khác.
Phiên bản cuối cùng của điều khoản trong Tu chính án thứ Nhất về quyền tự do tín ngưỡng đề cập như sau: “Quốc hội không được ban hành bất kỳ đạo luật nào liên quan đến thành lập tín ngưỡng, hay ngăn cấm quyền tự do thực hành tín ngưỡng.” Mặc dù phiên bản có phần hạn chế hơn một chút này đã xóa bỏ cụm từ của ông Madison nói về “quyền lương tri,” nhưng nói cách khác thì vẫn phù hợp với các mục đích của ông. Thành tựu của ông Madison đã khiến ông trở thành người bảo vệ cho quyền tự do tín ngưỡng lỗi lạc nhất trên thế giới. Sự công nhận quyền tự do thực hành tín ngưỡng, chứ không phải là sự khoan dung đơn thuần, đã trở thành một kiểu mẫu cho nhiều chính phủ khác trên toàn thế giới.
Hoàng Long biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times