Tìm kiếm sự thông tuệ trong chuyện ngụ ngôn của Soren Kierkegaard
Một triết gia thế kỷ 19 sử dụng những câu chuyện để soi sáng con đường vượt qua khó khăn của thời hiện đại
Tùy thuộc vào người mà bạn hỏi, thời đại hiện nay dường như là một thời đại mà chúng ta hoặc là chật vật leo lên một ngọn núi hướng tới thế giới không tưởng (utopia), hoặc là lao xuống dốc. Nhiều người chọn quan điểm thứ hai cảm thấy rằng họ có ít khả năng kiểm soát đối với tình trạng sự việc, mặc dù họ đã cố gắng hết sức để hướng tâm hồn và trí óc đến những miền đất hứa tốt đẹp hơn.
Một câu chuyện ngụ ngôn của nhà văn Đan Mạch Soren Kierkegaard đã tóm lược cuộc đấu tranh này:
“Có một ngọn lửa bùng cháy ở hậu trường rạp hát. Chú hề xuất hiện để thông báo cho khán giả. Họ nghĩ đó chỉ là một trò đùa và vỗ tay hoan hô. Chú hề nhắc lại lời cảnh báo của mình. Họ thậm chí còn hò hét to hơn. Vì vậy, tôi nghĩ rằng thế giới này sẽ kết thúc giữa tiếng vỗ tay chung của tất cả những người thông minh, những người tin rằng điều đó chỉ là một trò đùa.”
Triết gia Kierkegaard đã dành cả cuộc đời mình để cảnh báo thời đại của ông về những thất bại [của thời kỳ ấy] và đưa ra một lối thoát. Tuy nhiên, cũng như các nhà tiên tri hiếm khi gặt hái được lợi ích từ những cố gắng của họ, ông cũng phần nhiều không thành công. Thời đại hiện nay, khi nhận ra được sự sa lầy của chính nó trong những vấn đề thậm chí còn khó lường hơn câu chuyện kể trên, thì chỉ mới bắt đầu trân quý những bài học của ông.
Một cuộc đời minh triết
Kierkegaard sinh ra ở Copenhagen vào năm 1813. Khi còn trẻ, ông đã hủy bỏ hôn ước với một phụ nữ xinh đẹp vì cảm thấy nghĩa vụ hôn nhân không tương hợp với mục đích sống của mình: trở thành một triết gia vĩ đại. Sau khi cha ông qua đời, ông đã được thừa kế một khối tài sản giúp ông tự do về tài chính để theo đuổi hoài bão của mình.
Trong số các triết gia, ông trở nên khác biệt với phong cách viết lách hấp dẫn của mình. Sau một phần phân tích dài, ông Kierkegaard sẽ kể một câu chuyện mà trong đó tóm lược những điểm chính của bài viết. Những câu chuyện ngụ ngôn dễ nhớ, cốt truyện cô đọng, ít nhân vật, các kết luận bất ngờ, không chỉ giải thích tư tưởng của ông mà còn dẫn dắt tới con đường soi sáng về đạo đức hoặc tâm linh. Ông Kierkegaard cho rằng, một người chỉ có thể hiểu điều gì đó bằng cách tự mình trải nghiệm điều đó. Theo cách này, ông có thể được so sánh với một người kể chuyện ngụ ngôn vĩ đại khác trong lịch sử — Chúa Giê-su.
Trong khi các tác phẩm triết học của ông chủ yếu được đọc ở các trường đại học, thì các câu chuyện ngụ ngôn của ông lại xuất hiện phổ biến theo lối truyền miệng truyền thống. Hiện tượng này đặc biệt chính xác với trường hợp ở Đan Mạch, nơi ông được công nhận là nhà tư tưởng vĩ đại nhất sinh ra tại quốc gia này. Theo ông Thomas C. Oden, biên tập viên của cuốn “Parables of Kierkegaard” (Những Câu Chuyện Ngụ Ngôn của Kierkegaard), (Nhà Xuất Bản Đại Học Princeton, 1978): “Tư tưởng của Kierkegaard được lưu giữ trong ký ức của nhiều người thông qua những câu chuyện ngụ ngôn của ông hơn bất kỳ thể loại nào khác trong nghề sáng tác của ông.”
Chống lại thuyết Tất định
Ông Kierkegaard đã khẳng định vị thế tri thức của mình bằng cách công kích triết gia người Đức, một người có ảnh hưởng lớn đến Karl Marx là G.W.F. Hegel, người đã nghĩ rằng toàn bộ lịch sử đang tiến tới một điểm kết thúc hoàn hảo ở nước Phổ cận đại. Phong cách viết của triết gia Hegel rất khó hiểu và phản ánh phương pháp logic, trừu tượng của riêng ông. Trong khi Hegel viết về ảnh hưởng của các nhà độc tài như vua Julius Caesar và Napoléon, những người mà ông gọi là “những cá nhân kiến tạo lịch sử thế giới,” ông đã tuyên bố rằng những người bình thường không thể kiểm soát được các sự việc. Điều lớn nhất họ có thể làm là đồng ý sự thật khách quan về nơi mà xã hội chắc chắn sẽ dẫn họ đến. Hegel giống như Marx, là một người theo thuyết tất định [còn được gọi là thuyết định đoạt, cho rằng tất cả các sự việc xảy ra là do những điều tất yếu, do đó là không thể tránh được.]
Triết gia Kierkegaard phản đối: Người tỉnh táo nào lại có thể tin vào một điều như vậy? Quan điểm khoa học đang dần chiếm ưu thế trong cuộc đời của ông ủng hộ tính khách quan thuần túy. Nhưng từ một góc nhìn cá nhân thì một lý tưởng như vậy có ý nghĩa gì? Đó liệu có phải là một mục tiêu đáng khao khát hoặc thậm chí khả thi? Ông viết trong cuốn “Philosophical Fragments” (Những Mảnh Vỡ Triết Học) như sau: “Sự thật khách quan như vậy, vẫn không hề đủ để xác định rằng bất cứ ai thốt ra điều đó là người tỉnh táo; ngược lại, điều đó thậm chí có thể tiết lộ sự thật rằng người đó bị điên, mặc dù những gì người này nói có thể hoàn toàn đúng.”
Ý tưởng này được minh họa rõ ràng nhất thông qua một câu chuyện ngụ ngôn tuyệt vời. Triết Kierkegaard mô tả một bệnh nhân trốn thoát khỏi nhà thương điên và để tránh bị nhận ra, anh ta quyết định chỉ nói những gì là đúng theo khách quan. Trên đường tản bộ, người này nhặt một quả bóng và bỏ vào túi. Quả bóng làm anh nhớ đến trái đất. Với mỗi bước anh đi, quả bóng đong đưa đập vào người anh và anh thốt lên, “Bang, trái đất tròn.” Đến thị trấn, anh này muốn thuyết phục một người bạn rằng mình không bị điên, nên đã lặp lại cụm từ này. Nhưng bằng chính cái cách mà anh ta cứ lặp đi lặp lại điều này, anh bị nhận diện là bệnh nhân điên trốn thoát. Hơn nữa, việc chữa bệnh cho anh ta sẽ không liên quan gì đến chuyện thuyết phục anh ta rằng trái đất là phẳng.
Ở đây, quan điểm của ông Kierkegaard không phải là không có sự thật khách quan — một khái niệm phổ biến thời nay — mà là những sự thật khách quan được liên kết với nhau thông qua trải nghiệm cá nhân. Việc áp đặt tính khách quan lên người khác dưới danh nghĩa lịch sử hoặc khoa học cũng tương tự như việc nhốt những người tỉnh táo vào một nhà thương điên do một người mất trí vận hành.
Sự bất tương xứng
Ông Kierkegaard là một ví dụ kinh điển về một nhà văn hy sinh tất cả cho nghệ thuật của mình. Trong hơn một thập niên, ông đã dồn hết sức lực để sáng tác hàng chục cuốn sách và bài luận. Sau đó vào năm 1855, sau khi rút khỏi ngân hàng phần tài sản thừa kế cuối cùng từ cha, ông đã đột quỵ trên đường phố. Nằm héo mòn trong bệnh viện, ông bày tỏ sự ân hận vì đã không kết hôn và có một gia đình. Ông qua đời khi mới 42 tuổi.
Vào thế kỷ 20, các tác phẩm của ông trở nên nổi tiếng. Một số triết gia xem ông là bậc tiền nhân, đã xếp ông vào trường phái tư tưởng “hiện sinh.” Bản thân thuật ngữ này do triết gia Kierkegaard đặt ra để đề cập đến tầm quan trọng của “chủ thể tồn tại về mặt đạo đức.” Tuy nhiên, đối với triết gia Kierkegaard, đời sống tín ngưỡng đại diện cho tầng cao nhất của đời sống nhân loại. Hầu hết mọi thứ ông sáng tác đều hướng đến mục đích đó. Những người Pháp vô thần như triết gia hiện sinh Jean-Paul Sartre đã tách riêng một số khái niệm của ông Kierkegaard trong khi lờ đi những khái niệm khác.
Có thể tóm lược ý tưởng căn bản của triết gia Sartre thành một công thức như thế này, con người có cuộc sống đích thực khi họ thực hiện quyền tự do lựa chọn. Những lựa chọn cụ thể mà họ thực hiện không phải là điều mà ông Sartre dừng lại để luận bàn về đạo đức. Tuy nhiên, đối với triết gia Kierkegaard, một số lựa chọn mở ra những hướng đi đúng đắn, trong khi những lựa chọn khác dẫn đến sự tuyệt vọng và hoang mang. Để sống một cuộc sống đích thực tuyệt nhiên phải bỏ lại lý trí phía sau và thực hiện “bước nhảy dài về đức tin.” Thương hiệu chủ nghĩa hiện sinh thế tục của Sartre — giống như rất nhiều ý tưởng hiện đại — là một phiên bản lưng chừng của một lý thuyết cũ hơn, sâu sắc hơn.
Sự ngưỡng mộ tự do không có giới hạn của triết gia Sartre có những hàm ý mang tính hư vô đến mức, trong khi vứt bỏ tính tâm linh của triết gia Kierkegaard, thì cũng vứt bỏ cả phần đạo đức. Việc phóng túng mọi hành vi đã cho thấy mặt trái của thuyết tất định lịch sử. Và vì một khoảng trống đạo đức dẫn đến sự ra đời của hàng loạt hệ tư tưởng thay thế để tìm cách lấp đầy khoảng trống ấy, không có gì ngạc nhiên khi triết gia Sartre đã chuyển sang chủ nghĩa Marx một thập niên sau khi xuất bản cuốn “Being and Nothingness” (Hữu Thể và Hư Vô). Mặc dù hai luận thuyết này là hai cực đối lập, nhưng chúng đều dẫn đến những hậu quả khủng khiếp giống nhau và có chung một phe nhóm mộ đạo giả dối.
Những độc giả tự mình tìm đến triết gia Kierkegaard và vượt qua các tầng diễn giải sẽ khám phá ra đủ sự khôn ngoan cho thời đại của chúng ta. Ông có nhiều điều để nói về đức tin sai lầm, điều được truyền tải rõ nhất trong câu chuyện ngụ ngôn về một nhà thông thái nổi tiếng đi trên một con tàu với kẻ ác: