Khu vườn: Một phép ẩn dụ cho mong muốn tận cùng của chúng ta
Phép ẩn dụ là một phương thức nguyên thủy để cho chúng ta hiểu về thế giới; chúng ta không thể thật sự hiểu được bất cứ điều gì nếu không so sánh nó với một số điều nào khác.
Aristotle đã nhận ra rằng: “Điều tuyệt vời nhất cho đến nay là trở thành một bậc thầy về ẩn dụ; đó là đều duy nhất không thể học được từ những người khác; và nó cũng là dấu hiệu của thiên tài, vì một phép ẩn dụ tốt ám chỉ một khả năng nhận thức và trực giác tốt về sự tương đồng có trong những điều bất tương đồng.”
Đó là lý do tại sao, chúng ta nghiễm nhiên đánh giá cao các nhà thơ. Là những tác giả ưu tú, họ hơn rất nhiều người khác là có năng khiếu sáng tạo ra những hình ảnh thể hiện sự tương đồng có trong những điều bất tương đồng. Nói cách khác, họ khai sáng sự hiểu biết của chúng ta về thực tại bằng những cách thức mới lạ và sáng suốt.
Về bản chất, sử dụng những phép ẩn dụ là phương pháp chúng ta “lập bản đồ” cho thực tại của chúng ta về mặt ngôn ngữ và khái niệm: Nó cung cấp cho chúng ta một cách nhìn cho phép “mọi vật thể” không chỉ là những vật thể trơ trọi và rời rạc ở bên ngoài, xếp chồng lên nhau trong sự cô lập – mà là “một thứ gì đó” có ý nghĩa, tồn tại trong một mối quan hệ qua lại của sự tương đồng và bất tương đồng với những thứ khác.
Nhưng một số phép ẩn dụ dường như dựa vào một loại ý nghĩa quan trọng nào đó của sự vật trong suy nghĩ của chúng ta và theo sự hiểu biết của chúng ta về thế giới. Một ẩn dụ và biểu tượng kiểu như vậy chính là phép ẩn dụ về Khu vườn.
Khu vườn: Một biểu tượng, một phép ẩn dụ
Chúng ta không phóng đại khi cho rằng hình ảnh khu vườn là một cách thức quan trọng giúp chúng ta hiểu về thế giới. Chúng ta tìm thấy những dấu vết của Vườn Địa Đàng trong tất cả các tôn giáo xưa và nay: Khu vườn Hesperides nơi mà Thần Zeus đã thành hôn với Nữ Thần Hera, Thế Giới Tịnh Độ hoặc Tây Thiên Cực Lạc của Phật Đà, Những khu vườn khô Zen, và tất nhiên còn có rất nhiều nữa, bao gồm cả Khu vườn Eden.
Linh mục Công giáo và tác giả Timothy Radcliffe chia sẻ một câu ngạn ngữ Trung Hoa về chủ đề này như sau: “Nếu một người đàn ông mong muốn được hạnh phúc trong một tuần, anh ấy nên cưới một người vợ; nếu anh ấy mong muốn hạnh phúc trong một tháng, anh ấy phải giết một con heo; nhưng nếu anh ấy khao khát được hạnh phúc vĩnh viễn, anh ấy nên trồng một khu vườn.” (Tôi cho rằng điều này cũng đúng đối với phụ nữ). Nhưng vấn đề ở đây là hình ảnh khu vườn đã kết nối một cách tự nhiên với Thiên đường và những trạng thái hạnh phúc trong tâm trí chúng ta.
Bây giờ, tại sao tôi lại đề cập đến phép ẩn dụ ở đây, trong khi rất rõ ràng rằng, trong trường hợp đầu tiên, nó biểu hiện rằng khu vườn là một biểu tượng? Chà, khu vườn là một biểu tượng, nhưng nó cũng có một số chức năng như một phép ẩn dụ bởi vì chúng ta luôn sử dụng chúng để so sánh (những sự tương đồng) và đối chiếu (những sự khác biệt) với các khía cạnh trong cuộc sống của chúng ta.
Có lẽ, để làm rõ hơn, tôi lấy ví dụ biểu tượng vĩ đại nhất chính là ánh sáng. Thực vậy, chúng ta nhìn xuyên qua ánh sáng, và theo cách hiểu ẩn dụ thì chúng ta cũng có thể đã giác ngộ. Và như vậy, bởi vì nó cực kỳ quan trọng với ý thức của chúng ta, biểu tượng đã trở nên gần như mang ý nghĩa vô hạn khi áp dụng phép ẩn dụ. Và điều này cũng tương tự với khu vườn.
Trong sự Khởi đầu và Đích đến cuối cùng của chúng ta
Nếu bây giờ chúng ta quay lại với khởi điểm của nền văn minh phương Tây, chúng ta tìm thấy một khu vườn. Sự việc luôn bắt đầu trong một khu vườn, chính là Vườn Địa Đàng. Điều này có ý nghĩa là gì? Vào lúc sơ khởi, nó mang ý nghĩa rằng con người đã luôn ở đó trong khu tường bao, một công viên, một nơi trồng rất nhiều cây xanh, hoa và thảo dược. Tóm lại, Thiên đường là nơi cực kỳ an toàn, nơi mà sự sống phát triển một cách dễ dàng và rực rỡ, và đó là nơi mà tất cả các loài động vật đều có tên và thuộc quyền kiểm soát trực tiếp của loài người.
Điều đặc biệt về khu vườn là nó không phải một nơi hoang dã, không hỗn loạn, và cũng không nguy hiểm hay thay đổi, mà là một nơi an toàn, ổn định, có tổ chức, có mục đích và yên bình. Đặc điểm cuối cùng, “yên bình”, là rất quan trọng vì “sự thanh thản” thường được coi như là mục tiêu tối thượng của tất cả chúng ta.
Chúng ta thường tập trung vào những mục tiêu sai lầm để mang đến cho chúng ta sự thanh thản: Nếu chúng ta có đủ tiền, quyền lực, hoặc kiến thức thì chúng ta sẽ cảm thấy an toàn và có được sự thanh thản. Tất cả các tôn giáo truyền thống chân chính đều phủ nhận rằng tiền bạc, quyền lực và kiến thức sẽ mang lại sự bình yên cho chúng ta. Ngược lại, nó sẽ cầm tù và hủy diệt chính tâm hồn của chúng ta nếu chúng ta chấp nhận để chúng kiểm soát. Hãy suy ngẫm!
Đồng thời, những tôn giáo truyền thống đó cũng khẳng định sự tồn tại của Cõi Niết Bàn hoặc Thiên Đường, hoặc một nơi mà chúng ta có thể tìm thấy sự bình an vượt trên mọi nhận thức thông thường. Và chúng ta cũng hiểu rằng nơi mà chúng ta đang tồn tại không phải là nơi mà chúng ta nên hiện diện. Ở một mức độ tinh thần và tâm linh sâu thẳm, chúng ta cảm nhận được rằng thế giới này không phải lý tưởng, nhưng nó nên như vậy, còn chúng ta nên ở trong khu vườn.
Thật thú vị, không chỉ những người có đức tin và tín ngưỡng mới cảm thấy điều đó. Những người theo chủ nghĩa vô thần, và những nhà tư tưởng khai sáng cũng như vậy. Một nhân vật nổi bật nhất trong số họ là Voltaire đã kết thúc cuốn tiểu thuyết “Candide” của ông bằng một lời cảnh báo: “Người ta phải nuôi dưỡng khu vườn của chính mình.” Lưu ý rằng đỉnh cao của trí tuệ giác ngộ là được tìm thấy trong khu vườn: một thứ nội tại và gần gũi, một thứ chúng ta tạo ra, và nó không chỉ là một mảnh đất, một sườn đồi xa xôi, hoặc một thung lũng hay vùng đồng bằng. Mà nó là một khu vườn.
Tìm về khu vườn chính là tìm lại sự hoàn hảo mà chúng ta khao khát lấy lại.
Phương pháp tiếp cận hiện đại
Trong khoảng thời gian đầu thế kỷ 20, nhà văn James Allen đã viết trong quyển sách của ông “Khi con người tư duy” (As a Man Thinketh) rằng: “Tư tưởng của con người có thể giống như một khu vườn, nó có thể được trồng trọt một cách thông minh hoặc để mặc cho phát triển hoang dã; nhưng cho dù là được chăm bón hay bị bỏ rơi, nó vẫn và sẽ sinh sôi. Nếu không gieo trồng những hạt giống hữu dụng, thì vô số hạt cỏ dại sẽ thay vào đó, và sẽ tiếp tục phát triển giống loài của nó.”
Tác phẩm này tiên đoán trước toàn bộ sự phát triển cũng như tiềm năng của loài người vào cuối thế kỷ 20. Lấy ví dụ, chúng ta bây giờ có các loại công cụ như là Lập Trình Hóa Thần Kinh Ngôn Ngữ (NLP) nhằm mục đích tái thiết lập tâm trí để nó hoạt động hiệu quả hơn, hữu dụng hơn và cuối cùng là thanh tỉnh hơn. Công cụ này sau đó giúp chúng ta “trồng trọt” khu vườn của mình trong tâm trí. NLP thực hiện việc này một cách cục bộ thông qua thành phần “Ngôn ngữ học” theo một quy trình. Ngôn ngữ học? Đó là thông qua từ ngữ và bằng cách nào đó nó tác động đến chúng ta và những người khác.
Kể từ khi chúng ta sa ngã khỏi Vườn Địa Đàng, tất nhiên, chúng ta đã phát hiện rằng sự thanh tĩnh là cực kỳ khó nắm bắt. Chúng ta cần phải ghi nhớ rằng “Sa ngã” không phải là khái niệm dành riêng cho người Do Thái hoặc người Cơ Đốc, một ảo tưởng sai lầm đã thôi miên tâm trí của người Phương Tây. Vì khi chúng ta nghĩ về nó, tất cả các tôn giáo chân chính đều tin vào sự Sa ngã, hoặc là các cách gọi khác của nó. Tất cả các tôn giáo đều nhận thức được sự không hoàn hảo của thế giới này và khao khát được trở lại trạng thái thiên đường. Họ nhận thức bằng lý trí hay trực giác rằng đó sứ mệnh thật sự của chúng ta.
Thực vậy, chữ “tôn giáo” tự bản thân nó có ý nghĩa là ràng buộc, hoặc để rèn luyện bản thân nhằm đạt đến một trạng thái thần thánh mà chúng ta vốn được an bài. Thay vì tiến hóa và những ý tưởng đơn giản thái quá về “sự cấp tiến“, chúng ta biết rằng đã từng có một vài thảm họa nguyên thủy tàn phá tất cả, và chúng ta muốn biết con đường để quay trở về.
Nhưng, tất nhiên, các thiên thần hộ giá với những thanh gươm rực lửa ngăn chặn lối vào của chúng ta. Và thay vì bình yên, chúng ta lại thấy chung quanh mình toàn là cỏ dại, chông gai và hoang vu – chắc chắn là không có một khu vườn.
Thiên đường ở phía bên này của Bầu trời
Con người kể từ đó đã cố gắng để sáng tạo lại khu vườn này, một khu vườn chân chính mà họ có thể sống và cảm nhận được chính mình. Có một sự ao ước, một sự khao khát, được mô tả lại một cách hoàn hảo ở đoạn cuối bài thơ nổi tiếng của Milton “Thiên Đường Đã Mất” (Quyển 12, dòng 641-5).
Trong thơ của Dante, chúng tôi cũng tìm thấy điều như vậy, ở phần đầu của Núi Luyện Ngục (Khổ 28 trở đi), Thiên Đường nhân gian đã không bị mất đi mà vẫn tồn tại ở đó như là một lối thoát quan trọng, như nó đã từng, để đến Thiên Đàng.
Điều đó nhắc nhở chúng ta rằng người Hy Lạp có được vùng đất Thiên Đường cho người đã khuất như thế nào, mặc dù có một vài người, như là Herakles, có thể tự mình tới Thiên Đường. Trong truyền thuyết Ai Cập cổ đại, Thiên Đường được biết đến như là Cánh Đồng Tháp Mười, nơi mà nhà thông thái Jacobus Van Dijk miêu tả là “vùng đất lý tưởng”. Đó là một nơi mà sự sống được vun trồng, sinh sôi và có ý nghĩa. Một cánh đồng, và sau đó giống như một khu vườn, không phải hoang vu tiêu điều mà là một nơi có chuẩn mực, có nội hàm và có mục đích.
Và điều này dẫn đến nhận thức rằng chúng ta chắc chắn không thiếu những người luôn cố gắng tạo ra và tái tạo lại Vườn Địa Đàng theo đúng nghĩa đen trên mặt đất: Hãy nghĩ về Vườn treo Nebuchadnezzar II’s của Babylon hoặc Anh Quốc thế kỷ 18, Mê cung Capability Brown tại Cung điện Blenheim. Đây chỉ là hai trong số đó, mặc dù theo thời gian những khu vườn này đều suy tàn.
Nhưng nếu chúng ta nghĩ một chút về đoạn trích dẫn của James Allen, khu vườn thật sự chúng ta muốn là ở trong tâm trí. Tôi nghĩ rằng chúng ta đã đạt được thành tựu vĩ đại của nhân loại, và đó chắc chắn chính là nghệ thuật. Nghệ thuật vĩ đại là khi (ở đây chỉ đề cập đến 3 yếu tố) màu sắc, âm thanh, hoặc cả ngôn ngữ hòa quyện thành những khu vườn. Nói một cách nói ẩn dụ thì tại đó, chúng ta có thể tẩy tịnh những suy nghĩ, cảm xúc, và cả tinh thần của mình thông qua việc thưởng thức và sáng tác nghệ thuật.
Nghệ thuật chân chính ẩn chứa chuẩn mực, nội hàm và mục đích: Màu sắc có các hoa văn, âm thanh thì có giai điệu, và lời văn thì có cấu trúc và quy tắc rõ ràng. Thực vậy, trong yếu tố cuối cùng, hàng triệu con khỉ cùng hàng triệu chiếc máy đánh chữ có gõ phím liên tục trong hàng triệu năm cũng sẽ không thể làm ra được chỉ một trang như các tác phẩm của Shakespeare.