Quân tử trọng nghĩa thủ tiết, như trúc xanh kiên cường trong gió
Trong số các loài thực vật, cây trúc tượng trưng cho sự cao nhã, thuần khiết, khiêm tốn và có tiết tháo. Trúc xanh không bị gió quật ngã, mưa không ô nhiễm, không sợ giá lạnh, cũng không sợ nóng bức. Nóng lạnh thất thường, chỉ làm cho trúc càng thêm xanh tươi, thẳng tắp, trong thời gian ngắn có thể lớn nhanh như thổi, vươn mình chạm tới trời xanh.
Cây trúc tượng trưng cho phẩm cách cao quý
Từ xưa đến nay, người ta thường gọi mai, lan, cúc, trúc là tứ quân tử. Trúc còn được giới văn học ca tụng là một trong “Tuế hàn tam hữu”, tức là ba người bằng hữu ngày đông lạnh, bao gồm Tùng, Trúc và Mai. Khi gió bấc lạnh thấu xương, vạn vật điêu linh, trúc vẫn có thể nghênh phong ngạo tuyết, kiên cường không lay chuyển, truyền tải thông điệp của mùa xuân đến mọi người mà không chút mệt mỏi.
Trúc với dáng vẻ đặc biệt, tiêu sái tự tại, tao nhã và tĩnh lặng, khiến cho con người phải ao ước; phong cách khiêm tốn mà khí tiết, sơ sơ nhạt nhạt, không màng vinh hoa, không tranh diễm lệ, không nịnh nọt cũng chẳng dèm pha. Hình tượng này cũng chính là phù hợp với phẩm cách cao thượng “không đạm bạc thì không rõ được chí hướng, không tĩnh lặng thì không thể tiến xa” của các bậc Thánh hiền thời xưa. Vì vậy cổ nhân cũng có câu danh ngôn rằng: “Đức của người quân tử được sánh với trúc”.
Thân cây rỗng ngụ ý cho sự khiêm tốn, đốt trúc phân chia rõ ràng đại biểu cho khí tiết, đặc tính này từ xưa đến nay luôn được các văn nhân mặc khách hết lời ca tụng. Trong thơ cổ có câu:
“Thiên ma vạn kích hoàn kiên kính, Nhậm nhĩ đông tây nam bắc phong”
(Tạm dịch nghĩa: Ngàn vạn gian nan vẫn kiên trung, mặc cho bốn bề gió thổi qua).
“Vị xuất thổ thì dĩ hữu tiết, Đãi đáo lăng vân canh hư tâm”
(Tạm dịch nghĩa: Khi chưa nhô ra khỏi mặt đất đã biết tiết chế, vươn tới trời xanh lại càng khiêm tốn hơn).
Sự thanh khiết của trúc được so sánh với phẩm cách tiết tháo của người quân tử. Thanh khiết, tự tôn tự trọng, khoan dung và rất mực khiêm tốn, đây đều là những phẩm chất cơ bản của những bậc quân tử thời xưa.
Trung Thần nghĩa sĩ trọng tiết thủ nghĩa
Trong bài “Kỳ Áo. Vệ Phong. Kinh Thi” có viết: “Chiêm bỉ kỳ áo, Lục trúc y y, Hữu phỉ quân tử, Như thiết như tha, Như trác như ma.”
Tạm dịch nghĩa:
“Trông kìa trên khúc sông Kỳ,
Bờ trúc mới mọc xanh rì thướt tha.
Có người quân tử tài ba,
Đang lo mài dũa để mà lập thân.
Dùi mài dốc chí siêng cần”
Trúc được trời phú cho tinh thần, đạo đức và tình cảm của con người. Trong bài “Vịnh cây trúc” của Đỗ Phủ có viết:
“Lục trúc bán hàm thác, Tân sao tài xuất tường. Sắc xâm thu trật vãn,
Âm quá tựu tôn lương.
Vũ sái quyên quyên tĩnh,
Phong xuy tế tế hương.”
Tạm dịch nghĩa:
“Trúc xanh vừa hé bẹ,
Ngọn mới vừa khỏi tường.
Sắc chiều xông vào kệ sách,
Bóng râm lạnh phủ chén rượu.
Mưa rơi tí tách êm,
Gió thổi hương nhè nhẹ.”
Trong “Vu tiềm tăng lục quân hiên” của Tô Đông Pha có thơ rằng:
“Ninh khả thực vô nhục, Bất khả cư vô trúc. Vô nhục lệnh nhân sấu, Vô trúc lệnh nhân tục. Nhân sấu thượng khả phì, Sĩ tục bất khả y”
Tạm dịch nghĩa:
“Sống có thể không ăn thịt
Ở không thể thiếu trúc
Không thịt khiến người gầy
Không trúc khiến người tục
Thần gầy có thể béo
Lòng tục không thể thay”
Trong bài “Trúc lý quán” của đại thi nhân kiêm họa sĩ Vương Duy đời Đường cũng có câu thơ rất hay:
“Độc tọa u hoàng lý, Đạn cầm phục trường khiếu. Thâm lâm nhân bất tri, Minh nguyệt lai tương chiếu”
Tạm dịch nghĩa:
“Lặng lẽ một mình nơi khóm trúc,
Gảy đàn hát nghêu ngao.
Rừng sâu không người biết,
Chỉ trăng sáng soi vào.”
Trong 5.000 năm văn hóa Thần truyền của dân tộc Trung Hoa, luôn đề cao đạo làm người phải trọng lễ tiết và chính nghĩa. Tiết chính là cách xử trí làm người, cũng chính là tiết tháo kiên trinh. Nghĩa, là nghĩa khí bất khuất. Các trung thần nghĩa sĩ thời xưa đều hết sức coi trọng khí tiết, phẩm hạnh, đạo nghĩa, coi sự trung thành tiết nghĩa là chuẩn tắc làm người của mình, thậm chí thà hi sinh tính mạng của mình cũng không muốn mất đi khí tiết và nghĩa khí.
Thủ tiết bất khuất, kiên trinh như trúc
Nhạc Phi tinh trung báo quốc, dù bị giết oan bởi gian thần cũng không từ bỏ lòng trung thành với triều đình; thành của Quan Vũ đã bị phá bị vây, trước sự uy hiếp ép buộc và dùng lợi dụ dỗ, tấm lòng như sắt đá quyết không phản bội chủ. Cho dù Tào Tháo ba ngày đãi một tiệc nhỏ, năm ngày một tiệc lớn, ban áo tặng ngựa cộng thêm vàng bạc mỹ nữ, nhưng tấm lòng Quan Vũ vẫn không lay động vì tài sắc. Văn Thiên Tường thua trận bị bắt, trong lao tù đã viết bài thơ “Chính khí ca” âm vang khí phách, lưu truyền thiên cổ. Đối mặt với uy hiếp sinh tử và dụ hoặc của bổng lộc, Văn Thiên Tường nói với Hốt Tất Liệt rằng: “Ngoài cái chết ra, không có gì đáng để làm người.”
Một người dù cho tuổi thọ được bao nhiêu, thì trong dòng sông dài của lịch sử, đều như bóng câu qua thềm, chớp mắt là trôi qua, đều như những người khách vội vã qua đường. Vì vậy, cho dù sự nghiệp thành công hay thất bại, đều nên giữ vững khí tiết hùng tráng trong cuộc sống nhân sinh.
Trúc vốn có đạo đức cao cả không gì lay chuyển được, con người nếu có thể kiên định vững vàng như trúc, cũng đủ lưu danh thiên cổ, soi sáng thế hệ mai sau. Tâm hồn cao thượng trong khi giữ gìn tiết tháo cũng sẽ được thăng hoa lên một cảnh giới tinh thần cao thượng.