Khí phách quân tử, giữ vững lễ bề tôi, đại trượng phu thà chết không thờ hai chủ
Người có cốt cách, cũng có thể nói là có khí tiết. Người có cốt cách, không chỉ “phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất”, mà còn “thà làm ngọc nát, không làm ngói lành”, là đại trượng phu “ở chỗ dày dặn, tránh chỗ mỏng mảnh; ở chỗ thực, tránh nơi hào nhoáng”.
Trong lịch sử dài đẵng đẵng của dân tộc Trung Hoa, các bậc đại trượng phu có “cốt cách” mỗi triều mỗi đại đều không hiếm gặp. Bài viết này sẽ kể về hai nhân vật có cốt cách vào cuối thời Tây Hán.
Noi gương khí tiết của Hứa Do và Bá Di, Tiếu Huyền thà chết không thờ hai chủ
Cuối thời nhà Hán, thành Lãng Trung thuộc Ba Quận có một người tên là Tiếu Huyền, ông là người có tài học, làm quan ở châu quận. Vào năm Vĩnh Thủy thứ hai thời Hán Thành Đế, trên trời xuất hiện dị tượng nhật thực. Thành Đế vì thế mà hạ chiếu muốn các châu quận tiến cử đến kinh thành một người thuần hậu, chất phác, lại khiêm nhường, có phẩm hạnh đạo nghĩa. Tiếu Huyền là một trong số những người được tiến cử. Sau khi ông đến kinh thành, nhờ thành tích sách vấn ứng đáp nổi bật, nên được nhận chức quan Nghị lang.
Lúc ấy, Thành Đế thích vi phục xuất cung thưởng ngoạn, còn lập Triệu Phi Yến là người giỏi ca múa làm Hoàng hậu. Bởi vì sủng ái hoàng hậu, cho nên các phi tần khác bị lạnh nhạt, một số hoàng tử cũng chết yểu. Tiếu Huyền thấy vậy bèn dâng thư can gián, hy vọng Thành Đế có thể giữ gìn long thể, chú ý dòng dõi của đế vương, mới có thể an yên thiên hạ.
Khi ấy, tai họa liên tiếp giáng xuống khắp nơi trong thiên hạ, Tiếu Huyền cũng dâng thư kể ra nguyên nhân đằng sau những thiên tai. Tuy nhiên, những kiến nghị đó đều không được Thành Đế tiếp nhận. Về sau, khi Tiếu Huyền nhậm chức Thái thường thừa, nhân chuyện để tang em trai mà xin từ chức quan.
Sau khi Thành Đế băng hà, Bình Đế lên ngôi, lấy niên hiệu là Nguyên Thủy. Vào năm Nguyên Thủy thứ nhất, bầu trời lại xuất hiện dị tượng nhật thực, Bình Đế bèn hạ lệnh cho các công khanh đại phu tiến cử người thuần hậu, chất phác, dám can gián. Tiếu Huyền lần nữa được tiến cử, lại được nhậm chức Nghị lang, rồi Trung Tán đại phu. Năm Nguyên Thủy thứ tư, triều đình muốn tuyển chọn tám người vừa thông hiểu việc chính trị, vừa có thể giáo hóa dân chúng, Tiếu Huyền lại được tuyển chọn. Ông nắm giữ phù tiết của Thiên tử trong tay (vật làm tin khi vua sai đi sứ hoặc điều binh), cùng bảy người kia phân chia tuần thú các phương, khảo sát dân tình, thực thi quyền lực thưởng phạt.
Tuy nhiên, chưa tuần thú xong, Vương Mãnh đã soán lấy đại quyền trong triều. Tiếu Huyền liền rời khỏi xe ngựa của sứ giả, thay tên đổi họ, bí mật quay về quê nhà sống ẩn cư.
Về sau, Công Tôn Thuật ở trên đất Thục vượt quyền xưng đế, ông ta nhiều lần phái người thỉnh mời Tiếu Huyền ra làm quan, nhưng lần nào cũng bị cự tuyệt. Cuối cùng, ông ta phái sứ giả chuẩn bị hậu lễ đến mời, lại nói với sứ giả, nếu Tiếu Huyền không thuận theo thì ban cho uống rượu độc.
Thái thú vùng ấy bèn đích thân mang văn thư đến nhà Tiếu Huyền, còn nói: “Tiết khí to lớn của tiên sinh sớm đã nổi tiếng trong thiên hạ, triều đình đối với ông cũng rất trọng thị, ông thực sự không nên lại cự tuyệt nữa, đừng tự chuốc họa sát thân”.
Tiếu Huyền ngửa mặt lên trời thở dài nói: “Đường Nghiêu có thể nói là bậc đại Thánh, nhưng Hứa Do vẫn thấy nhục nếu làm quan; Chu Vũ Vương có thể coi là người đại đức, nhưng Bá Di vẫn thà chết đói chứ không nhận chức. Họ là người như vậy, tôi cũng là người như vậy. Để bảo toàn chí hướng và khí tiết của mình, chết có gì đáng lo”.
Nói xong, ông bèn tiếp lấy rượu độc.
Lúc ấy, con trai Tiếu Huyền khóc lớn khấu đầu nói với Thái thú: “Phía đông nước nhà hiện tại có kẻ địch nguy hại, quân đội bốn phía xuất động, tài chính nhất định rất cần. Tôi nguyện lấy ra một nghìn vạn tiền, để đổi lấy cái chết của cha”.
Thái thú liền quay về cầu tình, Công Tôn Thuật đồng ý việc mang tiền đổi mạng. Về sau, Tiếu Huyền một mực ẩn cư ở quê nhà, mãi cho đến khi Công Tôn Thuật qua đời.
Không bị dụ hoặc bởi chức quan lợi lộc, Lý Nghiệp thà uống độc dược cũng không chịu khuất phục
Cũng giống như Tiếu Huyền, cuối thời Tây Hán, cự tuyệt lời mời của Công Tôn Thuật còn có một người, đó chính là Lý Nghiệp. Ông từ nhỏ đã có chí khí tiết tháo, không bị lụy theo thói tục. Ông từng bái bác sĩ Hứa Hoảng làm thầy, học tập “Lỗ thi” (do người Lỗ truyền vào thời Sơ Hán). Trong những năm Nguyên Thủy thời Bình Đế, trong khoa mục Minh kinh mà được tiến cử, Lý Nghiệp được nhậm chức Lang quan.
Giữa lúc đó, vì bất mãn với việc Vương Mãnh nhiếp chính, Lý Nghiệp lấy cớ sinh bệnh mà từ quan, không tiếp nhận chức vụ nào. Sau đó, thời cuộc hỗn loạn, ông ẩn cư trong sơn cốc, mãi cho đến cuối thời Vương Mãnh.
Sau khi Công Tôn Thuật tiếm xưng làm đế, nghe nói Lý Nghiệp hiền năng, bèn mời làm Bác sĩ. Lý Nghiệp lấy cớ mang bệnh nhiều năm, nên nhiều lần khước từ nhậm chức. Công Tôn Thuật rất tức giận, liền phái Đại hồng lư Doãn Dung mang rượu độc và thư mời đến uy hiếp. Ý là nếu chấp thuận thì sẽ trao tước vị công hầu, còn nếu không thì ban cho uống rượu độc.
Doãn Dung theo ý chỉ của Công Tôn Thuật nói với Lý Nghiệp: “Thiên hạ hiện nay đã hỏng rồi, thị thị phi phi ai có thể nói rõ, ông lại một thân một mình ở nơi vực sâu bất trắc. Triều đình mến mộ danh tiếng và đức hạnh của ông, cho nên để trống chức quan đã bảy năm rồi, đồ ngon bốn mùa tiến cống đều chưa từng quên gửi cho ông. Ông hẳn là nên trên thì phụng người tri kỷ, dưới suy nghĩ cho cháu con, như thế thân danh đều bảo toàn, chẳng phải rất tốt sao? Hiện nay ông đã nhiều năm không đi nhậm chức, có người nghi ngờ ông có tặc tâm, sẽ dẫn đến họa sát thân”.
Lý Nghiệp than thở rằng: “Quốc gia gặp nguy hiểm không nên tiến vào, quốc gia có họa loạn không nên ở lại. Tự mình làm việc bất thiện, đây là đạo nghĩa không nên có. Quân tử gặp lúc nguy hiểm hiến dâng sinh mệnh, há có thể chịu sự dụ hoặc của quan cao lợi lộc ư?”
Doãn Dung thấy thái độ kiên quyết của Lý Nghiệp, bèn đề xuất ông nên bàn bạc với người nhà một chút. Lý Nghiệp nói: “Đại trượng phu tâm ý đã quyết, gọi vợ con đến làm gì?”
Nói xong, bèn uống rượu độc mà chết.
Sau khi Công Tôn Thuật nghe nói Lý Nghiệp thà uống rượu độc cũng không chịu ra làm quan, tức thì kinh hãi vô cùng, vì hổ thẹn với tiếng tăm giết người hiền tài sau lưng, liền phái sứ giả đi phúng điếu tế tự, còn tặng một trăm tấm vải. Tuy nhiên, con trai Lý Nghiệp là Lý Vựng từ chối không nhận. Sau khi bình định quận Thục, Quang Vũ Đế nhà Đông Hán hạ chiếu thư dựng bia đá trước cửa nhà Lý Nghiệp, đồng thời ghi chép lại tiết tháo cao vời của ông trong “Ích bộ kỷ”, còn tạc một bức tượng của ông.
Lão Tử từng nói: “Đạo đại, thiên đại, địa đại, nhân diệc đại” (đạo lớn, trời lớn, đất lớn, người cũng lớn). Mà con người muốn trở nên to lớn, hiển nhiên không thể thiếu cốt cách.
Tư liệu tham khảo:
Toan Đinh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ