Thế nào là quân tử? Bậc quân tử không nhớ oán xưa
Một bậc chính nhân quân tử luôn là người bao dung khoáng đạt, sẽ không vì tư thù mà nghĩa khí vấy bẩn, cũng không để oán hận làm vướng bận tâm tư.
Sách Triều Dã Thiêm Tái kể rằng: Lý Nghi vốn mang thân phận địa vị thấp kém, từng bị chủ nhân đối xử tệ bạc nên đã phải bỏ trốn mà đi. Về sau trong cuộc chính biến dưới thời Đường Huyền Tông, Lý Nghi và Vương Mao Trọng lập đại công nên đã được bổ nhiệm làm tướng quân hộ vệ. Một ngày nọ, Lý Nghi đang đi trên đường thì tình cờ gặp lại vị chủ nhân năm xưa, ông ta vừa thấy Lý Nghi thì vô cùng sợ hãi, lập tức trốn sang một góc, không dám lộ diện. Lý Nghi bèn ra lệnh cho tùy tùng đến bên vị chủ nhân trước đây và mời ông ta đến nhà. Vị chủ nhân kia không còn cách nào khác, dù trong lòng run sợ nhưng vẫn bất đắc dĩ đến. Nhưng điều khiến ông ta ngạc nhiên là Lý Nghi không ghi nhớ oán thù năm xưa mà cung kính mời vị ấy ngồi ghế trên rồi lại tự mình rót rượu cho vị ấy, cuối cùng còn mời ông ta ở lại chơi vài ngày.
Sau đó, Lý Nghi lên triều trình tấu với hoàng đế rằng: “Thần nhận được ân huệ của quốc gia, được phong chức quan cao và bổng lộc hậu đãi. Nhưng vị chủ nhân năm xưa của thần nay lại mang thân phận thấp kém, thần nguyện ý đem một nửa chức quan và bổng lộc cấp cho vị ấy. Kính xin bệ hạ chấp thuận tâm nguyện ngu xuẩn của vi thần”. Hoàng đế khen ngợi nghĩa khí của Lý Nghi, bèn đề bạt vị chủ nhân xưa làm tướng quân, đồng thời vẫn giữ nguyên chức quan cho ông. Nhờ điều này mà trong triều đình thịnh hành bầu không khí đạo nghĩa.
Câu chuyện của Lý Nghi là thể hiện cho bậc chính nhân quân tử không tư thù oán xưa. Hoàng đế khen ngợi nghĩa khí của ông, lưu lại tấm gương cho thế gian học tập, từ đó mà đề cao chữ Nghĩa. Người quân tử chân chính sẽ không ghi hận nhớ thù, mà nên giống như Lý Nghi lấy đức báo oán.