Khi đối mặt với đau buồn, cần học cách đón nhận sự hỗ trợ từ người khác
Cả cha và mẹ của cô bé Amber đều đọc những cuốn sách tâm lý, trong đó hướng dẫn các bậc cha mẹ cách dùng sự quan tâm để khen thưởng khi con trẻ có những hành vi tốt mà cha mẹ tán thành, và cố tình phớt lờ con để ngăn chặn những hành vi xấu. Thông qua cơ chế thưởng phạt như vậy ngay từ thời thơ ấu, Amber đã học được cách làm thế nào để có thể hành xử đúng mực.
Cha mẹ của Amber vốn không hài lòng với bản thân mình, vì vậy họ hy vọng Amber có thể trở thành một cô bé hạnh phúc. Ngay từ khi còn nhỏ, mỗi khi Amber cười khúc khích vui vẻ, cô bé sẽ nhận được sự quan tâm và khen ngợi của cha mẹ mình; Khi Amber khó chịu, quấy khóc, cau có, cha mẹ cô bé sẽ phớt lờ cho đến khi cô bé vui vẻ trở lại.
Khi còn bé, Amber đã học được cách làm sao để thu hút sự chú ý của cha mẹ. Lớn dần lên, cô phát hiện rằng vẻ ngoài vui vẻ và tươi cười sẽ có thể thu hút nhiều người và nhiều cơ hội thú vị hơn. Tuy nhiên, có một vấn đề, Amber là con người, cô ấy cũng có tất cả những cảm xúc của một con người, đặc biệt là khi tuổi đời còn trẻ như vậy.
Gần đây, Amber không thể xác định được cảm xúc chân thực của mình, chỉ cảm thấy kiệt sức và cô đơn. Cô đã mệt mỏi với việc phải cố giả vờ tỏ ra vẻ vô tư vô nghĩ, vì thế mỗi ngày cô dành nhiều thời gian ở một mình hơn để nghĩ về quá khứ. Vì vậy, cô ấy đã đến gặp tôi (tác giả bài viết) để được hướng dẫn thực hành thiền trước gương, với mong muốn hiểu rõ hơn về mối quan hệ của cô với mọi người.
Khi thực hành thiền trước gương, Amber ngay lập tức muốn mỉm cười với chính mình trong gương. Tôi đề nghị cô ấy nên tập trung vào việc thư giãn khuôn mặt, để tất cả các cơ trên mặt được thư giãn. Cô trả lời: “Cháu không có cảm giác gì cả, cháu không làm được.”
Tôi trấn an cô ấy, nói rằng cho dù không có cảm giác gì, cô vẫn có thể thiền trước gương, và đó (không có cảm giác gì) có khi lại là điều cô cần có trước khi bắt đầu thực hành thiền trước gương. Tôi đề nghị cô ấy dành ra hai mươi phút mỗi ngày để ngồi trước gương, dành hai mươi phút đó cho chính mình, không có mục đích nào khác.
Amber đã tiếp nhận rất nhiều liệu pháp tâm lý, và hiểu được tác động của quá trình trưởng thành đối với cuộc sống sau này của mình. Tuy nhiên, việc đối mặt với chính mình trong gương đã giúp cô nhận thức sâu sắc hơn về bản thân. Cô phát hiện ra rằng, bản thân sẽ phản ứng mạnh mẽ mỗi khi “không có cảm xúc,” đồng thời cũng nhận ra tư tưởng huấn luyện của cha mẹ khi cô còn nhỏ: “Hãy luôn mỉm cười để bản thân không bị người khác phớt lờ” vẫn ám ảnh cô, khiến Amber đinh ninh rằng mình phải luôn giữ tâm trạng vui vẻ, nếu không sẽ không được yêu thích, tiếp nhận hoặc chú ý.
Việc nhìn vào gương đã làm hiện rõ tư tưởng mà cô bị thấm nhuần từ thời thơ ấu, đó là – Chỉ có tâm trạng vui vẻ và tươi cười mới có thể được mọi người chú ý.
Amber vừa trị liệu tâm lý vừa đồng thời thực hành thiền trước gương. Cô nhận thấy khi còn nhỏ, vào những lúc mà cô cảm thấy đau khổ thì nhận được rất ít sự hỗ trợ và động viên. Vì vậy sau khi lớn lên, cô trở nên chai sạn, không biết cách thể hiện cảm xúc của mình, như thể cô là một người vô hình với chính bản thân mình vậy.
Trong thời thơ ấu, Amber đã học được rằng những cảm xúc tiêu cực sẽ khiến mọi người rời xa cô; cũng trong quá trình đó, cô đã mất đi mối liên kết với cha mẹ, đánh mất mối liên kết với chính bản thân mình. Hiện tại, cô và bác sĩ trị liệu của mình đang thiết lập một mối liên kết về cảm xúc, bác sĩ trị liệu sẽ tiếp nhận và hoan nghênh tất cả những cảm xúc của Amber; chiếc gương cũng đã giúp cô hình thành mối liên kết cảm xúc tương tự với chính bản thân mình.
Thuận theo việc Amber tập trung nhiều hơn và thành thục trong việc khám phá bản thân, một loại cảm giác bi thương khó có thể chống lại đã ập đến với cô. Cô cảm thấy mình đã sớm đánh mất tình yêu thương của cha mẹ; trước đây cô cũng thường rút lui khỏi các mối quan hệ bạn bè, cảm thấy mình không thể giữ bất kỳ người bạn nào vì sợ rằng cuối cùng họ sẽ phát hiện cô là một người không hạnh phúc. Amber luôn cảm thấy mình không đủ tốt hoặc không đủ hạnh phúc để thực hiện những lời hứa với người khác.
Bây giờ Amber cần phải đối mặt với nỗi đau khi đánh mất những cơ hội này, đồng thời chấp nhận tất cả các quyết định của mình trong quá khứ. Amber từng nghĩ rằng cô cần phải luôn vui vẻ, nhưng bây giờ cô hiểu rằng việc lúc nào cũng giả bộ vui vẻ như vậy là không thể thực hiện, vì vậy cô không muốn làm một người như vậy nữa.
Ngồi một mình trước gương, Amber không ngừng khóc, cảm giác đau buồn hiện lên như một hố đen, cô càng lúc càng rơi sâu vào vực thẳm của nỗi buồn này. Bác sĩ trị liệu của Amber đã giúp cô nhớ lại cảm giác bị cha mẹ bỏ rơi mỗi khi cô gặp khó khăn thời thơ ấu, việc này khiến cô học được rằng tự cô lập mình (trầm cảm) là rất nguy hiểm, bởi vì nếu cô cần giúp đỡ thì sẽ không có ai ở đó hỗ trợ cô.
Việc quên đi những “bài học” (trong quá khứ) cần có thời gian, cô cần học cách tiếp nhận sự hỗ trợ mà người khác dành cho mình, đồng thời thiền định trước gương để học cách hỗ trợ bản thân. Đó là chìa khóa cho con đường trị liệu của Amber.
Tác giả: Tara Well Ph. D. (Giáo sư Tâm lý học, Đại học Columbia)
Tăng Trân biên tập
Toàn Phong biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ