Khi hạnh phúc trở thành thói quen: Mỗi ngày đều là một con người mới
Hạnh phúc dường như giống cơn gió thoảng qua, khiến chúng ta cảm thấy khó nắm bắt. Khi chúng ta thích thú với điều gì đó, bước chân của chúng ta cũng trở nên nhẹ nhàng hơn, giao tiếp với mọi người cũng thân mật và kiên nhẫn hơn. Hạnh phúc có thể kích hoạt lực sống của tế bào và khả năng sáng tạo của não bộ. Dường như ai cũng mong muốn mình có nhiều hạnh phúc hơn trong cuộc đời nhiều buồn vui lẫn lộn này.
Có một câu hát mà có lẽ nhiều người đã từng nghe qua, “đau đớn và hạnh phúc thay.” Giống như khi những người thân trong gia đình và bạn bè châm ngòi cho cơn giận trong tâm của chúng ta, hoặc khi rất nhiều sự tình vướng víu cùng một lúc, khiến chúng ta rất khó phân biệt tốt hay xấu, thích hay không thích.
Tuy nhiên, hạnh phúc có “con đường” đi riêng trong não bộ, đồng thời có thể được củng cố bằng “sức mạnh” của tâm trí, giúp chúng ta vượt qua những rắc rối “cắt không đứt, tâm lý rối bời,” đồng thời đều có lợi ích đối với sức khỏe và tinh thần. Như vậy, làm thế nào chúng ta mới có thể trở nên hạnh phúc và biến hạnh phúc trở thành một thói quen?
Hãy nghĩ rằng “mỗi ngày là một con người mới”
Có người nói rằng, cảm giác khó chịu nhất trên đời chính là “hối hận.” Tiếc nuối và tự trách có thể như hình với bóng, còn cơ thể chúng ta sau mỗi giây đều có thể tạo ra các tế bào mới, “bạn và bạn của giây trước đã không còn giống nhau, huống hồ là bạn của ngày hôm qua.” “Làm mới” bản thân sẽ có thể giúp bạn trút bỏ thất vọng và lấy lại sự tự tin.
Khi bạn cảm thấy buồn vì mình chưa làm tốt, hãy tự nói với bản thân: Chúng ta, những người đang chịu đựng những thử thách và khổ nạn của cuộc đời, thật không dễ dàng gì, chúng ta đã vất vả rồi.
Ông Dawson Church, một chuyên gia nổi tiếng trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học tâm linh, đã tổng hợp các nghiên cứu sinh học, vật lý, tâm lý học v.v. để chứng thực cơ chế phức tạp của việc biến “ý nghĩ” thành “vật chất.” Trong cuốn sách “Tâm trí đến vật chất: Phát hiện khoa học đáng kinh ngạc về cách bộ não của bạn tạo ra vật chất thực tế” (Mind to Matter: The Astonishing Science of How Your Brain Creates Material Reality), ông đã chứng minh rằng chúng ta đang thay đổi từng giây.
Cho dù chúng ta thức hay ngủ, các tế bào thần kinh trong não vẫn đang tiếp tục hoạt động, mỗi giây sẽ có ít nhất một tế bào thần kinh mới, tế bào thần kinh trong não đang tái tạo với tốc độ đáng kinh ngạc, còn các mô khác trong cơ thể như gan, tim và da v.v. cũng đang tái tạo với tốc độ khác nhau.
Điều này có nghĩa là, tự chữa lành là điều mà cơ thể chúng ta đang làm một cách tự nhiên.
Đại não sẽ tổ chức sắp xếp lại để biến niềm vui thành thói quen
Hạnh phúc là một loại tâm cảnh, và cũng là vật chất. Chúng ta có thể lợi dụng ngược lại cơ chế vận tác của đại não để biến niềm vui thành thói quen.
Hầu hết những người bị rối loạn giấc ngủ đều có thể cảm nhận rõ ràng rằng não của họ lúc nào cũng “sôi sục.” Những suy nghĩ của chúng ta thường nhảy ra khỏi tâm trí, khi chúng mạnh mẽ thì thậm chí còn ảnh hưởng đến cuộc sống của chúng ta. Khi nhân viên y tế tiến hành chụp cộng hưởng từ (MRI) hoặc kiểm tra sóng não, họ có thể giải đọc trường năng lượng của đại não, điều này cho thấy rằng suy nghĩ sẽ tạo ra vật chất.
Điều thú vị là khi chúng ta đưa ra quyết định, tham gia học tập hoặc thích nghi với môi trường… thì mỗi suy nghĩ đều đang kích thích một đường thần kinh cụ thể trong não; Nếu một ý nghĩ thường xuyên xuất hiện, đại não sẽ chủ động cường hóa mạch thần kinh thường được sử dụng.
Hãy nghĩ xem trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta đã phát ra bao nhiêu suy nghĩ tiêu cực như hận thù, đố kỵ, tranh luận, phàn nàn… Nếu bạn thường xuyên suy nghĩ như vậy, thể tích phần não này sẽ tăng lên và mạnh hơn, có ảnh hưởng tiêu cực đến tâm trạng và sức khỏe của bạn.
Một khi chúng ta bắt đầu thay đổi suy nghĩ và quan niệm của mình, các tế bào thần kinh trong đại não sẽ được điều phối vận hành lại, các mạch cũ (phần tiêu cực) cũng sẽ dần khô héo. Vì vậy, khi những suy nghĩ tiêu cực tấn công, bạn hãy cố gắng đẩy lùi chúng, để chúng dần trở thành một “mạch cũ không sử dụng,” đồng thời kiến tạo tế bào não bằng những suy nghĩ tích cực và lạc quan.
Những suy nghĩ tích cực mà chúng ta phát ra sẽ liên tục kích thích các tế bào thần kinh trong đám rối thần kinh, và số lượng các kết nối thần kinh thường tăng gấp đôi trong một giờ, do đó sau vài tuần, đại não của chúng ta sẽ có những thay đổi rõ rệt. Tâm tình vui vẻ sẽ tự nhiên lưu động trong tim chúng ta.
“Thiện ý” lý giải người khác sẽ làm tan biến những phiền muộn trong lòng
Khi bạn biết rằng tâm trí có thể liên kết và kích thích mạng lưới thần kinh của não bộ, có lẽ bạn sẽ vội vàng luyện tập cách kiểm soát suy nghĩ của mình để không bị cảm xúc khống chế. Tuy nhiên, đạo lý thì chúng ta đã hiểu, nhưng dường như để làm được điều đó thì có một chút thách thức, đặc biệt là khi đối mặt với sự bất công, bị bắt nạt và các loại chuyện không thuận mắt vừa ý …
Có một câu nói rằng, “khi lòng từ bi của bạn xuất ra, người khác trong mắt bạn sẽ giống như một đứa trẻ.” Chẳng hạn trong quan hệ giữa các cá nhân, có một số trẻ em chậm hiểu khiến giáo viên lầm tưởng các em ngỗ nghịch, không tuân theo nội quy, không nghe lời v.v.
Khi chúng ta gặp những người “không thể nói lý,” chúng ta cũng có thể nhìn nhận theo cách này: suy nghĩ và tâm cảnh của anh ta ở vị trí nào thì sẽ biểu hiện ra như thế, lý giải tiêu cực thì sẽ có những biểu hiện tiêu cực, đó là điều đương nhiên; Chờ đến khi đối phương có thể lý giải một cách tích cực, anh ta sẽ có biểu hiện tích cực, đó là điều bình thường. Nghĩ đến đây, phiền muộn trong lòng bạn cũng tan biến rồi!
Trong khi thiện ý lý giải người khác, chúng ta có thể chọn giao tiếp, bày tỏ, né tránh hoặc từ chối. Tuy nhiên chúng ta sẽ không quay lưng rời đi rồi giậm chân tức giận, sẽ không đóng cửa rồi mắng mỏ… Dần dần, những suy nghĩ tích cực và hạnh phúc cũng sẽ nhiều hơn.
Những cái ôm hình con bướm có thể nhanh chóng chữa lành tâm trạng
Bộ phim truyền hình nổi tiếng của Hàn Quốc “Điên thì có sao” (사이코지만 괜찮아) có một cảnh quay đẹp và lãng mạn: khi nhân vật nữ chính đang rất xúc động, nhân vật nam chính đi đến sau lưng cô, anh hướng dẫn cô giơ tay vắt chéo trước ngực, ôm lấy hai vai, rồi từ từ vỗ nhẹ hai bên cho đến khi tâm trạng dịu lại…
Đây là phương pháp ôm hình con bướm đã được các nhà trị liệu tâm lý xác nhận là có thể nhanh chóng làm dịu cảm xúc cao trào và mất kiểm soát của bạn. Phương pháp tự an ủi này phù hợp với tất cả mọi người, chẳng hạn như khi đối mặt với sân khấu, thi cử và các áp lực khác trong cuộc sống…, khi đột ngột xuất hiện chuyện buồn, cảm giác buồn bực, vô cùng bất lực khi hoàn cảnh không như mong đợi, thậm chí các triệu chứng hoảng sợ như tức ngực đột ngột v.v.
Bạn có thể tự trải nghiệm việc ôm lấy vai mình và lắng nghe những bản nhạc trong trẻo tuyệt đẹp, cảm giác sẽ càng thư thái hơn. Nếu không tiện ôm bản thân ở ngoài trời hoặc nơi công cộng, bạn cũng có thể vỗ nhẹ vào đùi từ 3 đến 5 phút, bí quyết chính là “luân phiên trái phải,” một trái một phải, chậm rãi vỗ luân phiên, nó cũng có thể khiến bạn nhanh chóng bình tĩnh lại.
Các nhà trị liệu tâm lý cho rằng việc kích thích “hai bên trái phải” của con người có thể giúp não trái và não phải liên kết, đồng thời chuyển hóa những ký ức đau buồn sâu thẳm trong tim một cách lành mạnh. Ngủ đủ giấc cũng có khả năng chữa bệnh tự nhiên, giúp loại bỏ những cảm xúc xấu và căng thẳng, nhưng đôi khi chúng ta lại không thể ngủ ngon do cảm xúc và căng thẳng quá mức.
Bác sĩ đề nghị bạn có thể thực hiện nhiều động tác nhãn cầu hơn, để nhãn cầu từ từ di chuyển từ bên này sang bên kia; hoặc có thể ra ngoài đi dạo, nhìn trái nhìn phải, kích thích vận động song phương, chúng đều có thể giúp chúng ta loại bỏ nội tâm lo lắng, tổn thương và căng thẳng.
Có rất nhiều chuyện buồn từng trải qua trong quá khứ, chúng ta tưởng rằng đã quên nhưng có thể chúng vẫn tích tụ trong lòng, thỉnh thoảng lại ảnh hưởng đến chúng ta. Khi bạn chỉ vì một chuyện nhỏ mà nổi trận lôi đình và cảm thấy như sắp gục ngã, bạn nên tìm hiểu xem trong lòng mình có những ký ức khó quên hay không, sau đó hãy xây dựng lại mạng lưới thần kinh của não bộ bằng những suy nghĩ tích cực.