Israel lo ngại ‘chiến tranh 3 mặt trận’ khi căng thẳng gia tăng ở Tây Ngạn
Người Palestine ở Tây Ngạn phẫn nộ khi chiến đấu cơ của Israel tiếp tục tấn công Dải Gaza để đáp trả cuộc đột kích đẫm máu xuyên biên giới của Hamas.
Khi Israel chuẩn bị xâm chiếm Dải Gaza đang bị bao vây, các quan chức quân sự đã lên tiếng lo ngại về một “mặt trận thứ ba” có thể mở ra ở Tây Ngạn lân cận.
Nói chuyện với Reuters hôm 20/10, ông Jonathan Conricus, một phát ngôn viên của quân đội, cho biết nhóm khủng bố Hamas tại Gaza đã tìm cách “nhấn chìm” Israel trong một “cuộc chiến hai hoặc ba mặt trận.”
Vị phát ngôn viên cho biết: “Mối đe dọa này đang tăng cao.”
Là nơi sinh sống của khoảng 2.75 triệu người Palestine và 670,000 người định cư Do Thái, Tây Ngạn cũng bao gồm Đông Jerusalem do Israel kiểm soát — nơi từ lâu là điểm nóng bạo lực giữa hai bên.
Những lo ngại của Israel về “mặt trận thứ ba” xuất phát từ Tây Ngạn trùng hợp với chiến dịch không kích đang diễn ra của Israel vào Dải Gaza do Hamas kiểm soát.
Trong 13 ngày qua, chiến đấu cơ của Israel đã tấn công dải đất ven biển này, san bằng các tòa nhà và làm hàng trăm — có thể hàng ngàn — người Palestine thiệt mạng.
Các cuộc không kích này nhằm đáp trả cuộc đột kích đẫm máu xuyên biên giới của những kẻ khủng bố Hamas hôm 07/10, khiến khoảng 1,400 người Israel — gồm binh sĩ và thường dân — thiệt mạng.
Trong cuộc tấn công này, các tay súng Hamas cũng bắt nhiều người Israel làm con tin với hy vọng đổi họ lấy tù nhân Palestine.
Hôm 20/10, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant cho biết cuộc chiến đang diễn ra của Israel ở Gaza là nhằm mục đích “loại bỏ” Hamas và tạo ra một “khuôn khổ an ninh” mới.
Cùng ngày, Bộ Y tế Gaza tuyên bố cho đến nay có hơn 4,000 người Palestine đã thiệt mạng — và 13,000 người bị thương — trong các cuộc không kích suốt ngày đêm của Israel.
Israel cũng tuyên bố tiến hành một cuộc tấn công trên bộ vào Dải Gaza, với hàng trăm binh sĩ, cũng như xe tăng và các thiết bị tấn công khác đã được đồn trú xung quanh đó.
Tuy nhiên, cho đến nay, vẫn chưa rõ khi nào hoặc liệu Israel có tiến hành cuộc tấn công trên bộ như đã cam kết hay không.
Hôm 19/10, ông Gallant cho biết quân đội Israel được đồn trú dọc biên giới vùng đất này sẽ sớm nhìn thấy Dải Gaza do Hamas-kiểm-soát “từ bên trong.”
Kể từ năm 2007, Israel và Ai Cập đã phong tỏa Dải Gaza. Hai quốc gia này có chung đường biên giới dài 7.5 dặm (11.3 km) với lãnh thổ Palestine.
Hezbollah: ‘Mặt trận thứ 2’ của Israel
Kể từ khi bắt đầu làn sóng bạo lực mới nhất này tại Trung Đông, Israel cũng đã giao tranh với lực lượng dân quân Shiite Hezbollah của Lebanon, lực lượng mà họ tiếp tục giao chiến xuyên biên giới.
Cả hai bên đều tuyên bố đã có thương vong, bao gồm cả quân đội Israel và các chiến binh Hezbollah, cũng như thường dân Israel và Lebanon.
Trong bối cảnh các cuộc giao tranh ăn miếng trả miếng, hôm 20/10 Israel cho biết họ có kế hoạch di tản 20,000 cư dân tại thị trấn Kiryat Shmona phía bắc Israel.
Theo một phát ngôn viên của quân đội Israel, cuộc di tản quy mô lớn này nhằm mang lại cho quân đội Israel “sự tự do hoạt động” lớn hơn chống lại Hezbollah.
Năm 2006, Israel đã tham gia vào một cuộc chiến đẫm máu kéo dài một tháng với Hezbollah, nhóm có quan hệ chặt chẽ với Iran, từ lâu đã được coi là kẻ thù không đội trời chung của nhà nước Do Thái trong khu vực.
Trong một tuyên bố hôm 20/10, Hezbollah cảnh báo rằng “việc sát hại thường dân Lebanon và các cuộc tấn công [của Israel] vào an ninh đất nước chúng tôi sẽ bị đáp trả.”
Trong một chuyến công du đến Beirut hồi tuần trước, Ngoại trưởng Iran Hossein Amir-Abdollahian đã cảnh báo rằng “tội ác chiến tranh” của Israel đối với người Palestine ở Gaza sẽ gây ra phản ứng từ “trục kháng chiến.”
Thuật ngữ địa chính trị này đề cập đến một liên minh lỏng lẻo của các quốc gia và nhóm trong khu vực phản đối Israel một cách kịch liệt.
Cùng với Iran, “trục kháng chiến” bao gồm Syria, Hezbollah, các nhóm khủng bố Hamas, và Hồi giáo Jihad có căn cứ tại Gaza.
Trong chuyến công du tới thủ đô Lebanon, ông Amir-Abdollahian cũng đã gặp gỡ thủ lĩnh lâu năm của Hezbollah, ông Hassan Nasrallah.
Tehran hoan nghênh cuộc đột kích xuyên biên giới của Hamas vào Israel đồng thời bác bỏ tuyên bố của Israel và phương Tây rằng lực lượng này đóng một vai trò quan trọng trong vụ tấn công đẫm máu này.
Điểm nóng tại Tây Ngạn
Bạo lực cũng đã nhấn chìm Tây Ngạn do Israel kiểm soát, một vùng đất nội địa độc lập của người Palestine nằm trong đất liền do Chính quyền Palestine (PA) tại Ramallah điều hành một phần (cùng với Israel).
Hôm 20/10, Reuters đưa tin, kể từ khi bạo lực mới nhất nổ ra hôm 07/10, hơn 80 người Palestine ở Tây Ngạn đã thiệt mạng trong các cuộc đụng độ với quân đội Israel và những người định cư Do Thái có vũ trang.
Cũng theo Reuters, trong cùng thời gian đó, 900 người Palestine ở Tây Ngạn đã bị lực lượng an ninh Israel bắt giữ.
Hàng chục người khác được cho là đã bị bắt trong các cuộc đột kích của Israel lúc rạng sáng hôm 20/10.
Theo quân đội Israel, ít nhất một sĩ quan Israel đã thiệt mạng khi tham gia các cuộc đột kích trước bình minh này.
Các quan chức PA cho biết, một ngày trước đó, các chiến đấu cơ của Israel được cho là đã tấn công một trại tị nạn ở Tây Ngạn, khiến 12 người Palestine thiệt mạng.
The Epoch Times không thể xác thực một cách độc lập các tuyên bố của cả hai bên.
Cùng với việc phong tỏa Gaza kéo dài 16 năm, Hamas đã viện dẫn các chính sách độc đoán của Israel ở Tây Ngạn là nguyên nhân dẫn đến cơn thịnh nộ xuyên biên giới đẫm máu của họ.
Kể từ vụ nổ tại một bệnh viện ở Gaza hôm 17/10 khiến hàng trăm người Palestine thiệt mạng, các cuộc biểu tình phẫn nộ đã bùng nổ rải rác trên khắp Tây Ngạn.
Israel và người Palestine đã quy trách nhiệm cho nhau về vụ nổ tại bệnh viện này. Theo Bộ Y tế Gaza, vụ nổ đã khiến hơn 450 người Palestine thiệt mạng.
Tại Ramallah, người Palestine đã yêu cầu Tổng thống Chính quyền Palestine Mahmoud Abbas từ chức, cho rằng ông chưa làm đủ để ngăn chặn cuộc tấn công dữ dội của Israel vào Gaza.
Trong khi ông Abbas lên án cuộc chiến của Israel tại dải đất ven biển, lực lượng an ninh của ông cũng đã trấn áp các cuộc biểu tình của người Palestine ở Tây Ngạn.
Hôm 18/10, ông Abbas đã hủy cuộc gặp bốn bên đã được ấn định với Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden. Tổng thống Biden đã đến khu vực này để bày tỏ sự ủng hộ hoàn toàn đối với Israel.
Ông Abbas cùng với các nhà lãnh đạo Ai Cập và Jordan — cả hai vốn đều là đồng minh lâu năm trong khu vực của Hoa Kỳ — từ chối gặp Tổng thống Biden.
Năm 1967, Israel chiếm được Dải Gaza từ Ai Cập và Tây Ngạn từ nước láng giềng Jordan.
Năm 2005, lực lượng Israel rút khỏi Dải Gaza, trong khi Tây Ngạn vẫn nằm dưới sự kiểm soát của Israel.
Năm 2007, Hamas giành quyền kiểm soát Dải Gaza từ phe Fatah đối thủ của Palestine, hiện do ông Abbas đứng đầu.