Hoa Kỳ bày tỏ lo ngại với Bắc Kinh về ‘các hành động gây bất ổn’ ở Biển Đông
Thứ trưởng Ngoại giao Kurt Campbell bày tỏ “những lo ngại nghiêm trọng” về hành động của ĐCSTQ trên tuyến đường thủy quan trọng trong cuộc điện đàm với một quan chức cấp cao của Trung Quốc.
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Kurt Campbell đã bày tỏ “những lo ngại nghiêm trọng” về “các hành động gây bất ổn” của chính quyền Trung Quốc ở Biển Đông trong một cuộc điện đàm với người đồng cấp Trung Quốc hôm thứ Năm (27/06).
Cuộc điện đàm của ông Campbell với Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc, ông Mã Triêu Húc (Ma Zhaoxu), là cuộc trao đổi mới nhất trong một loạt các hình thức giao thiệp mà Hoa Thịnh Đốn nói là nhằm mục đích quản lý cạnh tranh một cách có trách nhiệm giữa hai cường quốc đối địch.
Hoa Kỳ và Trung Quốc cộng sản vẫn mâu thuẫn trên hầu hết mọi phương diện, từ thương mại đến công nghệ, điều kiện nhân quyền ở đại lục, và Hồng Kông, cho đến vai trò của Bắc Kinh trong việc trợ giúp cuộc chiến của Moscow chống lại Ukraine cũng như sự gây hấn quân sự của chính quyền này ở Biển Đông.
Theo Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, cuộc trò chuyện giữa ông Campbell với ông Mã đề cập đến cả những khác biệt lẫn những lĩnh vực có thể hợp tác.
Ông Campbell “đã nêu ra những lo ngại nghiêm trọng về các hành động gây bất ổn của CHND Trung Hoa ở Biển Đông, trong đó có ở Bãi cạn Second Thomas, khẳng định sự ủng hộ của Hoa Kỳ đối với quyền tự do hàng hải và quyền tự do bay qua không phận cũng như cách giải quyết các tranh chấp trong hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế,” phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Matthew Miller cho biết trong một tuyên bố hôm 27/06, sử dụng cụm từ viết tắt tên chính thức của Trung Quốc dưới thời Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.
Ông Campbell, cho đến gần đây vẫn đóng vai trò là người định hướng và điều phối quan trọng cho chính sách Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Tổng thống Joe Biden, nói với ông Mã rằng các cam kết của Hoa Kỳ với Philippines theo Hiệp ước Phòng thủ Chung vẫn “vững chắc,” theo ông Miller.
Ông Campbell cũng nhấn mạnh “tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình và ổn định trên Eo biển Đài Loan,” nơi quân đội Trung Quốc gần đây đã tổ chức các cuộc tập trận quân sự quy mô lớn mà Bắc Kinh nói là được xây dựng để kiểm tra khả năng “thâu tóm quyền lực” đối với Đài Loan tự trị.
Liên quan đến cuộc chiến tranh ở Ukraine, ông Miller cho biết ông Campbell “nhắc lại mối lo ngại” về việc chính quyền Trung Quốc trợ giúp cơ sở công nghiệp quốc phòng của Nga. Ông nói rằng hai quan chức cấp cao này cũng thảo luận về những thách thức trên Bán đảo Triều Tiên.
Chính quyền Trung Quốc có vẻ thờ ơ trước lời kêu gọi của Hoa Thịnh Đốn.
Tại một cuộc họp báo thường kỳ hôm 28/06, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh (Mao Ning) nói với các phóng viên rằng ông Mã và ông Campbell đã có cuộc trò chuyện “thẳng thắn và sâu sắc,” trong đó phía Trung Quốc nhấn mạnh lập trường của mình về các vấn đề liên quan đến Đài Loan, Tây Tạng, Ukraine, và Biển Đông.
Ông Mã quy trách nhiệm cho Philippines về căng thẳng gia tăng ở Biển Đông và kêu gọi phía Hoa Kỳ ngừng ủng hộ điều mà Trung Quốc gọi là “những hành động khiêu khích và phiền toái” của Philippines, theo bà Mao.
ĐCSTQ đưa ra các yêu sách chủ quyền đối với gần như toàn bộ Biển Đông, tuyến đường thủy quan trọng đối với thương mại toàn cầu.
Các quốc gia lân bang của nước này — cụ thể là Philippines, Việt Nam, Malaysia, Đài Loan, và Brunei — cũng có tuyên bố chồng lấn về chủ quyền đối với tuyến đường thủy quan trọng này.
Cuộc trao đổi mới nhất giữa Hoa kỳ và Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh tình hình Biển Đông đang căng thẳng, sau nhiều cuộc đối đầu giữa các tàu Trung Quốc và Philippines trên tuyến đường thủy quan trọng này trong những tháng gần đây.
Trong cuộc chạm trán hôm 17/06, Philippines nói rằng thuyền viên của họ đã bị thương, và các tàu bị hư hại sau một cuộc đụng độ giữa các tàu của Manila và Bắc Kinh gần Bãi cạn Second Thomas, một phần của quần đảo Trường Sa đang tranh chấp ở Biển Đông.
Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết phía Philippines đã tiếp cận “một cách cố tình và nguy hiểm” các tàu hải quân của nước này, gây ra vụ va chạm nói trên. Bộ Ngoại giao Philippines nói rằng “các hành động bất hợp pháp và gây hấn” của chính quyền Trung Quốc đã dẫn đến vụ việc này.
Một phán quyết quốc tế năm 2016 đã bác bỏ yêu sách chủ quyền của ĐCSTQ đối với vùng biển gần Bãi cạn Second Second Thomas, nói rằng hòn đảo này nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines. Tuy nhiên, ĐCSTQ đã bác bỏ phán quyết của tòa án thuộc Liên Hiệp Quốc tại The Hauge này và từ chối tham gia vào quá trình phân xử tranh chấp đó.
Trước sự bành trướng quân sự của ĐCSTQ, Philippines và Hoa Kỳ đã đồng ý tăng cường hợp tác quân sự. Hồi tháng 02/2023, hai nước đã ký một thỏa thuận mở rộng sự hiện diện quân sự của Hoa Kỳ tại Philippines bằng cách cho phép [Hoa Kỳ] tiếp cận thêm bốn căn cứ quân sự của quốc đảo này.
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times