Ngoại trưởng Blinken nêu lên mối lo ngại của Hoa Kỳ trong cuộc nói chuyện với Ngoại trưởng Trung Quốc tại Lào
Ngoại trưởng Blinken đã nói chuyện với người đồng cấp Trung Quốc về Philippines, Đài Loan, và vấn đề nhân quyền của Trung Quốc.
Hôm 27/07, bên lề diễn đàn khu vực Đông Nam Á tại Lào, Ngoại trưởng Antony Blinken đã nói với người đồng cấp Trung Quốc rằng Hoa Kỳ và các đối tác sẽ thúc đẩy “tầm nhìn dành cho khu vực Ấn Độ Dương–Thái Bình Dương tự do và rộng mở.”
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Matthew Miller cho biết trong thông báo rằng Ngoại trưởng Blinken và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã có “những cuộc thảo luận cởi mở và hiệu quả” về nhiều vấn đề quan trọng. Hai ngoại trưởng này đã có mặt tại Vientiane, Lào, để tham dự cuộc họp của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Đây là cuộc họp thứ sáu giữa ông Blinken và ông Vương kể từ năm ngoái. Cuộc họp này diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng gây hấn với Đài Loan và Philippines, cũng như căng thẳng giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ về vai trò của Bắc Kinh trong cuộc chiến của Nga ở Ukraine.
“Ngoại trưởng đã nêu lên mối lo ngại về các hành động gây mất ổn định của CHND Trung Hoa ở Biển Đông, kể cả ở Bãi cạn Second Thomas (Bãi Cỏ Mây), và khẳng định sự ủng hộ của Hoa Kỳ đối với tự do hàng hải và hàng không cũng như cách giải quyết bằng hòa bình đối với các tranh chấp, phù hợp với luật pháp quốc tế,” ông Miller nêu rõ, đề cập đến tên chính thức của Trung Quốc là Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (CHND Trung Hoa).”
Hôm 27/07, Bộ Ngoại giao Philippines thông báo rằng nhân viên của họ đã vận chuyển thực phẩm và vật phẩm tiếp tế khác đến Bãi Cỏ Mây ở Biển Đông mà không có bất kỳ trở ngại nào. Đây là lần đầu tiên việc vận chuyển diễn ra suôn sẻ kể từ khi hai bên đồng ý với thỏa thuận đạt được hôm 21/07.
Trước khi đạt được thỏa thuận này, hải cảnh và các lực lượng khác của Trung Quốc đã sử dụng vòi rồng và các cuộc diễn tập trên biển để ngăn Philippines vận chuyển hàng tiếp tế cho quân nhân đồn trú tại Bãi Cỏ Mây.
Trình bày tại hội nghị các bộ trưởng ASEAN trước khi gặp ông Vương, ông Blinken cho biết ông rất hài lòng vì thỏa thuận Trung Quốc–Philippines đã tạo nên sự khác biệt. “Chúng tôi hoan nghênh điều đó và hy vọng cũng như mong đợi được chứng kiến thỏa thuận này sẽ tiếp tục tiến triển,” ông nói thêm.
Vấn đề Đài Loan
Về Đài Loan, ông Blinken nhấn mạnh tầm quan trọng của việc “duy trì hòa bình và ổn định trên Eo biển Đài Loan.”
ĐCSTQ đang nhắm đến việc thôn tính Đài Loan, tin rằng hòn đảo tự trị này là một tỉnh ly khai. Trong những năm gần đây, chính quyền Trung Quốc đã sử dụng biện pháp cưỡng bách quân sự, chẳng hạn như điều động phi cơ quân sự và chiến hạm đến các khu vực gần Đài Loan, nhằm tác động đến dư luận và chính sách của chính phủ hòn đảo này.
Hồi tháng Năm, Tổng thống Đài Loan Lại Thanh Đức (Lai Ching-de) nhậm chức sau khi thắng cuộc bầu cử hồi tháng Một. Kể từ đó, ĐCSTQ đã gia tăng áp lực lên chính phủ Tổng thống Lai, kể cả tiến hành hai ngày diễn ra những gì mà họ gọi cuộc tập trận quân sự “trừng phạt” bao vây Đài Loan.
Trong sự kiện do Viện Doanh nghiệp Hoa Kỳ tổ chức hôm 24/07, ông Ely Ratner—Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ phụ trách các vấn đề an ninh Ấn Độ Dương–Thái Bình Dương—cho rằng cuộc xâm lược của Trung Quốc vào Đài Loan “không phải là sắp xảy ra và cũng không phải là không thể tránh được,” trích dẫn lại lời Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin.
“Toàn thế giới đều có lợi ích trong hòa bình và ổn định ở Eo biển Đài Loan. Và tôi nghĩ chúng ta đang chứng kiến biểu hiện của điều đó trong hoạt động ngoại giao giữa chính phủ và cá nhân của chúng ta mỗi ngày khi ngày càng nhiều quốc gia trên thế giới bày tỏ tầm quan trọng của việc duy trì sự ổn định ở Eo biển Đài Loan,” ông Ratner nói thêm.
Theo bản thông báo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc về cuộc họp, ông Vương đã nói với ông Blinken rằng Đài Loan “sẽ không còn là một quốc gia trong tương lai” và Trung Quốc đang “hướng tới mục tiêu thống nhất.”
“Ngoại trưởng đã nhắc lại mối lo ngại nghiêm trọng về việc CHND Trung Hoa trợ giúp cho cơ sở công nghiệp quốc phòng của Nga và nói rõ rằng nếu CHND Trung Hoa không hành động để giải quyết mối đe dọa này đối với an ninh của châu Âu, thì Hoa Kỳ sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp thích hợp để làm như vậy,” ông Miller cho biết.
Trong cuộc họp báo hôm 25/07, ông Miller cho biết chính phủ Tổng thống Biden đã áp đặt hơn 300 lệnh trừng phạt và kiểm soát xuất cảng đối với các tổ chức Trung Quốc vì đã trợ giúp cho cuộc chiến của Nga. “Chúng tôi sẽ không ngần ngại áp dụng thêm các biện pháp khi cần thiết,” ông nói tại cuộc họp báo.
Vấn đề nhân quyền
Ông Blinken cũng trao đổi với ông Vương về những lo ngại của Hoa Kỳ đối với hồ sơ nhân quyền của Trung Quốc.
“Ngoại trưởng nhắc lại rằng Hoa Kỳ sẽ tiếp tục thực hiện các hành động cần thiết để bảo vệ lợi ích và giá trị của chúng tôi, cũng như của các đồng minh và đối tác của chúng tôi, trong đó có vấn đề nhân quyền,” ông Miller cho biết. “Ngoại trưởng nhấn mạnh rằng việc giải quyết các trường hợp công dân Hoa Kỳ bị giam giữ trái phép hoặc bị cấm xuất cảnh tại Trung Quốc vẫn là ưu tiên hàng đầu.”
Hồi tháng Một, các Thượng nghị sỹ Tim Kaine (Dân Chủ-Virginia), Marco Rubio (Cộng Hòa-Florida), Jeff Merkley (Dân Chủ-Oregon), và Marsha Blackburn (Cộng Hòa-Tennessee) đã viết một lá thư cho ông Blinken bày tỏ lo ngại về các vụ ngược đãi nhân quyền của Trung Quốc, trong đó có việc Trung Quốc giam giữ oan sai ít nhất ba công dân Hoa Kỳ—Mark Swidan, Kai Li, và David Lin.
Bức thư cũng đề cập đến các hành vi vi phạm nhân quyền của Trung Quốc ở Tân Cương, Tây Tạng, và Hồng Kông, cũng như các vụ ngược đãi của nhà cầm quyền nước này đối với những người bảo vệ nhân quyền Trung Quốc.
“ĐCSTQ tiếp tục sử dụng hệ thống pháp luật của CHND Trung Hoa để đe dọa, trừng phạt, và bịt miệng các nhà hoạt động Trung Quốc vì đã nâng cao nhận thức về các vấn đề dân sự và xã hội mà ĐCSTQ không muốn để cho công chúng thảo luận, cũng như ủng hộ nhân quyền, và chỉ trích các chính sách và hoạt động của chính quyền,” bức thư của các thượng nghị sĩ viết, nêu ra các trường hợp của cô Hoàng Tuyết Cầm (Sophia Huang), anh Vương Kiến Binh (Wang Jianbing), và ông Cao Trí Thịnh (Gao Zhisheng).
Bản tin có sự đóng góp của The Associated Press
Khánh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times